Lẩu cá hồi, món ăn hút khách trong sương tuyết giá lạnh ở Sapa

(PLVN) - Sapa được mệnh danh là thiên đường ẩm thực vì ở nơi đây có rất nhiều món ăn đặc sản vùng miền hấp dẫn. Đến Sapa, bạn có thể ngồi nhâm nhi miếng thịt trâu gác bếp, thưởng thức lẩu cá hồi bốc khói nghi ngút trong sương, xì xụp húp từng thìa Thắng Cố nóng hổi cùng chén rượu ngô thơm nồng, hay ăn từng xiên thịt nướng Sapa bên bếp than rực lửa. 
Lẩu cá hồi, món ăn hút khách trong sương tuyết giá lạnh ở Sapa

Tất cả những món ăn đặc biệt này đã tạo nên một thiên đường ẩm thực hấp dẫn mà một lần đến Sapa, một lần ăn thử thôi cũng khiến ta khó lòng quên được.

Lẩu cá hồi Sapa

Là một món ăn đặc sản nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Lên Sapa, nếu chưa ăn lẩu cá Hồi thì coi như bạn chỉ đặt được nửa chân lên thành phố trong sương này. Lẩu cá Hồi Sapa có gì đặc biệt mà được nhiều người yêu thích đến vậy? Có thể tự nấu món ăn đặc sản này ở nhà được không? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho các bạn bí quyết để nấu món ăn đặc biệt này.

Nói đến cá hồi, chúng thường liên tưởng đến ở các nước bên trời âu, nhưng một điều thú vị là tại Việt Nam chúng ta cũng có thể nuôi được loại cá này, đặc biệt là SAPA loài cá này được người dân nuôi rất phổ biến. Với khí hậu quanh năm mát mẻ, mùa đông lạnh có tuyết bao phủ, chất lượng cá hồi Sa Pa không thua kém so với bất cứ loại cá hồi nào trên thế giới. Cá có thịt chắc, thớ săn, không có mỡ, màu hồng tươi, mềm và béo ngọt rất thích hợp để chế biến thành nhiều món như là ‘ Gỏi, Lẩu và cá hồi chiên Hoàng Bào. Do đó, cá hồi có thể được coi là một món đặc sản nếu không thử chắc chắn sẽ tiếc khi chúng ta đến với thị trấn sương mù này.

Cá hồi Sapa là đặc sản về ẩm thực của du lịch Lào Cai
 Cá hồi Sapa là đặc sản về ẩm thực của du lịch Lào Cai

Để giữ được hương vị đặc trưng của món cá này, những con cá được chọn làm lẩu là những con cá tươi nhất, còn sống cho đến lúc được chế biến bởi vì từ lúc ấp trứng cho đến lúc chế biến món ăn, cá hồi phải có quy trình chăm sóc cẩn thận. Khi nấu lẩu cá hồi đầu bếp dùng đầu cá hồi làm chủ đạo trong món lẩu, ngoài ra thêm một ít phi lê cá thái mỏng và thịt dùng để nhúng. Chính vì dùng đầu cá hồi nấu nên nước lẩu ở Sapa có vị ngọt thanh tự nhiên, đặc trưng của cá.

Nước dùng của lẩu còn có vị ngon ngọt của các loại củ, cà chua, dứa thái miếng. Rau củ ở Sapa cũng nổi tiếng là tươi ngon mơn mởn. Khi ăn, du khách nhúng vào lẩu các loại rau tươi có sẵn ở địa phương như rau muống, cải non, cải thảo... ăn kèm với bún tươi. Với món lẩu này, du khách sẽ được thưởng thức khá nhiều hương vị ẩm thực của Sapa. Đặc trưng của món lẩu cá hồi là ngon ngọt, dễ ăn, không béo và ăn mãi không ngán nên rất được ưa chuộng. Vào mùa đông lạnh giá mà ngồi bên nồi lẩu cá hồi bốc khói thì quả thật hấp dẫn.

Cách nấu một nồi lẩu ngon hấp dẫn

Lẩu cá hồi ở Sapa được làm từ nguyên liệu chính là cá hồi được nuôi trồng ở dưới chân núi Thác Bạc chứ không phải là cá hồi nhập khẩu. So với loài cá nhập khẩu vào nước ta, thịt cá hồi Sapa chắc thịt hơn, thơm hơn. Khi kết hợp với các gia vị của vùng Tây Bắc, lẩu cá hồi Sapa mang một hương vị riêng, say đắm gây thương gây nhớ cho biết bao nhiêu người. Để làm một nồi lẩu cá hồi hấp dẫn, chúng ta cần chuẩn bị những nguyên liệu sau.

Thịt cá hồi tươi: 300gram; Đầu cá hồi: 500gram (khoảng 1 cái); Cà chua: 3 trái to; Xương lợn để nấu nước dùng: 500gram; Thơm (dứa) chín: 1 trái; Đậu hũ non: 4 miếng; Kim chi: 150 – 200gram; Nấm hương loại khô: 100gram; Tỏi khô, sả cây, ớt, hành hoa, rau thì là; Bún tươi hoặc miến khô hay mì tôm tùy sở thích; Các loại củ để nấu nước dùng: Cà rốt, su hào, khoai tây, khoai lang, khoai sọ mỗi loại 1 củ; Rau ăn kèm với lẩu: Rau muống, rau chuối, cải thảo, mồng tơi, cải xoong, rau đắng, cải xanh, rau xà lách và một số loại rau khác mà bạn thích; Gia vị : nước mắm, bột nêm, đường cát, dầu ăn…

Bước 1: Sơ chế rau củ, các nguyên liệu phụ: Cà chua đem rửa sạch, để cho ráo nước rồi bổ múi cau. Kim chi bạn cắt ra thành từng khúc ngắn chừng 5cm, rồi để riêng ra một bát. Dứa (thơm) gọt sạch vỏ, cắt mắt và cắt thành những miếng nhỏ. Nếu không thích cho dứa thì bạn có thể thay thế bằng sấu hoặc me. Đậu hũ non rửa sơ qua và cắt thành các hình vuông nhỏ vừa ăn. Tỏi khô, sả, ớt làm sạch rồi băm nhuyễn, bỏ riêng mỗi thứ vào một bát. Nấm hương khô cho vào tô nước ấm ngâm chừng 15 phút cho nở mềm, vớt ra cắt bỏ chân và rửa sạch. Gọt vỏ, rửa sạch các loại rau củ để hầm nước như su hào, cà rốt, khoai lang, khoai tây rồi bổ thành từng miếng nhỏ. Các loại rau ăn kèm nhặt và rửa sạch, để ráo nước. Xương lợn rửa sạch rồi chặt từng khúc để nấu nước dùng.

Bước 2: Sơ chế cá Hồi: Cá hồi là một loại cá khá là tanh. Vì thế để nấu lẩu cá hồi ngon, đúng chuẩn thì bạn nhất định phải khử mùi tanh của cá hồi. Để khử mùi tanh, thịt và đầu cá hồi đem rửa sạch. Phần đầu cá hồi muốn rửa sạch thì cần cắt nhỏ. Phần thịt sau khi rửa xong thái lát mỏng thành miếng vừa ăn. Sử dụng hỗn hợp rượu trắng và gừng giã nát xoa đều lên thịt và đầu cá hồi, để khoảng 5 phút rồi rửa lại bằng nước sạch. Lúc này cá hồi đã được khử hết mùi tanh.

Một nồi lẩu cá hồi Sapa ngon đòi hỏi nhiều khâu chế biến cầu kỳ
 Một nồi lẩu cá hồi Sapa ngon đòi hỏi nhiều khâu chế biến cầu kỳ

Bước 3: Tiến hành nấu lẩu: Cho hành tỏi băm nhỏ vào một cái chảo dầu đặt trên bếp, đổ thêm một ít gừng băm nhuyễn nữa cho có vị thơm cay nồng, bật lửa phi vàng đều rồi trút thịt, đầu cá hồi, xương heo vừa chặt vào xào khoảng chừng 10 phút, trong khi xào ta nêm thêm gia vị: muối ăn, nước mắm, tiêu bột, hạt nêm vào. Tiếp đó ta đổ thêm nước lọc vào sao cho hết phần thịt, cá trong nồi và ninh thật nhừ.

Bạn lấy một cái chảo khác rồi đổ dầu ăn vào đun khi nào dầu sôi già thì trút số hành tỏi còn lại vào phi thơm, trút kim chi xắt nhỏ, cà chua, nấm hương cùng với thơm vào xào qua. Với cách làm này sẽ làm cho nồi lẩu của chúng ta có màu sắc hấp dẫn hơn đồng thời có đủ các vị như: Mặn, ngọt, chua,cay rất ngon và lôi cuốn.

Sau một thời gian ninh, nếu thấy xương và cá hồi đã nhừ thì bạn cho hết các loại củ vào nấu cùng để giúp cho nước lẩu ngọt hơn, thời gian hầm khoảng cỡ 15 phút là được. Khi các củ trong nồi đã nhừ thì cho hỗn hợp kim chi, thơm, cà chua, nấm hương vào đun cùng, lúc này bạn chỉ cần để lửa nhỏ thôi nha, đun tới khi bắt đầu ăn lẩu luôn.

Khi ăn, bạn dọn các loại rau ăn kèm ra bày xung quanh nồi lẩu và thưởng thức thôi. Trên đây là cách nấu lẩu cá Hồi Sapa thơm ngon, đúng vị, không tanh. Với cách đơn giản này, bạn hoàn toàn có thể tự tay trổ tài chiêu đãi gia đình, bạn bè món ăn đặc sản vùng cao Sapa rồi.

Địa điểm thưởng thức món cá hồi ngon

Đến với thị trấn Sapa du khách nên ra các nhà hàng dọc phố Xuân Viên, nhà nào có bể cá ở ngoài hoặc trong nhà. Khách nên chọn cá tươi trong bể, thích con nào sẽ chỉ nhân viên bắt và làm thịt luôn.

Nếu muốn tìm quán bán lẩu cá hồi ngon trong thị trấn với không gian giản dị và ấm cúng, bạn có thể đến nhà hàng Cá hồi trên đường Lê Văn Tám. Nhiều thực khách đến đây có chung nhận xét: "Lẩu cá rất ngon, giá cả hợp lý và các bạn nhân viên phục vụ chu đáo".

Ở Thác Bạc hay Bản Khoảng có một số trang trai cá cũng khá nổi tiếng như Nhà hàng Thác Bạc km 12, nhà hàng Song Nhi trên Thác Bạc… những trang trại có nhà hàng phục vụ luôn ở trên bè nuôi cá.  Đến với nhà hàng này du khách vừa được tham quan, vừa ăn uống, giá cả phải chăng. 

Đến SaPa ngoài việc ngắm khung cảnh thiên nhiên thì việc lựa chọn một địa điểm ăn uống chất lượng, giá cả hợp lý cũng là cách giúp bạn có một chuyến du lịch trọn vẹn. 

Đọc thêm