Ký ức hãi hùng của lao động từng “làm chui” ở Trung Quốc

(PLVN) - “Lúc trốn đi theo “cò” tôi phải sống chui lủi trong rừng suốt 3 ngày. Hơn 8 tháng sống ở bên Trung Quốc, tôi luôn nơm nớp lo sợ bị công an nước sở tại bắt giữ. Công việc vất vả cùng với thân phận bất hợp pháp nên tôi quyết định trở về quê. Nhưng rồi, đúng ngày tôi dự định về nước thì bị công an bắt giữ”, anh N.V.S, người đàn ông 35 tuổi ở Nghệ An vẫn chưa hết rùng mình khi nhớ lại những ngày tháng chui lủi tha phương.
Người đàn ông từng trải qua những ngày làm chui ở Trung Quốc nhớ lại ký ức hãi hùng.
Người đàn ông từng trải qua những ngày làm chui ở Trung Quốc nhớ lại ký ức hãi hùng.

Nơm nớp lo sợ

Câu chuyện đã xảy ra hơn 2 năm nhưng vẫn ám ảnh người đàn ông 35 tuổi cho đến tận bây giờ. Sau ít tháng chui lủi làm thuê ở xứ người những mong đổi đời, rút cục, điều anh chỉ muốn là được bảo toàn tính mạng để về quê hương. Thế nhưng, người đàn ông đó đã phải trả giá bằng những ngày bị tạm giam nơi xứ người.

“Hồi đó, tôi mới cưới vợ, hoàn cảnh khó khăn, ở quê không có việc làm nên đầu năm 2019 theo bạn bè rủ sang Trung Quốc vì nghe bên đó dễ tìm được việc làm. Tôi đã vay mượn hơn 6 triệu đồng đưa cho “cò” để xuất ngoại”, người đàn ông quê Nghệ An đề nghị giấu tên bắt đầu câu chuyện về một kỷ niệm hãi hùng của mình.

Dù đã xác định trước tư tưởng đi chui sẽ vất vả, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng suốt quá trình vượt biên, anh luôn sống trong sự lo âu, sợ hãi. Anh kể: Vì đi chui nên bản thân và nhóm người đi cùng phải trải qua hành trình dài 3 ngày 3 đêm sống vật vã trong rừng. Chúng tôi phải ở tại những căn nhà nuôi lợn đã bỏ hoang trong rừng vắng. Ban ngày còn đỡ, chứ đêm xuống giữa rừng núi hoang vắng, anh em ai nấy đều sợ hãi. Cũng có người, sau vài ngày chỉ biết nằm chờ đợi đã nghĩ đến việc bỏ cuộc. Nhưng rồi, vì miếng cơm nên chúng tôi lại nhắm mắt nghe theo hướng dẫn của “cò”. 

Các lao động tại một điểm tập kết ở khu vực biên giới phía Bắc để chuẩn bị vượt biên sang Trung Quốc (ảnh N.S).
Các lao động tại một điểm tập kết ở khu vực biên giới phía Bắc để chuẩn bị vượt biên sang Trung Quốc (ảnh N.S). 

Sau khi vượt biên sang Trung Quốc anh và những lao động cùng quê được “cò” đưa vào một xưởng sản xuất đồ gốm. Giao người cho chủ xưởng, nhận tiền xong “cò” cũng biến mất. Người đàn ông này kể, công việc trong xưởng làm đồ gốm vất vả, cực nhọc. Các lao động được phân công làm những công đoạn khác nhau, người thì bốc vác, người xếp đồ gốm vào lò nung. Những ai to khỏe sẽ được phân công bốc dỡ đồ gốm đã được nung ra ngoài.

Theo anh, đây là công việc mệt và nguy hiểm vì sức nóng của lò nung rất kinh khủng mà các lao động lại không được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ. “Dù biết công việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, nhưng vì đã sang đây rồi nên chúng tôi chỉ biết lao vào làm việc để kiếm tiền, nhanh về với gia đình”, người này nhớ lại. 

Quá trình làm “chui” ở Trung Quốc, ngoài điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, công việc nặng nhọc, các lao động còn luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ công an nước sở tại. “Vì là lao động chui nên chúng tôi hạn chế thấp nhất việc ra ngoài. Chỉ khi nào cần đi mua đồ cấp bách chúng tôi mới ra khỏi xưởng. Có khi đang ngủ, nghe hô “công an đến”, mắt nhắm mắt mở, chúng tôi lao ra khỏi lán, mỗi người một hướng, cứ thế mà chạy. Cuộc sống chui lủi khiến được ngủ trọn giấc đối với chúng tôi là điều xa xỉ”, anh nói.

Dù làm việc quần quật, công việc nặng nhọc nhưng tiền lương thấp, lại còn bị ông chủ tạm giữ gần 2 tháng lương khiến các lao động chán nản. Do vậy, sau ít tháng làm tại xưởng đồ gốm, người đàn ông này quyết định “nhảy việc”. Chỗ làm mới của anh là khu vực gần biển. Theo người đàn ông này, dù công việc này có mức lương cao hơn nhưng điều kiện sống, sinh hoạt vẫn không được cải thiện. Do mang phận bất hợp pháp nên anh và những người làm cùng chỉ biết cam chịu mà không dám lên tiếng đòi hỏi quyền lợi.

Bài học nhớ đời

Công việc, cuộc sống không như những lời trước đó “cò” vẽ ra nên sau 8 tháng làm thuê với thân phận chui lủi, anh quyết định về quê. Thêm một lý do nữa khiến anh quyết định về nước là người vợ trẻ sắp đến ngày vượt cạn. “Việc vợ mang bầu đôi, lại sắp đến ngày sinh nở khiến tôi chẳng còn tâm trí làm việc, mong muốn được nhanh về nhà. Do đó, một ngày cuối tháng 10, tôi sắp vội vài bộ quần áo để trốn về Việt Nam. Nhưng rồi, ngay chính chiều hôm đó, khi tôi đi mua một số vật dụng cần thiết thì bị công an nước sở tại bắt giữ”, anh nhớ lại. 

Theo lời kể của người đàn ông này, anh bị công an nước sở tại giam giữ khoảng hơn 2 tháng. Đó là những ngày mà theo anh luôn sống trong sợ hãi, chán nản. Tâm lý hoảng sợ cùng với điều kiện ăn uống, sinh hoạt không tốt khiến anh bị giảm gần chục ký. “Tôi thức trắng nhiều đêm, không biết tương lai của mình thế nào. Càng nghĩ, tôi càng lo cho vợ con ở quê nhà”, anh hồi nhớ. 

Ký ức những năm tháng lao động chui xứ người luôn ám ảnh khiến anh N.V.S hãi hùng.
Ký ức những năm tháng lao động chui xứ người luôn ám ảnh khiến anh N.V.S hãi hùng. 

Sau hơn 2 tháng bị giam giữ, anh được thả về Việt Nam. Với anh, đó là ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời. Về đến Nghệ An, trong túi anh chỉ còn mấy đồng bạc lẻ - đó là “thành quả” hơn 8 tháng quần quật ở nước người trong thân phận của lao động chui. “Bước chân vào nhà, tôi ứa nước mắt khi nhìn 2 đứa con sinh đôi mới hơn 1 tháng tuổi. Nhìn vợ đang trong thời gian ở cữ nhưng người ốm nhom vì lo lắng cho chồng, lòng tôi xót vô cùng. Lúc đó, vợ chồng tôi chỉ biết ôm nhau khóc”, ông bố trẻ vẫn rưng rưng nước mắt khi nhớ lại giây phút được đoàn tụ cùng gia đình.

Về phần người vợ, sau thời gian dài mất tin tức chồng đến khi được gặp lại chồng bằng xương bằng thịt, chị hạnh phúc tột cùng. Nhìn thân hình gầy rộc của chồng, chị quyết định sẽ không bao giờ cho chồng đánh cược mạng sống thêm lần nào như thế nữa.

Riêng đối với bản thân người đàn ông 35 tuổi, sau lần “trở về từ cõi chết”, anh cũng bỏ luôn ý định kiếm tiền từ việc xuất ngoại chui. Sau thời gian nghỉ ngơi để ổn định tinh thần và sức khỏe, anh quyết định theo bạn bè ra Thanh Hóa làm công nhân cho một công ty xây dựng. Anh cho hay, dù công việc chân tay nặng nhọc nhưng bản thân luôn cảm thấy nhẹ nhàng, bình an. “Vất vả một tí nhưng bù lại được sống gần gia đình, gần cha mẹ, vợ con, không phải nơm nớp lo sợ như quãng thời gian ở bên kia nữa”, anh nói.

Là người từng trải qua cuộc sống chui lủi nơi xứ người, anh rút ra thực tế: ra nước ngoài kiếm tiền không hề dễ dàng như “cò” vẽ ra. Nếu không có trình độ, không hợp pháp thì cái giá phải đánh đổi rất lớn.

Đọc thêm