Đời thăng trầm của Hoa hậu đầu tiên nước Việt

(PLVN) - Bà Công Thị Nghĩa không chỉ Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam mà bà còn là một nhà báo, một điệp viên. Tuy nhiên, danh hiệu Hoa hậu đã xô đẩy bà đến với những sóng gió mà chính bà không thể ngờ tới. Thế rồi, từ những khổ đau ấy,bà lại vượt qua một cách thần kỳ và xây dựng cuộc sống mới kiêu hãnh nơi trời Tây.
Hoa hậu Công Thị Nghĩa thời điểm đăng quang.
Hoa hậu Công Thị Nghĩa thời điểm đăng quang.

Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam

Năm 1955, trong dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, có một cuộc thi người đẹp với danh nghĩa tìm kiếm hoa hậu được chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức tại rạp Lido Chợ Lớn, thí sinh đa phần đang sinh sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Trước đó, chưa hề có cuộc thi người đẹp nào mang tên thi hoa hậu tại Việt Nam nên đây có thể được xem là cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta.

Người đoạt được ngôi vị cao nhất của cuộc thi này là bà Công Thị Nghĩa sinh năm 1932, quê gốc tại làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội. Năm bà 10 tuổi, gia đình bà theo cha vào miền Nam làm việc và ở lại Sài Gòn. Bà đăng quang ngôi vị hoa hậu với chiều cao 1,61m, số đo 3 vòng 86-62-88, nặng 53kg.Bà sở hữu vẻ đẹp sắc nước hương trời. Làn da trắng mịn, khuôn mặt thanh tú với lông mày cong vút, mắt buồn, môi mọng, sống mũi thẳng tắp. 

Tuy nhiên, Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam Công Thị Nghĩa được giới nghiên cứu sử học biết đến nhiều hơn với tên gọi Thu Trang. Thu Trang là bút danh khi Công Thị Nghĩa làm nhà báo, sáng tác văn chương và viết sách nghiên cứu về lịch sử.

Năm 1950, Thu Trang được tuyên truyền tham gia Việt Minh, làm thành viên của tổ điệp báo tại nội thành Sài Gòn với bí danh Tư Nghĩa, từng vào chiến khu. Thu Trang bị thực dân Pháp bắt vào khoảng tháng 7/1952, bị giam ở bốt Catinat - nay là trụ sở của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM. Bà từng gọi nơi này là “ngục trần gian” với đủ các loại hình tra tấn.

Bà Công Thị Nghĩa là một nhà nghiên cứu lịch sử.
Bà Công Thị Nghĩa là một nhà nghiên cứu lịch sử.  

Sau đó, bà bị chuyển qua Khám Lớn Sài Gòn - nay là Thư viện tổng hợp TP HCM. Trong phiên tòa tháng 6/1953, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã biện hộ và giải thoát cho Thu Trang, cùng bà Nguyễn Thị Châu Sa (nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình), Nguyễn Duy Liên (từng làm Phó Chủ tịch UBND TP HCM).

Thoát khỏi ngục tù, Thu Trang học nghề báo và làm ký giả tại Sài Gòn với bút hiệu Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu trên các báo Tân Văn, Cần học, Sài Gòn mới, Phụ nữ diễn đàn, Lẽ sống... Bà viết đủ thể loại từ thơ đến truyện ngắn, truyện dài. Trong Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu 1955 có một vài nhà báo và nhân sĩ. Một lần Thu Trang lên lấy tin về cuộc thi này, người trong Ban tổ chức đã “xúi” bà thi hoa hậu, không ngờ bà… đoạt vương miện của cuộc thi.

Phần thưởng mà Thu Trang được nhận sau khi đăng quang, ngoài một chiếc kiềng vàng, tiền bạc, nước hoa và mỹ phẩm của các hãng thời trang danh tiếng, là một chiếc mô tô Lambretta. Thiên hạ thời ấy gọi đùa Thu Trang là “Hoa hậu Lambretta”. Bên cạnh đó, còn có một vé máy bay đi Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ biết bà từng là điệp báo nên đã cản trở, không cho bà sang Mỹ.

Vực dậy từ những khổ đau

Sau khi trở thành Hoa hậu, Thu Trang tạo ra sức hút rất lớn với công chúng. Bà đã bước chân vào điện ảnh với các vai diễn trong phim “Chúng tôi muốn sống” (đạo diễn Vĩnh Noãn), vào vai Kiều Nguyệt Nga trong phim “Lục Vân Tiên” năm 1957 của đạo diễn Tống Ngọc Hạp.Phim “Lục Vân Tiên” được đề cử mang đi dự Liên hoan phim châu Á 1957 rồi mang đi giới thiệu qua nhiều quốc gia khác như một cách quảng bá, thi thố điện ảnh Việt với thế giới.Toàn bộ hậu kỳ của phim phải làm ở Nhật trong thời gian dài. Do thiếu kinh phí, đoàn từ bốn người đã rút lại còn hai người: Thu Trang và đạo diễn Tống Ngọc Hạp. 

Lần đầu tiên Việt Nam mang phim dự liên hoan và giới thiệu, những cuộc ra mắt liên tục khắp nơi, Thu Trang và đạo diễn Hạp sóng đôi xuất hiện trên báo chí như hình với bóng, không chỉ trên báo chí hay trong phim, cả cuộc sống thường nhật nơi đất khách cũng thế… Gần một tháng ở Nhật cùng với đạo diễn Tống Ngọc Hạp, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, giữa bà và đạo diễn nảy sinh tình cảm. Sau đó bà có thai.

Bà viết trong hồi ký: “Tới tuổi 25, tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm, bị dụ vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Ngang trái thay, tôi đã không biết gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo…”.

Trở về Việt Nam vào mùa thu 1957, bà bị sốc nặng, vì đón mình ở sân bay là một đám đông cuồng nộ trong khi bà đã gần đến ngày sinh nở. Đơn giản, đạo diễn Tống Ngọc Hạp đã có vợ và con nên tất nhiên không có đám cưới nào diễn ra. Mặc cho điều đó, bà quyết định làm mẹ đơn thân, đặt tên con trai theo họ cha - Tống Ngọc Vân Tiên để kỷ niệm tình yêu đầu đầy bi kịch của mình và đến nay cũng chưa bao giờ buông lời trách móc hay đòi hỏi trách nhiệm gì từ đạo diễn Hạp.

Dù lâm vào tình cảnh “không chồng mà chửa”, bị người hâm mộ quay lưng nhưng không vì vậy mà sức quyến rũ của bà xoay chuyển. Có chuyện đồn rằng, một trong những người đàn ông rất nổi tiếng mê đắm bà đến “quên ăn quên ngủ” chính là thi sĩ Bùi Giáng. Giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đoán chắc câu thơ đầy lạ lùng và nổi tiếng của Bùi Giáng trong bài thơ Mắt buồn là: “Còn hai con mắt, khóc người một con” là viết về Công Thị Nghĩa. Bài thơ này sau đó được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thành ca khúc “Con mắt còn lại”.

Năm 1961, bà Thu Trang nhận được lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh và quyết định chuyển đến đất nước này sinh sống. Tuy nhiên tại Pháp, bà không đóng phim nữa mà quay lại với con đường tri thức. Bà thi cao học chuyên ngành lịch sử và triết học thuộc trường Đại học Sorbonne. Bà phải vừa đi học vừa làm gia sư, thông dịch viên tiếng Anh để chi trả sinh hoạt phí cho hai mẹ con.

Bà đã bảo vệ luận án tiến sĩ sử học với đề tài “Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp” tại Đại học Paris VII năm 1978. Với việc sớm được tiếp cận kho lưu trữ của Bộ Thuộc địa, bà đã có những nghiên cứu rất giá trị về Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh trong giai đoạn ở Pháp, được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trích dẫn. “Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp 1917- 1923” được xuất bản tại Việt Nam năm 1989 là một trong những đầu sách đáng chú ý của Tiến sĩ Thu Trang Gaspard - Hoa hậu Công Thị Nghĩa.

Trong thời gian theo học, bà đã kết thân với nhóm sinh viên Việt và Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam. Bà miệt mài đóng góp cho những hoạt động của người Việt tại Pháp, hỗ trợ giúp đỡ du học sinh. Bà cũng thường xuyên giao lưu với các trí thức lớn của Việt Nam mỗi khi họ có dịp qua Pháp. Không chỉ nghiên cứu sử học, bà còn tiếp tục viết thơ, truyện, hồi ký, xuất bản nhiều sách và năm 1990, được bình chọn là một trong 100 nhà thơ Việt Nam được yêu mến của thế kỷ 20. 

Ở tuổi xế chiều, bà được mời thỉnh giảng tại nhiều trường đại học Việt Nam. Vì nhiều lý do, bà ít khi tiết lộ mình là Hoa hậu Thu Trang - Công Thị Nghĩa. Đồng nghiệp, sinh viên phần lớn chỉ biết bà như một vị tiến sĩ ở Pháp. Bà đã kết hôn với một bác sĩ nha khoa người Pháp tên Marcel Gaspard và sống hạnh phúc, bình yên.

Đọc thêm