Lâm Đồng: Cần kiểm điểm trách nhiệm khi để cả “làng biệt thự” xây trái phép trên đất lâm nghiệp

(PLVN) - Gần 2 năm qua, tại Tiểu khu 268 (thuộc thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã và đang hình thành một ngôi làng với hàng chục căn nhà kiểu biệt thự bằng gỗ trái phép.Thậm chí, khu vực này còn được mở đường nội bộ, xây dựng hệ thống cấp điện riêng.
“Làng biệt thự” trái phép ở Tiểu khu 268.
“Làng biệt thự” trái phép ở Tiểu khu 268.

Phần đất của ngôi làng này thuộc địa phận đất lâm nghiệp đã được giao cho Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam) quản lý, bảo vệ. Doanh nghiệp này đã nhiều lần kêu cứu tới các cấp chính quyền vì bị chiếm đất, phá rừngnhưng việc xây dựng vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian dài.

“Làng biệt thự” trái phép trên đất rừng

Tại cuộc họp báo định kỳ được UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức vào chiều 2/11, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã thông tin về việc xây dựng trái phép tại Tiểu khu 268.

Theo ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, ngôi làng nói trên nằm bên đường hoa Đỗ Quyên, nối Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt) với đường cao tốc Liên Khương - Prenn. Năm 1990, ông Nguyễn Đức Phúc - Giám đốc Công ty Phương Nam có đơn gửi cho địa phương và UBND tỉnh Lâm Đồng xin thực hiện dự án nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng kết hợp xây dựng khu du lịch dã ngoại tại Tiểu khu 268. 

Năm 1992, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định, giao Công ty Phương Nam làm chủ đầu tư dự án. Đến năm 1998, Công ty Phương Nam lập dự án định canh định cư có tên làng Đarahoa, với mục đích xây dựng kết hợp du lịch tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tổng diện tích dự án này là 355,3ha, trong đó có 156ha thuộc huyện Đức Trọng.

Qua kiểm tra rà soát của địa phương, trong khu vực 156ha đất thuộc huyện Đức Trọng có 42 căn nhà dạng biệt thự. Trong đó, có 13 căn là công trình lớn, xây dựng kiên cố cột bêtông, sàn kèo bằng sắt. Quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về việc xây dựng công trình trái phép của UBND xã Hiệp An và cơ quan chức năng đều không xác định được chủ thể vi phạm. 

Những căn nhà dạng nhà sàn kiểu biệt thự sắp hoàn thành.
Những căn nhà dạng nhà sàn kiểu biệt thự sắp hoàn thành. 

Theo ông Hoàng, các căn nhà trên, danh nghĩa là của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chủ nhân thực sự là ai, có tình trạng mua qua bán lại hay không thì chưa xác định. Trả lời câu hỏi liệu có sự bao che, bảo kê việc xây dựng công trình trái phép trên đất dự án này hay không, ông Hoàng khẳng định không có. 

“Quan điểm của huyện là cương quyết giải toả, buộc phá dỡ toàn bộ các công trình vi phạm. Với các trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thì lập tức tiến hành thực hiện. Hiện huyện đã giao UBND xã Định An và Công ty Phương Namlập phương án giải tỏa gửi về UBND huyện để xem xét, phê duyệt, chỉ đạo thực hiện”, ông Hoàng cho biết.

Cũng theo ông Hoàng, những ngày qua, huyện đã tổ chức các lực lượng chức năng phối hợp lập các chốt 24/24h tại khu vực này, nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng các đối tượng tiếp tục xây dựng các công trình trái pháp luật trên đất rừng, đất lâm nghiệp tại đây. 

“Chúng tôi thừa nhận trách nhiệm vì để xảy ra việc này. Tôi khẳng định không có biểu hiện lợi ích nhóm, chống lưng, bao che ở đây.Việc xử lý sẽ theo đúng các quy định pháp luật, kể cả việc sẽ làm rõ những cá nhân, đơn vị sai phạm, báo cáo kết quả kiểm tra về UBND tỉnh theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh”, ông Hoàng nói.

Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm ĐồngNgô Văn Ninh, quan điểm của UBND tỉnh là buộc tháo dỡ các công trình trái phép, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng lập phương án cưỡng chế theo quy định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Điện lực Lâm Đồng cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, đơn vị này đã thanh lý hợp đồng mua bán điện với ông Trần Hồng Hà, người cấp điện cho các hộ xây dựng trái phép.

Theo ông Dũng, Điện lực Đà Lạt đồng ý cấp điện cho ông Hà dựa trên văn bản xác nhận vị trí, mục đích sản xuất nông nghiệp của UBND phường 3 (TP Đà Lạt). Tuy nhiên, ông Hà đã tự ý thỏa thuận, cung cấp điện cho những người có nhà xây dựng trái phép ở khu vực nói trên.

Chủ rừng nói gì?

Giám đốc Công ty Phương Nam Nguyễn Đức Phúc cho biết, trong số diện tích đất rừng được UBND tỉnh Lâm Đồng và thực hiện dự án khu du lịch dã ngoại, định canh cho hơn 30 hộ đồng bào dân tộc làng Đarahoa ổn định cuộc sống, ông Phúc có viết giấy cho các hộ dân này mượn đất, có ký nhận các bên. Cùng đó, Công ty Phương Nam cung cấp cây giống, phân bón và hướng dẫn các hộ canh tác cà phê ổn định cuộc sống. Ngược lại, họ giúp công ty giữ rừng.

Khoảng 2 năm trước, khi có đường nối từ cao tốc Liên Khương - Prenn vào Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm thì bắt đầu xảy ra tình trạng người dân ở nơi khác đến mua đất của đồng bào dân tộc đang canh tác cà phê (do Công ty Phương Nam cho mượn). Nhiều hộ đồng bào cho biết, người mua đất dụ dỗ, trả tiền cho họ, nói họ phải rời đi.

Phát hiện sự việc, tháng 4/2019, Công ty Phương Nam có đơn gửi các cơ quan chức năng huyện Đức Trọng, chính quyền xã Định An báo cáo tình trạng này. Trong đơn đề ngày 3/5/2019, ông Phúc nêu rõ: “Đề nghị UBND huyện Đức Trọng có giải pháp cấp bách hỗ trợ công ty ngăn chặn kịp thời sự việc đang xảy ra trên đất công ty thuộc địa bàn xã Hiệp An, vì công ty không đủ sức ngăn chặn”.

Dù liên tục có đơn báo cáo và khẩn thiết đề nghị chính quyền huyện Đức Trọng hỗ trợ giải quyết nhưng không nhận được phản hồi.

“Cho đến mấy ngày vừa qua, khi báo chí thông tin, tôi đã nhận được điện thoại của một số lãnh đạo địa phương cho biết sẽ chỉ đạo xử lý vụ việc như cưỡng chế, giải tỏa. Còn cụ thể hơn thế nào, ai sai, khi nào xong, tôi cũng không được rõ. Tôi mong mỏi việc này được xử lý rốt ráo tới cùng để trả lại đất rừng, tôi cũng được thanh thản vì đã làm hết cách, ông Phúc chia sẻ.

Cũng theo ông Phúc, khi xuất hiện 2 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp đầu tiên tại đây, ông được chính quyền xã Hiệp An hỗ trợ giải tỏa. Nhưng sau đó xuất hiện thêm nhiều ngôi nhà khác, công ty nắm được tên, tuổi người mua đất trái phép của đồng bào dân tộc, rồi dựng nhà trái phép. Sau đó, công ty đã báo cáo cho huyện Đức Trọng, đồng thời kêu cứu cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết nhưng vụ việc được giao cho xã nên việc xử lý chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 28/10, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương cùng UBND huyện Đức Trọng thực hiện gấp các nội dung để giải quyết vụ việc.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND huyện Đức Trọng khẩn trương kiểm tra thực tế và xác minh vụ việc; kịp thời lập đầy đủ thủ tục, hồ sơ và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nếu có). Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Đức Trọng kiểm tra tình hình, tiến độ thực hiện dự án của Công ty Phương Nam; kịp thời xử lý hành vi vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý.

Đồng thời, giao các sở, ngành liên quan cùng UBND huyện Đức Trọng khẩn trương tổ chức thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về các nội dung liên quan đến dự án của Công ty Phương Nam và công tác bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp tại khu vực nối từ đường cao tốc Liên Khương-Prenn vào Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm đến khu vực sân golf Sacom.

Đọc thêm