Danh ca Lệ Thu: Cátxê đựng bao tải và lận đận một kiếp nhân sinh

(PLVN) - Danh ca Lệ Thu tình cờ bước chân vào nghiệp cầm ca với bài hát có tựa đề “Dang dở” tại phòng trà Bồng Lai như dự báo về một phần số riêng nhiều mất mát và những cuộc tình không trọn vẹn.
Danh ca Lệ Thu được mệnh danh là “tiếng hát vàng mười”.
Danh ca Lệ Thu được mệnh danh là “tiếng hát vàng mười”.

Sau Thái Thanh, Lệ Thu cũng vừa giã từ cõi tạm. Liệu sau thế hệ vàng ấy, âm nhạc Việt Nam còn có thể tìm lại một “tiếng hát vàng mười” như Lệ Thu?

“Tiếng hát vàng mười”

Sau một thời gian chống chọi với bệnh Covid-19, danh ca Lệ Thu đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 15/1 tại Mỹ. Sự ra đi của nữ danh ca tài hoa để lại nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ, nhưng giọng hát “buồn tênh” ám ảnh và những nhạc phẩm “vang bóng” của bà chắc chắn sẽ còn in sâu trong nhiều thế hệ người yêu nhạc.

Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16/7/1943 tại Hải Phòng. Năm 1953, bà cùng mẹ vào miền Nam sinh sống. Con đường đến với âm nhạc của bà cùng vô cùng tình cờ. Tài năng ca hát của Lệ Thu được phát hiện vào năm 16 tuổi, khi bà trình diễn ca khúc “Dang dở” tại phòng trà Bồng Lai. Ông chủ phòng trà vì quá bất ngờ trước giọng hát của bà nên đã mời ký hợp đồng. Kể từ đó, bà đi hát với nghệ danh Lệ Thu.

Lý giải cho nghệ danh Lệ Thu, bà từng bảo: “Tôi lấy cái tên ấy chẳng vì lý do nào cả. Chỉ là muốn giấu gia đình chuyện đi hát, rồi người ta hỏi “Thế thì lấy tên gì?”. Tự dưng tôi lại nói lấy tên Lệ Thu đi. Cái tên ấy tự nhiên chạy qua trong đầu, rồi gắn với mình cả kiếp người”.

Chỉ vài năm sau, Lệ Thu trở thành một ngôi sao sáng, tên tuổi ăn khách trên khắp các sân khấu phòng trà, vũ trường và đại nhạc hội. Trong làng nhạc trữ tình miền Nam trước năm 1975 với hàng trăm ca sĩ nổi tiếng, người ta thường nhắc nhiều nhất đến 3 nữ danh ca, đó là Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu. 

Ảnh chụp danh ca Lệ Thu thời trẻ.
Ảnh chụp danh ca Lệ Thu thời trẻ.  

Khác với tiếng hát cao vút, trong trẻo của Thái Thanh hay chất ma mị, liêu trai của Khánh Ly, Lệ Thu nổi tiếng bởi chất giọng nữ trung dày, hơi khàn độc đáo cùng lối hát tự sự, truyền cảm. Bà cũng từng lý giải cho thành công tột bậc của mình giữa rất nhiều ca sĩ khác, đó là vì giọng hát alto (nữ trung) của bà rất khác biệt được lấy hơi từ bụng, mới lạ so với các đàn chị thường hát giọng mũi nên được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Đặc biệt, nếu Thái Thanh nổi tiếng với nhạc Phạm Duy, Khánh Ly vang danh nhờ nhạc Trịnh thì sự nghiệp Lệ Thu trải dài bởi ca khúc bất hủ của nhiều tác giả. Bà không gắn liền tên tuổi với ai nhưng nhắc đến nhiều bản tình ca của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trường Sa, Phạm Đình Chương… cái tên Lệ Thu luôn xuất hiện đầu tiên. 

Bên cạnh đó, nhờ tài năng và chất giọng đi vào lòng người, Lệ Thu được nhiều nhạc sĩ viết tặng riêng các ca khúc như: “Nước mắt mùa thu” (Phạm Duy), “Xin còn gọi tên nhau” (Trường Sa), “Thu, hát cho người” (Vũ Đức Sao Biển)…

Nhạc sĩ Phạm Duy từng chia sẻ về “Nước mắt mùa thu” rằng: “Bài hát nói về tất cả những phận người, trong đó có cả những người ca sĩ một đời phải hát trong buồn tênh”. 

Trong làng nhạc Việt thời đó, danh tiếng của Lệ Thu lớn tới mức, người ta nói rằng bà chỉ cúi đầu trước Thái Thanh. Từng có thời kỳ, Lệ Thu đạt mức cátxê cao kỷ lục, nhiều tiền tới mức phải nhét bao tải mang về. Vì lẽ đó, bà được mệnh danh là “tiếng hát vàng mười”. Đến sau này, câu chuyện đặc biệt này vẫn được thế hệ sau nhắc lại như giai thoại.

Năm 1980, Lệ Thu sang Mỹ định cư cùng gia đình. Tại hải ngoại, bà vẫn ca hát không ngơi nghỉ. Và, cũng chính đam mê âm nhạc đã giúp bà gắn kết với khán giả quê nhà. Năm 2007, Lệ thu trở về nước làm show đầu tiên ở Nhạc viện TPHCM sau hơn 30 năm xa xứ. 

Năm 2013, dù bị tai nạn giao thông ở Mỹ, được khuyến cáo nghỉ ngơi, bà vẫn vội vã về nước, tổ chức liveshow một tuần sau đó vì không muốn lỡ hẹn với những người trót yêu tiếng hát bà. Đến năm 2017, nữ danh ca lại về Việt Nam thực hiện đêm nhạc “Như là kỷ niệm” cùng Tuấn Ngọc.

Trong sự nghiệp trải dài 6 thập kỷ, tiếng hát Lệ Thu khiến bao khán giả mê đắm. Điều trùng hợp, bà thành công nhất với các ca khúc về mùa thu như: “Chiếc lá cuối cùng”, “Xin còn gọi tên nhau”, “Nước mắt mùa thu”, “Bài không tên số 7”, “Hoài cảm”, “Bản tình cuối”, “Mùa thu chết”… và được nhiều người công nhận là ca sĩ hát về mùa thu hay nhất. 

Lận đận một kiếp nhân sinh

Bài hát đưa Lệ Thu vào con đường âm nhạc mang tên “Dang dở” và nhiều người bảo rằng điều đó như một sự báo hiệu cho con đường hạnh phúc không trọn vẹn của bà. 

Bà kể từng kể rằng mình lên xe hoa lần đầu khi “chưa một lần nắm tay người khác giới, chưa bao giờ hôn”. Sau 2 tháng làm dâu, chồng bà thất vọng bởi bà “như khúc gỗ”. Sự ngây thơ khiến cuộc hôn nhân đầu của bà tan vỡ.

Nhiều năm sau, bà tái hôn. Cuộc hôn nhân thứ 2 cũng không trọn vẹn sau 7 năm kết hôn, có với nhau 2 mặt con, bà chia tay chồng vì thói trăng hoa của chồng. “Sự đào hoa có sẵn, lăng nhăng có thừa, lại ảnh hưởng lối sống Tây hóa nữa thật khủng khiếp đến mức nào. Tôi cứ cắn răng chịu một mình”, bà từng nói về cuộc hôn nhân nhiều bi kịch này.

Năm 1974, bà kết hôn lần thứ 3 và nguyên nhân chấm dứt cuộc hôn nhân dài 10 năm với chồng cũng giống như cuộc hôn nhân thứ 2. “Sau 3 cuộc hôn nhân, tôi trở thành bạn của cả 3 người đàn ông từng đi qua đời mình. Tôi đã hóa giải hết nỗi buồn nếu có trong quá khứ. Những người làm tôi đau, thậm chí từng nghĩ ghét như kẻ thù cũng đều rộng lòng thứ tha để làm bạn trở lại với nhau”, nữ danh ca từng cho biết.

Trong 60 năm ca hát của mình, bà luôn hát ca khúc chậm buồn. Chính Lệ Thu cũng thừa nhận: “Người nghe cảm nhận giọng của tôi có điều gì đó như uẩn ức. Thật ra, tôi là người biết làm chủ cảm xúc và diễn tả nó một cách tỉnh táo”.

Có lẽ, bởi những mất mát riêng tư của chính mình đã đủ để giúp bà diễn tả trọn vẹn những chất chứa cảm xúc sâu thẳm trong từng câu hát. Tiếng hát của bà cũng vì thế mà tha thiết, nỉ non hơn.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nữ danh ca nói: “Tôi hiểu chữ “lệ” mang nghĩa buồn lắm, là nước mắt và mùa thu cũng sầu không kém. Thế nhưng “lệ” ở đây còn có nghĩa là mỹ lệ, là một mùa thu rất đẹp. Cái đẹp bất toàn đôi khi đến từ chính những dang dở mà số phận đã phân chia cho một giọng ca, một nhan sắc sớm được xưng tụng là “tiếng hát vàng mười”, là hơi thở của những trái tim vừa chớm hương yêu thuở nào”.

“Tiếng hát vàng mười” ấy, tiếng hát thản nhiên “hát trong buồn tênh” không ngơi nghỉ, đã chính thức khép lại hạnh phúc, đắng cay trong kiếp nhân sinh của chính mình vào ngày 15/1 sau thời gian chống chọi với bệnh Covid-19. 

Thuyền viễn xứ một lần đón danh ca Lệ Thu “dạt bến qua ngàn lau thưa”, để cống hiến 60 năm ca hát. Và giờ đây như vẫn đang trên con thuyền ấy, xin tiễn đưa bà cùng lòng tri ân của những trái tim yêu nhạc, xin tiễn đưa giọng hát thiên thu về với “làn mây hồng pha ráng trời”. 

Đọc thêm