Cùng theo chú kiến vàng phiêu lưu về miền tuổi thơ

(PLVN) - “Triệu vết chân kiến” là cuốn sách đầu tay của tác giả Phụng Thiên viết về cuộc hành trình li kì của chú kiến vàng...
Tác giả Phụng Thiên.
Tác giả Phụng Thiên.

“Triệu vết chân kiến” là cuốn sách đầu tay của tác giả Phụng Thiên viết về cuộc hành trình li kì của chú kiến vàng. Thông qua thủ pháp nhân hóa, bằng lối văn trong sáng giản dị, Phụng Thiên đã đưa độc giả đi theo những chuyến đi lý thú bổ ích của kiến vàng và những con vật khác. Bài học rút ra là phải cản đảm, từ bỏ lối sống cũ mòn để hướng đến những cái mới hơn. Nhân cuốn sách ra đời, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả Phụng Thiên. 

PV: Thưa anh! Tại sao anh lại chọn viết truyện thiếu nhi?

Tác giả Phụng Thiên, tên thật Nguyễn Văn Thiển, sinh năm 1990, quê Lạng Giang, Bắc Giang, từng là sinh viên Khoa Sáng tác và Lý luận Phê bình Văn học (tiền thân là trường Viết văn Nguyễn Du).  

Tác giả Phụng Thiên: Mỗi chúng ta đều có một thời thơ ấu, mà câu chuyện từ thời ấy nhiều người vẫn nhớ như in. Tuổi thơ là tuổi thần tiên của mỗi người. Tâm hồn trẻ em luôn thánh thiện, nhưng cũng dễ bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu nếu như mỗi chúng ta không làm gương cho các cháu. Có lẽ do rất yêu trẻ nhỏ, nên tôi thử nghiệm lối viết cho thiếu nhi. Sự đơn giản, trong sáng, dễ hiểu là điều hướng tới ở mỗi trang viết.

Nhưng quả là nhiều lúc suy nghĩ người lớn vẫn bị áp đặt vào, đôi lúc rất khó viết, vì độc giả hướng tới chủ yếu là các cháu thiếu nhi. Hồi nhỏ, tôi được nghe tới và rất thích 2 câu Kinh Thánh: "Nếu các con không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước Trời. Ai hạ mình xuống  như trẻ nhỏ, đó là kẻ lớn nhất trong Nước Trời" (Matthew chương 18, câu 3-4) cùng với câu: "Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng" (Matthew chương 19, câu 14). Đó là những hạt giống bé nhỏ ban đầu gieo vào tâm hồn tôi để sau này dành chút thời gian để viết gì đó cho thiếu nhi.

PV: Anh có thể chia sẻ đôi chút về bút danh Phụng Thiên không?

Tác giả Phụng Thiên: Tôi đọc rất ít sách vở, nhưng dễ nhớ những đoạn, những chi tiết ấn tượng mạnh.  Khi tôi tình cờ đọc về cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905), thấy địa danh Phụng Thiên (nay thuộc khu vực thành phố Thẩm Dương của Trung Quốc) - tên một trận đánh lớn trong Chiến tranh Nga - Nhật: trận Phụng Thiên, diễn ra từ ngày 20/2 tới 10/03/1905 giữa quân đội hai Đế quốc Nga và Đế quốc Nhật Bản. Đó là một trong những trận đánh kinh điển trong lịch sử thế giới. 

Tác phẩm “Triệu vết chân kiến” (ảnh Quỳnh Anh).
Tác phẩm “Triệu vết chân kiến” (ảnh Quỳnh Anh). 

Tôi vốn không chuyên về lịch sử, nhưng khi đọc đến 2 chữ Phụng Thiên khiến tôi rất thích thú và quyết định chọn đó là bút danh của mình. Có lẽ, lúc ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản mình là một người theo đạo Công giáo, nên Phụng Thiên tạm hiểu là phụng sự Thiên Chúa; tức là mọi lựa chọn, lý tưởng, hành động với cùng đích là để làm sáng danh Chúa. Thầy tôi, PGS.TS nhà văn Văn Giá hóm hỉnh bảo: “Bút danh Phụng Thiên nghe khiêm tốn nhưng cũng kiêu đấy; tôi đi hầu hạ đấy, nhưng không phải hầu người, mà là hầu Trời.”

PV: Được biết, anh có từng viết thơ, tại sao anh không chọn ra tập thơ mà lại là truyện thiếu nhi?

Tác giả Phụng Thiên: Trước hết phải chia sẻ ngay rằng, tôi học môn Văn chỉ ở mức trung bình. Vì biết lực học bản thân không có gì nổi trội, nên tôi luôn cố gắng tìm gì học thêm. Nhưng không phải là các môn học chính quy của nhà trường, mà chủ yếu là một số cuốn truyện tranh, truyện cổ tích, truyện dân gian; cùng với đó là đam mê bộ môn cờ vua. Những năm là học sinh cấp 3, tôi thường mang cờ vua đi, đến giờ giải lao cùng các bạn ngồi đấu trí với thầy giáo dạy thể dục. Thua thầy suốt nhưng vẫn rất vui vẻ.

Ngoài ra thì tôi làm thơ lẻ tẻ, thơ học trò ấy mà. Nhưng cũng chỉ để viết cho các mấy cô gái học khối chiều cùng bàn, khi ấy chúng tôi mới 15-17 tuổi, rất trong sáng. Tôi đi học thường sớm nhất lớp, chủ yếu là để đọc thư rồi lau bảng lớp cho sạch, rồi ngồi nghĩ ít câu thơ, tản văn sến sẩm để trêu các bạn khối chiều. Thực sự tôi thích ngồi viết lan man cho các bạn gái ấy hơn là chú tâm học tập. Thời thế thay đổi, giờ các học sinh có lẽ hầu như không còn viết thư tay cho nhau nữa. 

In truyện thiếu nhi, trước là tôi muốn nói lên tình yêu của mình đối với trẻ nhỏ, sau là một bước đệm để cố gắng hơn cho cuốn tiếp theo. Thơ tôi viết còn rất mỏng mảnh, hy vọng có một ngày tôi sẽ mạnh dạn in thơ. 

PV: Anh có thể nói về nhan đề cuốn sách Triệu Vết Chân Kiến?

Tác giả Phụng Thiên: Có lẽ chỉ đơn giản đó là một cuộc hành trình khắp nơi với hàng triệu bước chân của chú kiến nhỏ đi phiêu lưu. Có đôi đoạn, lại có thể hiểu là cả triệu triệu bước chân của cả đàn kiến cùng hành quân hết sức uy nghiêm và kỷ luật.

PV: Quê hương Bắc Giang và gia đình ảnh hưởng đến anh và tác phẩm như thế nào?

Tác giả Phụng Thiên: Xứ Kinh Bắc quê hương tôi cũng tuyệt vời như bao miền đất khắp Việt Nam. Ngoài được đến trường học tập và rèn luyện như các bạn cùng trang lứa, có lẽ những phút giây đi học giáo lý và đến nhà thờ trong tinh thần Kitô giáo có ảnh hưởng không nhỏ tới tôi.

Quê tôi là một xứ đạo nghèo nhưng nay đã có nhiều sự phát triển, hòa vào sự phát triển chung của cả đất nước. Gia đình tôi có hoàn cảnh hơi khác một chút so với đa số các gia đình. Bố mẹ tôi sinh ra 11 anh em, 10 trai 1 gái. Nhà đông con như vậy là điều hiếm hoi trong thời nay, nên khi có ai hỏi tôi về các anh em, mọi người thường phải hỏi lại câu thứ 2 và tỏ vẻ ngạc nhiên. Sinh ra trong hoàn cảnh như vậy, xuất phát điểm ở quê như vậy, nên tôi luôn cố gắng mỗi ngày. Vậy mà vẫn chưa thấy thành công (cười…)

PV: Tác phẩm văn học nào và tác giả văn học nào ảnh hưởng nhất đến anh?

Tác giả Phụng Thiên: Như đã chia sẻ, tôi đọc không nhiều nên có chút bối rối khi bàn về điều này. Hồi nhỏ thì các truyện dân gian và cổ tích là tôi thích nhất. Sau đó một chút, có lẽ tác phẩm gây xúc động mạnh với tôi là “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis. Lớn lên, tiếp cận một chút tác phẩm những người khổng lồ như Frank Kafka, Victor Hugo, Goethe, Dante, Mark Twain, Puskin, Cervantes… khiến tôi bị choáng ngợp bởi kho tàng tinh hoa của nhân loại quá lớn mà đọc nhiều khi không hiểu hoặc không tiếp thu được là bao.

Kho tàng văn học Việt Nam cũng đã rất lớn để tìm hiểu với biết bao tác giả: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tô Hoài, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… Đó là chưa kể kho tàng văn học trung đại trở về trước. Thật khó khi để nói tác phẩm tác giả nào ảnh hưởng nhất tới bản thân. Có lẽ cho tôi thêm thời gian để tìm hiểu thêm.

PV: Qua câu chuyện của chú kiến, anh muốn gửi gắm điều gì tới cuộc sống?

Tác giả Phụng Thiên: Kiến là một sinh vật bé nhỏ, có nhiều đức tính quý báu như: chăm chỉ, đoàn kết, gan dạ. Trước muôn loài, kiến chỉ là một sinh vật bé nhỏ, nhưng dù sao kiến vẫn có những giá trị của mình. Mỗi con người chúng ta cũng vậy, dù thân phận khác nhau, nhưng mỗi người đều có giá trị riêng của mình. Tất cả chúng ta đều xứng đáng hưởng một cuộc sống hạnh phúc, tự do, hòa bình.

Đọc thêm