Đắk Lắk: Liên tiếp các vụ học sinh tụ tập hỗn chiến, trách nhiệm thuộc về ai?

(PLVN) - Thời gian gần đây, tình trạng học sinh chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ mà đã tụ tập, mang theo nhiều loại hung khí nguy hiểm để hỗn chiến, đánh nhau đang có chiều hướng gia tăng phức tạp ở tỉnh Đắk Lắk. Tình trạng học sinh đánh nhau là câu chuyện không mới nhưng lại luôn là vấn đề nóng đối với xã hội và hiện chưa có giải pháp để giải quyết triệt để. 
Nhóm học sinh, thanh thiếu niên bị tạm giữ trong vụ hỗn chiến tối 17/11.
Nhóm học sinh, thanh thiếu niên bị tạm giữ trong vụ hỗn chiến tối 17/11.

Liên tiếp các vụ học sinh tụ tập hỗn chiến

Khoảng 20h ngày 17/11, hai nhóm học sinh, thanh thiếu niên mang theo hung khí tụ tập tại ngã tư đường Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP Buôn Ma Thuột) để chuẩn bị đánh nhau. Nhận được tin báo của người dân, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk đã triển khai hơn 50 cán bộ, chiến sĩ lập tức đến hiện trường.

Khi thấy lực lượng công an, hai nhóm học sinh, thanh thiếu niên nhanh chóng bỏ chạy. Lúc này, tổ công tác đã truy đuổi, tạm giữ được 4 học sinh, thanh thiếu niên trong cùng một nhóm, thu giữ 3 cây dao, mã tấu.

Nhóm học sinh, thanh thiếu niên bị tạm giữ gồm: Đặng Trường Thanh T., Lương Hoàng Th., Võ Thành Đ. và Võ Vương H. (cùng 15 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột). Trong đó, T. đang là học sinh lớp 10 của Trường THPT Hồng Đức, Th. là học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Buôn Ma Thuột).

Theo lời khai ban đầu của nhóm T., trước đó một tuần, trên đường đi học về, T. có nhìn một bạn tên A. là học sinh lớp 10 cùng trường. Sau đó, A. cho rằng T. đã nhìn đểu nên giữa 2 bên đã xảy ra mâu thuẫn.

Đến ngày 15/11, T. và A. xảy ra xô xát, sau đó A. bắt T. phải bồi thường 100 nghìn đồng. Chiều 17/11, cả 2 nhắn tin rồi hẹn nhau đến địa điểm trên để giải quyết mâu thuẫn và đưa tiền. Tuy nhiên, khi đến đây, A. bắt T. phải đưa 500 nghìn đồng. Vì T. không có tiền nên nhóm của A. cầm hung khí lao vào đánh chém.

Đặng Trường Thanh T. khai, nhóm của mình chỉ có 4 người, mang theo dao rựa, kiếm. Khi tới điểm hẹn thì thấy nhóm của A. có khoảng 30 người và cũng có nhiều hung khí nguy hiểm, sau đó 2 nhóm lao vào đánh chém.

Cũng tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột, khoảng 21h ngày 8/11, từ tin báo của người dân có 2 nhóm thanh, thiếu niên mang theo nhiều loại hung khí nguy hiểm đang hẹn nhau ở vòng xoay đường Trần Quý Cáp (phường Tân Lập) để hỗn chiến, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk đã cử 30 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường.

Thấy lực lượng công an, các đối tượng lập tức phóng xe máy bỏ chạy. Tổ công tác đã truy đuổi, tạm giữ được 7 đối tượng đưa về làm rõ và thu giữ 3 cây dao rựa, một mã tấu.

Các học sinh, thanh thiếu niên bị lực lượng Công an Đắk Lắk triệu tập vì tham gia vụ hỗn chiến tối 18/11.
Các học sinh, thanh thiếu niên bị lực lượng Công an Đắk Lắk triệu tập vì tham gia vụ hỗn chiến tối 18/11. 

Sau khi tiếp nhận vụ việc để điều tra, đến nay, Công an phường Tân Lập bước đầu đã làm rõ và triệu tập được 13 thiếu niên, học sinh cùng thuộc một nhóm của 7 đối tượng trên. Nhóm này do Trần Nguyễn Khang (16 tuổi, ngụ xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) cầm đầu. Tất cả chỉ từ 14 - 17 tuổi, trong đó chủ yếu đang là học sinh THCS và THPT.

Theo lời khai của các thiếu niên, học sinh này, Khang có mâu thuẫn với một số thiếu niên khác, sau đó Khang vào mạng xã hội facebook thành lập một nhóm rồi nhắn tin lôi kéo hàng chục thiếu niên, học sinh đi giúp mình hỗn chiến. 

Trước đó, vào khoảng 19h30 ngày 5/1, tại khu vực siêu thị Mega Market (phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột), Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành vây ráp, bắt giữ 29 đối tượng mang theo hung khí, tụ tập để chuẩn bị hỗn chiến. 

Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ nhiều hung khí như: gậy bóng chày, dao Thái Lan, côn nhị khúc, kéo và nhiều tang vật khác liên quan. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ 15 chiếc xe máy là phương tiện di chuyển của 2 nhóm đối tượng này. 

Nhóm thứ nhất do Nguyễn Hoàng Phúc (SN 2003, ngụ phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) cầm đầu. Nhóm thứ 2 do Tạ Quang Huy (SN 2004, ngụ phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột) cầm đầu. Những đối tượng trong 2 nhóm này đều đang là học sinh của các trường THPT trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.

Kết quả điều tra cho thấy, năm 2018, Phúc có mượn của Huy 700 nghìn đồng. Huy đã nhiều lần đòi nhưng Phúc không trả mà còn có thái đã thách thức. Hai đối tượng này đã xảy ra xích, đánh nhau trước đó. Sau đó, 2 đối tượng tiếp tục hẹn nhau và rủ thêm người đến địa điểm trên để giải quyết mâu thuẫn. Rất may, lực lượng công an đã phát hiện ngăn chặn kịp thời.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Những vụ việc nói trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về suy nghĩ bồng bột, thích dùng vũ lực để giải quyết những bất đồng trong cuộc sống của một bộ phận học sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay.

Trước đó, ngày 15/3/2019, tại Trường THCS Trần Phú (xã Ea Tân, huyện Krông Năng), vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, 2 nhóm với 26 đối tượng chủ yếu là học sinh đã dùng hung khí lao vào hỗn chiến, đánh nhau loạn xạ. Hậu quả, Hoàng Minh Q. (SN 2004, học sinh Trường THCS Trần Phú) bị chém đa chấn thương, đứt ngón 2 và đứt gân duỗi ngón 3 của bàn tay phải với tỷ lệ thương tật 16%.

Sau sự việc này, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống bạo lực học đường tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý học sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường. 

Phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi bạo lực xảy ra với bản thân, bạn bè để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Đặc biệt, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh đánh nhau, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; nắm vững tâm tư, nguyện vọng của học sinh, tư vấn tâm lý cho các em và nêu cao tình thần trách nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên; xử lý nghiêm, kịp thời và công khai các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, sau đó trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra các vụ học sinh dùng hung khí hẹn nhau hỗn chiến, gây lo ngại trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục.

Từ chuyện học sinh đánh nhau, bè phái, tấn công nhau bằng lời lẽ, vũ lực, đến việc xử lý kỷ luật học sinh vi phạm là hạ hạnh kiểm, đình chỉ học một thời gian, hoặc đuổi học... đều để lại những hệ lụy lâu dài và khó lường đối với cả nạn nhân và học sinh mắc lỗi. 

Đã có không ít cuộc hội thảo cùng chỉ đạo của ngành chủ quản, sự lên tiếng của cả phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội về tình trạng bạo lực đánh nhau của học sinh. Nguyên nhân được phân tích mổ xẻ và những giải pháp ngăn chặn đã được đề ra không ít nhưng bạo lực vẫn còn nhức nhối bùng phát và lời giải cho bài toán khó này xem ra vẫn còn hết sức khó khăn.

Nhưng thiết nghĩ, giáo dục gia đình phải là nền tảng. Phụ huynh phải quan tâm đến con em mình, trang bị cho con em đủ kiến thức cũng như đạo đức, bản lĩnh để hòa nhập trong môi trường cộng đồng, trường học. Kế đó, ngành giáo dục cần đổi mới chương trình sát thực với cuộc sống, giáo dục kỹ năng sống. Đồng thời, môi trường giáo dục trong nhà trường phải trong sạch, có kỷ cương. Như vậy mới mong giảm được tình trạng học sinh đánh nhau như hiện nay.

Đọc thêm