Doanh nghiệp phải làm gì khi bị tổ chức “ma” xâm phạm thương hiệu?

(PLVN) - Từ vụ việc tổ chức “ma” gắn nhãn OCB để huy động vốn kinh doanh tiền ảo cho thấy, thực trạng các thương hiệu lớn bị mạo danh thương hiệu (nhãn hiệu, tên thương mại) đang khá phổ biến trên thị trường Việt Nam. Để kiểm soát chặt chẽ hoạt động này, các doanh nghiệp phải làm gì nhằm bảo vệ uy tín, quyền lợi của mình cũng như của khách hàng? 
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Cụ thể, thời gian qua, một số trang tin điện tử liên tục đăng tải thông tin về vụ việc “Đầu tư tiền ảo vào Tập đoàn tài chính OCB” và đã có nhiều cá nhân, khách hàng “sập bẫy” mất hàng chục tỷ đồng. Trong đó đề cập đến những cái tên: OCB Life, OCB Lending, OCB Master, Tập đoàn tài chính đa quốc gia OCB life (IEO Of Blockmax)… Việc các tổ chức nói trên gắn “nhãn OCB” để sử dụng đã gây nhầm lẫn với thương hiệu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông. 

Theo đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông, sự việc quảng bá này có dấu hiệu bất minh, vi phạm các quy định liên quan đến việc bảo hộ thương hiệu được đăng ký, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Ngân hàng. Ngân hàng TMCP Phương Đông khẳng định không liên quan đến Tập đoàn Tài chính OCB cùng các tên gọi khác được đề cập như OCB Life, OCB Lending, OCB Master, Tập đoàn Tài chính đa quốc gia OCB life…

Cần sử dụng nhiều biện pháp bảo vệ khác nhau

Trước thực trạng trên, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Dinh (Hãng Luật TGS - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, các doanh nghiệp nên có các bước từ mềm mỏng - cảnh cáo đến cứng rắn - khởi kiện. Trước tiên doanh nghiệp cần đưa ra các thông tin liên quan đến nhãn hiệu mà mình có quyền được hiện diện trên các phương tiện dịch vụ.

Cách thức này nhằm thông báo rằng, nhãn hiệu đang là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ của công ty mình và đang được bảo hộ. Đồng thời khuyến cáo các chủ thể khác chấm dứt hành vi xâm phạm cũng như giúp người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm chính hãng. Đây cũng là phương thức cảnh báo đến các chủ thể vi phạm và khách hàng về hành vi xâm phạm nhãn hiệu, hình ảnh nói trên.

Ngoài ra, doanh nghiệp là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được phép thực thi quyền của mình thông qua việc gửi thông báo bằng văn bản đến chủ thể đang có hành vi xâm phạm, yêu cầu chấm dứt hành vi đó. Trong văn bản cần ấn định thời gian hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi của mình.

Nếu quá thời hạn ấn định mà bên vi phạm vẫn không có động thái chấm dứt hành vi xâm phạm. Doanh nghiệp có thể làm đơn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm bằng các biện pháp hành chính đối với bên vi phạm. Lưu ý khi yêu cầu doanh nghiệp phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh kèm theo.

Cuối cùng là biện pháp khởi kiện dân sự hoặc tố giác hành vi nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đây được xem là biện pháp mang tính chất khắt khe nất đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu, tên thương mại mà công ty mình đang được bảo hộ hợp pháp.

Đặc biệt, để tránh trường hợp nhãn hiệu, tên thương mại không được bảo hộ doanh nghiệp cần đăng ký tên miền sớm nhất có thể và đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu của công ty. Khi phát hiện bị đánh cắp thương hiệu hoặc sử dụng trái phép thương hiệu kèm theo hành vi kinh doanh không chính trực, các công ty nên mạnh dạn thu thập bằng chứng và khởi kiện để ngăn chặn tình trạng có thêm nhiều người bị sập bẫy.

Trường hợp những dự án có tên gần giống hoặc giống với tên doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể khởi kiện khi tên thương mại hoặc nhãn hiệu của mình đã đăng ký sở hữu trí tuệ và hành vi xâm phạm của chủ thể vi phạm đáp ứng đủ các yếu tố xâm phạm sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019), Nghị định 105/2006/NĐ-CP.

Khi xét thấy các dự án có đủ các yếu tố vi phạm và thu thập được chứng cứ tài liệu chứng minh về hành vi vi phạm, doanh nghiệp có nhiều hướng để lựa chọn biện pháp xử lý, trong đó có khởi kiện ra Tòa án hoặc Trọng tài cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019).

Tuy nhiên, theo Luật sư Dinh, pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc xử lý đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi doanh nghiệp không đăng ký bảo hộ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chấp nhận nhãn hiệu của mình bị xâm phạm mà không có cơ chế để xử lý thỏa đáng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, nhãn hiệu được bảo hộ theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên “văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ”.

Nạn nhân khó đòi được tiền đã góp

Để khởi kiện dân sự, Luật sư Dinh tư vấn, doanh nghiệp phải tìm hiểu rõ tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện (người đại diện bên vi phạm hoặc người vi phạm) hoặc trụ sở là cơ quan tổ chức theo quy định về tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện.

Theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP thì địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện là địa chỉ người bị kiện, đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh.

Nếu không thể làm rõ tên cũng như địa chỉ của người đại diện, người vi phạm mà hành vi đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì doanh nghiệp có thể thu thập các chứng cứ tài liệu liên quan đến hành vi và làm đơn tố giác gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn với những người bị lừa để mua vào dự án trong vụ việc kể trên, Luật sư Dinh cho biết, từ góc độ dân sự, nếu giữa người bị lừa (nạn nhân) và những người dụ dỗ có giao kết với nhau bằng hợp đồng thì nạn nhân có thể đòi lại tiền của mình thông qua việc khởi kiện tại Tòa án yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015.

Tuy nhiên, việc khởi kiện trên sẽ khó xử lý khi mà hợp đồng hai bên ký kết lại “lách luật” không đưa việc đầu tư “tiền ảo” vào hợp đồng mà thay đổi bằng một đối tượng khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Do vậy, trên thực tế có thể đòi tại tiền đã góp của mình hay không sẽ rất khó khăn.

Bên cạnh đó, nếu vụ án có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì nạn nhân có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an để điều tra, xác minh. Theo đó, đối với các vụ án liên quan đến việc huy động vốn trái phép, cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các tình tiết vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu phạm tội.

Tùy từng trường hợp, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với các đối tượng trong công ty về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Khung xử phạt sẽ tùy thuộc vào tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

Đọc thêm