Giá thuốc, thiết bị y tế trong đấu thầu được xác định như thế nào?

(PLVN) - Những vụ việc nâng khống giá trang thiết bị y tế (TTBYT) trong thời gian gần đây không chỉ bộc lộ kẽ hở trong quản lý nhà nước, mà còn cho thấy sự lúng túng của không ít cơ sở y tế công lập, bên mời thầu trong việc xây dựng giá kế hoạch, dự toán giá gói thầu.
Giá thuốc, thiết bị y tế trong đấu thầu được xác định như thế nào?

Loạn giá

Tháng 2/2017, Bệnh viện Bạch Mai ký liên kết với Công ty cổ phần Công nghệ y tế (BMS) đưa robot Rosa vào phục vụ điều trị. Theo hợp đồng, robot Rosa do BMS đầu tư 100%, được định giá 39 tỷ đồng. Nhưng theo kết quả điều tra, đối chiếu với tờ khai hải quan, robot Rosa được nhập về Việt Nam có giá chỉ 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả thuế. Phía công ty đã sử dụng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, xác định có giá 39 tỷ đồng. 

Cùng thời điểm robot Rosa được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS còn cung cấp cho bệnh viện này robot Mako. Đây là thiết bị được sử dụng trong phẫu thuật khớp gối, khớp háng, có xuất xứ từ Mỹ. Theo hợp đồng, tổng giá trị đầu tư thiết bị robot Mako là 44 tỉ đồng, do Công ty BMS đầu tư 100% vốn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, thiết bị này khi nhập về Việt Nam được khai báo hải quan có giá 23,94 tỷ đồng.

Mới đây, theo tin công khai trên Internet, một robot Da Vinci cùng thế hệ như robot được một BV Việt Nam đầu tư có giá 2 triệu USD (khoảng 47 tỉ đồng, theo tỉ giá hiện nay). Nhưng theo thông tin công bố rộng rãi, đã có bệnh viện mua thiết bị này với giá hơn 88 tỉ đồng.

Trước đó, để rút ngắn thời gian mua sắm, cung ứng nhanh chóng các máy xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác chống dịch tại địa phương, theo Luật đấu thầu, các địa phương được quyền chỉ định thầu mua sắm thiết bị, hóa chất, vật tư y tế. Nhưng thực trạng mỗi địa phương chỉ định thầu mua máy Realtime PCR xét nghiệm COVID-19 một giá, cao gấp nhiều lần giá nhập khẩu khoảng 2-3 tỉ đồng/máy.

Theo phản ánh của một số sở y tế trên cả nước, hiện nay, các bên mời thầu chủ yếu dựa vào báo giá của các nhà cung cấp để xây dựng giá gói thầu. Tuy nhiên, báo giá này không có giá trị pháp lý, đó là chưa kể giá mỗi nơi một khác, mỗi thời điểm một khác. Còn khi tham khảo giá trúng thầu, dải giá rất rộng nên không biết chọn giá nào cho phù hợp. Do đó, bên mời thầu gặp không ít khó khăn khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (LCNT), xác định giá gói thầu.

Xác định giá như thế nào?

Ngày 1/10/2020, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-BYT về việc tăng cường công tác đầu thầu nhằm đảm bảo cạnh tranh, công khai, minh bạch và hiệu quả trong ngành y tế và Chỉ thị số 22/CT-BYT về việc chấn chỉnh công tác liên doanh, liên kết trong các cơ sở y tế công lập.

Bộ Y tế thẳng thắn chỉ ra: qua công tác thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, giám sát và giải quyết kiến nghị của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế ở trung ương và địa phương vẫn phát hiện những hạn chế, thiếu sót, thậm chí có tình trạng vi phạm các quy định về đấu thầu, một số đơn vị có biểu hiện tiêu cực trong đấu thầu.

Liên quan đến giá kế hoạch của các gói thầu, Bộ Y tế yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại Khoản 2 Điều 35 Luật đấu thầu năm 2013 đối với đấu thầu nói chung, Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC đối với mua sắm thường xuyên. Ngoài ra, còn phải thực hiện các quy định sau:

- Đối với gói thầu mua thuốc, dược liệu: Việc xác định giá gói thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Thông tư số 15/2019/TT-BYT .

Theo đó, giá gói thầu:

a) Giá gói thầu là tổng giá trị của gói thầu, bao gồm toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu;

b) Trường hợp gói thầu chia làm nhiều phần thì ngoài việc ghi tổng giá trị của gói thầu, mỗi phần đều phải ghi rõ đơn giá và tổng giá trị của phần đó theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Đơn giá thuốc trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu do cơ sở y tế lập kế hoạch đề xuất và chịu trách nhiệm về sự phù hợp của đơn giá thuốc;

c) Khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị phải tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) công bố trên trang thông tin điện tử để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu, cụ thể:

- Tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược, của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc theo nguyên tắc: Giá kế hoạch của từng thuốc, dược liệu không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất của thuốc, dược liệu đó trong mỗi nhóm tiêu chí kỹ thuật đã được công bố;

- Đối với những thuốc, dược liệu chưa có giá trúng thầu được công bố hoặc giá tại thời điểm lập kế hoạch cao hơn giá trúng thầu được Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) công bố trong vòng 12 tháng trước đó, cơ sở y tế phải tham khảo báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của ít nhất 03 đơn vị cung cấp trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; đồng thời bảo đảm giá kế hoạch do cơ sở đề xuất không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đã tham khảo (trừ dược liệu và vị thuốc cổ truyền).

Những thuốc, dược liệu có ít đơn vị cung cấp, không đủ 03 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng, Thủ trưởng cơ sở y tế căn cứ vào báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp, giải trình và chịu trách nhiệm về giá kế hoạch do cơ sở đề xuất là phù hợp với giá thuốc, dược liệu đó trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

d) Việc xây dựng giá kế hoạch của các mặt hàng cùng hoạt chất, nồng độ hoặc hàm lượng, dạng bào chế tại gói thầu thuốc generic phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:

- Giá kế hoạch Nhóm 1 không cao hơn giá kế hoạch thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu;

- Giá kế hoạch Nhóm 2, Nhóm 3 không cao hơn giá kế hoạch thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu và Nhóm 1;

- Giá kế hoạch Nhóm 4 không cao hơn giá kế hoạch thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu; Nhóm 1; Nhóm 2 sản xuất tại Việt Nam và Nhóm 3;

- Giá kế hoạch Nhóm 5 không cao hơn giá kế hoạch thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu; Nhóm 1; Nhóm 2; Nhóm 3 và Nhóm 4.

- Đối với gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập: Việc xác định giá gói thầu thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT, trong đó tham khảo giá trang thiết bị y tế công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Cụ thể, theo điều 8 Thông tư 14/2020/TT-BYT thì:

1. Giá gói thầu được xây dựng trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán đối với dự án, giá gói thầu là tổng giá trị của gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.

2. Trường hợp gói thầu chia làm nhiều phần thì ngoài việc ghi tổng giá trị của gói thầu, mỗi phần đều phải ghi rõ danh mục, số lượng, đơn vị, đơn giá và tổng giá trị của phần đó theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Bộ Y tế để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng trang thiết bị y tế, cụ thể như sau:

a) Giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố. Trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể;

b) Đối với những trang thiết bị y tế chưa có giá trúng thầu được đăng tải, khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ theo các tài liệu hướng dẫn của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đấu thầu có liên quan về xây dựng giá gói thầu bảo đảm phù hợp với giá trang thiết bị y tế đó trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Đọc thêm