Mộc mạc làng nghề đệm bàng Phò Trạch

(PLVN) - Nếu một lần được đến xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, bạn sẽ được ngắm những ruộng cỏ bàng xanh mướt, thẳng tắp, bát ngát tưởng như tít tận chân mây. Nơi đây là làng nghề đan đệm bàng truyền thống của xứ Huế đã có bề dày hàng trăm năm lịch sử.
Những sản phẩm tinh xảo của làng nghề đệm bàng Phò Trạch trưng bày tại Festival Huế
Những sản phẩm tinh xảo của làng nghề đệm bàng Phò Trạch trưng bày tại Festival Huế

Nghề mẹ truyền con nối

Phong Bình, Phong Điền xứ Huế là một làng quê yên ả, nơi có những ngôi nhà mái ngói mộc mạc xen lẫn các ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới quanh những rặng tre xanh. Nơi đây được gọi là làng Phò Trạch hay có người vẫn gọi là Phò Trạch đệm. Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 50 km, ngôi làng quê thơ mộng này vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa dân gian mang đậm bản sắc quê hương mà không phải nơi nào cũng có được.

Để làm ra những món đồ mỹ nghệ đẹp và tinh xảo, nghề đan cỏ bàng trải qua rất nhiều khâu và đòi hỏi độ công phu, khéo léo của người làm. Đầu tiên người dân phải cắt cây cỏ bàng ở ruộng về, sau đó phơi khô bằng ánh nắng tự nhiên từ 3-5 ngàyrồi bắt đầu phân loại to, nhỏ và cột thành từng lọn để lên gác bếp cất giữ cẩn thận dùng cho cả năm. Trước khi đan thành các sản phẩm, bàng được đem giã cho sợi dẹp và mềm, đây chính là giai đoạn vất vả nhất của nghề đệm bàng vì cần dùng sức rất nhiều.

Những sản phẩm thủ công truyền thống từ cỏ bàng không chỉ đẹp, thân thiện môi trường mà còn rất thời trang nữa
Những sản phẩm thủ công truyền thống từ cỏ bàng không chỉ đẹp, thân thiện môi trường mà còn rất thời trang nữa 

Ở làng Phò Trạch, từ trẻ con cho đến phụ nữ không ai là không biết đan đệm. Việc đan đệm diễn ra quanh năm xen kẽ bên cạnh việc đồng áng. Chính vì vậy, khi ghé thăm mỗi gia đình ở đây bạn luôn có thể thấy những chiếc đệm đan dở. Trước kia, cỏ bàng chỉ dùng đan đệm, đan chiếu. Ngày nay sản phẩm từ cỏ bàng rất đa dạng, phục vụ hầu hết các nhu cầu từ vật dụng sinh hoạt đến trang trí như: giỏ, túi xách, mũ, khay, tạo hình con vật để trang trí,…

Bà Nguyễn Thị Ái (91 tuổi, xã Phong Bình, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) gắn bó với nghề đệm bàng từ nhỏ cho biết: “Từ thời con gái còn nhỏ bà đã biết đan đệm rồi, nếu là người lạ mới đến làng này hoặc về làm dâu ở làng thì phải học cách đan đệm. Mà hồi trước người ta thích chiếu đệm bàng lắm, nằm mùa hè thì mát rượi. Nên từ xưa nay đồ đạc dùng trong nhà của người dân ở đây ai cũng dùng đồ cỏ bàng hết đó con.”

 

Là nghề mẹ truyền con nối, vào những ngày nông nhàn, các em nhỏ lại quây quần bên gia đình phụ mẹ đan đệm bàng trang trải cuộc sống hàng ngày. Đó là những giây phút yên ắng, quần, không ồn ào, xô bồ hay mải mê với những trò chơi xa xỉ ở chốn thành thị. Thay vào đó, các em chăm chú học hỏi, xếp các sợi bàng xen kẽ tạo ra các sản phẩm. Đây là những giây phút quý giá, thanh bình của cuộc sống ở chốn đồng quê này.

Nghề đan cỏ bàng đòi hỏi sự nhẫn nại, kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ, cứ thế hàng ngày những người dân nơi đây cần mẫn tạo ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Những sản phẩm từ cỏ bàng đẹp mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, một vẻ đẹp dịu dàng và mang đậm hồn quê dân tộc.

Sản phẩm xanh cho vấn đề về môi trường

Hiện nay, khi đứng trước cuộc chiến chống rác thải nhựa, những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường được người dân lựa chọn. Đây chính là lúc làng nghề có cơ hội vươn lên, mang đến cuộc sống xanh cho mọi người.

Mặc dù là sản phẩm xanh và thân thiện, đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạntỉ mỉ, tuy nhiên sản phẩm thủ công thường có thu nhập thấp, khó đảm bảo cuộc sống cho người dân. Sinh ra và lớn lên ở làng Phò Trạch, hiểu được điều này, ông Nguyễn Viết Nam luôn trăn trở tìm cách phát triển làng nghề, nâng cao đời sống thu nhập cho bà con.

Dành thời gian nhiều năm đi khắp các làng nghề để tìm hiểu công nghệ, mẫu mã và cách làm hàng thủ công mỹ nghệ, ông Nam đã cùng một số nghệ nhân trong làng làm ra các sản phẩm trang trí, lưu niệm với mẫu mã đa dạng. Từ đó làng nghề cũng bước sang trang mới với những sản phẩm độc đáo, tinh tế và mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân.  

Vợ chồng ông Nguyễn Viết Nam – chủ cơ sở Cỏ bàng N.X luôn sử dụng các sản phẩm cỏ bàng trong cuộc sống

Vợ chồng ông Nguyễn Viết Nam – chủ cơ sở Cỏ bàng N.X luôn sử dụng các sản phẩm cỏ bàng trong cuộc sống

Hàng ngày, ông Nguyễn Viết Nam - chủ cơ sở Cỏ bàng N.X (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) vẫn tự mình mày mò nghiên cứu để đổi mới cách thức tạo ra các sản phẩm. Từ chiếc giỏ xách, chiếc đèn trang trí,… đều do ông tự mày mò, tạo hình sản phẩm rồi đặt hàng người dân trong làng theo kích thước phù hợp cho từng sản phẩm mỹ nghệ.

Ông Nam chia sẻ: “Xuất phát từ nguyên liệu là cây cỏ, người dân lại có thể trồng được nên rất thân thiện với thiên nhiên và môi trường. Tuy nhiên hiện tại làng nghề truyền thống vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định. Các sản phẩm tiêu thụ chủ yếu nhờ kênh thị trường và khách du lịch, vì Covid - 19 nên chịu ảnh hưởng rất lớn. Hơn nữa về mặt giá thành thì sản phẩm này khó cạnh tranh lại so với các sản phẩm làm bằng máy và được sản xuất đại trà.”

Hiện nay, cơ sở sản xuất của ông Nam tạo ra công ăn việc làm ổn định cho khoảng 15 đến 20 lao động trong xã. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, khó khăn nhưng bằng tình yêu với cỏ bàng, họ vẫn đang từng ngày giữ nghề, giữ những nét riêng độc đáo của mảnh đất cố đô.

Hi vọng trong thời gian tới nghề đan đệm bàng của người dân làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền cũng sẽ có nhiều phát triển hơn nữa, qua đó góp phần bảo vệ môi trường cũng như nâng tầm làng nghề truyền thống của địa phương.

Đọc thêm