Danh ca Bạch Yến và câu chuyện đỉnh cao danh vọng từ “Đêm đông”

(PLVN) - “Ca khúc “Đêm đông” đến với tôi như là một định mệnh. Ca khúc đã làm thay đổi cuộc đời tôi khi đưa tôi đến đỉnh vinh quang của sự nghiệp nhưng cũng khiến tôi phải đi một quãng đường dài trong cuộc đời với những cô đơn lạnh giá, giống như hình ảnh người kỹ nữ trong ca khúc”, danh ca Bạch Yến chia sẻ.
Bạch Yến bên danh ca Bing Crosby (trái) và tài tử Bob Hope khi quay cho chương trình truyền hình “Ed Sullivan Show".
Bạch Yến bên danh ca Bing Crosby (trái) và tài tử Bob Hope khi quay cho chương trình truyền hình “Ed Sullivan Show".

Lên đỉnh cao danh vọng nhờ đổi giai điệu ca khúc

Danh ca Bạch Yến tên thật là Quách Thị Bạch Yến, sinh năm 1942 tại Sóc Trăng. Có năng khiếu ca hát nên ngay từ nhỏ cô đã được hát trong ca đoàn ở Cần Thơ. Năm 1953, sau khi lên Sài Gòn sống cùng mẹ, Bạch Yến đã gặp nhạc sĩ Lê Thương. Thấy cô bé có giọng hát tốt, nhạc sĩ đã khuyên cô tham dự cuộc thi “Tiếng hát Nhi đồng” do đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Sau đó, Bạch Yến đã đạt giải Vàng và được mời cộng tác với đài.

Tuy nhiên, sau một thời gian, đài Pháp Á ngưng hoạt động, Bạch Yến phải xin đi hát ở phòng trà để đỡ đần cho gia đình. Ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, cô cố hóa trang thật già dặn để lên sân khấu, hát những ca khúc của người lớn như: “Bến cũ”, “Gái xuân”… hay những ca khúc trữ tình bằng tiếng Pháp, rồi tập nhảynhững ca khúc như:“Rock and Roll”, “Twist”… vốn đang dần ăn khách tại Sài Gòn. 

Cho đến năm 1957, tên tuổi của Bạch Yến bắt đầu vụt sáng với ca khúc “Đêm đông” (ra đời năm 1939) của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương tại phòng trà Kim Sơn. Tại phòng trà này, cô được hát với ban nhạc nổi tiếng của một người Philippines tên là Ely Javier.

Trước Bạch Yến, đã có nhiều người hát ca khúc “Đêm đông” nhưng chỉ hát theo điệu tango theo đúng nguyên bản. Khi chọn ca khúc này, Bạch Yến đã nhờ Ely Javier đổi sang slow rock vì cô thấy giai điệu tango không thích hợp với một bài có nội dung buồn tha thiết đến như vậy.Điều đặc biệt, thời điểm đó, điệu slow rock chỉ vừa mới du nhập vào làng nhạc Việt không lâu và một cô gái mới 15 tuổi chấp nhận thử thách khi tự ý đổi giai điệu cho một ca khúc nổi tiếng đã được sáng tác trước đó gần 20 năm.

Danh ca Bạch Yến thời trẻ.
Danh ca Bạch Yến thời trẻ. 

“Thời đó, không có đạo diễn âm thanh hay đạo diễn sân khấu, ban nhạc và người làm ánh sáng chỉ làm theo yêu cầu của ca sĩ. Tôi thấy đây là một ca khúc buồn nên hát ở điệu slow rock hợp hơn. Dù chẳng hiểu biết gì nhiều nhưng tôi vẫn mạnh dạn dàn dựng ánh sáng, từ sân khấu tối mịt ban đầu rồi ban nhạc chơi nhẹ một đoạn giai điệu buồn, ca sĩ từ từ cất tiếng tự do và ánh sáng chùm chiếu theo bóng ca sĩ… Giờ nghĩ lại thấy buồn cười vì cách suy nghĩ hơi trẻ con đó của mình. Nhưng có lẽ tôi đã nghĩ đúng”, danh ca Bạch Yến cho biết.

Phòng trà Kim Sơn vốn là một vũ trường, ca sĩ thường hát những bài hát sôi động hoặc các giai điệu phù hợp để khách đến khiêu vũ. Sau khi kết thúc một ca khúc trước đó với giai điệu rất sôi động, ồn ã thì bỗng nhiên âm thanh vũ trường rơi vào im lặng, đèn sân khấu cũng tắt. 

Trong khi quan khách chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì bỗng nghe phía sân khấu, từ trong bóng tối, chậm chậm vang lên câu hát:“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống/ Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông/ Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời/ Cùng mây xám về ngang lững trời”.

Trong không gian huyền ảo, tiếng hát của Bạch Yến như rơi vào thênh không. Một vệt sáng sân khấu từ từ rọi vào bóng dáng của người nghệ sĩ nhỏ bé, cô đơn… Tất cả khán giả có mặt đều im phăng phắc để đón nhận từng câu, từng chữ trong một trạng thái rất lạ lẫm. Lạ, đó là vì họ đang ở trong chốn vũ trường lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt nhưng khoảnh khắc đó, tất cả đều lặng im. 

Danh ca Bạch Yến.

Danh ca Bạch Yến.

Là chốn vũ trường nhưng không một ai có ý định bước ra nhảy nhót như bình thường nữa. Hình ảnh người ca nữ lặng lẽ cô đơn trong đêm đông thanh vắng, qua nhịp chậm buồn của điệu slow rock đã gây ấn tượng mạnh đối với khán giả. Và, khi giai điệu cuối cùng của bài hát chùng xuống cũng là lúc khán giả đồng loạt đứng lên vỗ tay tán thưởng.

Một ca sĩ chỉ mới 15 tuổi đã mạnh dạn thổi một phong cách mới vào ca khúc cũ, khiến ca khúc thăng hoa, làm nên một hiện tượng chưa từng có. Thời gian sau đó, “Đêm đông” là ca khúc được yêu cầu nhiều nhất trong những đêm nhạc mà Bạch Yến góp mặt. Nhiều đêm Bạch Yến hát đi hát lại ca khúc này 4 - 5 lần vì được yêu cầu quá nhiều.

Sau đó, có nhiều ca sĩ hát ca khúc “Đêm đông” theo cách này nhưng người tiên phong là Bạch Yến được nhắc đến nhiều nhất. Các phòng trà, các vũ trường liên tục mời Bạch Yến tới hát và cô trở thành ca sĩ đắt show nhất ở Sài Gòn những năm cuối thập niên 1950 đầu 1960.

Sau này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương kể, khi gặp Bạch Yến tại Pháp năm 1982, việc đầu tiên của ông là cảm ơn cô vì đóng góp đầy ý nghĩa trong cách thể hiện tác phẩm. Sau khi nghe băng Bạch Yến hát, mỗi lần giới thiệu ca khúc, ông đã bỏ chữ tango, thay bằng slowrock.

Nghệ sĩ Việt đầu tiên chạm ngõ Hollywood

Năm 1961, biết không thể thành công nếu cứ khai thác mãi hình ảnh một ca sĩ nhí, Bạch Yến đã chọn con đường du học tại Pháp nhằm nâng cao khả năng biểu diễn. Tại Pháp, Bạch Yến được một số hãng đĩa mời hát và đi lưu diễn nhiều nơi. Tuy có thu nhập lý tưởng nhưng Bạch Yến vẫn xác định học để về nước biểu diễn. Vì thế học xong, năm 1963, Bạch Yến trở lại Sài Gòn, tiếp tục ngự trị trong top những ca sĩ hàng đầu Sài Gòn.

Nhưng dường như ca khúc “Đêm đông” vẫn gắn chặt với cuộc đời Bạch Yến khi năm 1965, cô được chương trình “Ed Sullivan Show” mời sang Mỹ trình diễn. Đây là chương trình truyền hình giải trí ăn khách nhất của Mỹ thời đó với mỗi lần truyền hình thu hút trên 40 triệu khách xem. Năm 1964, nhóm nhạc huyền thoại Beatles lần đầu tiên xuất hiện tại Mỹ cũng trên “Ed Sullivan Show” và đã thu hút trên 70 triệu lượt người xem, trở thành một trong những chương trình truyền hình ăn khách nhất thời đại. 

Được “Ed Sullivan Show” mời là vinh dự cho bất cứ ca sĩ nào trên thế giới và Bạch Yến là người Việt Nam đầu tiên được xuất hiện trên show này. Nữ ca sĩ đã chọn 2 ca khúc cho phần trình diễn của mình là “Đêm đông” và “If I had a hammer”. Buổi diễn thành công, Bạch Yến được các nhà sản xuất mời về Hollywood hát một ca khúc trong bộ phim “The Green Berets”.

Sau đó, có nhiều nhà sản xuất khác nữa mời Bạch Yến đi show. Ban đầu, Bạch Yến dự tính chỉ sang Mỹ 2 tuần cho “Ed Sullivan Show” nhưng rồi đã ở lại đây đến mấy chục năm.

“Lúc đó, tôi mới thấy mình giống hoàn cảnh cô kỹ nữ trong ca khúc “Đêm đông”. Một mình nơi đất khách, nhất là những đêm đi diễn về, cô quạnh trong cái lạnh, trong sự vắng lặng của bóng đêm, thèm nghe một câu tiếng Việt cũng không có được”, danh ca Bạch Yến từng chia sẻ.

Năm 1978, khi đi Pháp thăm người thân, Bạch Yến đã tình cờ gặp nhạc sĩ Trần Quang Hải (con trai giáo sư Trần Văn Khê). Khi đó, Quang Hải chỉ là một giáo sư dạy nhạc dân tộc Việt Nam ít tiếng tăm, còn Bạch Yến đang là một ca sĩ đã thành danh tại Mỹ. Như duyên phận, chưa đầy 24 giờ, Quang Hải đã ngỏ lời cầu hôn Bạch Yến và “cấp tốc” gửi 400 thiệp cưới đến họ hàng, bạn bè khiến cô vừa xúc động vừa ngỡ ngàng. 

Theo chồng, Bạch Yến dần đắm đuối với dân ca và đã cùng chồng đi hơn 70 quốc gia trên thế giới biểu diễn, giới thiệu dòng nhạc dân ca thuần tuý của Việt Nam. Năm 1983, vợ chồng Quang Hải - Bạch Yến đoạt giải thưởng danh giá “Grand Prix du Disque de L’cadémie Charles Cros” cho đĩa dân ca cổ.

Đọc thêm