Hành trình giành lại thương hiệu Kẹo dừa Bến Tre tại Trung Quốc

(PLVN) - Chuyện bà Hai Tỏ - chủ thương hiệu Kẹo dừa Bến Tre, đi kiện hàng giả ở Trung Quốc cách đây đã hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn là bài học nằm lòng của các doanh nghiệp trong việc tạo dựng và bảo vệ thương hiệu của mình.
Doanh nhân Nguyễn Thị Tỏ (bìa phải) bên thương hiệu Kẹo dừa Bến Tre
Doanh nhân Nguyễn Thị Tỏ (bìa phải) bên thương hiệu Kẹo dừa Bến Tre

Bị đối tác “ruột” ngang nhiên lấy thương hiệu

Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á, tiền thân là Cơ sở sản xuất kẹo dừa mang nhãn hiệu Quê Hương ra đời năm 1976, do bà Nguyễn Thị Tỏ (tên thường gọi là bà Hai Tỏ) sáng lập ra. Ban đầu, sản phẩm của Cơ sở chủ yếu xuất sang thị trường Campuchia. Nhưng chỉ sau vài năm kinh doanh trên thị trường này, kẹo dừa mang nhãn hiệu Quê Hương bị làm giả tràn lan. 

Bực mình, bà Hai Tỏ đã xin chuyển nhãn hiệu Kẹo dừa Quê Hương sang nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre. Nhưng, hàng bán được một thời gian lại bị nhái như cũ, số lượng nhái càng tăng hơn trước… Nhận thấy có đổi kiểu nào cũng bị nhái, vì luật pháp Campuchia chưa bảo hộ người sản xuất nên bà Hai Tỏ đành bỏ thị trường Campuchia và chuyển sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường mà doanh nghiệp của bà đã chào hàng từ nhiều năm trước. 

Vào những năm 1996 -1997, lượng kẹo dừa xuất khẩu của Đông Á qua thị trường Trung Quốc đạt khá cao, bình quân mỗi năm đạt từ 900.000 đến 1 triệu tấn, trung bình mỗi lần xuất đạt hơn chục ngàn tấn. Tuy nhiên, đến năm 1998 thì doanh số tiêu thụ kẹo dừa của doanh nghiệp tại thị trường này bỗng nhiên sụt giảm nghiêm trọng. 

Keo dừa là đặc sản của Bến Tre
Keo dừa là đặc sản của Bến Tre  

Qua tìm hiểu sự việc, bà Hai Tỏ được biết trên thị trường đang có sản phẩm kẹo dừa giả, nhái Kẹo dừa Bến Tre và phát hiện nguyên nhân là Công ty TNHH Rừng Dừa ở Trung Quốc đã lấy thương hiệu của bà sản xuất kẹo dừa, bán tràn lan trên thị trường. Trớ trêu thay, Công ty Rừng Dừa lại chính là đối tác “ruột” của Công ty TNHH Đông Á, sau một thời gian hợp tác làm ăn đã tự tìm đến các thương lái Việt Nam thu mua kẹo dừa, mang về nước rồi gắn mác Kẹo dừa Bến Tre để bán ra thị trường. 

Bà trở về Việt Nam đăng ký sở hữu nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre và bằng độc quyền sáng chế rồi kiện doanh nghiệp làm nhái sản phẩm của mình. Tháng 8/1998, bà Hai Tỏ còn được biết Công ty TNHH Rừng Dừa đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre tại Trung Quốc được 8 tháng, chỉ còn 3 tháng nữa là được cấp bằng độc quyền. 

Cùng với người phiên dịch, bà đến trình bày sự việc tại Cục Quản lý hành chính Công Thương nhãn hiệu hàng hóa quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nêu rõ những thiệt hại về kinh tế và luật pháp mà doanh nghiệp làm giả gây ra tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời đề nghị hai vấn đề: Từ chối cấp nhãn hiệu hàng hóa cho Công ty Rừng Dừa, dựa trên phân loại nhóm 30 (chủng loại kẹo theo quy định của quốc tế) và phê duyệt cho nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre với hình phân biệt là người đàn bà đeo kính. 

Tháng 5/1999 - 8 tháng sau đăng ký, nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre được cấp bằng độc quyền sáng chế, cho phép lưu hành trên lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời sản phẩm của Công ty Rừng Dừa được xác nhận là hàng nhái, không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Chủ thương hiệu Kẹo dừa Bến Tre đem giấy tờ chứng nhận đến tận đảo Hải Nam, nơi Công ty Rừng Dừa đăng ký trụ sở, thuyết phục nhờ chính quyền địa phương xử lý toàn bộ số sản phẩm giả. Cuối cùng, ông Chí Xình – Giám đốc Công ty TNHH Rừng Dừa buộc phải đóng cửa nhà máy, ngừng sản xuất “Kẹo dừa Bến Tre”.

Hành trình kéo dài hơn 1 năm của bà Hai Tỏ thành công, thương hiệu kẹo Việt được bảo vệ. Đoạn phóng sự về bà Hai Tỏ được chiếu trên toàn Trung Quốc, đánh dấu thắng lợi của người phụ nữ đầy khí khái Nam Bộ. Đến nay, đây vẫn là một bài học sâu sắc cho những doanh nghiệp chỉ mải mê bán sản phẩm mà quên định vị giá trị thương hiệu như bà chủ vùng quê miệt vườn này.

Doanh nghiệp đừng chăm chăm “săn lùng” lợi nhuận

Nếu đối chiếu với Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến Thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (Hiệp định TRIPS), thì từ ngày 2/5/2003 (ngày ban hành Nghị định đầu tiên về bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí mạch tĩnh hợp bán dẫn) đến nay hệ thống pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng đã bảo hộ đầy đủ các đối tượng. 

Song, trên thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu dành nhiều thời gian và chi phí cho việc “săn lùng” lợi nhuận, chứ ít quan tâm tới yếu tố quan trọng, đó là tên tuổi, là thương hiệu của mình. Họ chưa ý thức hết được giá trị to lớn của thương hiệu đã tác động tới thành công của doanh nghiệp như thế nào. Chỉ mỗi khi có sự tranh chấp xảy ra, họ mới hoảng hốt nhận ra thì đã quá muộn. Trở lại với cuộc chiến giữ thương hiệu của bà Nguyễn Thị Tỏ, đây thực chất là tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp của pháp nhân về nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh của Công ty Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á do bà Tỏ là người đại diện theo pháp luật.

Nguyên nhân thắng kiện tại Trung Quốc là vì doanh nghiệp của bà đã có được căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo quy định của Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên... Như vậy, điều kiện trước tiên để doanh nghiệp, cá nhân tự bảo vệ, tự áp dụng các biện pháp mà luật cho phép nhằm bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ của mình là phải có sự đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp tại cơ quan thẩm quyền.

Rõ ràng, việc tuân thủ pháp luật, vận dụng đúng các quy định về kinh doanh là một trong những bí quyết để doanh nghiệp tránh rủi ro và gặt hái thành công dù là thị trường trong nước hay ngoài nước. Trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ còn gặp rất nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ trong nước mà cả trên thương trường thế giới. Bởi thế, tổ chức, cá nhân cần chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…

Theo một luật sư, rủi ro lớn nhất của việc doanh nghiệp Việt Nam không đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu của họ sẽ bị một bên thứ ba đăng ký chiếm chỗ. Khi đó, việc sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên lãnh thổ quốc gia sở tại có thể bị coi là vi phạm pháp luật và chi phí bỏ ra cho việc giành lại nhãn hiệu là rất tốn kém. Trước khi giành lại nhãn hiệu, các sản phẩm của doanh nghiệp có nhãn hiệu đã bị đăng ký chiếm chỗ đó không được phép lưu hành trên thị trường của quốc gia sở tại.

Vì thế, các công ty cần chú trọng đến vấn đề bảo hộ các tài sản trí tuệ đó trên phạm vi lãnh thổ của tất cả các quốc gia được coi là thị trường tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ của mình; liên hệ với các đơn vị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu uy tín để được tư vấn về việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi cần thiết.

Đọc thêm