Cần thị trường minh bạch để chặn vấn nạn biến đồ dỏm thành cổ vật trị giá tỷ đô

(PLVN) - Bảo tàng tỉnh Phú Yên vừa có báo cáo kết quả thẩm định “cổ vật” xuất hiện ở tỉnh này được đồn đoán có niên đại 20.000 năm tuổi, trị giá 1,5 tỷ USD (tương đương khoảng 34.000 tỷ đồng) thực chất chỉ là đồ giả cổ. 
Cần thị trường minh bạch để chặn vấn nạn biến đồ dỏm thành cổ vật trị giá tỷ đô

Đồ công nghiệp, sản xuất hàng loạt

Báo cáo số 60/BC-BT do ông Nguyễn Hữu An - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên ký ngày 13/3 nêu rõ, số hiện vật gồm một hiện vật bình hồ lô và hai hiện vật hình con cóc do gia đình ông Lê Văn Bay (ngụ khu phố Mỹ Lệ Đông, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) sở hữu.

Theo đó, hiện vật bình hồ lô được đúc bằng chất liệu đồng, cao 30cm, đường kính rộng nhất 15cm, trên thân hồ lô có hình 8 vị tiên đúc nổi theo điển tích Trung Hoa, bên dưới có 4 chữ Hán được dịch là “Tuyên Đức Niên Chế”. Hai hiện vật hình con cóc ngậm đồng tiền vàng được đúc bằng chất liệu đồng, cao 7cm, dài 19cm, bên dưới đế có 4 chữ Hán được dịch là “Đại Minh Tuyên Đức”.

Sau khi kiểm tra thực tế các hiện vật, Bảo tàng tỉnh Phú Yên xác định, bộ hiện vật nêu trên không phải là cổ vật mà là đồ giả cổ. Do đó, số hiện vật này không có giá trị lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng như một số thông tin đồn đoán.

Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên kiểm tra đồ vật có hình giống hồ lô (Ảnh: Thanh niên)
 Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên kiểm tra đồ vật có hình giống hồ lô (Ảnh: Thanh niên)

Những hiện vật nói trên được sản xuất với số lượng lớn, được bày bán tại một số điểm bán hàng lưu niệm và đồ mỹ nghệ. Gần đây có người còn giới thiệu và bán trên mạng xã hội. Hiện vật bình hồ lô có giá khoảng 1 - 3 triệu đồng, tùy theo kích thước. Hiện vật hình con cóc có giá từ 300.000 - 500.000 đồng. Có trường hợp người bán dùng nhiều cách làm biến đổi màu sắc, độ oxy hóa trên bề mặt hiện vật để giống như đồ cổ nhằm bán với giá cao hơn. 

Cũng theo báo cáo, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện loại hiện vật này trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Vào năm 2016, một người đến bảo tàng chào bán một bộ hiện vật có đặc điểm tương tự. Qua xác minh, Bảo tàng tỉnh Phú Yên cũng xác định đây là đồ giả cổ.

Với kết quả xác minh nêu trên, Bảo tàng tỉnh Phú Yên đề xuất Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh có văn bản phản hồi thông tin cho UBND huyện Tây Hòa để chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương biết rõ thực hư, bác bỏ những tin đồn thổi không đúng về giá trị hiện vật mà gia đình ông Bay đang lưu giữ. 

Sau khi xem qua hình ảnh các hiện vật mà gia đình ông Bay đang sở hữu, nhiều nghệ nhân chế tác đồ đồng cũng khẳng định đây là đồ giả cổ. Những hiện vật này được đúc từ khuôn với số lượng nhiều để bán cho người có nhu cầu trưng bày.

Khi nhìn hiện vật bình hồ lô và hai hiện vật hình con cóc thấy những vết xanh lỗ chỗ, xì ra trên bề mặt màu đồng sáng, đủ khẳng định là đồ giả cổ. Bởi vết “ten” xanh, điểm lũng ấy do bị hàn the xì ra. Vì trong quá trình đúc đồng, thợ đúc ngày nay thường trộn bột hàn the, tác dụng hạ nhiệt độ nóng chảy của đồng và khi rót khuôn, mặt đúc trơn láng hơn, đỡ mất công làm nguội.

Chiêu trò của kẻ xấu

Theo ông Bay, cách đây 13 năm, trong một lần đi làm gỗ ở khu vực giáp ranh giữa Tây Nguyên và Campuchia, ông nhặt được các hiện vật nói trên, sau đó mang về trưng bày và coi đó là vật quý.

Suốt nhiều năm nay, những hiện vật này vẫn được ông Bay trưng bày trong nhà và không ai đồn đoán gì về nó. Cho đến ngày 9/2, có hai người đi ô tô đến nhà ông hỏi xem các hiện vật trên rồi ra về. Những người này không đề cập đến số tiền mua hay giá trị cũng như niên đại của các hiện vật này.

Tuy nhiên, sau đó ở huyện Tây Hòa và nhiều nơi ở tỉnh Phú Yên bỗng xuất hiện thông tin gia đình ông Bay nhặt được cổ vật 20.000 năm tuổi, trị giá 1,5 tỷ USD, khiến dư luận xôn xao. 

Món đồ giả cổ khiến gia đình ông Bay khốn khổ
 Món đồ giả cổ khiến gia đình ông Bay khốn khổ

Ông Bay khẳng định, ông và các thành viên trong gia đình không tung tin này. Từ trước đến khi xuất hiện thông tin bịa bặt này, chưa có cơ quan nào thẩm định về niên đại, giá trị thật sự của các hiện vật mà gia đình ông lưu giữ. 

“Sau khi nhặt được các hiện vật, tôi chỉ nghĩ đó là vật quý. Những hiện vật này có duyên với tôi nên tôi giữ lại, chứ không nghĩ đến chuyện buôn bán gì cả. Vậy mà ai đó đã tung tin đồn rằng những hiện vật này có tuổi đời hàng chục nghìn năm, có giá trị hàng tỷ đô, khiến nhiều người hiếu kỳ đến nhà dò hỏi, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình tôi”, ông Bay cho biết.

Cần thị trường minh bạch

Đồ cổ đương nhiên là đồ quý hiếm và rất đắt giá. Thú chơi này muôn phần khắc nghiệt nhưng thiêu đốt ngọn lửa đam mê của những ai trót đắm mình trong thế giới cổ vật. Họ xem đó là hành trình “chinh phục” những vật phẩm thấm đẫm nét văn hóa trong lịch sử phát triển của loài người. 

Không một ai trong nghề dám vỗ ngực bảo mình chưa từng trả một khoản “học phí” trong quá trình mua đi, bán lại. Bởi hàng giả cổ bây giờ được chế tác tinh vi, nếu vội vàng, không quan sát kỹ thì người sưu tầm cổ vật rất dễ bị dính bẫy lừa. Chưa kể, đồ cổ cũng là món hàng đặc biệt, đã mua không được trả lại, không phiếu bảo hành, không khuyến mãi và không ít người tán gia bại sản hoặc ôm về mình những món hàng không còn giá trị.  

Dò trên các trang mạng về sưu tầm, mua bán cổ vật, chuyện đào được đồ đồng diễn ra hà rầm. Nhiều người khoe đào được từ nhà với cả bộ gồm nhiều món như: hồ lô, con gà, con cóc, tượng Phật Di Lặc… và hầu hết dưới đáy đều khắc chữ Hán. Chủ nhân những món đồ kể trên, hầu hết cho rằng những món đồ này là đồ cổ vì đã dò la, hỏi nhiều người trong giới sưu tầm.

Thế nhưng, theo các chuyên gia trong giới sưu tầm cổ vật thì đó là những chiêu cũ rích nhắm vào người chơi mới. Đơn giản nhất là chiêu bài đào lên đồ cổ từ trong nhà, đều là đồ giả, rẻ tiền. Cao tay hơn là rủ người sưu tầm ra tận nơi nghi ngờ có cổ vật rồi lấy máy rà kim loại phát hiện vị trí, sau đó đào tận mắt, moi lên những món đồ tinh xảo giả cổ, rồi bán với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực. Người mua gần như tin tưởng tuyệt đối, bởi chính mắt nhìn từ công đoạn rà vị trí, đến khi đào đồ lên, thật khó nghĩ đó là đồ giả. 

Với sự cho phép của Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, thị trường cổ vật được công khai hoạt động. Cổ vật được chính thức nhìn nhận dưới góc độ một loại tài sản, loại hàng hóa đặc biệt không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, mà còn có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cho các chủ sở hữu. 

Tuy nhiên, không phải mọi cổ vật đều có thể tham gia lưu thông. Đó phải là những hiện vật thuộc sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác ngoài sở hữu toàn dân, sở hữu của các tổ chức chính trị xã hội; phải là những tài sản có nguồn gốc hợp pháp đã đăng ký sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các chuyên gia cho rằng, chúng ta đã có luật công nhận nhưng vẫn chưa có thị trường chính thức, không có một khung giá nhất định, không có những cuộc đấu giá. Đó là lý do làm cho thị trường này phức tạp, dẫn đến việc buôn bán chui, trao đổi kín, thế là nhiều khi thật giả lẫn lộn, giá đồ giả có khi hơn giá đồ thật. 

Từ vụ việc của gia đình ông Bay có thể nhận định, nhiều khả năng đây chỉ là chiêu trò thổi giá, tạo cơn sốt ảo nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo của kẻ xấu.

Đọc thêm