Cặp đôi Lê Uyên - Phương và câu chuyện tình đẹp trong làng nhạc Việt

(PLVN) - Được xem là cặp hát đôi gây ấn tượng nhất trong làng nhạc Việt trước 1975, Lê Uyên và Phương đã để lại cho khán giả yêu nhạc nhiều tình khúc tuyệt vời cũng như những tiết mục trình diễn nồng nàn, đầy lãng mạn. Và, họ hòa vào nhau làm một, yêu nồng nàn, cuồng say đến từng phút, từng giây…
Lê Uyên và Phương thời rong ruổi du ca với cây đàn ghi-ta.
Lê Uyên và Phương thời rong ruổi du ca với cây đàn ghi-ta.

“Yêu, viết và hát để phục vụ cho tình yêu”

Lê Uyên Phương sinh năm 1941 tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Tên khai sinh của ông là Lê Văn Lộc. Nhạc sĩ bắt đầu sáng tác năm 1960 với ca khúc đầu tiên “Buồn đến bao giờ” được viết tại Pleiku (tỉnh Gia Lai) khi ông dạy học tại đó và ký tên là Lê Uyên Phương. Bút danh này được ông lấy chữ lót tên mẹ, ghép với tên người tình đầu tiên là Uyên mà thành.

Còn nữ sinh Lâm Phúc Anh sinh năm 1952 và là “con gái rượu” trong một gia đình thương gia người Hoa giàu có của vùng Chợ Lớn (Sài Gòn). Vì gia đình có điều kiện nên cô theo học tại Trường Virgo Maria (Đà Lạt) - một ngồi trường Tây sang trọng dành cho con em của các gia đình quyền quý thời bấy giờ. 

Chính tại ngôi trường này, cô đã gặp rồi yêu ông thầy dạy Triết và Việt Văn lớn hơn mình 11 tuổi có tên Lê Văn Lộc. Có thể coi âm nhạc đã làm nên duyên phận cho họ gặp nhau khi một lần Lâm Phúc Anh cùng bạn học đến lữ quán Thanh Niên xem hòa nhạc và cô đã cảm thấy bị mê hoặc từ ánh mắt của người nhạc công đang say sưa kéo violon, chính là thầy giáo Lộc. Từ hôm ấy, họ bắt đầu làm quen và cũng bắt đầu cho một cuộc tình dài với bao nhiêu cung bậc cảm xúc đắm say, khắc khoải đam mê…

Do gia đình ngăn cản mối tình này, Lâm Phúc Anh đã phản ứng lại bằng việc uống thuốc ngủ để tự tử nhưng gia đình vẫn bắt cô về Sài Gòn. Vì quá nhớ nhung nên thầy giáo Lê Văn Lộc thường âm thầm xuống Sài Gòn để gặp người yêu. Sau đó, Lâm Phúc Anh đã chọn cách có bầu trước để gia đình phải đồng ý. Năm 1968, họ nên duyên chồng vợ. 

Vì Lâm Phúc Anh không muốn dùng tên thật nên năm 1969 cái tên Lê Uyên Phương được tách làm đôi là Lê Uyên và Phương để trở thành nghệ danh chung của Lâm Phúc Anh và Lê Văn Lộc. Sau khi ghép đôi, Lê Uyên và Phương nhanh chóng nổi tiếng và trở thành cặp đôi nức tiếng của làng nhạc Việt. 

Vợ chồng Lê Uyên và Phương giai đoạn những năm thập niên 1970.
Vợ chồng Lê Uyên và Phương giai đoạn những năm thập niên 1970. 

Thuở ấy, họ được giới trẻ Sài Gòn và Đà Lạt đặc biệt yêu thích. Hình ảnh chàng nhạc sĩ với mái tóc bồng bềnh, chơi guitar sánh vai với cô ca sĩ có đôi mắt như biển mộng cùng hòa giọng ngọt ngào ấm nồng đã làm nức nở triệu trái tim yêu nhạc.

Một nhạc sĩ miêu tả rằng: “Những năm đầu thập niên 1970, người đời biết đến một cặp song ca với hình ảnh nàng là cô tiểu thư kiêu kỳ với đôi mắt sắc sảo và giọng ca làm cho người nghe như đang nếm cái vị lâng lâng của thuốc phiện. Chàng là lãng tử cao gầy với mái tóc dài nghệ sĩ. Họ xuất hiện cùng nhau trong những chương trình văn nghệ ở các phân khoa đại học Sài Gòn. Đó là Lê Uyên và Phương”.

Đây cũng chính là quãng thời gian hạnh phúc nhất của cặp đôi này. Nhiều bản tình ca nổi tiếng đã ra đời trong thời điểm này như: “Chiều phi trường”, “Không nhìn nhau lần cuối”, “Lời gọi chân mây”, “Hãy ngồi xuống đây”, “Vũng lầy của chúng ta”, “Còn nắng trên đồi”, “Dạ khúc cho tình nhân”... Và người hát những ca khúc này đầu tiên không ai khác chính là Lê Uyên và Phương.

Danh ca Lê Uyên chia sẻ, chồng bà sáng tác âm nhạc vì sở thích và tình yêu dành cho nhau. Vì thế, tất cả các tác phẩm âm nhạc ông sáng tác bà thường cảm được rất nhanh. Và chính những tác phẩm âm nhạc của ông đã làm thay đổi cuộc đời bà, biến bà từ một cô tiểu thư đài các thành một nữ du ca sống cuộc đời du mục.

Bà kể rằng, khi Lê Uyên Phương viết tặng bà bài “Tình khúc cho em”, bà rất thích. Và ông đã chỉ cho bà cách hát và nhắc bà một điều mà đến tận bây giờ bà vẫn không thể nào quên: “Phải hát hết lòng, hát trung thực với chính mình. Thích thì hát, không thì thôi, không hát giả bộ”.

Những sáng tác sau này của Lê Uyên Phương, cứ hễ chồng viết đến đâu thì vợ hát đến đó. “Chúng tôi yêu, viết và hát hồn nhiên để phục vụ cho tình yêu, cho đời sống thường nhật”, danh ca Lê Uyên chia sẻ.

Và, khi nhạc sĩ Lê Uyên Phương mất năm 1999 vì căn bệnh ung thư, Lê Uyên lại tìm đến uống thuốc ngủ để được theo chồng nhưng bất thành. Phải mất khá nhiều năm sau, bà mới đủ can đảm trở lại với sân khấu.

Mãi gắn kết dù âm dương cách biệt

Có người từng nhận xét rằng, nhạc của Lê Uyên Phương kể cả viết về tình yêu thì cũng mang hơi thở lành lạnh của Đà Lạt, có vị cay cay của khói thuốc, có cả sự va chạm trần trụi mang đầy giới tính bản năng của loài người. Vì thế, tình ca của Lê Uyên Phương không ủy mị, trừu tượng và càng không mang vẻ đẹp của thiên tình sử trong đêm trăng, cũng không cao sang trừu tượng như nhạc Phạm Duy. Ca từ trong nhạc của ông khi trần trụi, khi mềm mại, khi nóng bỏng…

Nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh cảm nhận về nhạc của Lê Uyên Phương rằng: “Nghe nhạc Lê Uyên Phương, trái tim trẻ hoài, trẻ mãi. Khi tuổi đã lớn, ngẫm nghĩ từ ca từ, lắng nghe từng nốt nhạc, vẫn tìm thấy nhiều điều kỳ thú, mới lạ”.

Trong khi đó, danh ca Lê Uyên tiết lộ rằng, cứ hễ nói về dòng nhạc của Lê Uyên Phương người ta lại nhắc đến giọng hát của Lê Uyên. Sự không tách rời ngoài đời sống lẫn trong âm nhạc đã giúp người yêu nhạc có được những bản tình ca ngọt ngào, say đắm và nồng nàn. Từ lời ca, giai điệu cho đến giọng hát như những giọt mật sóng sánh, có thể khiến cho con người lâm vào cơn “say” của những giấc mộng. Và đó cũng là lý do vì sao bài nào của vợ chồng Lê Uyên và Phương cũng khiến người thấy hay, thấy thích và muốn được nghe.

Bây giờ Lê Uyên Phương đã không còn nhưng mỗi khi hát lại các nhạc phẩm của chồng, Lê Uyên đều vẹn nguyên sự xúc động. Bà nói: “Bây giờ, tất cả những bài hát của anh khi tôi hát một mình, tôi đều cố gắng hát làm sao để lấp vào khoảng trống còn lại... Khi anh mất đi, tôi khổ sở lắm. Có nhiều đêm 2, 3 giờ sáng tôi ngồi khóc ngon lành một mình. Sự mất mát đó quá lớn. Tôi nghĩ ở nơi nào đó anh không cho tôi đến, anh vẫn làm việc, vẫn sống với tôi. Trong tâm tưởng của tôi, anh vẫn sống để làm việc, để khích lệ mình”.

Nữ danh ca còn chia sẻ rằng, dù đã hát nhạc của rất nhiều nhạc sĩ nhưng chỉ có âm nhạc của chồng mới giúp bà cảm nhận rõ nhất về những thứ xung quanh. Bà gọi tên cái cảm giác ấy là sự cộng hưởng. Sự cộng hưởng của tình yêu lứa đôi và tình yêu âm nhạc. 

Có lẽ, nhờ sự cộng hưởng ấy nên dù Lê Uyên và Phương đã có cuộc sống vợ chồng với 2 người con gái, nhưng người đời vẫn tụng ca những nhạc phẩm của họ là những ca khúc dành riêng cho những đôi tình nhân. Và có lẽ cũng vì thế mà nó vẫn ám ảnh người nghe mãi không thôi, như chính lời ca: “Yêu nhau trong lo âu/ Biết bao lần tha thiết nhớ mong/ Lá hoa rừng mau xóa đường quay về/ Làm ánh sao đêm lẻ loi/ Màu tối gương bên đèn soi/ Ân tình sâu vẫn trong đời thủy chung” - trích “Dạ khúc cho tình nhân”.

Theo danh ca Thái Châu, bất cứ bài hát nào nhạc sĩ Lê Uyên Phương cũng cho vào những nốt đặc thù như thăng, nốt giáng, ca sĩ thể hiện đến đoạn đó phải cố gắng hát đúng nốt, giữ cảm xúc của nhạc sĩ, lẫn tinh thần bài hát xuyên suốt. Đây là thử thách đặt ra cho bất cứ ai thể hiện dòng nhạc của Lê Uyên Phương.

Ngoài ra, danh ca Thái Châu thú nhận, anh tuy nghe nhiều ca khúc của Lê Uyên Phương nhưng chưa bao giờ dám “chạm” đến nhạc của ông vì sợ không làm hài lòng nhạc sĩ và không chuyển tải đúng bài hát với khán giả về dòng nhạc Lê Uyên Phương.  

Đọc thêm