Làm giả con dấu, sổ đỏ chiếm đoạt gần 38 tỷ đồng, cựu chuyên viên tài chính lãnh 20 năm tù

(PLVN) - Dù chỉ là chuyên viên nhưng Phạm Thanh Liêm “nổ” mình là Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) có thể làm thủ tục thuê đất. Sau đó, Liêm làm giả con dấu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để lừa đảo chiếm đoạt gần 38 tỷ đồng.
 Bị cáo Phạm Thanh Liêm tại phiên tòa xét xử.
Bị cáo Phạm Thanh Liêm tại phiên tòa xét xử.

Làm giả con dấu, sổ đỏ chiếm đoạt gần 38 tỷ đồng

Ngày 30/9, TAND tỉnh Bình Thuận đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Thanh Liêm (SN 1982, ngụ khu phố Hiệp Phước, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, nguyên chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bắc Bình) về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo cáo trạng, khoảng tháng 1/2017, thông qua việc mua bán đất đai tại xã Phan Rí Thành (huyện Bắc Bình), Phạm Thanh Liêm (khi đó là chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bắc Bình) quen biết với anh Trần Kính Thiên (ngụ TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Quá trình quen biết, Liêm nói dối với anh Thiên là mình đang giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bắc Bình và có nhiều mối quan hệ có thể làm thủ tục thuê đất ven biển ở khu vực huyện Bắc Bình.

Lợi dụng việc được anh Thiên và anh Nguyễn Tấn Duy (ngụ huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cùng một số người khác tin tưởng nhờ làm thủ tục thuê đất ven biển để làm dự án du lịch, Liêm đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối như: tự giới thiệu mình là người có chức vụ trong các cơ quan Nhà nước, có khả năng làm thủ tục thuê đất, thuê người làm giả các con dấu, GCNQSDĐ, trực tiếp làm giả các tài liệu của cơ quan, sử dụng các con dấu giả đóng lên các tài liệu giả, thuê người vẽ bản đồ vị trí các thửa đất để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Duy, anh Thiên và 6 người khác với tổng số tiền gần 38 tỷ đồng.

(Hình minh họa).
(Hình minh họa). 

Cụ thể, vào đầu năm 2017, khi được anh Duy nhờ làm hồ sơ thuê 5 thửa đất tại huyện Bắc Bình để làm du lịch, Liêm nhờ Trần Huỳnh Phú (cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận) vẽ các bản đồ vị trí, còn mình tự làm hồ sơ xin thuê 5 thửa đất. 

Đồng thời, Liêm thuê Lâm Thanh Tùng (ngụ ấp Xóm Mới, xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) làm giả 5 GCNQSDĐ rồi giao cho anh Duy. Sau khi nhận các GCNQSDĐ, anh Duy tưởng đã thuê được đất nên chuyển tiền cho Liêm. Tổng cộng số tiền Liêm chiếm đoạt của Duy là hơn 21,5 tỷ đồng.    

Cũng với thủ đoạn như trên, Liêm thuê Lâm Thanh Tùng làm giả GCNQSDĐ rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 7 người khác, gồm: anh Trần Kính Thiên 1,3 tỷ đồng; chị Trần Xuân Mai 5,3 tỷ đồng; anh Đinh Ô Phăng 3,5 tỷ đồng; anh Nguyễn Minh Nhựt gần 3,2 tỷ đồng; anh Đặng Văn Bình 1,5 tỷ đồng; anh Nguyễn Minh Hoàng hơn 992 triệu đồng; anh Trịnh Vĩnh Dương 500 triệu đồng.

Cáo trạng nêu rõ, Liêm đã thuê Tùng làm 29 GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất giả (có GCNQSDĐ lên đến 2.500.000m2, tức 250ha, tất cả các GCNQSDĐ đều là đất do Nhà nước quản lý hoặc đã giao cho các dự án kinh tế); 16 con dấu của các cơ quan Nhà nước như: Kho bạc Nhà nước Bình Thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận, UBND huyện Bắc Bình, Chi cục thuế huyện Bắc Bình, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Bắc Bình…

Phạm Thanh Liêm trực tiếp làm giả 5 bảng biểu tính thuế nộp tiền thuê đất và 1 biên bản giao nhận GCNQSDĐ. Sau đó, Liêm sử dụng các con dấu giả đóng lên các tài liệu này, rồi sử dụng các tài liệu giả này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lãnh 20 năm tù giam

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Phạm Thanh Liêm đã thừa nhận tòa bộ hành vi phạm tội của mình. Bị cáo khai nhận mục đích của việc làm giả các GCNQSDĐ là để tạo uy tín với các bị hại. Giá trị các thửa đất và bảng biểu tính thuế nộp tiền thuê đất đều do bị cáo tự nghĩ ra.

HĐXX TAND tỉnh Bình Thuận nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Liêm là rất nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác mà còn làm ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương, xâm phạm vào các hoạt động quản lý hành chính của Nhà nước về con dấu, tài liệu. Bản thân bị cáo biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện nhiều lần mà mỗi lần đều cấu thành tội phạm nên thuộc trường hợp phạm tội 2 lần trở lên, là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. 

Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Liêm 16 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và 4 năm tù giam về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại biển điểm a, b Khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Tổng mức hình phạt chung mà bị cáo phải chấp hành là 20 năm tù giam. 

Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận xác định, Trần Huỳnh Phú và Vũ Đông Phương (cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bắc Bình) có hành vi sử dụng máy móc của cơ quan để xác định tọa độ và vẽ bản đồ theo yêu cầu của Liêm; Lê Minh Truyền (công chức địa chính thuộc UBND thị trấn Chợ Lầu) có hành vi giao GCNQSDĐ giả cho các bị hại theo yêu cầu của Liêm.

Tuy nhiên, xét thấy cả 3 người này đều không biết Liêm sử dụng các bản đồ mà mình cung cấp để làm GCNQSDĐ giả nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi giao GCNQSDĐ, Truyền không biết đó là các GCNQSDĐ giả nên không đồng phạm với Liêm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cả 3 người này thực hiện các hoạt động trên vào thứ 7 và chủ nhật, không phải đang thực hiện công vụ, nhiệm vụ được phân công. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận không xử lý về hình sự. 

Dù vậy, hành vi sử dụng tài sản công trái quy định của Phú, Phương và Truyền sẽ bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi UBND huyện Bắc Bình và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đề nghị xem xét kỷ luật đối với các cán bộ nêu trên. 

Sau khi xảy ra vụ án, 3 cán bộ này đã nộp lại hơn 160 triệu đồng. Đây là số tiền mà Liêm đã chiếm đoạt của các bị hại, rồi cho các cán bộ này.

Quá trình điều tra, Liêm khai đã thuê Lâm Thanh Tùng và Phạm Văn Công (ngụ ấp 6, xã Xuân Thới, huyện Hóc Môn, TP HCM) làm giả các giấy tờ nhà đất, con dấu và nhận tiền do Liêm chuyển khoản. Tuy nhiên, những người này không có mặt tại địa phương nên chưa thể mời làm việc được. Cơ quan công an đã tách vụ án để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý sau.

Ngoài ra, Liêm còn khai đã đưa tiền cho một cán bộ Công an tỉnh Bình Thuận để bỏ qua việc Liêm làm giả GCNQSDĐ, chiếm đoạt tiền của một bị hại. Hiện VKSND tỉnh Bình Thuận đang xác minh, làm rõ để xử lý.

Sau khi chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của các bị hại, Phạm Thanh Liêm dùng mua nhiều xe hơi đắt tiền. Ngoài ra, thời điểm trước khi sự việc bị phát hiện, Liêm đang xây dựng một nhà hàng tiệc cưới, khách sạn vào loại to nhất tại huyện Bắc Bình.

Sự việc bị vỡ lỡ khi nhiều người mua đất phát hiện GCNQSDĐ giả nên làm đơn tố cáo Liêm vào cuối năm 2018. Trong đó, có người thuê các băng nhóm xã hội đen gây áp lực và truy lùng khi Liêm bỏ trốn. Cơ quan công an phải bảo vệ vợ và con của Liêm khi các đối tượng này nhiều lần bao vây nhà gây áp lực. 

Đọc thêm