Mộc bản – Nghề cổ gìn giữ tri thức cho muôn đời sau

(PLVN) - Trong số những người còn “nặng lòng” với mộc bản, anh Lê Viết Quyết (Hải Dương) được coi là truyền nhân trẻ hiếm hoi còn giữ được “lửa” đam mê với nghề khắc mộc bản xưa. 
Chàng trai trẻ Lê Viết Quyết bên những tấm mộc bản (Ảnh: Báo Gia Lai).
Chàng trai trẻ Lê Viết Quyết bên những tấm mộc bản (Ảnh: Báo Gia Lai).

Để lưu giữ văn hóa và truyền bá tri thức, từ nhiều thế kỷ trước người Việt đã dùng mộc bản để in từng trang sách. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nghề khắc mộc bản trở nên xa lạ với nhiều người bởi sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Trong số những người còn “nặng lòng” với mộc bản, anh Lê Viết Quyết (Hải Dương) được coi là truyền nhân trẻ hiếm hoi còn giữ được “lửa” đam mê với nghề khắc mộc bản xưa. 

Từ thế kỷ XI, nghề in mộc bản đã ra đời ở nước ta. Đến thế kỷ XV-XVII nghề in đã bắt đầu phát triển. Từ thế kỷ XVIII-XIX, nghề in ván gỗ đã đạt nhiều thành tựu với nhiều các nhà in được hình thành, với số lượng sách in ra rất lớn ở nhiều lĩnh vực. Như sách của nhà nước gồm các bộ sử, thi văn của các vua, các bộ địa chí… Hải Dương xưa kia là vùng đất nổi tiếng với nhiều nghệ nhân khắc mộc bản tinh xảo nhất nước, trong đó có Thám hoa Lương Như Hộc - một vị quan sống dưới thời Lê sơ. Ông được coi là ông tổ của nghề khắc mộc bản ở Việt Nam. 

Ông tổ nghề khắc mộc bản đất Việt

Trung Quốc được cho là nơi bắt nguồn của kỹ thuật in, sau đó du nhập và lan rộng sang một số nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Chữ Hán đã có mặt ở Việt Nam từ khá sớm bằng nhiều con đường, theo đó, kỹ thuật khắc in mộc bản, tạo giấy cũng dần được phổ biến ở nước ta.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Sử, có lẽ, kỹ thuật in đã được lưu truyền ở nước ta từ khá sớm, nhưng cứ liệu sớm nhất (hiện biết) đề cập đến việc in là Thiền uyển tập anh. Sách Thiền uyển tập anh xác nhận, thiền sư Tín Học (thời Lý) là người trong một gia đình làm nghề in khắc. Trong thế kỷ XI, giấy Lĩnh Nam, một loại giấy quý, do người Việt sản xuất, từng được vua Lý dùng làm quà biếu vua Tống. Tuy nhiên, đến nay, các sách từ thời Lý và Trần (thế kỷ XI - XIV) gần như đã bị “xóa sổ” toàn bộ, có còn cũng chỉ là những đầu mục sách, nên không thể biết diện mạo chi tiết nghề in sách đương thời như thế nào. 

An Nam chí lược của Lê Tắc là một tư liệu quý giá về văn hóa, chính trị thời Trần chỉ ghi chép sơ lược: Trong quá trình bang giao, Đại Việt đã nhiều lần thỉnh được Đại Tạng kinh, các vua nhà Trần đã soạn thêm kinh sách đưa vào đó. Dường như có giai đoạn nghề in ở nước ta bị thất truyền, nên phải học lại một lần nữa và nghề này được một số làng duy trì thế kỷ XV. 

Một bản khắc tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.
 Một bản khắc tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.

Theo “Dư địa chí TP Hải Dương”, Thám hoa Lương Như Hộc có tên tự là Tường Phủ, sinh năm Canh Tý 1420, người làng Hồng Liễu, trước thuộc tổng Thạch Khôi, huyện Trường Tân, sau đổi thành làng Thanh Liễu, xã Tân Hưng (Gia Lộc) được coi là ông tổ nghề in nước Nam. Năm 2008, xã Tân Hưng sáp nhập vào TP Hải Dương và nay là phường Tân Hưng.

Thám hoa Lương Như Hộc phụng mệnh đi sứ Trung Quốc, trong hai lần đi sứ ông đã học lỏm nghê khắc ván in của người phương Bắc rồi về truyền dạy cho người dân quê hương. Từ hai học trò đầu tiên là Phạm Niên (Phạm Trên) và Phạm Đới (Phạm Dưới), dần dần nghề khắc ván in hình thành ở thôn Hồng Lục, rồi chuyển sang Liễu Tràng và Khuê Liễu.

Ba thôn này tạo nên trung tâm khắc in bản mộc của cả nước suốt thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Thời ấy, người nam khỏe mạnh thì xẻ gỗ, khắc mộc bản, phụ nữ và trẻ em thì ngồi in, xén cắt giấy. Nghề khắc ván in sách đã đem lại cuộc sống khá giả cho cả ba làng nên thời đó có câu: “Đình Sinh, quán Sếu, chùa Tràng. Trong ba làng ấy không làm cũng có ăn”.

Thám hoa Lương Như Hộc mất năm Tân Dậu, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (năm 1501), thọ 82 tuổi. Nhân dân các làng Hồng Lục, Liễu Tràng, Khuê Liễu tôn ông làm thành hoàng, tạc tượng thờ tại đình làng. Từ đây, nhiều thế hệ người dân đã mang nghề in mộc bản đi khắp cả nước hình thành nên các trung tâm in lớn như: Hội Văn đường, Quảng Thịnh đường, Phúc Văn đường, Lạc Thiện đường... đều có nguồn gốc từ Lục Liễu. 

Đến cuối thế kỷ XX, khi khoa cử dùng chữ Hán không còn được tổ chức, những làng nghề này lâm vào tình trạng mai một dần. Về sau, máy in du nhập vào nước ta, thay thế nghề in mộc bản. Công việc khắc bản mộc ít dần, phần lớn thợ khắc ván in chuyển sang khắc dấu đồng, dấu gỗ cho các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp và khắc các loại phụ bản cho nhà in. 

Truyền nhân trẻ đau đáu với nghề cổ

Nghệ nhân trẻ Lê Viết Quyết, sinh năm 1993, quê ở xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, hiện là một trong những người hiếm hoi còn gắn bó với nghề. Ngay từ nhỏ, cậu bé Quyết đã thấy cha suốt ngày đục đẽo rồi sai phụ việc. Dần theo thời gian, cậu bé Quyết cũng biết được đôi chút về nghề nhưng không thực sự hứng thú.

“Đối với tôi khi đó, công việc khắc mộc bản của bố thật quá gian khổ, buồn tẻ. Chỉ sau khi xuất ngũ, rồi đi xuất khẩu lao động về, thấy cha già yếu, mắt mờ, tôi mới thương và trân trọng công việc của cha. Từ đó, tôi quyết định gắn bó với nghề mà cha đã trọn đời tâm huyết. Càng học nghề càng mê, em bị cuốn vào từng con chữ, từng đường nét của mộc bản xưa”, anh Quyết tâm sự.

Dù mới 28 tuổi nhưng Lê Viết Quyết đã có 8 năm theo nghề. Từ ngày gắn bó với nghề, cứ vài tháng là anh lại xách ba lô lên đường, lang thang hết các tỉnh thành mà điểm dừng chân thường là các chùa chiền để khắc câu đối, kinh Phật cho các nhà chùa. Trong hành trang, ngoài đồ dùng cá nhân bao giờ Quyết cũng mang theo bên mình bộ dụng cụ đục, khắc và vài tấm mộc. Toàn bộ dụng cụ khắc ván, Quyết phải tự đặt vì trên thị trường không bán. 

Để khắc xong một chữ Hán hoặc chữ Nôm, anh Quyết phải mất khoảng 10 – 15 phút, một mặt khắc phải mất khoảng 1 tháng. Với những cuốn kinh Phật dày hàng trăm trang thì mất vài năm mới hoàn thành. Nhìn cách anh Quyết chăm chút từng nét chữ có thể thấy nghề này đòi hỏi chữ nhẫn và sự tập trung cao độ. 

Để tạo ra một tấm mộc bản thì cần sự tỉ mỉ, cẩn thận tới từng chi tiết.
Để tạo ra một tấm mộc bản thì cần sự tỉ mỉ, cẩn thận tới từng chi tiết. 

Để làm mộc bản phải cẩn thận từng khâu, từ khâu chọn gỗ đến khâu khắc chữ. Gỗ được chọn phải mềm như gỗ thừng mực, gỗ thị hay gỗ vàng tâm. Lấy gỗ về, người thợ bắt đầu xẻ gỗ thành từng miếng, dọc thớ với độ dày cần thiết rồi đem ngâm tẩm từ một đến sáu tháng. Trong thời gian ngâm phải thay nước nhiều lần, để cho nhựa trong gỗ tan hết (đối với gỗ đã rất già thì có thể không cần công đoạn này), sau khi khô cũng không dễ bị nứt, tiện lợi cho việc khắc, dễ hút mực và nhả mực. Ngâm tẩm xong, ván được vớt lên, đặt ở những chỗ tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào, thoáng gió để hong khô. 

Sau khi mộc bản đã khô thì mài bằng hai mặt, cắt thành hình gần nhất với ván khắc in, sau đó dùng dầu thực vật bôi lên trên bề mặt. Sau đó, người thợ sẽ đem chữ cần in viết lại trên giấy mỏng, loại giấy được chọn thường là giấy dó, rồi dán ngược lên trên tấm ván gỗ. Mực in thường được chế tác như mực thỏi, rồi được mài ra, thêm keo và rượu vào để chế tác thành. dạng cao, sau đó, bỏ trong ang đặt khoảng 3 đông, 4 hạ để cho hết mùi thối. Thời gian càng lâu thì chất mực càng tốt. Lúc dùng thì thêm nước để làm hỗn hợp, dùng lưới để lọc.

Căn cứ vào mỗi nét bút của chữ, bằng sự khéo léo của mình người thợ sẽ dùng dao khắc từng nét chữ nổi lên trên ván. Bản mộc dày chừng 1,5 cm, thường khắc 2 mặt để tiết kiệm gỗ. Mỗi bản khắc gồm hai trang tuỳ theo khổ sách. Khi bản mộc được làm xong đưa lên giá khắc. Giá khắc như một cái ghế dài (30 cm x 70 cm), 4 chân bằng tre cao khoảng 40 cm. Thợ khắc ngồi trên ghế con hoặc chiếu, dụng cụ để trong ống tre lót giẻ. 

Bản mẫu khắc viết bằng mực nho lên giấy bản, giấy càng mỏng càng tốt, chữ ngang bằng sổ ngay đúng lối chữ in. Để viết các chữ đều nhau, thẳng hàng ngang, hàng dọc, người ta in sẵn các bản thông bằng son để viết mẫu. Bản thông có các đường kẻ dòng, mỗi dòng có các ô chữ, mỗi ô chữ lại được chia làm 3 để bố cục các bộ trong một chữ cho chuẩn xác. Nếu không có bản thông thì phải có tờ giấy kẻ ô đặt dưới giấy viết mẫu, gọi là lờ nòng, lấy cơm nóng, dẻo, nghiền nhuyễn miết lên bản khắc, dán mặt viết chữ của bản mẫu vào vào bản khắc, vuốt nhẹ cho tờ giấy dính vào mặt gỗ, lấy tay xoa đi, xoa lại làm cho tờ giấy mỏng dần, các chữ đen nổi rõ từng nét. 

Dùng đục và bướm đục các phần không có chữ để khi khắc chữ dễ dàng. Lấy dao khắc lắp vào ốp tay, bắt đầu khắc từng chữ, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải khắc lần lượt trọn vẹn từng chữ. Chữ in khắc nổi, phần gỗ còn lại phải bạt sâu xuống để khi in không bị dính mực. Nếu khắc thẻ, bài vị hay những bản in có nhiều hoa văn thì khắc từ ngoài vào trong, từ đơn giản đến phức tạp. Khắc xong phải ngâm bản khắc xuống nước, rửa sạch giấy và cơm dính trên các chữ. Mỗi bản khắc có hai trang, trung bình một trang là 400 chữ, thợ thành thạo làm mải cũng phải mất 8 ngày. 

Mộc bản tại chùa Bổ Đà (tỉnh Bắc Giang).
Mộc bản tại chùa Bổ Đà (tỉnh Bắc Giang).  

Để có một tác phẩm mộc khắc vừa ý, anh Lê Viết Quyết đã phải trải qua hàng loạt công đoạn nói trên, dù vất vả nhưng anh luôn tìm thấy niềm vui trong nghề: “Vui nhất là khi hoàn thành và giao mộc bản cho nhà chùa, được các sư thầy khen, động viên theo nghề để gìn giữ sách quý cho đời sau. Mỗi lần như vậy em lại thấy yêu và trân quý nghề khắc mộc bản hơn. Còn về tiền công, Quyết tâm sự, nhà chùa cho bao nhiêu thì mình nhận bấy nhiêu, tùy công đức, vì bố dạy Quyết rằng, nghề này là để phúc lại cho hậu thế, cứ làm, ắt sẽ được đến đáp”.

Dù anh Quyết hiện tại đã cùng vợ con chuyển vào Tây Nguyên lập nghiệp nhưng những nhà chùa ở khắp nơi trên cả nước vẫn nhờ Quyết khắc mộc bản để lưu trữ những cuốn kinh Phật quý hiếm đang dần bị mai một. Mỗi trang kinh Phật tùy vào nội dung, ý nghĩa, cách viết mà có từ vài chục, đến cả hàng trăm, ngàn con chữ. Trung bình mỗi ngày, Quyết khắc được 60-80 chữ. Có những chữ chỉ to bằng hạt gạo, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng của người khắc, nếu không muốn làm lại từ đầu. Những chữ nhỏ như vậy, Quyết phải dùng kính lúp soi để khắc cho kỹ.

Khi phóng viên thắc mắc về việc không ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc san khắc mộc bản để tiết kiệm thời gian, công sức, nghệ nhân Lê Viết Quyết cho biết, anh đã thử và thất bại. Anh Quyết khẳng định, để có những mộc bản đúng tiêu chuẩn thì không máy móc nào thay thế được. Ví như nếu người thợ dùng tia laser thì gỗ sẽ cháy, đồng thời chữ cũng sẽ cháy theo. Nếu dùng máy CNC để khắc thì lưỡi dao của máy theo phương thẳng đứng, không thể uốn lượn vát được chân chữ một cách mềm mại, hơn nữa chi phí cũng rất cao.

Đặc biệt, anh Lê Viết Quyết chia sẻ rằng, mộc bản là nghề thường xuyên làm việc ở các trung tâm văn hoá, tiếp xúc với các học giả uyên thâm, các nhà sư cao đạo và do bản thân nghề nghiệp tạo cho con người làm nghề khắc ván in có tri thức văn hoá tối thiểu, đời sống ổn định, cách xã giao lịch thiệp.

Thợ khắc ván in thời xưa gọi là “tử nhân”. Muốn làm nghề khắc ván in phải học việc, có thầy hướng dẫn chu đáo, phải tập khắc nhiều lần, tinh ý cũng phải một năm mới thành nghề. Người thợ khắc ván in phải thuộc 200 bộ chữ Hán, hiểu luật viết chữ Hán, chữ Nôm và thuộc mặt chữ càng nhiều càng tốt. Thuộc dạng các chữ viết xuôi chưa đủ mà còn phải nhận được dạng các chữ in ngược vì bản khắc chữ ngược, khi in mới được chữ xuôi. 

Ngoài yêu cầu về thuộc mặt chữ, người thợ phải rèn luyện phong cách làm việc chính xác, tỉ mỉ, tinh tường và sự kiên nhẫn phi thường so với nhiều nghề thủ công khác. Cũng như in chữ quốc ngữ hiện nay, chữ Hán, chữ Nôm chỉ cần sai một dấu chấm là dẫn đến sự hiểu lầm tai hại. Nghề khắc ván in phần lớn được kế thừa theo gia truyền. Thợ khắc kinh, truyện hay các bộ sách quan trọng của Triều đình thì phải thi tuyển, có tay nghề giỏi mới được làm. Ở làng nghề mộc bản Hồng Lục (Hải Dương) cách đây gần 1 thế kỷ có ngót 100 thợ khắc nhưng chỉ khoảng 20 người đủ trình độ khắc kinh sách.

Hiện vật kết tinh giá trị nói về quá khứ

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mộc bản là sự kết tinh giá trị có thể nói về quá khứ, cho một hình dung về bối cảnh truyền bá tri thức trước đây. Không kể kho mộc bản in khắc những văn bản hành chính quan phương của triều đình như lịch sử triều đại, pháp luật, các sách phục vụ cho giáo dục nhà nước… được lưu giữ trong Quốc Tử Giám thời Lê, Quốc sử quán thời Nguyễn, loại mộc bản in khắc kinh Phật và các thư tịch Phật giáo, tín ngưỡng đạo giáo dân gian thể hiện một phần đời sống của người xưa.

Điển hình như vào năm 1295 là một trong những lần hiếm hoi Đại tạng kinh được triều đình in ấn. Điều này góp phần chứng minh vào thời Trần, Phật giáo cực kỳ hưng thịnh, như là Quốc giáo ở Việt Nam. Các thời sau này, chỉ cần có nguồn sách mới đưa về hoặc khi bộ kinh đã quá cũ cần phải in lại để làm tư liệu tu học thì một vị có uy tín trong cộng đồng tu sỹ Phật giáo sẽ đứng lên đề nghị khắc in và đông đảo Phật tử, tín đồ trong vùng sẽ góp tiền in kinh. Có những bộ kinh phải mất 10 - 20 năm mới xong, có những bộ kinh không phải một mà nhiều chùa cùng làm, nói lên công đức và lòng hướng về đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân.

Một trang in từ mộc bản của nhà sách Hải Học đường xưa kia.
Một trang in từ mộc bản của nhà sách Hải Học đường xưa kia.  

Đầu thế kỷ XX, có những bộ sách Phật giáo khi vừa được nhập khẩu về Việt Nam đã được khắc ván lưu hành. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng phân tích với thời gian in khắc nhanh như vậy, mộc bản đã cho thấy cách tri thức được nhập khẩu, lan tỏa rất nhanh trong cộng đồng. Mộc bản còn có giá trị mỹ thuật, giá trị văn tự và thư pháp. “Làm mộc bản, người thợ khắc trung thành với chữ của người viết nên bút tích của tác giả vẫn được bảo lưu. Những người viết thường là các bậc có uy tín. Thật hạnh phúc khi nghiên cứu một nhân vật nào đó mà lại tìm thấy được bút tích của họ từ mộc bản”.

Hiện nay, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện là nơi bảo quản, khai thác Mộc bản triều Nguyễn. Mặc dù đã có nhiều hư hao do những biến cố của lịch sử nhưng tại đây vẫn còn lưu giữ được 34.619 tấm mộc bản, tương đương với 55.320 bản khắc.

Trong đó có nhiều bản khắc những văn kiện đặc biệt quan trọng như “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn, “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, các bộ sách sử: “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Nam thực lục chính biên”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Đại Nam thực lục tiền biên”, “Phủ biên tạp lục”.

Đa số mộc bản được chế tác vào thời nhà Nguyễn nhưng cũng có nhiều tấm mộc bản có lịch sử lâu đời hơn, được chuyển từ Thăng Long vào Huế vào thời vua Minh Mạng. Gỗ dùng làm ván khắc tài liệu mộc bản triều Nguyễn là gỗ thị, gỗ cây nha đồng. Nét chữ khắc trên tài liệu mộc bản rất tinh xảo và sắc nét. Ðây là những tài liệu có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại.

Đây là khối tài liệu đặc biệt quý hiếm, do giá trị về mặt nội dung, đặc tính về phương pháp chế tác và những quy định rất nghiêm ngặt của triều đình phong kiến về việc ấn hành và san khắc, những tài liệu này được coi là quốc bảo, chỉ những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc và làm việc với chúng.

Đọc thêm