Cảnh báo tình trạng thuốc giả đang gia tăng mạnh giữa đại dịch Covid-19

(PLVN) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, số lượng thuốc giả liên quan đến virus corona đang được bán ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc sử dụng và tiêu thụ những loại thuốc giả này sẽ dẫn đến “tác dụng phụ nghiêm trọng”, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. 
Cảnh báo tình trạng thuốc giả đang gia tăng mạnh giữa đại dịch Covid-19

Thuốc giả tràn lan khắp châu Phi 

Một cuộc điều tra của BBC cho thấy, thuốc giả được bày bán tràn lan ở châu Phi trong bối cảnh nhu cầu dành cho thuốc tăng mạnh lên vì đại dịch Covid-19. Theo một chuyên gia, song song với đại dịch Covid-19 là đại dịch thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Hiện nay trên thế giới, khi dịch bệnh tràn lan khắp nơi, hầu như mọi người đều đang tích trữ những loại thuốc cơ bản.

Tuy nhiên, hai nguồn cung sản xuất thuốc men và vật tư y tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đang bị phong tỏa và đình trệ sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu đối với thuốc ngày càng lớn, vì vậy thuốc giả, thuốc kém chất lượng có cơ hội xuất hiện ngày càng nhiều. Những kẻ lừa đảo lợi dụng tình hình rối ren hiện nay để làm ăn bất chính.

Theo WHO, thị trường dược phẩm giả, bao gồm các loại thuốc bị nhiễm độc, chứa sai chất hoặc chứa chất đã hết hoạt tính, hết hạn sử dụng... có trị giá lên tới 30 tỷ USD và diễn ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và vừa. “Những loại thuốc giả này không thể điều trị bệnh theo như mong muốn. Thậm chí chất độc trong thuốc còn làm tổn hại tới sức khỏe con người”, ông Pernette Bourdillion Esteve, người đứng đầu đội đặc trách của WHO về xử lý dược phẩm giả, cho biết. 

Ngay khi WHO vừa tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu thì chỉ trong 1 tuần sau đó, Operation Pangea - đơn vị phòng chống tội phạm y tế toàn cầu của Interpol đã thực hiện 121 vụ bắt giữ tại 90 quốc gia. Số lượng thuốc giả bị thu giữ trong chiến dịch này trị giá 14 triệu USD. Tang vật của những đợt truy quét là hơn 34.000 chiếc khẩu trang giả cùng nhiều nước rửa tay kém chất lượng và những loại thuốc được quảng cáo có khả năng kháng virus. 

Từ Malaysia tới Mozambique, cảnh sát đã tịch thu hàng chục ngàn khẩu trang y tế và dược phẩm giả - thậm chí có nhiều loại thuốc được quảng cáo là có thể chữa trị Covid-19. “Việc buôn bán bất hợp pháp thuốc men và vật tư y tế như vậy trong khi đang diễn ra cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng cho thấy sự coi thường tính mạng con người. Interpol cảnh báo dịch bệnh bùng phát đang trở thành cơ hội béo bở cho những kẻ tội phạm. Chúng đã và đang nhắm tới các sản phẩm mà thị trường có nhu cầu cao, đó là đồ bảo hộ và vệ sinh cá nhân”, ông Jurrgen Stock - Tổng thư ký Interpol nhận định. 

Nguồn cung bị phong tỏa 

Ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu trị giá tới hơn 1.000 tỷ USD với một chuỗi cung ứng rộng lớn trải dài từ những nhà máy ở Trung Quốc, Ấn Độ tới những cơ sở đóng gói ở châu Âu, Nam Mỹ hoặc châu Á, và cuối cùng là các nhà phân phối đưa chúng đến mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, khi hàng loạt quốc gia trên thế giới ban hành phong tỏa, nguồn cung thuốc bắt đầu lạc nhịp. Một số nhà máy dược ở Ấn Độ cho biết họ chỉ đang hoạt động với 50-60% công suất thường lệ.

Trong khi Ấn Độ là nguồn cung cấp 20% các loại thuốc cơ bản tới các nước ở châu Phi. Ephraim Phiri (dược sĩ ở Thủ đô Lusaka của Zambia) cho biết ông đã cảm thấy căng thẳng. “Thuốc đã hết và chúng tôi không có nguồn để bổ sung. Chúng tôi chẳng thể làm gì. Rất khó khăn để liên hệ với những nhà cung cấp, các loại thuốc hầu như cạn kiệt, đặc biệt đối với những loại thuốc như kháng sinh và chống sốt rét”, Ephraim Phiri cho hay.

Các nhà sản xuất và cung ứng cũng gặp khó khăn riêng khi nguyên liệu thô để sản xuất thuốc đang trở nên đắt đỏ, khiến nhiều nhà máy không thể tiếp tục hoạt động. Một nhà máy ở Pakistan cho biết từng có thể mua nguyên liệu sản xuất thuốc chống sốt rét hydrochloroquine với giá 100 USD mỗi kg hiện tại đã lên mức giá 1.150 USD.

Ngày càng có nhiều quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa, không chỉ khả năng cung ứng bị ảnh hưởng mà nhu cầu cũng tăng lên nhanh chóng, vì người dân bị hạn chế ra ngoài nên họ muốn tích trữ các loại thuốc cơ bản. Ông Pernette Bourdillion Esteve, thuộc đội chống thuốc giả thuộc WHO nhận định: “Khi cung không đáp ứng được cầu thì thuốc giả hoặc kém chất lượng sẽ tìm cách thế chân vào”. Một ví dụ điển hình với thuốc sốt rét.

Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập đến nhắc tới chloroquine và hydroxychloroquine, lâu nay vốn được bào chế để trị sốt rét, giờ lại có khả năng sử dụng trong điều trị Covid-19. Ông Trump từng viết trên Twitter rằng ông ủng hộ dùng một số loại thuốc chữa sốt rét vào điều trị COVID-19 và nhiều lần nhắc đến cách điều trị này trong các cuộc họp báo gần đây. Nhiều người cũng ủng hộ phương án này, trong bối cảnh chưa có thuốc gì được chứng minh trị được virus corona.

Chính vì vậy trong thời gian ngắn, nhu cầu về loại thuốc này tăng đột biến, thế nhưng thuốc thật lại có số lượng rất ít, còn thuốc giả bắt đầu xuất hiện tràn lan. Cụ thể, hãng tin BBC phát hiện số lượng lớn chloroquine giả đang được lưu hành ở Congo và Cameroon. WHO cũng cho biết họ tìm thấy thuốc chloroquine giả ở Niger. Đơn cử như ở Congo, 1.000 viên chloroquine chống sốt rét từng có giá 40 USD, nhưng các cửa hàng thuốc giờ đây bán chúng với giá 250 USD. Loại thuốc giả này ghi trên nhãn hiệu là được sản xuất ở Bỉ bởi công ty Brown and Burk Pharmaceutical.

Tuy nhiên, công ty này đặt ở Anh và họ không hề sản xuất choloroquine, đó chắc chắn là thuốc giả. Tuy nhiên trên thực tế là hiện chưa có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy các loại thuốc trị sốt rét dù một mình hay kết hợp với thuốc khác mang lại hiệu quả trong điều trị virus. WHO nhiều lần khẳng định rằng chưa có bằng chứng cho thấy thuốc sốt rét có tác dụng với Covid-19. Các chuyên gia không đề nghị dùng thuốc hydroxychloroquine như một cách ngừa lây nhiễm Covid-19, vì chưa có chứng cứ cho thấy thuốc này có khả năng bảo vệ con người khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Ngoài ra, theo hãng tin CNN, dù nhìn chung xem việc sử dụng hydroxychloroquine là an toàn nhưng nhiều chuyên gia y tế vẫn thận trọng thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như gây nôn mửa, tiêu chảy, phát ban. Thậm chí, theo hãng tin Reuters, có nghiên cứu cho thấy có người dùng các loại thuốc này đã bị ngưng tim, loạn nhịp tim và thuốc này “có thể mang lại rủi ro đặc biệt với những người bệnh nặng”. Trước tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan ở nhiều nước, Giáo sư Paul Newton (chuyên gia về dược phẩm giả tại Đại học Oxford) cảnh báo rằng sự lưu thông của thuốc giả và mức độ nguy hiểm của thuốc giả sẽ tiếp tục tăng lên, trừ khi các chính phủ trên thế giới đoàn kết và hợp tác chung tay cùng nhau chống lại tình trạng này.

“Chúng ta đang có rủi ro về một đại dịch song song, gây ra bởi những sản phẩm dưới chuẩn và giả mạo, trừ khi chúng ta đảm bảo rằng có sự phối hợp toàn cầu trong sản xuất, phân phối và kiểm soát chất lượng dụng cụ xét nghiệm, thuốc men và vắc-xin. Nếu không những lợi ích của y học hiện đại sẽ không còn”, ông Newton nhận định.

Đọc thêm