Chuyện về đám cưới đầu tiên qua cầu Hiền Lương ngày thống nhất

(PLVN) - Đó là câu chuyện cảm động về tình yêu và đám cưới đặc biệt của ông bà Hoàng Nghi - Hoàng Thị Hoa nhà ở bên bờ sông Bến Hải thuộc làng Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). 
Ông Nghi, bà Hoa cùng các cháu dạo bước qua di tích cầu Hiền Lương để ôn lại kí ức đám cưới đặc biệt của mình
Ông Nghi, bà Hoa cùng các cháu dạo bước qua di tích cầu Hiền Lương để ôn lại kí ức đám cưới đặc biệt của mình

Trong căn nhà nhỏ bên bờ sông Bến Hải thuộc làng Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) có một đôi vợ chồng già, suốt gần nửa thế kỉ qua vẫn bình lặng nắm tay nhau bao vượt qua bao gian khó đời người. Tình yêu của họ trải qua sự khốc liệt, chia cắt của chiến tranh, sự vất vả của cuộc sống thường nhật, trở thành câu chuyện tình vượt thời gian nơi vĩ tuyến 17 và đúc kết bằng đám cưới đầu tiên qua cầu Hiền Lương sau khi hòa bình lập lại.

Người chồng tên là Hoàng Nghi và người vợ tên là Hoàng Thị Hoa, năm nay đều đã ngoài 70 tuổi. Đây là một trong những nhân chứng sống về tình yêu thủy chung của đôi lứa, sự gắn kết sắt son đôi bờ Nam -  Bắc, cũng như khát vọng hòa bình, thống nhất non sông.

Mối tình ươm mầm trong lửa đạn

Năm 1972, bà Hoa từ phía Nam sông Bến Hải đưa người thân ra Bắc để dưỡng thương. Do lạ đường nên thay vì qua sông đến bến đò B Cửa Tùng, bà Hoa lại đi lạc vào làng Hiền Lương rồi vô tình gặp ông Nghi – là dân quân du kích đang làm nhiệm vụ ở đây. Biết chuyện, ông Nghi bèn nhiệt thành giúp đỡ và đưa cô du kích về khu nhà tạm của đội du kích Hiền Lương để trọ lại một thời gian. Ở được khoảng nửa tháng, bà Hoa về Cửa Tùng, rồi vượt sông Bến Hải trở lại quê nhà ở làng Tam Hữu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) để tiếp tục công tác, phục vụ kháng chiến.

Cũng từ lúc bà Hoa trở về miền Nam thì ông Nghi bắt đầu có cảm giác bồn chồn, nhớ nhung. Lúc này ông Nghi mới hiểu rằng mình đã đem lòng yêu thương cô du kích nhỏ lạc đường hôm ấy. Nỗi nhớ cứ ngày một đong đầy đã thôi thúc ông Nghi đôi lần vượt dòng Bến Hải đi tìm bà Hoa theo địa chỉ được bà để lại trước ngày trở vào Nam.

Tình yêu và hôn nhân của họ kinh qua chiến tranh, bom đạn nên rất thắm thiết, thủy chung son sắt
Tình yêu và hôn nhân của họ kinh qua chiến tranh, bom đạn nên rất thắm thiết, thủy chung son sắt

Lần đi đầu tiên nhưng không gặp được người thương, ông Nghi buồn bã trở về. Qua nhờ các chú bộ đội dò hỏi tin tức, ông mới biết bà Hoa ở trong đó cũng ra chiến trường, gùi tăng, cõng gạo vất vả lắm... Không nản chí, vài tháng sau ông lại tiếp tục vào Triệu Phong, đúng lúc gặp bà Hoa đi làm nhiệm vụ trên đường trở về. 

"Vậy là suốt nửa năm trời bặt vô âm tín, tôi mới tìm được bà ấy giữa ngày đông rét mướt. Chỉ kịp tặng lại bà tấm áo ấm rồi nhanh chóng trở về đơn vị làm nhiệm vụ. Hồi đó yêu nhau chủ yếu là có niềm tin dành cho nhau. Một món quà kỉ niệm đã trao coi như vật làm tin, cứ thế mà giữ, rồi đợi chờ", ông Nghi nói.

Những cánh thư đi, tin lại, cái nhận được, cái mất do hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng cả hai người đều không nguôi hy vọng sẽ được đoàn tụ bên nhau khi nước nhà độc lập, thống nhất, non sông liền một dải.

Mái ấm đong đầy hạnh phúc

Rồi Hiệp định Paris được ký kết tháng 1/1973, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải bị đánh sập cũng được kịp thời dựng lại vào đầu năm 1974. Đến cuối năm đó, đám cưới đôi uyên ương được tổ chức đơn sơ nhưng đầy ấm cúng trong tiếng vỗ tay, chúc phúc của bạn bè, gia đình hai bên. Kể từ đây, hai ông bà không còn phải cảnh người Nam - kẻ Bắc , khi: "Cách một con sông mà đó thương đây nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa.”

"Ngày đưa dâu đi qua cầu Hiền Lương, bà con gặp đều bắt tay chúc mừng, hai vợ chồng vui đến trào nước mắt. Vậy là suốt 20 năm đằng đẵng chia cắt, cuối cùng người dân đôi bờ vỹ tuyến đã có thể qua lại, nối nhịp bờ vui. Hành trang về nhà chồng chỉ một túi nhỏ đựng vài bộ áo quần. Dù khổ nhưng vui vì đất nước được giải phóng. Chúng tôi cũng qua cầu cho có kỷ niệm về ngày đó", bà Hoa nhớ lại. 

Một đám cưới bình dị bằng bánh kẹo, nước chè xanh được tổ chức tại nhà trai ở làng Hiền Lương. Trên bức tường của hội trường lễ cưới được làm bằng tre có dán hình đôi bồ câu tung bay và câu khẩu hiệu như bắt buộc lúc bấy giờ: “Hạnh phúc non sông hạnh phúc nhà/ Thắm tình non nước thắm tình ta”. 

Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, niềm vui lại nhân đôi khi ông bà đón đứa con trai đầu lòng chào đời. Ông đặt tên con là Hữu - tên quê bà. Họ có với nhau tất thảy 4 người con. Ông chọn mảnh đất sát mép sông Bến Hải để dựng nhà. Ông bảo rằng, chính nơi này ông gặp được bà rồi nên duyên chồng vợ. Bởi vậy ông muốn cùng bà sống trọn đời nơi buổi đầu gặp gỡ. Cũng là để nhắc nhở cháu con về cuộc sống gia đình, dẫu có bộn bề sóng gió, khó khăn thì tình cảm dành cho nhau vẫn không thể dứt rời.

Giờ đây, khi đã ở cái tuổi bên kia sườn dốc cuộc đời, nhưng tình cảm hai ông bà dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Những khi rảnh rỗi, cháu con sum vầy, ông lại giở quyển sổ ghi chép những vần thơ tặng bà ra ngâm nga rồi ôn lại chuyện xưa cũ. Nhịp sống đơn sơ mà ấm nồng hạnh phúc. 

Đọc thêm