Danh ca Thanh Thúy: “Huyền thoại không bao giờ lặp lại” và một thuở “Ướt mi”

(PLVN) - Trước 1975, những áng thơ, những nốt nhạc đã từng rung lên ngợi ca nhan sắc, tài năng của giọng hát Thanh Thúy - “Huyền thoại không bao giờ lặp lại”. Và,“Ướt mi”- nhạc phẩm được công bố đầu tiên, mở đầu sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã sâu nặng bóng hình Thanh Thúy…
Danh ca Thanh Thúy.
Danh ca Thanh Thúy.

“Huyền thoại không bao giờ lặp lại”

Danh ca Thanh Thúy, tên thật Nguyễn Thị Thanh Thúy (SN 1943), là người con của xứ Huế thơ mộng.Do người mẹ của bà bị bệnh hiểm nghèo nên gia đình phải rời mảnh đất cố đô đưa mẹ vào Sài Gòn chữa trị. Đến Sài Gòn, gia đình bà thuê một căn nhà nhỏ phía sau chùa Kỳ Viên trong con hẻm trên đường Cao Thắng. 

Để mưu sinh kiếm thêm tiền thuốc thang cho mẹ, Thanh Thúy đến với nghiệp ca hát khi mới 16 tuổi. Lần đầu tiên Thanh Thúy xuất hiện trên sân khấu phòng trà Đức Quỳnh, cạnh rạp chiếu bóng Việt Long nằm đường Cao Thắng cùng với Minh Hiếu. Và ngay lúc đó, tiếng hát của bà đã chinh phục được khán thính giả vốn dĩ rất khó tính trong việc thưởng thức âm nhạc.

Thân gái dặm trường nơi đất khách quê người, song Thanh Thúy vẫn xuất hiện đầy tự tin dưới ánh đèn sân khấu bằng một chất giọng rất đặc biệt, không lẫn lộn với ai. Bà là người Huế, nói rặt tiếng Huế nhưng hát giọng Bắc, chất giọng trộn lẫn giữa Huế và Hà Nội vốn đã đặc biệt, nhưng khi bà cất lên bằng giọng hát thì càng đặc biệt hơn. Đó là một chất giọng hơi khàn nhưng không đục, được bà luyến láy như phù thủy, nhấn nhá nhiều cung bậc trầm bổng rất liêu trai. 

Danh ca Thanh Thúy thời trẻ.
Danh ca Thanh Thúy thời trẻ. 

Sau đó, Thanh Thúy thường xuyên xuất hiện ở phòng trà Anh Vũ, rồi các chương trình đại nhạc hội, chương trình phụ diễn ca nhạc kịch của các rạp chiếu bóng. 

Những năm đầu thập niên 1960, tên tuổi của ca sĩ Thanh Thúy đã lừng lẫy không chỉ trên các sân khấu phòng trà mà cả trên sóng đài phát thanh, đĩa nhạc, băng nhạc. Những ca khúc đã gắn liền với tên tuổi Thanh Thúy lúc bấy giờ như: “Nửa đêm ngoài phố”, “Kiếp nghèo”, “Người em sầu mộng”, “Ngăn cách”, “Tàu đêm năm cũ”… Hầu hết những tác phẩm âm nhạc được bà thể hiện thành công đều là điệu bolero.

Bà được mệnh danh là “Huyền thoại không bao giờ lặp lại”. Nếu có một so sánh duy nhất về tiếng hát Thanh Thúythì đó giống như những giọt cà phê buồn, nhỏ từng giọt, từng giọt đau đớn, chát chúa nhưng cũng mê đắm ngọt ngào, ảo ảnh. Giọng trầm nhưng càng nghe lại càng thấy như những sợi tơ âm thanh, dệt mãi dệt mãi thành tấm rèm đêm hư ảo lệ đời.

Với Trịnh, một thuở“Ướt mi”

Năm 1958, Trịnh Công Sơn vào học ở Sài Gòn, ông dần làm quen với không khí vũ trường, phòng trà, phụ diễn tân nhạc gây sôi động cho Sài Gòn về đêm. Một lần đến phòng trà Đức Quỳnh, thư sinh chốn kinh thành Huế bỗng chớm nở những rung động đầu đời với hình ảnh của bóng hồng Thanh Thúy. Sau đó, dường như đêm nào Trịnh Công Sơn cũng đến đây, ngoài mục đích thưởng thức âm nhạc, ông còn mong muốn được nhìn thấy “em”, người con gái lặng lẽ đi vào “ngõ tối”... 

Giữa lúc tiếng hát Thanh Thúy đang bay cao cùng với tên tuổi của mình trên bầu trời nghệ thuật và trong lòng khán thính giả ái mộ thì mẹ cô qua đời. Cái chết của mẹ đã ảnh hưởng rất nhiều tới con đường sự nghiệp và cuộc sống của bà trong giai đoạn này. 

Đêm đêm dưới ánh đèn sân khấu, trong tà áo dài thướt tha, mái tóc xõa buông lơi, đôi mắt sâu buồn, Thanh Thúy cất giọng hát đầy tâm trạng, khiến người nghe như nghẹn đi. Và, Thanh Thúy quả thật là “Người em sầu mộng” củabao người.

Lời nhạc phẩm “Ướt mi” với thủ bút của Trịnh Công Sơn.
Lời nhạc phẩm “Ướt mi” với thủ bút của Trịnh Công Sơn. 

Rồi cứ thế, gót hồng Thanh Thúy làm thổn thức trái tim Trịnh Công Sơn, đến độ chính ông luôn dằn lòng tự hỏi: “Lẽ nào tôi đã yêu em?”. Nhưng rồi, ông sợ trả lời câu hỏi ấy. Bởi lúc đó, ông chỉ là “Cát bụi”, là một sinh viên nghèo, trong khi Thanh Thúy đã là cái tên đình đám ở Sài Gòn. 

Một ngày nọ, Trịnh Công Sơn đánh liều viết một mẩu giấy nhỏ yêu cầu Thanh Thúy hát ca khúc “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong. Hết sức bất ngờ, lời yêu cầu của ông được nữ ca sĩ thể hiện tuyệt vời với dòng cảm xúc mãnh liệt đến tuôn thành nước mắt. Hình ảnh con chim non trong bài hát làm bà nhớ đến mẹ và cảm thấy cô đơn, đau đớn trong day dứt, quằn quại.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: “Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn của tôi, khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi đã từng làm tôi nhỏ lệ… Những giọt nước mắt đó đã trở thành một ám ảnh, thôi thúc làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo đang âm ỉ cháy trong tôi. Và, tôi đã viết ra như không kiềm giữ được...”. Nhạc sĩ Trinh Công Sơn đã thức trắng đêm để viết ca khúc đầu tay “Ướt mi” điệu slow, với ca từ rất buồn, rất đẹp và tuyệt hay.

Sau khi hoàn thành nhạc phẩm “Ướt mi”, Trịnh Công Sơn đã chép thật nắn nót vào một tờ giấy và luôn mang theo bên mình để cơ hội đến là trao cho Thanh Thúy. Nhưng phải năm lần bảy lượt mang đi rồi lại mang về, ông mới dám đánh bạo lên ngồi hàng ghế đầu để có dịp gửi tặng bài hát cho bà. Đêm đó,Trịnh Công Sơn đã không ngủ được vì hồi hộp, lo lắng, không biết số phận của “Ướt mi” sẽ như thế nào. 

Và phải mất 3 tuần sau, giữa lúc hoàn toàn tuyệt vọng thì một đêm kia đến phòng trà nghe Thanh Thúy hát, Trịnh Công Sơn hoàn toàn bất ngờkhi nữ ca sĩ xuất hiện, ra hiệu cho ban nhạc ngưng khúc dạo đầu để cô nói mấy lời. Bà nói rằng đêm nay sẽ trình bày một ca khúc mới của một nhạc sĩ rất lạ, chưa có tên tuổi đã có nhã ý gửi tặng mình. Đó là nhạc phẩm “Ướt mi” của Trịnh Công Sơn và hy vọng đêm nay sẽ có mặt tác giả ngồi phía dưới đểbà được nói mấy lời cảm ơn. 

Thế rồi Thanh Thúy đã đưa bản chép tay nhạc phẩm Ướt mi” cho ban nhạc đệm và bà cất giọng hát: “Ngoài hiên mưa rơi rơi/ Lòng ai như chơi vơi/ Người ơi nước mắt hoen mi rồi/ Đừng khóc trong đêm mưa/ Đừng than trong câu ca…”. 

Khỏi phải nói, người sung sướng nhất chính là tác giả bài hát đang ngồi phía dưới. Thanh Thúy hát xong, cố ý nán lại sân khấu để chờ người đã tặng nhạc. Lúc này, Trịnh Công Sơn lấy hết can đảm bước lên nói lời cảm ơn Thanh Thúy vì đã hát “Ướt mi” rất hay. 

Thanh Thúy đã rất ngạc nhiên và tỏ ý muốn nói chuyện riêng với tác giả. Bà mời Trịnh Công Sơn về nhà và cả hai ra đón taxi. Nhà bàở sâu trong con hẻm nhỏ và đây chính là hình ảnh, cảm xúc để chẳng lâu sau đó Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc “Thương một người”.

Như vậy, có thể nói giữa Trịnh Công Sơn và Thanh Thúy có một mối giao tình đặc biệt. Đồng thời, Trịnh Công Sơn cũng báo hiệu một tài năng âm nhạc qua tác phẩm đầu tay “Ướt mi”.Còn chuyện tình cảm, yêu đương phát triển hay dừng ở mối duyên văn nghệ thì chỉ có người trong cuộc mới biết rõ.

Nàng thơ của nhiều thi nhân

“Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Viên Linh, nhà văn Tuấn Huy, triết gia Nguyễn Văn Trung. Bởi Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ bén nhạy bắt được cảm xúc riêng tư mà diễn đạt cái khách quan mênh mông trong cái chủ quan, riêng lẻ sống thực và chân thành…”, nhà thơ Nguyên Sa từng viết.

Nhà thơ Hoàng Trúc Ly từng tán tụng Thanh Thúy rằng: “Từ em tiếng hát lên trời/ Tay xoa vòng tóc tay vời âm thanh/ Sợi buồn chẻ xuống hồn anh/Lắng nghe da thịt tan tành sau xưa…”

Còn nhà thơ Vũ Hối, qua nét bút độc đáo như tranh vẽ dành tặng 4 câu thơ: “Liêu trai tiếng hát khói sương/ Nghẹn ngào nhung nhớdòng Hương quê mình/ Nghiên sầu từng nét lung linh/ Giọng vàng xứ Huếấm tình quê hương”.  

Đọc thêm