Kịch tính trong cuộc chiến chống “thuốc xác sống”

(PLVN) - Vốn là thuốc bán theo đơn nhưng các loại thuốc giảm đau nhóm opioid đã gây nên một đại dịch nghiêm trọng ở Mỹ, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Trong số đó, fentanyl còn được gọi là “thuốc xác sống” vì nó mạnh hơn heroin từ 30-50 lần, mạnh gấp 100 lần so với morphine và đang nhanh chóng trở thành một trong những loại thuốc gây chết người nhiều nhất ở Mỹ. 
Kịch tính trong cuộc chiến chống “thuốc xác sống”

Fentanyl là gì?

Fentanyl lần đầu tiên được bác sĩ, dược sĩ trẻ người Bỉ tên Paul Janssen tổng hợp vào năm 1960, sau khi chứng kiến cảnh cô em gái 4 tuổi của mình chết trong đau đớn và khổ sở trong một thời gian dài vì bệnh lao. Janssen về sau trở thành một trong những người sáng chế ra nhiều loại thuốc nhiều nhất mọi thời đại; là người có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển các loại thuốc dị ứng, rối loạn thực vật, bệnh nấm, tiêu hóa, miễn dịch, ký sinh trùng, tâm thần học, thú y và virus học.

Còn ở năm 1960, ông ta chỉ muốn tạo ra một loại thuốc có thể thay đổi tình hình mà những người bệnh như em gái của ông mắc phải và cứu sống tính mạng của nhiều người khác. Sau khi được Janssen tổng hợp thành công, fentanyl nhanh chóng thu hút sự chú ý. Vào thời điểm đó, đây là loại thuốc giảm đau nhóm opioid mạnh nhất trên thế giới, mạnh hơn 100 đến 200 lần so với morphine, cũng được cho là loại thuốc có tác dụng nhanh nhất và dễ dùng.

Loại thuốc này đã thu hút sự chú ý của công ty nổi tiếng Johnson & Johnson, khiến họ quyết định thu mua công ty dược Janssen Pharmaceutica của gia đình Janssen vào năm 1962. Còn Binh chủng Hóa học của quân đội Mỹ đã nhận ra tiềm năng phá hủy của loại thuốc này và bắt đầu nghiên cứu sử dụng fentanyl làm vũ khí hóa học. Fentanyl xâm nhập vào thị trường châu Âu vào năm 1963 nhưng không được chú ý nhiều cho đến khi các nhà nghiên cứu bắt đầu nghiên cứu ứng dụng thuốc này ở liều cao như một loại thuốc gây mê để sử dụng trong phẫu thuật tim hở.

 

Trái với morphin vốn có nhược điểm nghiêm trọng khi được sử dụng trong ca đại phẫu, fentanyl được đánh giá là một loại thuốc gây mê trơn tru, có thể dự đoán được thời gian và có tác dụng phụ tối thiểu. Chỉ trong vài năm, fentanyl liều cao đã được sử dụng làm thuốc gây mê trong hầu hết mọi ca phẫu thuật tim ở Mỹ.

Việc ứng dụng fentanyl vào mục đích thương mại diễn ra sau đó một thập kỷ, cùng với sự phát triển của các hệ thống phân phối đã biến đây trở thành loại thuốc chủ lực với các bệnh nhân bị đau cấp tính. Các loại thuốc xịt, thuốc viên và nhiều dạng khác chế từ fentanyl đã lần lượt ra lò. Thành công nhất phải kể đến miếng dán xuyên da có tên Duragesic, cho phép giải phóng fentanyl chậm, có kiểm soát ở những bệnh nhân bị đau mãn tính.

Lúc bấy giờ, người ta cho rằng fentanyl thực sự mang tính cách mạng: không giống như nhiều loại thuốc khác, cần được tiêm trực tiếp vào máu bệnh nhân, thuốc này mạnh đến mức chỉ cần đặt nó lên da là đủ để giảm đau.

Đến năm 2004, doanh thu của Duragesic đã đạt hơn 2 tỷ USD trên toàn thế giới. Ông Pablo Janssen (con trai của Paul Janssen) cho hay, lần nọ, khi đang cùng nhau xem một bộ phim có nhân vật đã dùng fentanyl và trở nên nghiện, cha ông từng lóe lên ý tưởng về sự chết chóc tiềm ẩn của fentanyl. Tuy nhiên, hai cha con họ nhanh chóng gạt đi suy nghĩ này, cho rằng đó là chuyện nực cười bởi fentanyl đã được hàng triệu bệnh nhân trên khắp thế giới sử dụng một cách an toàn trong nhiều thập kỷ.

Sự chết chóc tiềm ẩn của fentanyl

Nhiều năm sau phát hiện ban đầu của Janssen, các nhà hóa học đã tìm ra được cách hợp lý hóa và đơn giản hóa việc sản xuất lại thuốc này. Nhờ đó mà phương pháp tổng hợp fentanyl đã trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.

Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới đợt bùng phát fentanyl tàn khốc vào giữa những năm 2000 ở Mỹ, khi thuốc này tràn ngập thị trường ma túy ở Trung Tây nước Mỹ, cướp đi hơn 1.000 mạng người. Những con số rùng mình Sự phát triển nhanh chóng của ngành dược phẩm Trung Quốc đã khiến tình hình thay đổi nhanh chóng. Internet càng khiến việc kiểm soát hoạt động sản xuất và buôn bán fentanyl ở Mỹ trở nên khó khăn hơn. Bất chấp những nỗ lực trấn áp của giới chức Mỹ, đại dịch fentanyl vẫn đã gia tăng mạnh mẽ ở nước này.

Theo một thống kê, chỉ riêng tại bang Ohio, các trường hợp tử vong liên quan đến fentanyl đã tăng từ 75 ca ở năm 2012 lên thành 1.155 ca vào năm 2015. Nếu như năm 2015, hải quan Mỹ thu giữ 32kg fentanyl thì đến năm tiếp theo, khối lượng đã lên đến hơn 270kg. Không giống heroin, cocaine hay cần sa, fentanyl không cần trang trại, không cần gieo trồng, ánh nắng mặt trời, mưa hay yêu cầu gì. Thứ thuốc này được sản xuất trong phòng thí nghiệm và có thể dễ dàng tổng hợp từ vài thành phần.

Giá rẻ, gây nghiện cao và dễ dàng vận chuyển, fentanyl gần đây được xem là giấc mơ của những kẻ buôn bán ma túy. Chỉ cần trộn fentanyl với heroin hay một lô thuốc kê đơn giả, giá trị của nó đã tăng lên rất nhiều. Một kilogram fentanyl có giá chỉ vài ngàn USD, có thể trộn với heroin và chế thành những viên thuốc có tổng giá trị lên tới khoảng 2 triệu USD. Ngược lại, 1 kilogram heroin không pha trộn mang về lợi nhuận cho những kẻ buôn bán ma túy khoảng 80.000 USD.

Tháng 8/2019, lực lượng chức năng ở bang Virginia của Mỹ thông báo đã phá một đường dây khổng lồ hoạt động trải khắp ba tiểu bang, thu giữ 30kg fentanyl - lượng fentanyl có thể giết 14 triệu người, bắt giữ 35 nghi can. “Cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau nhóm opioid không phải là vấn đề xảy ra ở đâu đó hay với ai đó. Nó xảy ra ngay tại đây, ở Norfolk”, ông G. Zachary Terwilliger (Chưởng lý tại khu vực Đông Virginia) nói.

Trong số 39 đối tượng đã bị khởi tố về vụ việc, giới chức Mỹ cho biết, có đối tượng đã đặt fentanyl qua đường bưu điện chuyển từ Thượng Hải (Trung Quốc) tới Mỹ. Hai tháng sau, cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ tiếp hành một đợt trấn áp ở bang Ohio, tịch thu số fentanyl đủ để giết chết số người nhiều gấp vài lần tổng dân số của cả bang(!)

Theo Văn phòng cảnh sát trưởng Montogomery, trong vụ việc này, tổng số fentanyl mà họ tịch thu là 20kg, có giá trị thị trường lên tới vài triệu USD. Cuộc trấn áp ngoài cảnh sát địa phương còn có cả Văn phòng Chưởng lý Ohio, FBI và cơ quan điều tra của Bộ An ninh nội địa Mỹ.  “20kg fentanyl đủ để giết chết toàn bộ dân số Ohio, thậm chí là còn vài lần dân số của bang. Vụ thu giữ đáng kể này cho thấy rõ rừng chúng tôi quyết tâm bảo vệ người dân và đất nước khỏi tai họa khủng khiếp của tội phạm buôn bán ma túy”, ông Vance Callender (quan chức Bộ An ninh nội địa Mỹ) nhấn mạnh.

Còn Chưởng lý bang Ohio Dave Yost nhấn mạnh rằng cuộc trấn áp nói trên cho thấy sự nguy hiểm của thuốc giảm đau nhóm oipoid ở Ohio. “Khối lượng fentanyl trong vụ việc này đủ để gây ra chiến tranh hóa học và một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt”, ông Yost nói. Bác sỹ Kent Harshbarger cũng cho hay fentanyl và methamphetamine là nguyên nhân dẫn tới đa số các trường hợp tử vong do dùng quá liều chất gây nghiện ở Ohio. Một báo cáo gần đây của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy, fentanyl hiện là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong do dùng thuốc quá liều nhất ở Mỹ.

Đọc thêm