Lo sợ chồng sắp cưới sẽ biết chuyện quá khứ khi xin xác nhận tình trạng hôn nhân

(PLVN) - Em lấy chồng sớm nhưng sau đó đã sớm ly hôn. Hiện tại em vào Nam làm ăn và đang có người yêu mới, dự định sắp tới sẽ tiến tới hôn nhân tại TP Hồ Chí Minh. Người yêu em vẫn chưa biết em đã từng “qua một lần đò” do em cố tình giấu giếm
(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Hỏi: Em quê ở miền Trung, lấy chồng từ năm 18 tuổi nhưng sau đó cũng sớm ly hôn. Sau chuyện đổ vỡ hôn nhân, em vào Nam làm ăn và đang có người yêu mới, dự định sắp tới sẽ tiến tới hôn nhân tại TP Hồ Chí Minh. Người yêu em vẫn chưa biết em đã từng “qua một lần đò” do em vẫn phải giấu anh ấy chuyện quá khứ.

Em lo sợ tới đây khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, chuyện quá khứ của em sẽ bị vỡ lở khi em tiến hành khai nhận tình trạng hôn nhân. Em nghe nói hiện nay pháp luật đã bãi bỏ thủ tục phải xin xác nhận tình trạng hôn nhân có đúng không ạ? (Bạn Quỳnh Trang, 26 tuổi, hiện ở Bình Dương)  

Luật sư trả lời: Căn cứ vào Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến 15 lĩnh vực tư pháp trong đó có lĩnh vực hộ tịch.

Cụ thể, về lĩnh vực hộ tịch, Nghị quyết nêu rõ: bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; bỏ quy định về xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn) khi làm thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài; bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam) khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài...

 

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, việc bãi bỏ các thủ tục hành chính nêu trên còn tùy thuộc vào thời điểm hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, Bộ Tư pháp với thẩm quyền được giao sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân đã được thông qua tại Nghị quyết này. Kho dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ có đầy đủ các thông tin của công dân mà không dân không cần xuất trình quá nhiều loại giấy tờ như hiện nay. 

Chính vì vậy, mặc dù Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành nhưng hiện tại khi tiến hành đăng ký kết hôn, công dân vẫn phải làm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

- Việc xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sẽ được quy định tại các Điều 21,22,23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

UBND cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì UBND cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Về thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân: Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Trên giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải khai rõ tên, tuổi, địa chỉ người mà mình dự định kết hôn. 

Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn lần đầu thì trong nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân phải được ghi rõ: đương sự hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai. 

Riêng đối với người đã có vợ/chồng nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết thì người yêu cầu xác nhận phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh hoặc nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng như giấy chứng tử của người kia hoặc bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật.

Đối với những trường hợp này, trong giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cũng phải ghi rõ điều đó, ví dụ: chị Quỳnh Trang, đăng ký thường trú tại địa chỉ..., hiện đang cư trú tại... đã đăng ký kết hôn, nhưng đã ly hôn theo Bản án ly hôn số ... ngày... tháng ... năm.... của Tòa án nhân dân ..., hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai).

- Đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.

Như vậy, dù không muốn nhưng khi làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, bạn cũng vẫn phải khai rõ về quá khứ đã từng đăng ký kết hôn (và đã ly hôn). Lưu ý: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng. 

Đọc thêm