Hải Phòng: Chủ doanh nghiệp tha hương mong muốn ngân hàng xử lý khoản nợ hợp tình hợp lý

(PLVN) - Kinh doanh thua lỗ, không còn khả năng trả nợ, vợ chồng ông Lê Văn Phích đành lòng rời quê sống tha hương nơi đất người và gồng mình "cõng" số nợ hơn 6 tỷ đồng trong đó 2/3 là tiền lãi phạt. Đáng nói, tuy hợp đồng vay ngân hàng có nhiều sai sót, nhưng thay vì muốn hủy hợp đồng vô hiệu thì ông Phích chỉ mong hai bên ngồi lại thỏa thuận với nhau, ngân hàng hạ khoản lãi phạt để "tạo điều kiện" cho gia đình ông trả nợ, chấm dứt việc kiện tụng...

 

(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán nợ

Trong đơn thư gửi đến Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Văn Phích (SN 1976), hộ khẩu tại xã Thủy Triệu, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng nhớ về một giai đoạn hạnh phúc, khi gia đình ông có tất cả trong tay nhờ công việc sản xuất, kinh doanh đồ nội thất; kinh doanh sắt thép, hàng kim khí; vận tải hàng hóa đường bộ, đường thủy nội địa.

Năm 2010, vì muốn mở rộng quy mô kinh doanh nội thất, gia đình ông Phích đã vay vốn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB). Ông Phích cùng vợ là bà Nguyễn Thị Lan Anh đã ký kết 3 hợp đồng tín dụng với ngân hàng VIB với tổng số tiền vay gốc là 2,5 tỷ đồng.

Cụ thể, các hợp đồng tín dụng bao gồm: Hợp đồng tín dụng số 107/HDTD1-VIB32/10 ngày 08/02/2010. Số tiền vay 400.000.000 VND, thời hạn vay 60 tháng, lãi suất 1%/tháng và điều chỉnh 1 tháng 1 lần cộng với biên độ tối thiểu 3,5%/năm; Hợp đồng tín dụng số 314/HDTD1-VIB32/10 ngày 04/5/2010. Số tiền vay 600.000.000 VND, thời hạn vay 60 tháng, lãi suất 1,4%/tháng và điều chỉnh 1 tháng 1 lần cộng với biên độ tối thiếu 4,4%/năm; Hợp đồng tín dụng số 090/HDTD1-VIB060/11 ngày 07/06/2011. Số tiền vay 1.500.000.000 VND, thời hạn vay 06 tháng, lãi suất 03 tháng đầu 20,5% từ tháng thứ 4 trở đi áp dụng theo lãi suất của Ngân hàng VIB. Ba hợp đồng tín dụng này được bảo lãnh bởi 5 hợp đồng bảo đảm khác.

Sau khi ký các hợp đồng tín dụng với VIB, ông Phích đã sử dụng vốn đúng mục đích khi mở thêm một cửa hàng bán nội thất, mua một chiếc xe bán tải để phục vụ cho công việc kinh doanh. Trong gần 2 năm đầu, ông Phích trả đúng hạn số tiền gốc và lãi theo cam kết. Tuy nhiên đến cuối năm 2012 công việc buôn bán gặp nhiều khó khăn, kinh doanh thua lỗ và không có khả năng trả nợ.

Căn nhà của ông Phích hoang tàn sau nhiều năm không có ai ở
 Căn nhà của ông Phích hoang tàn sau nhiều năm không có ai ở

“Cực chẳng đã, đầu năm 2013 gia đình tôi gồm gồm 4 người (2 vợ chồng, người bố đẻ và con trai lớn khi đó dưới 18 tuổi) đành rời quê đi làm ăn xa, mong tìm kiếm được một công việc tốt để trả nợ. Việc thanh toán nợ cho VIB bị gián đoạn từ đó đến nay đã gần 7 năm.

 Sống tha hương xứ người, ông Phích cùng người con trai đã phải lao động cật lực những mong kiếm được tiền thanh toán nợ cho ngân hàng và lấy lại ngôi nhà để gia đình hồi hương. Tuy nhiên, do người cha tuổi cao bệnh tật, người vợ đau yếu nên việc trả nợ rất khó, con đường trở về quê ngày càng xa xôi...

Nói về số nợ với ngân hàng VIB, mối trở ngại duy nhất khiến gia đình ông không dám trở về quê do số tài sản bảo đảm của người thân và gia đình ông vẫn chưa thể hoàn trả.

Theo ông Phích, tạm tính đến ngày 17/6/2020 gia đình ông còn nợ gốc VIB là 1.950.000.000 VND; nợ lãi là 290.509.000 VND. Đây là con số do VIB cung cấp cho gia đình chưa bao gồm lãi quá hạn và lãi phạt. Tính đến ngày 25/7/2020, VIB thông báo cho gia đình ông biết tổng số nợ của gia đình bao gồm nợ gốc, lãi, lãi quá hạn, lãi phạt đã lên tới 6.207.742.054 VND.

Ông Phích cho biết, cuối năm 2019, biết hoàn cảnh của gia đình ông, lãnh đạo VIB tại Hải Phòng đã tạo điều kiện, yêu cầu gia đình ông thanh toán số tiền là 2,9 tỷ đồng để chấm dứt 03 hợp đồng tín dụng và kết thúc vụ việc. Tuy nhiên, gia đình ông Phích do không vay mượn được tiền nên chưa trả nợ được cho VIB. Tuy nhiên, đầu năm 2020, do thời gian vay nợ tiếp tục kéo dài, Ngân hàng VIB liên tiếp gửi các thông báo tới ông Phích yêu cầu thanh toán các khoản nợ khi này tăng lên là 4,5 tỷ đồng.

Hai bên đã có nhiều lần trao đổi trực tiếp với nhau nhưng chưa thống nhất được con số trả nợ. Gia đình ông Phích mong muốn được trả số tiền vay gốc và tiền lãi, về tiền lãi phạt ông mong muốn được ngân hàng "tạo điều kiện" nhưng phía ngân hàng không chấp nhận.

Mong muốn thỏa thuận với ngân hàng về khoản nợ

Ngày 22/5/2020, VIB đã thu giữ tài sản của vợ chồng ông Phích và chuyển hồ sơ sang Trung tâm đấu giá thành phố Hải Phòng, lịch đấu giá dự định tổ chức vào ngày 03/08/2020. Đáng chú ý, ngân hàng VIB chưa khởi kiện đòi nợ ông Phích và yêu cầu xử lý tài sản thế chấp thì đã chuyển hồ sơ sang Trung tâm đấu giá nhằm mục đích bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ, trong khi ông Phích chưa được thỏa thuận và hoàn toàn không tự nguyện giao nộp tài sản này.

Biết sự việc, ngày 22/07/2020, gia đình ông Phích đã ủy quyền cho luật sư nộp đơn khởi kiện Ngân hàng VIB, địa chỉ trụ sở chính tại phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Ngày 22/07/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã thụ lý vụ án dân sự số 56/2020/TLST – DS về việc tranh chấp hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất. Sau khi thụ lý vụ án, Trung tâm đấu giá thành phố Hải Phòng đã hủy buổi đấu giá ngày 03/8/2020. Vụ việc hiện đang được Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xem xét giải quyết.

Nói rõ về căn cứ để gia đình ông Phích khởi kiện Ngân hàng VIB, Luật sư Phạm Duy Hà, Giám đốc Công ty luật TNHH PDH, phân tích, tài sản đảm bảo cho các khoản vay trên là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và tài sản gắn liền với đất của các Ông/bà: Lê Văn Phích và Nguyễn Thị Lan Anh; Ông/bà Vũ Văn Thủy và Nguyễn Thị Kim Dung. Các hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc; hộ ông Nguyễn Thanh Sơn; hộ bà Nguyễn Thị Thảo.

Việc bảo đảm được thực hiện thông qua 05 hợp đồng thế chấp sau: Hợp đồng số 090.01/2011/060/BĐ ký ngày 08/06/2011; Hợp đồng số 314.02/017/BĐ ký ngày 04/05/2010; Hợp đồng số 314.01/017/BĐ ký ngày 04/05/2010; Hợp đồng số 090.03/2011/BĐ ký ngày 08/06/2011; Hợp đồng số 107A/2010/BĐ ký ngày 08/02/2010. Tất cả đều được ký tại Văn phòng công chứng An Phát.

Luật sư Phạm Duy Hà cho biết: “Xem xét lại toàn bộ sự việc tôi nhận thấy việc giao dịch với Ngân hàng VIB có nhiều sai sót về thủ tục và không đúng các quy định của pháp luật”.

Luật sư Hà chỉ ra rằng, thứ nhất, vợ chồng ông Phích và những người bảo lãnh được Ngân hàng VIB hẹn ký hợp đồng thế chấp vào khoảng 19h00 đến 20h00 tại Phòng giao dịch VIB Thủy Nguyên (TP Hải Phòng). Tuy nhiên, khi ký không có mặt công chứng viên, phía ông Phích cũng không được giao bản gốc hợp đồng sau khi ký. Những hợp đồng thế chấp hiện gia đình đang có là do được tòa án cho phép sao chụp lại khi khởi kiện ngân hàng VIB.

Thứ hai, ba hộ gia đình bảo lãnh cho vợ chồng ông Phích đã dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được cấp cho hộ gia đình nhà mình để bảo lãnh. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng bảo lãnh và thế chấp không có mặt đầy đủ các thành viên trong hộ gia đình trên 15 tuổi, không có giấy ủy quyền của các thành viên trong hộ gia đình.

GCNQSDĐ được cấp cho hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn và bản Hợp đồng thế chấp của ông Sơn để cho gia đình ông Phích vay vốn ngân hàng VIB.
 GCNQSDĐ được cấp cho hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn và bản Hợp đồng thế chấp của ông Sơn để cho gia đình ông Phích vay vốn ngân hàng VIB.

“Với những sai lầm trên của Ngân hàng VIB, tôi cho rằng đủ căn cứ để Tòa án tuyên vô hiệu các bản hợp đồng thế chấp của gia đình ông Phích. Quyết định này áp dụng các Điều 108, 109, 216 Bộ luật dân sự 2005. Điều 35, 36, 39, 45 Luật Công chứng 2006. Khoản 2 Điều 146 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003”, luật sư Phạm Duy Hà nêu quan điểm.

Theo đó, Khoản 2 Điều 146 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên hoặc có văn bản uỷ quyền theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Về phần mình ông Phích trình bày: “Giao dịch giữa chúng tôi và VIB có nhiều sai sót khi thực hiện do lỗi của cả hai bên nhưng bản chất việc vay mượn là có thật. Xét điều kiện khó khăn hiện tại của gia đình, chúng tôi mong muốn tìm ra giải pháp đảm bảo lợi ích cho hai bên. Dù rất khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vay mượn để trả nợ cho ngân hàng. Đổi lại, chúng tôi đã đề nghị phía VIB giảm tiền lãi quá hạn và lãi phạt, mong ngân hàng "tạo điều kiện" để chúng tôi trả được nợ, khép lại vụ việc vì xét cho cùng phía ngân hàng cũng có lỗi".

Đọc thêm