Đại mộc tinh thần bí giữa đại ngàn

(PLVN) - Cách trung tâm phố biển Nha Trang khoảng 45km về phía Tây Nam, thác Yang Bay (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) nằm lọt giữa rừng nguyên sinh màu mỡ với vẻ đẹp thơ mộng, đầy quyến rũ. Thác Yang Bay theo tiếng gọi của người Raglai có nghĩa là thác Trời và nó gắn liền với một truyền thuyết kỳ lạ giữa núi rừng trùng điệp. Ở đây còn có một cây cổ thụ cộng sinh được người dân tôn kính gọi là mộc thần và ai cũng tin rằng cây rất linh thiêng. 
Đại mộc tinh bên thác Yang Bay.
Đại mộc tinh bên thác Yang Bay.

Truyền thuyết thác Yang Bay và Mộc thần

Khánh Vĩnh là huyện miền núi khó khăn ở tỉnh Khánh Hòa nhưng giàu cảnh đẹp. Ai đã một lần đến với suối reo, thác đổ, rừng đại ngàn huyền thoại là dùng dằng chẳng muốn quay về. Vùng đất bazan màu mỡ không chỉ nổi tiếng với cánh rừng bí ẩn, mà còn gắn liền với những chiến tích lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Ở đó, khu vực rừng Yang Bay là điểm đóng quân trực tiếp trong trận đánh mở màn tại Tô Hạp (thuộc huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ở rừng Yang Bay có thác nước cùng tên mà theo tiếng Raglai có nghĩa là thác Trời. Thác Yang Bay bắt nguồn từ đỉnh Gia Kang. Cuối dòng, thác chia làm 2, một dòng hòa với nguồn nước khoáng nóng có nhiệt độ cao hơn bình thường, một dòng giữ nguyên sự mát trong hòa vào sông suối. Người ta thường ví 2 dòng một nóng, một lạnh này như 2 dòng sữa mẹ, tạo nên hình hài thác Yang Bay vừa hoang sơ mãnh liệt, vừa tiềm ẩn vẻ đẹp liêu trai.

Từ bao đời nay, người Raglai ở xã Khánh Phú vẫn truyền tai nhau truyền thuyết về dòng thác bí ẩn này. Theo đó, trên đỉnh núi Gia Kang có rất nhiều tảng đá nhẵn và bằng phẳng. Lúc bấy giờ, nhà trời và trần gian rất gần nhau nên Ngọc Hoàng và các nàng tiên trên thượng giới thường xuống trần dạo chơi. Trong số tiên nữ có nàng tiên út thường tách ra, cải trang thành thôn nữ để đi vào bản làng và được ông bà Cau Phú nhận làm con nuôi.

Thời gian trôi qua, nàng đem lòng yêu chàng trai trong bản tên là Cau Sơn. Khi biết chuyện, Ngọc Hoàng tức giận nên liền hóa phép biến Cau Sơn thành đá. Tuy nhiên, nàng tiên út vẫn nhất quyết ở lại trần thế để canh giữ tượng chồng, hái rau, bắt cá sinh sống và nuôi con.

Dù đã trừng phạt Cau Sơn nhưng con gái vẫn không chịu quay về nên Ngọc Hoàng cho rằng hạ giới đã giữ nàng tiên út ở lại. Do đó, Ngọc Hoàng nổi trận lôi đình, quyết ra tay trừng phạt, ra lệnh không cho giọt nước nào rơi xuống trần gian. Vì thế, trần gian xảy ra nắng hạn, tất cả sông suối, hồ ao đều khô cạn.

Am miếu nhỏ được người Raglai ở xã Khánh Phú lập lên để thờ mộc thần linh thiêng.
Am miếu nhỏ được người Raglai ở xã Khánh Phú lập lên để thờ mộc thần linh thiêng. 

Vào thời điểm khô hạn khốc liệt nhất thì bỗng nhiên xuất hiện 2 mẹ con nhà cóc. Ngày ngày cóc mẹ cứ nhảy qua những cái hố mà các loài thú đã đào, vừa nhảy vừa kêu than ai oán cho đến khi hơi tàn lực kiệt mà chết. Cóc con chờ mãi không thấy mẹ về, nó cũng kêu khóc thảm thiết rồi chết theo.

Biết được chuyện này, Ngọc Hoàng vô cùng hối hận và cảm động. Nước mắt của Ngọc Hoàng chảy xuống chỗ cóc mẹ nằm tạo thành thác lớn, còn chỗ cóc con nằm tạo thành thác nhỏ. Nước mưa chạm vào tượng đá Cau Sơn làm chàng sống lại và đoàn tụ với mẹ con nàng tiên út. Từ đó, để tưởng nhớ mẹ con nhà cóc và muôn loài, người đời sau đã đặt tên cho thác nước lớn ấy là Yang Bay - thác Trời.

Gần khu vực thác Yang Bay có một gốc cây cổ thụ được người dân địa phương gọi với cái tên tôn kính là “Mộc thần”. Mộc thần có chiều cao trên 25m, tán có đường kính hơn 20m. Nó là sự kết hợp cộng sinh giữa 2 cây cổ thụ đa và sanh cùng một cây rừng nhỏ mọc trong hộc cây.

Theo người Raglai nơi đây, 3 cây tạo nên mộc thần là 3 thành viên của gia đình của thần rừng. Không ai biết chính xác mộc thần bao nhiêu tuổi, chỉ biết đã tồn tại qua nhiều thế hệ (khoảng hơn 500 năm) và ai cũng tin rằng cây rất linh thiêng. Hàng ngày, trước khi ra vào rừng, người Raglai đều đến mộc thần thắp hương và cầu nguyện.

“Mộc thần như một vị thần canh giữ khu rừng, bảo vệ và ban phúc cho dân làng. Người Raglai chúng tôi mỗi khi ngang qua đều dừng lại, đứng dưới gốc cây cầu nguyện cho chuyến đi rừng được bình an và thành công. Việc cầu nguyện không phải là mê tín mà nó thuộc về đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Raglai chúng tôi”, già Cao Nia (ngụ xã Khánh Phú) cho biết.

Điều đặc biệt là gốc cây chia thành 8 bành (mặt) quay ra 8 hướng. Nhiều người cho rằng, gốc cây có 8 mặt là để trông coi 8 hướng của trời đất. Có người cho rằng, 8 mặt đó tương ứng với 8 quẻ bát quái là càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài tượng trưng cho trời, đầm, lửa, sấm, gió, núi, nước, dất. 

Tuy nhiên, người Raglai cho rằng, 8 mặt của mộc thần tượng trương cho 8 vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Đó là sức khỏe, gia đình, tình duyên, sự nghiệp, học hành, tiền tài, cầu tự, tâm an. Vì thế, họ thường đến đây cầu nguyện cho những điều mình mong ước.

Hàng năm, vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 3 âm lịch, người ta thường thấy những chú chim phượng hoàng bay về đậu trên những tán cây mộc thần ăn trái. Vì thế, người dân gọi ngọn đồi ở đây là đồi phượng Hoàng. Họ cho rằng, ai nhìn thấy chim phượng hoàng sẽ gặp nhiều may mắn.

Vẻ đẹp thơ mộng

Đến khu vực thác Yang Bay, du khách sẽ cảm nhận vẻ đẹp lung linh với con suối uốn lượn qua những rừng cây rậm rạp, vượt qua những tảng đá, rồi đổ dốc tạo thành những thác nước như suối tóc của người con gái Raglai e ấp nằm lẫn giữa đại ngàn bao la.

Từ dưới nhìn lên, du khách ngỡ ngàng trước thác Trời cuồn cuộn chảy, tiếng ào ào của nước đập vào vách đá, tung bọt trắng xóa. Dưới chân thác là một hồ nước rộng mênh mông, có thể nhìn thấy được những phiến đá dưới lòng hồ. Xung quanh là cây cảnh với nhiều sắc hoa rực rỡ. Ở những hồ nước cạn và nhỏ, du khách có thể nô đùa và tận hưởng sự mát rượi của dòng nước, thỏa thích vẫy vùng để quên đi những lo toan của cuộc sống thường nhật.

Hàng ngàn năm qua, thác Trời vẫn miệt mài chảy giữa núi rừng ngút ngàn trùng điệp.
Hàng ngàn năm qua, thác Trời vẫn miệt mài chảy giữa núi rừng ngút ngàn trùng điệp.  

Sau khi nô đùa với dòng nước, men theo những con đường núi cao dần với nhiều vách đá cheo leo, du khách sẽ lên đỉnh thác Yang Bay. Từ đây phóng tầm mắt nhìn xuống sẽ thấy sự hùng vĩ của đất trời. Du khách có thể thả hồn ngắm non nước mây trời, những dòng nước cuồn cuộn chảy qua những thảm thực vật 2 bên bờ.

Người dân ở đây bảo rằng, vào mùa xuân, dòng thác êm đềm, nước trong mát, những tia nắng ban mai chiếu rọi khắp khu rừng, cảnh vật xanh tươi mơn mởn, hoa rừng nở rộ khoe sắc 2 bên bờ sông. Về đêm, mặt thác lung linh dưới ánh trăng, cỏ cây, hoa lá hòa quyện với nhau tạo nên bức tranh tuyệt mỹ.

Thật vậy, chúng tôi đến đây vào buổi chiều và thú vị nhất là ngắm được chiều buông trên thác Yang Bay thơ mộng, những sợi nắng vàng rơi rớt trên mặt hồ cùng tiếng gió của núi rừng, tiếng nước đổ, tạo nên một khung cảnh thật lãng mạn.

Đến đây, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa đậm nét truyền thống của đồng bào Raglai khi thưởng thức những bản nhạc rộn ràng từ nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Đó là tiếng đàn đá vang vọng như lời của núi rừng từ nghìn xưa, những màn độc tấu sáo tacung, hòa tấu mã la sôi động hào hứng… tạo nên một thế giới âm thanh diệu vợi, hút hồn người nghe.

Có thể nói, thác Yang Bay như dải lụa trắng từ trên bầu trời thả xuống giữa rừng nguyên sinh, được bao bọc bởi những dãy núi xanh bạt ngàn, tạo nên nét quyến rũ rất khó quên cho bất cứ ai từng đặt chân đến dòng thác này.

Đọc thêm