Luật nay thua lệ xưa

(PLVN) - Ở thủ đô Berlin của nước Đức có một dàn đồng ca thiếu nhi rất nổi tiếng. Nó có nguồn gốc từ thời trung cổ và sử sách ghi lại chính thức từ đầu thế kỷ 19 và là dàn đồng ca của các nam thiếu nhi. 
Luật nay thua lệ xưa

Từ thuở ban đầu tới nay, đó là dàn đồng ca chỉ của các nam thiếu nhi. Ở nước Đức cũng còn có các dàn đồng ca của riêng nữ thiếu nhi. Hiện tại, dàn đồng ca nam thiếu nhi ở Berlin có 144 thành viên. Sự ra đời và hoạt động văn hoá nghệ thuật của dàn đồng ca nam thiếu nhi ở Berlin mang tậm tính tôn giáo và đến nay vẫn do nhà thờ Thiên chúa giáo quản lý.

Thuở xa xưa, việc tách bạch giữa nam và nữ là bình thường. Có trường học dành riêng cho nữ học sinh và dành riêng cho nam học sinh. Ở các dàn đồng ca thiếu nhi cũng vậy. Một nguyên do khác nữa là yêu cầu đòi hỏi về sự phù hợp của tông giọng trên phương diện nghệ thuật. Ở độ tuổi thiếu nhi, giọng của các cậu bé và cô bé rất khác nhau.

Trên thực tế qua rất nhiều năm tháng như thế dần hình thành cái lệ là chỉ có nam thiếu nhi được tham gia dàn đồng ca nam thiếu nhi ở Berlin. Điều này được coi như một mặc định và cũng được tuân thủ suốt bao nhiêu năm qua.

Cho đến vừa rồi, có một cô bé cùng gia đình chuyển từ nơi khác về Berlin. Cô bé rất muốn được tham gia hát trong dàn đồng ca nam thiếu nhi ở Berlin. Mong muốn ấy của cô bé đương nhiên không được chấp nhận vì cái lệ trên và việc cô bé bị khước từ cũng không gây ồn ào gì nhiều trên dư luận. Gần như ai ai ở nước Đức cũng coi sự khước từ ấy là bình thường, nếu như không muốn nói là đương nhiên. Chỉ cần vin vào cái tên gọi chính thức của dàn đồng ca này không thôi thì việc cô bé kia không thể tham gia dàn đồng ca đã là điều không có gì là khó hiểu.

Nhưng người mẹ cô bé khởi kiện với cáo buộc nhà thờ quản lý dàn đồng ca này đã vi phạm các quy định luật pháp về đảm bảo đối xử công bằng và bình đẳng giới. Người mẹ này chủ ý sử dụng luật pháp hiện hành để lật bỏ cái lệ hiện hữu kia.

Đúng là luật pháp hiện hành quy định phải thực hiện đảm bảo bình đẳng giới và đối xử công bằng, cụ thể ở đây phải được hiểu là ai ai trong xã hội đều có cơ hội để phát triển nghề nghiệp và mưu cầu hạnh phúc riêng như nhau. Vận dụng vào trường hợp này thì luật pháp không cấm nữ thiếu nhi được tham gia dàn đồng ca của nam thiếu nhi và ngược lại. Cho nên trước tòa là cuộc đấu giữa lệ xưa và luật nay.

Tòa rất khó xử khi phán quyết thuận cho phía này thì đồng nghĩa với việc bác bỏ yêu cầu của phía kia chứ không thể dung hoà mà bên nào cũng có cái lý và lẽ riêng. Ở đây không có chuyện bên này đúng thì bên kia sai mà cả hai bên đều đúng trên nguyên tắc. Nhưng rồi cuối cùng thì luật nay vẫn bị thua lệ xưa bởi tòa để cho một phía khác đưa ra phán xử.

Cụ thể là tòa không vận dụng cả luật lẫn lệ mà sử dụng tiêu chí “phù hợp về nghệ thuật” để quyết định. Tòa cho thành lập một hội đồng chuyên môn về nghệ thuật để thẩm định và đánh giá giọng hát của cô bé nhằm trả lời câu hỏi là giọng hát của cô bé có phù hợp với yêu cầu về nghệ thuật của cả dàn đồng ca nam hay không, cũng như trả lời câu hỏi nếu được đào tạo chuyên nghiệp thì cô bé có thể có được giọng hát phù hợp với cả dàn đồng ca nam thiếu nhi hay không.

Tòa án đẩy quả bóng về phía sân của các chuyên gia. Các chuyên gia đánh giá cao giọng hát của cô bé nhưng không cho rằng giọng hát này phù hợp với tông giọng của cả dàn đồng ca nam thiếu nhi và cũng chẳng tin rằng dẫu có được đào tạo tử tế thì giọng hát của cô bé sẽ phù hợp với tông giọng hát của cả dàn đồng ca. Vì thế, khiếu kiện của người mẹ cô bé bị tòa án bác bỏ và luật dẫu có đúng vẫn bị thua lệ./.

Đọc thêm