Gốm Bàu Trúc phát triển trên nền tảng văn hóa Chăm

(PLVN) - Làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay, nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm. 
Bàn tay khéo léo của người nghệ nhân tạo nên những sản phẩm gốm Bàu Trúc tinh tế.
Bàn tay khéo léo của người nghệ nhân tạo nên những sản phẩm gốm Bàu Trúc tinh tế.

Làm gốm không dùng bàn xoay

Vùng đất Ninh Thuận là nơi có nhiều nét văn hóa riêng, trong đó có nền văn hóa Chăm đặc sắc góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa các dân tộc địa phương nói riêng. 

Người Chăm ở Ninh Thuận vốn được biết đến với rất nhiều nghề truyền thống. Tuy nhiên, trải qua thời gian, các nghề truyền thống cũng dần mai một, cho tới nay chỉ còn nghề làm gốm, nghề dệt và một số làng làm nghề thuốc Nam được giữ gìn và phát triển. 

Ba làng nghề truyền thống của người Chăm được công nhận chính thức gồm 2 làng dệt là Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và làng gốm Bàu Trúc. Trong đó, Làng dệt Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc nằm trong chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề và nghề truyền thống của người Chăm, cũng là điểm khai thác du lịch văn hóa.

Làng gốm Bàu Trúc nằm ở ven quốc lộ 1A thuộc thị trấn Phước Dân, cách TP Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10km về hướng Nam. Theo dân gian truyền tụng, tổ nghề của gốm Bàu Trúc là ông Poklong Chanh.

Hơn nghìn năm trước, ông từ chối làm quan triều đình về làng dạy cho phụ nữ cách lấy đất, nặn rồi nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Để tỏ lòng biết ơn tổ nghề, người dân làng gốm Bàu Trúc đã lập đền thờ tưởng nhớ và tổ chức cúng tế ông vào dịp lễ hội Katê hàng năm (khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch).

Nét độc đáo của nghề làm gốm làng Bàu Trúc là phương pháp thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao. Ở những nơi khác, người ta dùng bàn xoay để nặn gốm, còn dân làng Bàu Trúc vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.

Người dân đem sản phẩm gốm Bàu Trúc đến hát múa mừng khánh thành công trình nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm.
Người dân đem sản phẩm gốm Bàu Trúc đến hát múa mừng khánh thành công trình nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm. 

Nghệ nhân Trương Thị Gạch, người đã có trên 70 năm làm nghề gốm ở làng Bàu Trúc bảo, “làm bằng tay, xoay bằng mông” là cách nói dân dã về kỹ thuật làm gốm Bàu Trúc. Động tác đặc sắc là người cứ xoay tròn. Xoay sao cho tròn, xoay càng lâu sản phẩm càng đẹp, càng tròn và cân đối. 

“Cứ đi quay tròn, xoay người xong để khô rồi cạo, trà rồi tạo hoa văn, phơi khô một lần nữa rồi đem đi nung. Một ngày tính ra xoay như vậy thợ làm gốm phải đi bộ tới 7 - 8km. Sản phẩm đặc trưng là làm bằng tay không làm bằng khuôn nên không có cái nào giống cái nào”, bà Gạch cho biết.

Nghệ nhân Đàng Thị Phan là người đưa gốm Bàu Trúc sang Nhật, Pháp, Malaysia theo các chương trình giới thiệu văn hóa của tỉnh Ninh Thuận tự hào rằng, cái độc đáo nhất của nghề gốm Bàu Trúc là không có bàn xoay. 

“Kỳ lạ lắm, chỉ có đất ở vùng sông Quao mới làm được gốm không có bàn xoay thôi. Tôi nhớ lần sang Nhật biểu diễn, tôi lấy đất của tôi lên bàn xoay của Nhật thử làm sản phẩm nhưng không được. Tôi lấy đất của Nhật làm thử bằng tay như kỹ thuật của gốm Bàu Trúc thì đất sụp xuống, còn đất của tôi lên được đến 2m. Người Nhật họ ngạc nhiên lắm”, bà Phan chia sẻ.

Gốm Bàu Trúc hoàn toàn khác so với gốm của những nơi khác. Các hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật, có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc. Do không phủ men nên gốm Bàu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, tính độc bản cao. Và đó cũng chính là yếu tố để nghề làm gốm ở đây nổi tiếng, vang xa.

Giữ nét đặc trưng văn hóa Chăm

Trước đây, làng gốm Bàu Trúc chuyên sản xuất các đồ gia dụng như: lu, chum, vại, lò, ấm, nồi… chủ yếu để tiêu thụ trong tỉnh. Từ một nghề phụ làm trong lúc nông nhàn, dần dần gốm Bàu Trúc trở thành sản phẩm hàng hóa được đưa đi trao đổi, buôn bán tại các tỉnh, thành lân cận như: Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên và một số tỉnh, thành phố khác.

Hiện nay, khi người tiêu dùng có yêu cầu thẩm mỹ cao, làng gốm Bàu Trúc cũng tìm hướng đổi mới và phát triển. Các nghệ nhân đã kết hợp các yếu tố văn hóa phương Tây, văn hóa Việt vào trong sản phẩm gốm Chăm để cải tiến kiểu dáng, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, đồng thời phát triển dòng sản phẩm gốm lưu niệm phục vụ du khách.

Ông Phú Hữu Minh Thuần - Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc, cho biết: “Văn hóa Chăm đã in sâu vào trong tiềm thức của người dân, đặc biệt là những nghệ nhân làm gốm Bàu Trúc. Chính vì vậy việc phát triển vẫn dựa trên nền tảng văn hóa Chăm để giữ được dáng vẻ và nét đặc sắc riêng. Có như vậy, gốm Bàu Trúc mới có chỗ đứng vững trên thị trường. Từ suy nghĩ đó, các nghệ nhân làng gốm đã mạnh dạn thay đổi mẫu mã, tạo ra sản phẩm mới với nhiều kiểu lạ, trang trí hoa văn độc đáo, đảm bảo chất lượng để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Bên cạnh việc cải tiến dòng sản phẩm gốm dân dụng, hiện nay gốm Bàu Trúc đang đẩy mạnh phát triển dòng gốm trang trí, gốm mỹ nghệ có hàm lượng thẩm mỹ, cho giá trị kinh tế cao như: đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước, các biểu tượng văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông, văn hóa Chăm. Gốm Bàu Trúc hiện có hàng nghìn sản phẩm với nhiều chủng loại khác nhau, có giá từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng/sản phẩm.

Hiện nay, làng gốm Bàu Trúc có khoảng 500 hộ dân thì có đến hơn 400 hộ gắn bó với nghề gốm. Trong đó có một hợp tác xã và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm gốm Bàu Trúc đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang một số nước trên thế giới.

Ngày 18/10, người dân làng gốm Bàu Trúc vui mừng đón nhận bàn giao công trình nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm do Chính phủ Ấn Độ tài trợ xây dựng. Công trình có tổng mức đầu tư 862 nghìn USD (gần 20 tỷ đồng) được khởi công từ tháng 8/2019 bao gồm các hạng mục: nhà trưng bày, hội trường và khu vực giới thiệu các sản phẩm gốm truyền thống của người Chăm và khu nghỉ ngơi cho du khách. 

Ông Trượng Thống, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở Bàu Trúc phấn khởi cho biết, công trình nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm ở Bàu Trúc được khánh thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của địa phương, nơi để học sinh, sinh viên, thanh niên tìm đến để học tiếng mẹ đẻ, tìm đọc các sử thi, trường ca, truyền thuyết, lễ nghi tôn giáo, các phong tục, tập quán, đời sống tâm linh xưa và nay. Đồng thời, là địa điểm để các nghệ nhân truyền dạy dân ca, dân vũ và nhạc cụ Chăm cho lớp trẻ. 

“Chắc chắn khi đi vào sử dụng, nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm sẽ là nơi thu hút khách tham quan đến thưởng thức ẩm thực, văn hóa Chăm và trải nghiệm nghề gốm truyền thống lâu đời, cổ nhất Đông Nam Á đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, ông Thống nói.

Đọc thêm