Cuộc sống, hãy là những ngày vui...

(PLVN) - Giải Marathon tổ chức ngày chủ nhật cuối cùng của năm 2020 vừa qua là giải marathon có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức ở cố đô Huế với hơn 4.500 vận động viên chuyên nghiệp, không chuyên và hơn 1.000 vận động viên nhỏ tuổi. Tuy nhiên, sau khi giải marathon kể trên kết thúc và hình ảnh một số vận động viên mặc áo dài chạy tại giải gây ra cuộc tranh luận gay gắt…
Lần đầu tiên xuất hiện các VĐV không chuyên mặc áo dài chạy marathon.
Lần đầu tiên xuất hiện các VĐV không chuyên mặc áo dài chạy marathon.

Áo dài chạy marathon, có sao không?

Phần đa phe phản đối cho rằng, rằng mặc áo dài chạy marathon là “xem thường áo dài”, làm xấu áo dài, là không phù hợp với môn thể thao này, là không biết gì về marathon. Nhiều ý kiến cho rằng việc mang áo dài để chạy bộ là phản cảm, phi thể thao. Một người cho hay “Trang phục được thiết kế phù hợp với mục đích của nó, áo tắm là để đi biển, quần áo ngủ là để mặc khi đi ngủ, quần áo thể thao mặc khi tập thể dục thể thao. Mặc áo dài đi giày thể thao thì vừa không phù hợp vừa phản cảm”…

Tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn nói mang áo dài để chạy bộ như vậy là nhằm tôn vinh và quảng bá áo dài như một hoạt động văn hóa, nhưng chạy marathon là một sinh hoạt thể thao và mặc áo dài phải đúng theo quy luật.

Là người ủng hộ đưa áo dài ngũ thân vào cuộc sống thường nhật ở Huế, Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau khi kết thúc giải marathon nói trên cũng lên mạng xã hội Facebook viết một bài khá dài để phân trần một số vấn đề liên quan đến việc mặc áo dài ngũ thân chạy marathon. “Khi những hình ảnh này (hình ảnh vận động viên mặc áo dài chạy marathon) được đưa lên báo chí, mạng xã hội thì cũng có một số người dè bỉu, chê bai, thậm chí dùng những ngôn từ khá nặng nề. Nhân sự việc này mình muốn nói rõ vài điều”…

 

Theo ông Phan Thanh Hải, marathon là môn thể thao có tính đại chúng rất cao, mọi người dân không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo... đều có thể tham gia, miễn là đủ sức khỏe. Nhưng đây cũng là bộ môn đòi hỏi sức bền, ý chí phấn đấu, sức chịu đựng nên thực sự là một thử thách không nhỏ với những người tham dự.

Do không quy định bắt buộc về trang phục thi đấu nên các vận động viên có thể tự chuẩn bị cho mình một bộ đồ mà họ ưng ý nhất (miễn là không vi phạm các quy định về pháp luật và đạo đức). Vì vậy, lựa chọn trang phục thi đấu còn thể hiện ý chí, nguyện vọng, sở thích, tình yêu... của vận động viên.

Việc một số vận động viên đến từ TP HCM, Hà Nội... và cả vận động viên người Huế chọn trang phục áo dài, áo ngũ thân làm trang phục thi đấu để thể hiện tình yêu của mình đối với Huế, hoặc ủng hộ, cổ vũ chủ trương xây dựng Huế thành “Kinh đô áo dài Việt Nam” của Chính quyền và Nhân dân địa phương là một việc làm bình thường, thậm chí rất đáng hoan nghênh bởi họ tạo thêm sự thú vị, giàu sắc màu cho giải đấu.

Cũng theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, áo dài ngũ thân vốn được sáng tạo từ mấy trăm năm trước tại Huế, từ đó lan tỏa ra toàn quốc, trở thành bộ trang phục phổ thông của người Việt, và từ hơn trăm năm trước đã được gọi là quốc phục, Nam phục (để phân biệt với Âu phục, trang phục ảnh hưởng của văn minh phương tây). Áo ngũ thân dành cho cả nam và nữ là thường phục chứ không phải là tế phục, lễ phục nên được người xưa sử dụng trong mọi hoạt động, kể cả trong lao động sản xuất.

Lựa chọn trang phục chạy Marathon ở một số cuộc đua trên thế giới.
Lựa chọn trang phục chạy Marathon ở một số cuộc đua trên thế giới.  

Khoảng thập niên 1970 trở về trước, ở Huế người ta có thể gặp bộ trang phục này ở mọi nơi, mọi đối tượng, nhất là phụ nữ, từ cô giáo, học sinh ở trường học, tiểu thương ngoài chợ, ngay cả mệ bán bún gánh, bán chè, bán đậu hũ đến o chèo đò ngang sông Hương... hầu như ai cũng mặc áo dài, trong đó phổ biến là áo ngũ thân.

Vì vậy, việc một số vận động viên mặc áo ngũ thân tham gia chạy marathon hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến “thuần phong mỹ tục”, hay ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Huế, vùng đất của văn hóa, di sản. Trái lại, có thể xem đây là một cách thể nghiệm rất thú vị, để có thể hiểu thêm ông bà chúng ta khi xưa họ mặc bộ trang phục ấy khi lao động vất vả thì sẽ có cảm giác ra sao.

Ông chia sẻ, thật thú vị là tất cả các vận động viên mặc áo ngũ thân tham gia giải lần này đều hoàn thành xuất sắc đường chạy của mình. Các bạn hãy ngắm nhìn gương mặt của ca sỹ Đức Tuấn khi về vạch đích sau 21km hay nhiều vận động viên nữ khác trong trang phục áo dài, kể cả các vận động viên nhí tham gia giải KUN Marathon Huế thật sự trở nên đáng yêu hơn, thú vị hơn khi xuất hiện các tà áo ngũ thân trên đường chạy. 

Cuộc sống, hãy là những ngày vui…

Trên trang facebook cá nhân, ca sĩ Đức Tuấn, một trong những vận động viên mặc áo dài chạy bộ, nói rằng: “Áo dài ngũ thân cho nam rất đẹp và cũng vô cùng thoải mái, chuyện khó như chạy 21 cây số dưới 2 tiếng mà Tuấn còn làm được mà”… Đây là một giải chạy phong trào, hướng đến cộng đồng nhằm nâng cao sức khoẻ cho người dân, kêu gọi người dân chạy thể dục thể thao rèn luyện sức khoẻ chứ không phải là một cuộc thi chuyên nghiệp phải mặc đồ theo đúng quy định của BTC.

Cung đường để các VĐV tranh tài là chạy qua các tuyến đường có các di tích lịch sử nổi tiếng của Cố đô Huế như:  Kỳ đài - Chùa Thiên Mụ - Kinh thành Huế...vì vậy các VĐV không chuyên của Huế & các tỉnh bạn mặc áo dài ngũ thân để chạy cũng phù hợp với cảnh quan xung quanh và cũng mong muốn quảng bá hình chiếc Áo dài truyền thống rất đẹp rất thoải mái đến các tầng lớp nhân dân, qua đó sẽ sớm hình thành nên kinh đô Áo dài Việt Nam, tiến tới là trở thành Di sản cấp quốc gia & Di sản thế giới. 

Việc các VĐV không chuyên mặc áo dài để chạy thể dục thể thao là một hình thức quảng bá, một hình ảnh đẹp tại Việt Nam từ trước đến nay, tại sao lại bị “soi”, tại sao lại bị phản ứng. Ngành văn hoá Huế đang tìm mọi cách để khôi phục những giá trị văn hoá tốt đẹp của thế hệ trước để lại & gìn giữ cho thế hệ sau, đó là một việc làm không hề dễ. Nếu không có một tình yêu dành cho văn hoá cổ phong thì sẽ rất khó để thực hiện. 

Tại Huế, hình ảnh áo dài quen thuộc trong mọi hoạt động của cuộc sống, áo dài chạy qua các khu di tích cũng là quảng bá cho áo dài, cho văn hóa, du lịch Huế…
Tại Huế, hình ảnh áo dài quen thuộc trong mọi hoạt động của cuộc sống, áo dài chạy qua các khu di tích cũng là quảng bá cho áo dài, cho văn hóa, du lịch Huế…

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hải Đông đồng thời cũng là một runner có tiếng xung quanh chuyện tranh cãi về việc mặc áo dài tham gia chạy marathon. Từ khi xỏ giày chạy bộ đến nay, anh Hải Đông đã tham gia hàng chục giải marathon trong và ngoài nước (Angkor, Los Angles). Tại giải chạy TCB Ho Chi Minh City International Marathon 2018, runner Nguyễn Hải Đông khiến các vận động viên chạy cùng đường đua “bạt vía” khi anh tham gia chạy cự ly half marathon với bộ đồ vest đen, giày thể thao và tay lăm lăm… khẩu súng nhựa.

Năm 2019, tham gia giải chạy ở Qui Nhơn, anh mặc cosplay Maui  theo ý tưởng của con trai. “Chỉ một số giải tôi cosplay nhân vật hay mặc trang phục khác, còn lại phần lớn vẫn mặc đồ chạy bộ chuyên dụng”, anh Đông cho biết.

Với giải VNE Huế Marathon, bộ áo dài mà NAG Hải Đông diện cosplay tình cờ nằm trong tâm điểm của bão mạng khi một facebooker xứ Huế lên án gay gắt việc mặc áo dài chạy marathon tạo nên hình ảnh không đẹp mắt. Anh chia sẻ : “Ở giải Huế, cả nhóm chúng tôi ghé đặt áo dài của NTK Quang Hoà. Đẹp quá, thoải mái quá nên quyết định mặc áo dài chạy luôn. Áo dài của mình là áo theo kiểu ngũ thân truyền thống nhưng được thêm những hoa văn bằng hạt, cườm.. rất đẹp. Nó làm mình và các bạn chạy cùng rất vui, hào hứng khi qua các danh lam thắng cảnh, những ngôi làng, nhà vườn… và được người dân Huế vui vẻ cổ động. Đây là những áo dài thiết kế chứ không phải là những áo dài phục chế, phục dựng chính xác áo dài xưa”.

Trên thế giới, chuyện runner mặc cosplay chạy marathon là chuyện khá phổ biến, từ trang phục bác sĩ, cảnh sát, hình nộm hoa quả, tháp BigBen…cho đến cả trang phục truyền thống như kimono. Ở Việt Nam, cosplay để chạy bộ mới thành “trend” trong vòng 2,3 năm trở lại đây. Các runner này tạo được sự chú ý nhất định đối với khán giả trên đường. 

“Tôi thích chạy với cosplay vì nó vui nhộn, hào hứng. Bộ đồ làm cho mình hưng phấn hơn, tạo niềm vui cho chính mình và những người xung quanh, cả runner hay người dân cổ vũ, qua những cái đập tay đầy vui vẻ. Hai lần gần nhất tôi mặc trang phục cosplay là vì tôi muốn tạo sự gần gũi với giải địa phương”, anh nói. “Như ở Mekong Marathon (Hậu Giang), tôi chọn mặc đồ bà ba chạy cùng các bạn đầy hào hứng. Vừa chạy vừa giao lưu, phát kẹo cho trẻ em…

Những bộ trang phục đó quá đỗi thân thương hàng ngày với bà con. Tôi nghĩ là ai ai cũng có thể chạy được, từ chị nông dân, bà nội trợ đến những tiểu thương… qua bộ quần áo mà họ mặc hàng ngày. Những lần cosplay hay trang phục khác thì thành tích chạy của tôi cũng không tệ hơn mấy đâu nhé, vẫn trong khoảng 2h15 đến 2h30 cho cự ly half marathon”.

Bên cạnh những ý kiến chê bai, phê phán việc mặc áo dài chạy marathon là phi thể thao, phản cảm... thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc này tạo nên một sắc màu rất thú vị: “Rất Huế. Vì chương này được mọi người quan tâm, có cả những tỉnh khác tham gia nữa. Việc họ mặc áo dài là để thể hiện tình yêu với Huế. Đôi khi không cần rập khuôn quá cái vấn đề thể thao hay suy nghĩ của bất cứ hình thức nào”, tài khoản Facebook Hoàng Hiếu bình luận. Tài khoản Trần Tiến Dũng cho rằng: “Mỗi người có một quan điểm. Hãy để họ tự có tự do trong trang phục, truyền tải thông điệp của mình…”…

Thực tế, nói như nhà giáo Nguyễn Hoàng Ánh (ĐH Ngoại thương Hà Nội) chia sẻ trên trang cá nhân: Đất nước chỉ giàu mạnh khi con người được tôn trọng và tự do sáng tạo. Le Mur khi mới sáng tạo áo dài cũng bị “ném đá” tơi bời, giờ lại là kinh điển. Lady Gaga, Psy lức đầu bị ghét vô cùng, giờ lại nổi tiếng toàn thế giới. Thế nên, cái gì khen được thì nên khen, còn chê thì nếu không vi phạm đạo đức hay pháp luật thì ta nên bỏ qua. Đời đủ khó khăn rồi, giúp nhau vui thôi mà!...

Đọc thêm