Hành trình 10 năm “Tắt đèn – Bật ý tưởng”

(PLVN) - “Khoảng 10 năm trước, bảo vệ môi trường vẫn còn xa lạ với nhận thức của nhiều bạn trẻ Việt Nam”. Đó là trăn trở, cũng là động lực đằng sau triết lý kinh doanh bảo vệ môi trường của những nhà sáng lập Công ty Cổ phần TM Boo cùng Dự án “Tắt đèn – Bật ý tưởng”.
Hành trình 10 năm “Tắt đèn – Bật ý tưởng”

“Việc nhỏ mỗi ngày đổi thay trái đất”.

Tranh thủ chút thời gian nghỉ trưa, anh Đỗ Việt Anh – CEO, đồng sáng lập Công ty CPTM BOO hào hứng chia sẻ về hành trình bảo vệ môi trường.

Lớn lên ở Tiệp Khắc, trở lại Việt Nam vào năm 2009, Đỗ Việt Anh nhận thấy việc bảo vệ môi trường ở Hà Nội mới chỉ dừng ở những khẩu hiệu có phần khô cứng, chưa chạm tới cảm xúc của mọi người. Anh nhận xét: “Văn hoá đối xử với môi trường ở Việt Nam rất khác so với Tiệp. Mọi người dường như rất thờ ơ với môi trường sống của chính mình”.

Đỗ Việt Anh và em trai liền bắt tay vào xây dựng thương hiệu thời trang Bò Sữa, cùng với dự án “Tắt đèn - Bật ý tưởng”. Mong muốn tạo ra sự khác biệt, thoát khỏi lối mòn, anh Việt Anh đã tổ chức một cuộc thi thiết kế các hình ảnh gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường in trên áo phông.

“Lúc ấy tôi hình dung mọi người mặc áo lên trên người đồng nghĩa với khẩu hiệu về môi trường sẽ được đem đi khắp nơi, từ đó lan tỏa tới cộng đồng", - anh Việt Anh chia sẻ.

Trải qua 10 năm, đến nay, “Tắt đèn - bật ý tưởng”, hưởng ứng sự kiện Giờ trái đất đã trở thành một hoạt động thường niên, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ, hướng tới việc nâng cao nhận thức về chống biến đổi khí hậu và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.

Anh Đỗ Việt Anh – người sáng lập dự án “Tắt đèn – Bật ý tưởng”
Anh Đỗ Việt Anh – người sáng lập dự án “Tắt đèn – Bật ý tưởng” 

Mỗi năm lại có một thông điệp khác nhau. Chẳng hạn thông điệp của năm 2018 là sự cổ động, thách thức “Sống xanh; quyết sạch cho Hà Nội quyết xanh”. Đến năm 2019, dự án lại gây ấn tượng với cộng đồng bằng một thông điệp đơn giản nhưng gợi nhiều suy ngẫm: “Việc nhỏ mỗi ngày đổi thay trái đất”.

Năm 2019 là năm đánh dấu kỉ niệm 10 năm của dự án. Trong suốt hành trình 10 năm, đội ngũ thực hiện dự án “Tắt đèn - bật ý tưởng” đã mang những lý thuyết, những ý tưởng trên mặt giấy vào đời thực. 10 năm là một chặng đường không ngắn nhưng đủ dài để thấy được sự kiên trì bền bỉ và sự sáng tạo hết mình của những trái tim tâm huyết với môi trường.

Nỗ lực này đã truyền cảm hứng đến nhiều cá nhân khác. Chỉ tính riêng sự kiện mở màn cho chiến dịch "Tắt đèn - Bật ý tưởng" năm 2019 mang tên "Việc nhỏ mỗi ngày - Đổi thay trái đất" được tổ chức tại IPH Shopping Center đã có khoảng hơn 8000 bạn trẻ đến tham gia sự kiện, cùng sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng.

“Có quá nhiều thứ xảy ra trong 10 năm. Hầu hết mọi người đều chỉ nhìn thấy được sự thành công của dự án mà biết đến biết bao lần thất bại, những ý tưởng vẫn còn dang dở,… Chúng ta có nhiều cách yêu môi trường thay vì làm quá nhiều thứ hào nhoáng. Tôi luôn cố gắng làm từ những thứ nhỏ nhất, có thể tác động tốt tới môi trường. Cái gì mình làm bằng cái tâm thì luôn luôn giàu cảm xúc, đó động lực để tôi tiếp tục duy trì hoạt động vì môi trường đến ngày hôm nay” - Anh Việt Anh chia sẻ.

Bảo vệ môi trường từ thời trang “sống xanh”

Tiếp nối thành công của Tắt đèn – Bật ý tưởng là sự ra đời của Bò Sữa Xanh với mong muốn “xanh hoá” chính doanh nghiệp của mình. Dự án Bò Sữa xanh đánh vào 3 phần trọng tâm: thứ nhất là phần phân phối, làm thế nào để xanh hơn so với trước đây. Thứ hai là khâu sản xuất, làm thế nào để sử dụng những nguyên liệu hoặc các công nghệ để tạo ra vải vóc hay các sản phẩm khác của mình được xanh hơn. Thứ ba đó là làm thế nào để thông điệp “sống xanh” có thể “chạm tới” khách hàng. Khái niệm “điểm đến xanh” đã ra đời như thế.

Các “điểm đến xanh” là nơi BOO thu thập quần áo cũ cùng những thứ đồ có thể tái chế. Chúng sẽ có một “vòng đời mới” ở chuỗi các cửa hàng của BOO, cùng với nhiều các sản phẩm thân thiện với môi trường khách như nước rửa tay, nước lau nhà, nước rửa bát bằng men vi sinh,…

Đáng chú ý, các sản phẩm từ thương hiệu Bò Sữa được sản xuất 100% bởi các loại vải ogarnic (hay còn gọi là vải hữu cơ) cùng mực in gốc nước thân thiện với môi trường.  Ngoài ra, khi mua hàng ở các cơ sở của Bò Sữa, nếu khách hàng không lấy túi nylon là đã trực tiếp ủng hộ 10.000 đồng vào quĩ vì môi trường bằng chính tên của khách hàng đó.

“Đó là cách chúng tôi tiếp cận khách hàng và thay đổi thói quen tiêu dùng của họ. Chúng tôi muốn phải xanh từ trong chính mình, mình phải là những người làm gương mẫu trước thì mọi người mới nghe được tiếng nói của mình, mới phục tiếng nói của mình” – chàng CEO sinh năm 1980 khẳng định.

Dự án “Tắt đèn – Bật ý tưởng” luôn nhận được sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ

Dự án “Tắt đèn – Bật ý tưởng” luôn nhận được sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ

Với hàng loạt các “điểm đến xanh” tại các chuỗi cửa hàng của mình, cùng khâu phân phối và sản xuất đặt chữ “xanh” lên hàng đầu, BOO hiện đang là một trong những thương hiệu số một về lối sống xanh, được lan toả rộng rãi trong cộng đồng yêu thời trang.

Mong muốn ngành thời trang không còn là ngành ô nhiễm thứ 2 trên thế giới nữa Việt Anh quan điểm: “Hãy mua ít đi, mua vừa đủ thôi, hãy yêu quý đồ đạc của mình. Thay vì bạn mua đồ chất lượng thấp, bạn mua 4-5 cái thì bạn hãy mua chỉ 1 cái chất lượng tốt hơn, hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi mua một sản phẩm nào đó”.

Khi Việt Nam đang dần “phủ xám” bới quá trình công nghiệp hoá thì BOO lại là doanh nghiệp đã và đang nỗ lực hết mình trong công cuộc phục dựng màu xanh cho trái đất. Kinh doanh không chỉ là tạo ra lợi nhuận mà còn phải có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Vì vậy, trong tương lai, BOO vẫn sẽ tiếp tục kiên trì với chặng đường xanh của mình, góp phần lan toả thông điệp sống xanh đến cộng đồng.

Nguyên liệu sạch và sống xanh là xu hướng chung của thế giới ngày nay. Thay vì ngồi hi vọng và chờ đợi kết quả từ công sức của người khác, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trẻ ngày nay đều mong muốn đóng góp từ những “việc làm nhỏ” của mình.

Chấp nhận sống bớt tiện nghi hơn, chúng ta có thể thấy rằng lối sống giản đơn, thân thiện với môi trường vẫn rất thoải mái. Sẽ không là vấn đề lớn nếu mỗi người cố gắng chia sẻ một chút, “chịu khổ” một chút. Bảo vệ môi trường là một quá trình “mưa dầm thấm lâu”, mỗi người có một phương pháp, đóng góp của riêng họ, không ai giống ai nhưng cần sự chung tay của tất cả cộng đồng.

Đọc thêm