Mái ấm nơi con trẻ “cất cánh”, người “điên” lành bệnh của ông Sáu Châu

(PLVN) - Ở tỉnh Ninh Thuận, hầu như ai cũng biết Cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu (ở xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn). Thành lập từ tháng 3/1996, đây là mái ấm tình thương mà ông Trần Châu (66 tuổi, còn gọi là ông Sáu Châu) dành để cưu mang và chữa trị cho những bệnh nhân tâm thần. Với những ai không còn nhớ tên tuổi, ông đã đặt tên cho họ và lấy họ Trần làm họ chung. Ông Sáu Châu gọi đó là cái duyên.
Mái ấm nơi con trẻ “cất cánh”, người “điên” lành bệnh của ông Sáu Châu

Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh

Ông Sáu Châu trước đây là giáo viên dạy học ở một trường trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề thuốc nên ngay từ nhỏ ông đã được truyền dạy nghề bốc thuốc. Do vậy, sau mỗi giờ lên lớp, ông lại bốc thuốc chữa một số bệnh như: viêm xoang, phù thận, thần kinh, bại liệt... miễn phí cho người dân. 

Tiếng lành đồn xa, nhiều bệnh nhân từ các nơi tìm về và được ông Sáu Châu chữa trị. Sau khi khỏi bệnh, nhiều người đã âm thầm gửi tiền thuốc để cảm ơn.

Đến năm 1996, số tiền người bệnh gửi lên đến 30 triệu đồng. Thấy số tiền quá lớn, ông Sáu Châu đã đem lên xã nhờ chính quyền nhận để giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên, chính quyền địa phương từ chối. Thế là ông quyết định dùng số tiền đó mua đất, xây nhà, mua chăn màn để giúp những người lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa có nơi che nắng, che mưa.

“Xây nhà xong, tôi lên xã trình bày ý nguyện nhượng lại cho chính quyền quản lý. Nhưng lúc đó, do cơ chế nên xã không tiếp nhận. Cũng từ đó, tôi làm chủ và gắn bó với mái ấm này cho đến nay. Năm 2004, Cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp giấy phép hoạt động”, ông Châu chia sẻ.

Bằng nhiều con đường khác nhau, những người không máu mủ ruột thịt đã tìm đến Cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu. Không ai quen biết ai, cũng chẳng hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào, từ người già lang thang, trẻ em mồ côi, tàn tật, không người thân thích và tâm trí bấn loạn. 

Hầu hết những người đến cơ sở đều không có tên nên ông Sáu Châu lấy họ Trần của mình, rồi gắn với những cái tên như: Huy, Hiếu, Thành... cho dễ xưng hô. Và, ông Sáu Châu gọi đó là cái duyên.

Hiện tại, Cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu đang nuôi dưỡng gần 60 người ở hầu hết các lứa tuổi. Trong đó, khoảng 80% người mắc bệnh lý về thần kinh, một số người bị bại liệt. Mọi hoạt động từ ăn uống, tắm giặt, ngủ nghỉ cho người bệnh đến vệ sinh khuôn viên cơ sở do 6 nhân viên đảm nhận. 

Ông Sáu Châu chăm lo cho các cụ già từng miếng ăn
 Ông Sáu Châu chăm lo cho các cụ già từng miếng ăn

Ông Tôn Thất Mỹ đã có gần 10 năm làm việc tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu. Ông bảo, những người bệnh ở đây tâm trí không minh mẫn lắm nên người chăm sóc phải kiên trì, nhẫn nại tiếp xúc, trò chuyện để hiểu về họ. Từ đó, mới áp dụng vào quá trình chăm sóc, quản lý. 

“Trong những bữa ăn cơm, mình phải đi vận động họ vào ăn, chứ không họ sẽ bỏ. Còn vào buổi tối, trước khi đi ngủ, tất cả các nhân viên chăm sóc ở đây phải đi đắp chăn, xếp gối... và canh cho đến khi nào họ ngủ say thì thôi. Đó cũng là thời điểm để chúng tôi chợp mắt chút xíu trong đêm”, ông Mỹ cho biết.

Người có thâm niên làm việc nhiều nhất ở cơ sở này là bà Nguyễn Thị Thiện Tâm, với hơn 20 năm. Để vượt qua công việc hết sức vất vả ở đây, bà Tâm luôn tự nhủ phải có tấm lòng nhân ái và sự nhẫn nại mới giúp mình gắn bó với công việc này. 

Thật vậy, để làm được công việc này quả thực không hề dễ dàng nếu không nói là quá vất vả. Đó là chưa kể những lúc người bệnh lên cơn đập phá hay ốm đau, bệnh tật. Vì thế, những nhân viên ở đây luôn có một tấm lòng bao dung vô bờ bến. Không những không hắt hủi, cáu giận, gắt gỏng mà họ còn gần gũi ân cần với người bệnh. Điều họ đặt lên trên hết khi vào làm việc tại cơ sở này chính là chữ Tâm và chữ Nhẫn. 

Con trẻ “cất cánh”, người “điên” lành bệnh

Tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu, có lẽ đáng thương nhất vẫn là những em nhỏ sinh ra không may gặp chứng bệnh về thần kinh, bị cha mẹ bỏ rơi. Ngoài chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, những cháu có khả năng phục hồi tốt, các cán bộ, nhân viên sẽ tiếp tục kèm cặp, dạy dỗ và tạo điều kiện cho đi học văn hóa. Nhờ vậy, các em bớt tủi thân, tự ti và luôn tràn đầy hy vọng khi nhìn về tương lai. 

Trong số hàng chục em nhỏ được cưu mang tại cơ sở trong suốt 24 năm qua, đã có một em học xong đại học và có công ăn việc làm ổn định; nhiều em khác đang theo học ở các cấp phổ thông. 

Qua điện thoại, anh Nguyễn Xuân Hoàng (30 tuổi) xúc động kể: “Mẹ tôi gửi tôi vào Cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu từ lúc còn nhỏ. Nhờ tấm lòng nhân ái của các bác, các chú, các cô đã nuôi dưỡng và hỗ trợ kinh phí cho tôi được đi học từ lớp 1 cho đến khi thi đậu vào Trường Cao đẳng Đông Á. Sau khi ra trường, mấy năm qua, tôi làm việc tại một công ty in ở TP Hồ Chí Minh. Tôi không bao giờ quên công ơn cao như trời, sâu rộng như biển lớn này”.

Ông Sáu Châu bảo, đối với những người bị tâm thần, ngoài thuốc thang, theo dõi sức khỏe định kỳ, cơ sở luôn cố gắng phân công nhiệm vụ cắt cử nhân viên theo dõi trò chuyện, áp dụng điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, với hy vọng mang lại cho họ cơ may trở về cuộc sống của một con người bình thường. 

Và, nhiều người bệnh được ông Sáu Châu cưu mang đã cải thiện tinh thần, nhận thức được dù trước đó bệnh tình của họ rất nặng. Nhiều năm qua, Cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu đã chữa lành cho hơn 100 người và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Riêng trong năm 2018, gần 30 người được ông Sáu Châu chữa lành bệnh. 

Nhân viên Cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu chăm sóc cho người bệnh.
 Nhân viên Cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu chăm sóc cho người bệnh.

Trong những năm qua, đồng hành cùng ông Sáu Châu còn có nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ Cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh.

Đơn cử như cách đây hơn 10 năm, lần đầu tiên đến cơ sở, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhung (ngụ phường Đài Sơn, TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) thấy những người khuyết tật, người tâm thần đi lờ đờ nên rất thương. Từ đó, hàng tháng vợ chồng chị đều đặn hỗ trợ vật chất, kinh phí, chung tay cùng cơ sở chăm lo cho người bệnh.

“Những đóng góp của vợ chồng tôi trong 10 năm qua chỉ là việc nhỏ như hạt cát trên sa mạc. Những người bệnh, nhất là những em nhỏ đã thiệt thòi nhiều khi bị người thân bỏ rơi nên cần lắm những tấm lòng nhân ái giúp đỡ”, chị Nhung cho biết.

Trước khi chúng tôi ra về, ông Sáu Châu tâm sự rằng muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả những tấm lòng hảo tâm, những mạnh thường quân, những nhân viên đã và đang làm việc, giúp đỡ và đồng hành cùng cơ sở trong suốt thời gian qua. Họ chính là những người giúp ông thực hiện được tâm nguyện giúp đỡ, cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Cố gắng chăm lo thật tốt cho những số phận kém may mắn trong xã hội, biến nơi đây thành địa chỉ để tình người lan tỏa.

Và, bản di chúc với ý nguyện để lại toàn bộ tài sản cho những bệnh nhân cũng chính là tấm lòng vô điều kiện mà ông Sáu Châu dành tặng cho những số phận đang được cưu mang ở Cơ sở Bảo trợ xã hội Trần Châu.

Đọc thêm