INTERPOL nói không với tội buôn bán rác điện tử trái phép - Luật Việt Nam vẫn lỏng lẻo

(PLVN) -Lỗ hổng pháp lý về quản lý rác thải điện tử giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển đã tạo điều kiện cho những hành vi tội phạm về môi trường ngày càng gia tăng; đặc biệt là các loại tội phạm xuyên quốc gia, có tính chất nguy hiểm cao hơn. Do vậy, bắt đầu từ năm 2012, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) đã khởi động những chương trình điều tra đặc biệt về các hành vi buôn bán và xử lý chất thải điện tử bất hợp pháp trên quy mô toàn cầu.
INTERPOL nói không với tội buôn bán rác điện tử trái phép - Luật Việt Nam vẫn lỏng lẻo

Chiến dịch “quét” rác điện tử của INTERPOL

Hiện nay, rác thải điện tử xuất hiện ở khắp mọi mặt của đời sống gia đình – xã hội, từ trong sinh hoạt hàng ngày đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Năm 2019, Liên Hợp Quốc đưa ra thống kê mỗi năm thế giới thải ra khoảng 50 triệu tấn rác điện tử nhưng chưa đến 20% số rác này được tái chế. Theo đó, trong rác thải điện tử có chứa hơn một ngàn hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý…, trong đó có chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nhận thấy các tội phạm liên quan đến buôn bán chất thải điện tử trái phép xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, INTERPOL đã bắt đầu triển khai các chương trình điều tra về các đối tượng này trên phạm vi toàn cầu kể từ năm 2012. Đáng nói là chiến dịch Enigma, thuộc Dự án Eden, trong Chương trình Tội phạm môi trường của INTERPOL, được tổ chức vào tháng 11 và 12 năm 2012. 

Chiến dịch có sự tham gia của các cán bộ, điều tra viên của INTERPOL cùng với các cảnh sát, cán bộ hải quan, chính quyền địa phương tại các cảng, và các cơ quan chức năng về môi trường, hàng hải từ 7 quốc gia tại châu Âu và châu Phi. Mục đích của chiến dịch là thúc đẩy chia sẻ thông tin giữa các quốc gia, giúp xác định và phát hiện các lô hàng và bãi thải rác điện tử bất hợp pháp, nhằm phá vỡ mạng lưới tội phạm đằng sau hoạt động buôn bán trái phép chất thải điện tử từ châu Âu qua châu Phi. 

Hơn 240 tấn rác điện tử bị thu giữ trong chiến dịch Enigma của INTERPOL năm 2012. Ảnh - Interpol.int
Hơn 240 tấn rác điện tử bị thu giữ trong chiến dịch Enigma của INTERPOL năm 2012. Ảnh - Interpol.int 

Việc kiểm tra được thực hiện tại các cảng lớn ở Bỉ, Đức, Hà Lan, Anh (các vùng được coi là địa điểm nguồn chất thải điện tử ở châu Âu) và các cảng lớn ở Ghana, Guinea và Nigeria (các vùng được coi là điểm đích của chất thải điện tử ở châu Phi). Kết quả cho thấy, gần một phần ba cuộc kiểm tra phát hiện các lô chất thải điện tử có vấn đề. 

Đơn cử như, chính quyền Bỉ đã tịch thu và trả lại cho Hà Lan khoảng 100 tấn chất thải điện tử bất hợp pháp. Đồng thời, quá trình điều tra phơi bày các phương thức che giấu mới được sử dụng bởi các cá nhân và công ty liên quan đến buôn bán chất thải điện tử bất hợp pháp từ nhiều quốc gia. 

Kết thúc chiến dịch, INTERPOL đã thu giữ hơn 240 tấn thiết bị điện tử bị nghi vận chuyển bất hợp pháp và khởi động điều tra hình sự đối với khoảng 40 công ty liên quan đến hoạt động buôn bán trái phép qua biên giới. Các thông tin này được chia sẻ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua thông báo của chính quyền … nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, cảnh tỉnh các cơ quan chức năng. 

Rác điện tử: Mối nguy hại toàn cầu

Cùng với Dự án Eden, một động thái đáng chú ý khác của INTERPOL là Dự án chống buôn bán trái phép chất thải điện tử (viết tắt: CWIT). Khởi động vào tháng 9 năm 2013, mục đích của CWIT là điều tra, nghiên cứu sâu về thị trường rác thải điện tử bất hợp pháp ở châu Âu nhằm xác định các lỗ hổng chính sách, quy định và kỹ thuật hiện hành mà tội phạm đã hoặc có thể lợi dụng; qua đó đề xuất, khuyến nghị các quốc gia xây dựng khung chính sách đầy đủ, hoàn thiện pháp luật và hệ thống kiểm soát về việc quản lý chất thải điện tử trong nước và trong khu vực.

Do đó, dự án CWIT tập trung vào ba nhóm chính: các nhà xây dựng chính sách của các chính phủ chính phủ; các cơ quan thực thi pháp luật; và các đơn vị, tổ chức hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử. 

Có nhiều lý do mà vấn đề quản lý chất thải điện tử được đặc biệt quan tâm như thế, ít nhất ở châu Âu. Báo cáo khảo sát của dự án này cho biết: Năm 2010, chỉ có khoảng 3/8 triệu tấn rác thải điện tử ở châu Âu được thu gom, xử lý và được thông báo tới các chính quyền địa phương. Vậy điều gì đã xảy ra đối với phần rác thải còn lại vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. 

Rác thải điện tử tiềm ẩn nguy hiểm cho môi trường và sức khoẻ. Ảnh - Interpol.int
 Rác thải điện tử tiềm ẩn nguy hiểm cho môi trường và sức khoẻ. Ảnh - Interpol.int

Việc vận chuyển và xử lý rác thải điện tử bất hợp pháp, không tuân theo các quy chuẩn chuyên môn có nhiều hệ quả xấu. Đơn cử, việc tự tháo gỡ bộ phận bên trong các thiết bị để lấy đồng, sắt có thể khiến các chất độc hại bám vào đất và tích tụ dần, thẩm thấu vào nguồn nước ngầm. 

Các chất độc có trong đồ điện tử cũ như cadium trong điện trở, chì, thủy ngân..., khi bị phát tán ra môi trường sẽ khó có thể nhận biết nhưng có thể  gây hại cho sức khỏe con người như: bệnh ung thư, bệnh về đường hô hấp, bệnh tim mạch…Hệ quả khác là sự thất thoát các tài nguyên vật liệu có giới hạn khi được dùng để sản xuất thiết bị điện tử như vàng, đồng, palladium, … Cuối cùng, giải quyết vấn đề nêu trên sẽ giúp đảm bảo một môi trường trong sạch hơn, an toàn hơn, đồng thời góp phần xây dựng một “sân chơi kinh tế” bình đẳng giữa các quốc gia. 

Vậy Việt Nam thì sao?

Có thể nói, vấn đề rác thải điện tử dù đã được đề cập lâu nay nhưng vẫn còn khá mới mẻ, thậm chí bị coi nhẹ. Thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên môi trường) cho biết: Năm 2014, tổng lượng chất thải điện tử ở Việt Nam là 60 ngàn tấn; đến năm 2016, con số này là 90 ngàn tấn và năm 2018 tăng lên 116 ngàn tấn. Trong đó, thành phần chất thải điện tử chủ yếu từ đồ điện tử gia dụng (tivi, máy tính, nồi cơm điện, quạt điện, điện thoại,…); thiết bị văn phòng (máy photocopy, máy fax…).

Bên cạnh đó, cũng phải kể tới các bộ sản phẩm điện tử lỗi từ các nhà máy sản xuất và rác thải điện tử được nhập khẩu bất hợp pháp. Số lượng rác thải điện tử ngày càng tăng; nhưng ở Việt Nam, công nghệ thu gom, xử lý cũng như những quy định, chế tài về vấn đề này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. 

Trên thực tế, cách phổ biến nhất hiện nay để xử lý rác thải điện tử không còn sử dụng được nữa là bán ve chai, các nơi thu mua phế liệu. Còn với những mặt hàng điện tử còn tương đối mới, có thể sử dụng tốt, người dân thường bán cho những người chuyên thu mua đồ điện tử. Sau đó, các cửa hàng mua đồ điện tử cũ thường tân trang lại rồi bán; hoặc tháo rời để lấy linh kiện dùng cho việc sửa chữa, lắp ráp các thiết bị điện tử. 

Vấn đề rác thải điện tử tại Việt Nam còn bị coi nhẹ
 Vấn đề rác thải điện tử tại Việt Nam còn bị coi nhẹ

Về mặt pháp lý, ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Đến năm 2017, Bộ TN-MT đã ban hành Thông tư số 34/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Quyết định trên.

Theo đó, nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam, thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ, sau đó xử lý hoặc xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia môi trường, cho đến nay, việc thu gom, xử lý loại chất thải điện, điện tử tại Việt Nam hiện vẫn chưa được các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng liên quan quan tâm và thực hiện. Phần lớn người dân cũng không biết hoặc không để ý đến quy định này. 

Có thể thấy, ở nước ta, hành lang pháp lý về quản lý chất thải điện tử vẫn còn lỏng lẻo, hệ thống kiểm soát vẫn còn hạn chế, thái độ của người dân còn thờ ơ. Hiện tượng này có vẻ đang “không khớp” với nhịp độ của các quốc gia trên thế giới khi cách đây gần một thập kỷ, họ đã xác định những mối nguy hại to lớn của rác thải điện tử đối với môi trường và con người, đồng thời hành động kịp thời để ngăn chặn những viễn cảnh xấu nhất. 

Đọc thêm