Con đường phát triển xanh, cac-bon thấp và bài học từ Trung Quốc

(PLVN) - Trung Quốc là quốc gia có lượng phát thải cac-bon cao nhất trên thế giới, cũng là đất nước có nhiều bước tiến nhất về việc nghiên cứu và vận hành các chính sách giảm thiểu phát thải khí nhà kính, kiềm chế biến đổi khí hậu, song hành với nhiệm vụ duy trì kinh tế tăng trưởng ổn định.
Con đường phát triển xanh, cac-bon thấp và bài học từ Trung Quốc

Nghị định thư Kyoto về cắt giảm phát thải khí nhà kính năm 1997 đã đề cập tới một loại hàng hoá đặc biệt – khí thải cac-bon. Do sự phát triển kinh tế vũ bão, thế giới đang đối mặt với ô nhiễm không khí trầm trọng. Theo Nghị định thư Kyoto, để xác định giá trị của lượng phát thải giảm được, các quốc gia có thể định giá các bon thông qua các công cụ tài chính. Phổ biến nhất là thuế các bon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ cac-bon. 

Từ chính sách áp thuế các-bon gây tranh cãi…

Năm 2012, tuyên bố của Bộ Tài chính Trung Quốc rằng sẽ ban hành thuế các-bon áp dụng đối với những nhà phát thải, đơn vị sản xuất trong nước đã trở thành chủ đề bàn cãi của toàn xã hội. Một mặt, dư luận quốc tế nghi ngờ ý định cho ra đời thuế các bon của Trung Quốc chỉ là một chính sách “bình phong” nhằm đối phó với sức ép dư luận quốc tế khi là đất nước phát thải khí các bon nhiều nhất thế giới. 

Theo học giả John Lee thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng Hudson (Washington DC – Mỹ), việc áp biểu thuế phát thải đối với ngành hàng không Trung Quốc “thua xa” so với Liên minh Châu Âu (EU), cho thấy quốc gia này chỉ muốn thu thêm thuế của các doanh nghiệp nước ngoài chứ không đặt “gánh nặng” này lên các doanh nghiệp nội địa.

Như vậy, giữa thuế các-bon và lộ trình thương mại hóa khí thải cắt giảm, Trung Quốc đã lựa chọn công cụ thứ nhất, tức là chỉ tăng giá các-bon mà không đặt mục tiêu giảm lượng phát thải. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, đến năm 2030, 80% năng lượng của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào than đá và dầu mỏ, và lượng tiêu thụ than đá hàng năm vẫn tăng thêm khoảng 17%. 

Phía Trung Quốc khẳng định rất quan tâm đến biến đổi khí hậu và việc áp thuế các bon nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí là hoàn toàn nghiêm túc. Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc (NRDC) giải thích: “Thuế các-bon của Trung Quốc sẽ mang những đặc điểm riêng, không giống với hình mẫu mà các nước phát triển đang triển khai. Tuy các nước áp dụng có khác nhau nhưng đều chung mục tiêu cơ bản như giảm phát thải, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, tăng cường bảo toàn năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và đẩy mạnh các giải pháp xanh”.

Áp thuế các bon là công cụ nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính
 Áp thuế các bon là công cụ nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính

Bên cạnh đó, Trung Quốc từ lâu đã thực hiện các chương trình thương mại các bon dù chỉ đang đóng vai trò là “bước đệm” đồng hành với chính sách thuế các bon. Trung Quốc đã xây dựng Khung Chương trình Hành động cấp quốc gia về Giảm thiểu Phù hợp (NAMA), nhằm khuyến khích xã hội tự giảm thiểu khí thải nhà kính, ưu tiên sử dụng thiết bị thân thiện với môi trường. Trong giai đoạn 2005 – 2010, giai đoạn thực thi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 11, Trung Quốc đã cắt giảm được khoảng 1,5 tỷ tấn khí nhà kính, trở thành nước giảm phát thải nhiều nhất thế giới. 

Còn kể từ năm 2011, Trung Quốc đề ra kế hoạch 5 năm với cam kết giảm cường độ sử dụng năng lượng (năng lượng tiêu thụ trên một đơn vị GDP) xuống 16% và giảm cường độ phát thải CO2 (CO2 phát thải trên một đơn vị GDP) xuống 17% so với năm 2010. Kế hoạch này cũng đặt ra mục tiêu cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng với mức tăng trưởng hằng năm 15% và mức tổng sản lượng đạt 720 tỷ USD trước năm 2015 (tương đương 2% GDP).

…Đến thị trường các bon hàng tỷ đô

Đến nay, Trung Quốc được đánh giá là quốc gia có nhiều bước tiến nhất trong nghiên cứu và vận hành thị trường mua bán các bon nội địa. Tháng 12/2017, Trung Quốc đã công bố hệ thống giao dịch phát thải (Emission Trading Scheme - ETS), tạo ra một thị trường các bon - nơi các nhà phát thải có thể mua, bán tín dụng phát thải (tín dụng carbon là giấy phép, hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu, phát thải CO2 , hoặc các khí nhà kính khác). 

Giai đoạn ban đầu chương trình đã được triển khai thí điểm một số tỉnh, thành phố lớn tại Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến,… với sự tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp nhà nước. Với kế hoạch này, Trung Quốc sẽ hạn chế lượng khí thải từ sáu ngành công nghiệp phát thải CO2  hàng đầu (bao gồm các nhà máy nhiệt điện than và sớm trở thành thị trường lớn nhất trong giao dịch CO2 ).

Nhằm tăng cường khuôn khổ thể chế, Luật tiêu thụ bền vững và Luật mua sắm xanh được ban hành. Các chính sách bao gồm: hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng hàng hóa xanh; trợ cấp cho các hàng hóa sử dụng điện hiệu quả, xe ôtô năng lượng mới; xây dựng hệ thống thuế xanh và tăng chi tiêu ngân sách cho sự phát triển của nền kinh tế các bon thấp; tăng phí ô nhiễm; tăng phạm vi thu; từng bước thay thế phí ô nhiễm bằng các loại thuế ô nhiễm; thực hiện hệ thống ghi nhãn “dấu chân các bon”, bảo đảm “người gây ô nhiễm phải trả tiền”…

Trung Quốc là nước phát thải các bon nhiều nhất thế giới
 Trung Quốc là nước phát thải các bon nhiều nhất thế giới
Theo đó, các kế hoạch phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức quốc gia cũng được triển khai. Đơn cử phát động các giải thưởng quốc gia như “Doanh nghiệp xanh”, “Cộng đồng xanh”, “Trường học xanh”… Trung Quốc cũng thiết lập một hệ thống thông tin công khai liên quan đến pháp luật, tiêu chuẩn, thủ tục tố tụng hành chính, công nghệ và các hàng hóa.

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã xây dựng nhiều đặc khu kinh tế theo định hướng thị trường. Kể từ khi định hướng phát triển bền vững, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đặc khu kinh tế “xanh”. Hai nhóm thành phố được chọn làm “đầu tàu” áp dụng các chính sách phát triển bền vững và thân thiện môi trường là nhóm Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc và nhóm Chu Châu thuộc tỉnh Hồ Nam. 

Theo đó, các thành phố liên quan sẽ phải chủ động áp dụng các chính sách mới nhằm tạo nên một nền kinh tế các bon thấp. Mô hình phát triển nền kinh tế các bon thấp dựa trên năm trụ cột chính: công nghiệp các bon thấp; thành phố các bon thấp; tối ưu hóa cơ cấu năng lượng và phát triển năng lượng các bon thấp; tiêu thụ bền vững; quản lý sử dụng đất và khả năng hấp thụ các bon. 

Bài học gì cho Việt Nam?

Ý tưởng thị trường các bon đã có từ lâu trên thế giới nhưng tại Việt Nam vẫn còn “chập chững”. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Bộ Tài nguyên và Môi Trường đã trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có một Điều quy định về “Định giá các bon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các bon trong nước”. Đây được xem là bước đầu tạo tiền đề cho thị trường các bon nội địa.

Đáng nói, Việt Nam trở thành thành viên của “Chương trình Sẵn sàng tham gia thị trường các bon” (PMR) vào năm 2012. Chương trình PMR là một trong những công cụ được quốc tế hữu hiệu nhằm giảm phát thải khí nhà kính, từ các hành động tự nguyện như NAMA chuyển thành các cơ chế bắt buộc như các chính sách thuế, phí, cơ chế hạn ngạch phát thải, các điều kiện về nhãn carbon, dấu vết hình thành các bon... Đến nay đã có trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký chương trình PMR. 

Từ năm 2015, Việt Nam triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các bon tại Việt Nam” (VNPMR). Qua 5 năm thực hiện, nhiều chuyên gia trong nước đánh giá Việt Nam hiện đã có các bước chuẩn bị cơ bản để tiến tới hình thành và phát triển thị trường các bon trong nước, cũng như tham gia thị trường các bon thế giới.

Đọc thêm