Cặp vợ chồng góp công xóa bỏ hủ tục man rợ bằng kiến thức y học

(PLVN) - Bác sĩ Nay Blum và vợ là hộ sinh H’Nơn (cùng SN 1969) là những cán bộ y tế tiên phong trong việc xóa bỏ hủ tục, chăm sóc sức khỏe cho người dân các buôn làng của huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai). Chưa hết, họ còn nhận nuôi nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cho ăn học nên người. Người dân xã Glar thường gọi bác sĩ Blum với cái tên thân thương, trìu mến là “Bác sĩ của buôn làng”.
Cặp vợ chồng góp công xóa bỏ hủ tục man rợ bằng kiến thức y học

“Phải thành bác sĩ để cứu người”

Bác sĩ Nay Blum hiện là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Glar (huyện Đắk Đoa), còn vợ là bà H’Nơn đã về hưu từ tháng 1/2019. Gần 30 năm gắn bó với ngành y, cả hai người chung một khát vọng nguyện hy sinh hết mình để cứu người. 

Ngồi trò chuyện, bác sĩ Blum bảo, năm lên 10 tuổi, ông đã ám ảnh với những cái chết vì dịch bệnh ở Tây Nguyên liên tục xảy ra, chuyện nhiều đứa trẻ bị chôn sống khi đang cất tiếng khóc oe oe mà không ai can ngăn nổi. Do vậy, ở ngay tại nhà mình, ông khắc dòng chữ “Phải thành bác sĩ để cứu người” lên cửa, còn đến lớp thì ông viết lên bàn.

Dù hoàn cảnh gia đình nghèo khó, nhưng Blum vẫn quyết tâm học. Kết quả là tất cả các cấp học phổ thông, ông đều giỏi nhất xã, nhất huyện. Và, trước khi quyết định vượt rừng đến TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) học Trường Trung cấp Y tế tỉnh Gia Lai, ông đi cạo mủ cao su thuê một năm để sắm thêm vài bộ quần áo và dụng cụ học tập.

Đầu năm 1991, Blum tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế tỉnh Gia Lai và được nhiều đơn vị tha thiết mời về làm việc giờ hành chính, có lương bổng hậu hĩnh, nhưng ông nhất quyết chối từ. 

Thời điểm ấy, hầu hết các xã của huyện Đắk Đoa không có trạm y tế, chưa có cơ chế xếp lương, trả lương cho y, bác sĩ cơ động bám buôn, bám xã. Không ngần ngại, Blum liền xung phong về với buôn làng khó khăn cùng với lời cam kết làm không lương, ăn ở trong nhà dân.

Với tâm nguyện cống hiến những gì mình biết được để giúp đỡ buôn làng đang trong đợt dịch tả và sốt rét hoành hành, Blum chạy ngược xuôi ở hầu khắp các xã của huyện Đắk Đoa để chữa bệnh cho người dân.

Đến cuối năm 1991, Blum quen biết H’Nơn vừa học nghề hộ sinh mới ra trường. H’Nơn phụ giúp Blum trong công việc. Rồi, tình cảm nảy nở. Một thời gian ngắn sau, hai người nên duyên vợ chồng.

Sau khi cưới, vợ chồng Blum tích cóp mua chiếc xe đạp đèo nhau đi xuyên ngày đêm để truyền dịch, truyền nước, hướng dẫn cách phòng chống dịch tả cho bà con ở các buôn làng của huyện Đắk Đoa.

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tin rằng chữa bệnh bằng lá cây sẽ khỏi, còn thuốc Tây thì không khỏi. Cũng vì vậy mà cuối năm 1993, dù xã Glar có trạm y tế, nhưng người dân vẫn chưa có thói quen đến trạm nên vợ chồng Blum phải thường xuyên đến các buôn làng vận động.

“Hồi ấy, vợ chồng tôi bận rộn lắm. Dù là làm không lương nhưng cái tâm không cho phép chúng tôi lơ là công việc. Vùng này khi ấy là trọng điểm sốt rét, chồng tôi ở làng để trực trông, còn tôi thì cứ nghe tin ai trong làng xã trở dạ là lại chạy đi liền. Đêm hôm ai kêu cũng đi”, bà H’Nơn kể.

Đến năm 1995, hàng loạt buôn làng nhờ sự vận động của vợ chồng Blum đã bỏ thói quen ăn đồ sống và không tin vào lá cây rừng có thể chữa bách bệnh.

Góp công xóa hủ tục bằng kiến thức y học

Thời điểm này, một vấn đề nan giải, rùng rợn, đó là hủ tục chôn sống trẻ con theo mẹ vẫn tồn tại. Do đó, vợ chồng Blum quyết tâm xóa bỏ hủ tục lạc hậu này, với mong muốn cứu mạng sống của nhiều đứa trẻ vô tội.

Bà H’Nơn kể, vào một đêm giữa tháng 8/1995, một người đàn ông đến đập cửa, hốt hoảng thông báo vợ anh ta sinh non, tình trạng nguy kịch. Ngay lập tức, vợ chồng bà để đứa con trai nhỏ mới hơn 3 tuổi ở nhà, rồi đi cứu người. 

Đường đi dài 20km lại toàn đá nên gần 12h đêm, vợ chồng H’Nơn mới đến nơi. Nhìn ánh mắt của mọi người trong nhà, họ hiểu mình đã đến muộn.

Khi bà H’Nơn bế đứa trẻ lên, người làng chạy ra phản đối, họ nhất quyết phải để đứa trẻ chết theo mẹ. Họ cho rằng đứa trẻ sống sẽ là điềm xui cho gia đình, cho buôn làng. Nhưng bản năng của một người làm mẹ không cho phép bà để điều đó xảy ra, dù là vi phạm vào luật tục ngàn đời của làng. 

Vợ chồng bà quyết tâm cứu đứa trẻ. Ngồi trong nhà, bà vừa nài nỉ vừa giải thích cho mọi người rằng sản phụ băng huyết không phải do “ma quỷ” mà có thể do nhiễm trùng ối, vỡ ối, chuyển dạ nhanh, do không được thăm khám và chăm sóc đúng cách lúc mang thai… Đây là sự cố, không phải do “ma quỷ” muốn bắt đi, đứa trẻ không có tội. 

Bà H'Nơn kể chuyện cứu sống những đứa trẻ thoát khỏi tập tục chôn sống theo mẹ của buôn làng
 Bà H'Nơn kể chuyện cứu sống những đứa trẻ thoát khỏi tập tục chôn sống theo mẹ của buôn làng

Ở ngoài sân, ông Blum kéo những người đàn ông lại gần chuồng bò, rồi phân tích rằng con bê mới sinh ra, chủ nhân vẫn nuôi nấng, chăm sóc, huống gì con người. Con người là sinh thể, trưởng thành do dinh dưỡng, lương thực, khỏi bệnh do thuốc men của nền y học. Chôn sống người là tội ác, đi ngược lại văn minh, đã đến lúc phải từ bỏ rồi, không có “ma quỷ” nào trong đứa trẻ cả.

Thế nhưng, nhiều người trong làng vẫn chưa đồng ý để đứa trẻ được sống. Quyết không để hủ tục man rợ tiếp diễn, bà H’Nơn ôm đứa trẻ vào lòng và hứa rằng bằng y học sẽ chữa hết bệnh, sẽ yêu thương và nuôi lớn đứa trẻ khỏe mạnh… Lúc này, già làng lên tiếng nên dân làng mới để vợ chồng bà nhận nuôi đứa bé. Đứa bé sau đó được đặt tên là Nay Thuym.

“Hơn 4 tháng sau, khi vợ chồng tôi đưa Nay Thuym khỏe mạnh về khoe với buôn làng, người làng mới tin. Nhiều già làng ở các tỉnh Tây Nguyên khi nghe tin cũng băng rừng đến xã Glar để nhìn tận mắt, sờ tận tay vào người Nay Thuym. Sau đó, họ về đưa vào hương ước quy định phải bỏ tục chôn sống trẻ con theo mẹ. Đồng thời, quán triệt đến các buôn làng của mình, nếu người mẹ không may chết sau sinh thì phải đưa đứa trẻ đến cơ sở y tế, đến bác sĩ. Từ đó, hủ tục man rợ này dần được xóa bỏ”, H’Nơm kể.

Sau đó, trong chuyến công tác về làng, vợ chồng Blum thấy hai chị em Mới và Kuơm sống lang thang vì bị người làng xa lánh, bởi người cha mắc bệnh phong qua đời. Trước hoàn cảnh đáng thương của hai đứa trẻ, vợ chồng ông quyết định nhận chăm sóc, nuôi dưỡng. Sau đó, họ còn nhận nuôi thêm một bé trai nữa, tên là Jưi. Hiện vợ chồng Blum có 5 người con, trong đó 4 người là con nuôi.

Trên con đường rời xã Glar ra về, chúng tôi nghe tiếng trẻ con nô đùa và hát vang những câu ca: “Ngày xửa ngày xưa/ Có anh Blum/ Thiếu áo thiếu quần/ Ăn rau với mì/ Thành bác sĩ giỏi/ Ngày xửa ngày xưa/ Có chị H’Nơn/ Từ chối an nhàn/ Đỡ đẻ ngàn ca/ Dưới ánh trăng vàng…”. Nghe những lời ca, chúng tôi thầm nghĩ đâu đó trên những con đường ở các buôn làng trong xã Glar, vợ chồng bác sĩ Nay Blum đang rảo bước đi khám chữa bệnh cho người dân. 

Năm 1996, chính quyền có cơ chế xếp lương cho nhân viên y tế tuyến xã. Một năm sau, Blum được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Glar, còn H’Nơn làm hộ sinh. 

Từ năm 2001 - 2006, Blum được cấp trên tạo điều kiện cho đi học bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Dược Huế. Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Blum lại trở về trạm sát cánh cùng vợ cứu chữa cho người dân.

Nhờ có sự tận tâm, nhiệt huyết của vợ chồng bác sĩ Nay Blum, Trạm Y tế xã Glar luôn vươn lên trở thành đơn vị tiêu biểu của huyện trong mọi hoạt động. Trạm đã vinh dự được đón nhiều lãnh đạo tỉnh và trung ương đến thăm, biểu dương, khen ngợi. Cá nhân bác sĩ Blum và vợ cũng nhận được bằng khen của nhiều cấp, ngành trung ương và địa phương. 

Đọc thêm