Muốn làm thủ tục pháp lý cho chồng toàn quyền bán ngôi nhà chung

(PLVN) - Tôi muốn làm thủ tục ủy quyền cho chồng tôi toàn quyền bán ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng để thuận tiện và tiết kiệm chi phí đi lại...
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

*Hỏi: Vợ chồng tôi sinh sống ở Hải Phòng, có mua một ngôi nhà ở Hà Nội, sổ đỏ đứng tên chung của hai người. Nay tôi muốn làm thủ tục ủy quyền cho chồng tôi toàn quyền bán ngôi nhà đó để thuận tiện và tiết kiệm chi phí đi lại. Xin hỏi nếu tôi viết giấy ủy quyền cho chồng thì có cần phải làm thủ tục công chứng hay không? 

-Trả lời: Theo điều 40 Luật Công chứng 2014 và điều 36 Nghị định số 23/2015, ngày 16/2/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền bao gồm:

-Hợp đồng ủy quyền được soạn sẵn (hoặc có thể yêu cầu công chứng viên tại văn phòng công chứng soạn thảo). 

- Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người ủy quyền và người nhận ủy quyền.

-Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của người ủy quyền hoặc bản sao các giấy tờ thay thế, được pháp luật quy định đối với quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của người ủy quyền, mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu, trong trường hợp hợp đồng ủy quyền liên quan đến tài sản đó. Ngoài ra nếu vợ, chồng ủy quyền cho nhau thì hồ sơ yêu cầu công chứng còn phải có bản sao sổ Hộ khẩu gia đình và bản sao giấy đăng ký kết hôn. 

Theo quy định tại điều 42 và điều 55 Luật Công chứng 2014, khoản 2 khoản 6 điều 5 Nghị định số 23/2015, người ủy quyền có thể nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực hợp đồng ủy quyền tại UBND cấp xã nơi có tài sản đất hoặc nộp hồ sơ tại văn phòng công chứng nào thuận tiện nhất để công chứng hợp đồng ủy quyền.

Theo quy định tại Điều 3, Điều 8 Nghị định 23/2015, và Điều 5 Luật Công chứng 2014, văn bản chứng thực tại UBND cấp xã không có giá trị pháp lý bằng văn bản được công chứng tại phòng công chứng. Ngoài ra, khoản Nghị định số 23/2015 quy định UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.

Mặc dù Bộ luật Dân sự 2015, Luật Công chứng năm 2014 cũng như nghị định số 23 năm 2015 thì không có quy định về hình thức Giấy ủy quyền nhưng trên thực tế Giấy ủy quyền vẫn được sử dụng và cũng được công chứng, chứng thực như Hợp đồng ủy quyền. Nếu Giấy ủy quyền có sự tham gia ký kết của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền, thì theo quy định tại điều 385 và điều 562 Bộ luật Dân sự 2015, về bản chất giấy ủy quyền đó là Hợp đồng ủy quyền.

Như vậy, nếu bà ủy quyền cho chồng toàn quyền định đoạt việc bán nhà đất thì nên làm Giấy ủy quyền có sự tham gia ký kết của cả hai vợ chồng, sau đó tiến hành làm thủ tục công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý của giấy ủy quyền đó. 

Đọc thêm