Huyền bí giếng tiên xứ Mường

(PLVN) - Các bản Mường ở miền núi phía Bắc nước ta luôn chứa đựng kho tàng những câu chuyện linh thiêng, kỳ bí. Tại bản Khộp xã Ngọc Lâu (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), câu chuyện về chiếc giếng cổ ngự ngay đầu làng quanh năm đầy ắp nước trong văn vắt từ lâu đã được lưu truyền là giếng thần, giếng tiên cùng rất nhiều câu chuyện kỳ bí...
Cận cảnh giếng thần ở bản Khộp
Cận cảnh giếng thần ở bản Khộp

Ông Bùi Văn Chấn (nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) tự hào: “Xã miền núi chúng tôi có cả cái giếng thần nghìn tuổi. Dù trời có hạn thì đồng ruộng cũng không sợ hết nước”. Nói xong, ông dẫn chúng tôi đến bản Khộp cao chót vót trên đỉnh núi để mục sở thị giếng thần kỳ lạ này.

Quan sát kỹ, đó là một mó nước đã được quy hoạch xây dựng khá sạch sẽ. Bốn bên xây bằng bê tông vuông vức nhưng nước không lúc nào cạn dù cho cả làng có múc đổ đi hay dùng máy để bơm ra ngoài. Một số thanh niên nghịch ngợm ở bản Khộp đã thử tát nước ra ngoài suốt đêm nhưng giếng không cạn một chút nào.

Điều này được kiểm nghiệm qua anh Bùi Văn Hanh, nhà ngay cạnh giếng thần. Anh Hanh cho hay: “Không biết mạch nước ở đâu nhưng dùng máy bơm cỡ lớn để tát cả đêm vẫn không thể hết nước trong giếng”. Ông Bùi Văn Huy một cán bộ xã Ngọc Lâu cho hay: “Trước đây, giếng thần nhìn rất hoang dã như một mó nước tự nhiên. Vì sợ bị mai một nên chúng tôi cho xây dựng tường bao để bảo vệ. Tuy nhiên, tính linh thiêng và mực nước trong giếng vẫn không hề thay đổi”. 

Cụ Bùi Văn Én đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn còn nhớ rất rõ câu chuyện cha ông kể lại rằng, giếng thần có từ thời đẻ đất đẻ nước. Trời sinh ra giếng thần để nuôi sống muôn loài trên vùng núi đá cao vút này. Trước đây, bản Khộp là vùng rừng rậm có nhiều thú dữ. 

Cụ Én kể chuyện giếng thần
Cụ Én kể chuyện giếng thần  

Ngay cụ Én thời trẻ cũng phải thường xuyên chạy vào các hang núi để trốn hùm beo. Thú dữ cũng đã làm hại nhiều người dân bản địa khi họ dùng nước tại giếng thần này. Tuy nhiên, theo quan niệm địa phương thì muông thú bình đẳng với con người nên không ai được phép đánh đuổi thú dữ khi chúng đến với giếng thần. Vì thế, một thời giếng thần Ngọc Lâu là tài sản chung của tất cả người Mường sống dọc ven núi Hòa Bình và các muông thú trong rừng rậm. 

Cụ Én cho hay: “Sống gần hết đời người và ăn ở với giếng thần nên tôi biết nó thiêng lắm. Có người xấu bụng vứt chất bẩn gì xuống đó thì nước vẫn trong vắt và người làm bẩn giếng chắc chắn sẽ bị trừng phạt. Hiển linh đến mức từ đó không kẻ nào dám làm việc xấu nữa”. Cụ Én kể câu chuyện, có người đến giếng chửi thề và ngay lập tức bị méo mồm. Gia đình đưa nạn nhân đi các thầy lang nhưng không ai chữa khỏi, cuối cùng phải về thắp hương xin lỗi thần giếng và múc nước cho uống thì bệnh tình mới thuyên giảm.

Không biết những câu chuyện ấy thực hư đến đâu nhưng tất cả người Mường ở bản Khộp nói riêng và người dân xã Ngọc Lâu nói chung đều rất kính cẩn trước giếng thần. Họ coi giếng thần là biểu tượng linh thiêng nhất của người Mường bản địa và là nguồn nước duy trì sự sống của người dân vùng núi đá này.

“Chuyện giếng thần Ngọc Lâu không bao giờ cạn nước là có thật. Dù có bơm suốt ngày đêm thì mực nước vẫn cứ giữ nguyên. Người bản Khộp mùa đông không phải nấu nước tắm vì nước giếng rất ấm, không phải nấu nước uống vì nước giếng rất đảm bảo vệ sinh. Thậm chí, người bản Khộp bị đau bụng, sau khi uống nước giếng vào thì khỏi bệnh”, ông Bùi Văn Lơ cho biết.

(Đón đọc kỳ 2: Khúc gỗ thần kì và câu chuyện lạ) 

Đọc thêm