“Khai tử” dịch vụ đòi nợ thuê: Người cho vay phải làm sao để đòi nợ hợp pháp?

(PLVN) - Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua, dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị cấm đầu tư kinh doanh khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Quy định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 nhưng nhiều ý kiến thẳng thắn bày tỏ lo ngại về sự biến tướng của dịch vụ đòi nợ thuê bởi những câu chuyện đòi nợ kiểu khủng bố vẫn chưa bao giờ hết nóng và băn khoăn không biết làm sao để có thể đòi nợ hợp pháp nếu có tiền cho vay?
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Thảm kịch từ nạn đòi nợ thuê biến tướng 

Sở dĩ nói là chưa hết nóng bởi liên tiếp có các trường hợp bị khủng bố đòi nợ cùng quẫn đã phải tự tử. Chẳng hạn như anh N.M.K (SN 1993, huyện Châu Thành, Cần Thơ) là giảng viên một trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang uống thuốc tự tử ngày 10/5/2020 vì vướng vào việc vay tiền qua app. Anh K từng tâm sự với người thân anh nợ hơn 200 triệu đồng vay qua app. Các app đang truy bức đòi nợ liên tục nên anh K không còn tâm trí làm việc và chỉ muốn chết để giải thoát.

Hay trường hợp của anh L.T.T (quận Gò Vấp, TP HCM) cũng nghi là tự tử vì bị đòi nợ. Rạng sáng 21/6, anh T chạy xe máy lên giữa cầu Phú Long (đoạn thuộc địa phận phường Lái Thiêu, TP Thuận An, Bình Dương) để lại xe máy, đôi dép và ví tiền rồi nhảy xuống sông Sài Gòn tự tử. Tại các buổi làm việc với cơ quan chức năng, vợ anh T đều xác nhận bị các đối tượng đe dọa, gây sức ép phải trả nợ 105 triệu đồng.

Liệu câu chuyện đòi nợ theo kiểu khủng bố có được chấm dứt sau khi dịch vụ đòi nợ thuê bị “khai tử”? Tại buổi họp báo công bố Luật Đầu tư sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Luật sửa đổi lần này đã bổ sung dịch vụ "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. 

Đối với câu hỏi của phóng viên về "số phận" của những doanh nghiệp đã được cấp phép "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" sẽ đi về đâu, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng trả lời rằng những doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh sẽ được tiếp tục hoạt động đến ngày 1/1/2021. "Từ ngày 1/1/2021, doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, với những doanh nghiệp có nhiều ngành, nghề kinh doanh thì chấm dứt hoạt động kinh doanh đòi nợ, các lĩnh vực khác vẫn hoạt động theo quy định. Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện dịch vụ kinh doanh đòi nợ từ nay tới 1/1/2021 có trách nhiệm thanh, quyết toán liên quan tới dịch vụ này", Thứ trưởng Thắng thêm.

Một số chuyên gia khẳng định, nhu cầu dịch vụ đòi nợ thuê là thật. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vừa qua, nhiều doanh nghiệp đòi nợ thuê không tuân thủ điều kiện kinh doanh cũng như quy định pháp luật có liên quan làm phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực như khủng bố bằng chất bẩn, phá hoại tài sản hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ... "Nếu dịch vụ này bị cấm, các doanh nghiệp sẽ lách bằng cách lập các hợp đồng ủy thác, hợp đồng nhờ thu nợ hoặc bán nợ với giá bằng 1/2, thậm chí hợp đồng tặng cho nợ. Như vậy càng khó quản hơn" – một chuyên gia pháp lý khuyến cáo.

Dịch vụ đòi nợ thuê bị "khai tử" - Cách nào để đòi được nợ?

Liên quan đến quy định này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: Theo Điều 6 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định nội dung hoạt động dịch vụ đòi nợ, bao gồm: “1. Đại diện chủ nợ để xác định các khoản nợ, các nội dung liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách nợ; đôn đốc khách nợ trả nợ; thu nợ; 2. Đại diện chủ nợ làm việc với tổ chức hoặc cá nhân có liên quan để thu nợ; 3. Đại diện khách nợ để xác định các khoản nợ, biện pháp xử lý nợ với chủ nợ; 4. Tư vấn pháp luật cho chủ nợ hoặc khách nợ về việc xác định nợ; biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý nợ.”

Luật sư Hùng.
Luật sư Hùng.  

Còn Luật Đầu tư (sửa đổi) mới chỉ quy định “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Luật chưa quy định rõ nội dung và phạm vi các hoạt động bị cấm. Các nội dung này còn cần phải có sự quy định chi tiết và cụ thể hơn tại các văn bản hướng dẫn (Nghị định hoặc Thông tư). Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có thể lách luật bằng những hình thức, cách thức hoạt động như thế nào thì còn phụ thuộc rất lớn vào sự chặt chẽ và hợp lý của các quy định hướng dẫn về nội dung này. 

Tuy nhiên, khả năng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ tìm cách “lách luật” để tiếp tục hoạt động là rất cao, vì nhu cầu thực tế đối với loại hình dịch vụ này là không nhỏ. Chẳng hạn như các hình thức: Mua lại các khoản nợ nhưng thực chất là để đòi nợ thuê cho bên bán nợ, hoặc thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động, để cung ứng lao động (mà thực chất là các nhân viên thực hiện việc đòi nợ) cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, để thực hiện các công việc liên quan đến việc đòi nợ …

Vì vậy, để tránh việc “lách luật” có thể xảy ra thì Chính phủ và các bộ có liên quan cần phải ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết và rõ ràng hơn, tạo ra những căn cứ pháp lý chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn, cũng như phải có những chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.  

Đặc biệt, vấn đề được nhiều người quan tâm là liệu người cho vay có thể làm gì để đòi nợ hợp pháp khi Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực? Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, việc sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê cũng chỉ là một cách thức, biện pháp để thu hồi nợ và thực tế, đây cũng không phải biện pháp thu hồi nợ mang tính phổ biến nhất. Pháp luật hiện hành của chúng ta đã có đầy đủ các quy định pháp lý cần thiết, để các tổ chức và cá nhân có thể thu hồi nợ, cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi phát sinh các khoản công nợ trong các giao dịch dân sự, kinh doanh – thương mại…

Trước hết, các quan hệ nêu trên có bản chất pháp lý là quan hệ dân sự, chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp quy có liên quan khác. Do đó, trong trường hợp phát sinh tranh chấp thì trước hết các bên có quyền tự giải quyết bằng cách thương lượng, hòa giải. Nếu các bên không thể tự thảo thuận được với nhau thì có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền, đề nghị Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo thủ tục của Luật tố tụng dân sự. 

Trường hợp, vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hình sự (lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hoặc các tội phạm khác) thì người bị hại, hoặc các cá nhân, tổ chức có liên quan có quyền làm đơn trình báo, tố giác tội phạm đó đến Cơ quan Cảnh sát điều tra để được xem xét và giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự  

Luật sư Nguyễn Đức Hùng cũng chia sẻ, việc thu hồi nợ/công nợ thì không chỉ phát sinh từ các hoạt động vay nợ (tiền) thuần túy mà còn có thể xuất phát từ rất nhiều các giao dịch dân sự và kinh doanh – thương mại khác (mua bán hàng hóa, đầu tư, xây lắp...). Do đó, việc luật sư tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý từ đầu, ngay từ giai đoạn đàm phán, giao kết hợp đồng là điều rất hữu ích, nhất là đối với những hợp đồng có giá trị lớn. Qua đó, luật sư sẽ giúp cho các tổ chức và cá nhân có thể phòng ngừa, tránh được các tranh chấp hoặc rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong thực tiễn. 

Đọc thêm