Facebook rơi vào cảnh “đáo tụng đình”

(PLVN) - Bầu không khí đã bắt đầu trở nên khó thở đối với tập đoàn Facebook khi chính phủ Mỹ và chính quyền 40 bang ở đất nước này đồng loạt khởi kiện về cạnh tranh không lành mạnh và rất có thể sẽ đòi tòa án phán quyết buộc Facebook phải bán đi 2 “cỗ máy in tiền” cho hãng là Instagram và WhatsApp. 
Mark Zuckerberg sẽ phải đối phó với nhiều vụ kiện đau đầu.
Mark Zuckerberg sẽ phải đối phó với nhiều vụ kiện đau đầu.

Chuyện này khiến thiên hạ nhớ lại hồi tháng 10 vừa qua, một ông lớn khác hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực công nghệ số và mạng Internet là Google đã bị Chính phủ Mỹ và chính quyền 11 bang ở nước Mỹ khởi kiện với cáo buộc và lập luận y hệt như hiện tại đối với Facebook.

Chuyện kiện tụng này thường kéo dài, thậm chí rất dài và không ai hiện có thể dự liệu được kết cục cuối cùng sẽ như thế nào bởi diễn biến bất ngờ luôn có thể xảy ra. Dù vậy, việc Facebook giờ lâm vào tình thế này cũng đủ để cho thấy thời các ông lớn như Facebook và Google muốn làm gì thì làm trên thị trường đang dần qua và phía hành pháp đang dần khép hoạt động kinh doanh của những ông lớn này vào khuôn khổ pháp lý và lợi ích của họ. 

Phía hành pháp có trách nhiệm đảm bảo cạnh tranh thật dự tự do và công bằng, bình đẳng và lành mạnh trên thị trường, tức là không để hình thành vị thế và uy lực độc quyền trên thị trường. Nhưng đồng thời phía hành pháp còn có lợi ích kinh tế rất to lớn nữa và cũng còn tận lợi được rất nhiều về chính trị khi mạnh tay chế tài những thương hiệu lừng danh nói trên.

Điều đáng chú ý ở đây là các cơ quan liên quan trong chính phủ Mỹ và ở cả phía EU nữa đều không phản đối gì khi Facebook thâu tóm Instagram với giá 1 tỷ USD và WhatsApp với giá 22 tỷ USD. Ở đây chỉ có thể đã xảy ra một trong hai kịch bản sau. Kịch bản thứ nhất là phe hành pháp ở Mỹ và EU đều đã quá chủ quan hoặc thiển cận khi đồng ý để cho các ông lớn như Facebook thâu tóm đối thủ cạnh tranh hoặc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh nên không nhìn nhận ra mục tiêu chiến lược của các hãng kia là gây dựng vị thế và uy lực độc quyền trên thị trường. 

Kịch bản thứ hai là phía hành pháp ngay từ đầu đã nhìn thấu ý đồ chiến lược của các hãng như vẫn để cho các hãng thực hiện và rồi ra tay vào thời điểm nào đấy sau này, như thể để cho con mồi béo tốt lên rồi mới vồ chộp lấy.

Facebook, giống như Google trước đó, cũng sẽ không chịu ngồi im để cho phía hành pháp muốn làm gì với mình thì làm. Bên bị đâu có thiếu lý do và lập luận để vô hiệu hóa những đòn tấn công của phía hành pháp trước các cấp tòa án. Hoặc cùng lắm thì bên bị sẽ dử dụng những chiêu trò kỹ thuật về tách sở hữu và ràng buộc trên danh nghĩa nhưng hoàn toàn không thay đổi gì trong thực chất.

Bên bị đơn có thể tránh được hoặc vô hiệu hoá được cú đòn về pháp lý, nhưng không thể làm được như thế về chính trị. Vụ kiện tụng này sẽ dễ được giải quyết nếu chỉ thuần tuý liên quan đến pháp luật và lợi ích kinh tế. Một khi nó trở thành cuộc chơi quyền lực giữa phía hành pháp và giới kinh tế thì Facebook không thể tránh khỏi viễn cảnh bị thua.

Facebook không phục vụ đắc lực cho chính phủ Mỹ và chính quyền các bang thì sẽ bị coi là mục tiêu tấn công. Bởi thế, việc Facebook bị khởi kiện không có nghĩa là Facebook rồi đây sẽ bị lôi ra vòng móng ngựa thật. Nếu hãng này nhận thức được đầy đủ và kịp thời “thông điệp” từ việc bị khởi kiện thì sẽ không còn vụ kiện nữa.

Đọc thêm