Ngẫm ngợi nơi gác nhỏ: Ám ảnh màu xanh Mường Ảng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quả thật bây giờ câu ca dao “kẻ ăn chẳng hết người lần không ra” không còn chỉ là nỗi ám ảnh mà đang thành hiện thực sống động. Mới thấm câu bãi biển nương dâu là có thật. Và chỉ có rừng, biển đang ngày càng nghèo kiệt đi...
Quả mắc-ten.
Quả mắc-ten.

1. Nhớ năm 1991 đi Lai châu. Khi chiếc U-oát đang nghiêng ngả lên đèo Tằng Quái bỗng trước mặt hiện ra một rừng cây đến vài trăm hecta, tôi bảo lái xe cho dừng lại xuống ngắm. Một màu xanh ngút mắt. Đó là cánh rừng trồng. Hỏi ra thì được biết đây là Mường Ảng và đó là rừng cây mắc ten, một loại cây lấy dầu. Để ăn hay làm gì? Anh bạn người Tuần Giáo nói loại dầu của hạt cây này dùng để ăn chống phóng xạ bom nguyên tử. Là nghe phổ biến thế. Thông tin chủ yếu phổ biến từ trên (mà trên là ai thì không biết, vì trên không có tên tuổi mặt mũi cụ thể). 

Cũng thời gian đó ở một tỉnh miền núi khác thì lại theo chiến dịch trồng sở. Cây sở cho dầu công nghiệp, cũng quí lắm. Nhưng trồng lên tốt ùm sùm mà lại điếc, không chịu ra hoa cho quả. Chờ đến bảy năm, tám năm hết kiên nhẫn, người dân bắt đầu thầm lặng chặt dần làm củi. Người lên kế hoạch chắc đã quên chiến dịch nên mà không thấy nói gì. Cây sở lợi ích thành cây khổ sở cho dân. Cũng may là dân mình tốt bụng chóng quên, chẳng ai trách cứ chuyện đó và cũng chẳng nhớ đó là thất bại ê chề, lại xăm se vào chiến dịch mới...

Trở lại cánh rừng mắc ten ở Mường Ảng. Đất rừng xưa nay vốn luôn là bà đỡ mát tay cho bất cứ loại cây xanh nào nên mác ten chẳng mấy thành bạt ngàn. Nhưng lạ thay nó lại chẳng ra hoa cho quả quí lấy dầu ăn chống phóng xạ bom nguyên tử. May mà sau vụ Hiroshima và Nagasaki thế giới không còn quả bom nguyên tử nào nổ nữa, nên mác ten không ra hoa kết trái cũng chẳng làm sao.

2. Mười sáu năm sau, vào tháng 4/2008 tôi lại thực hiện một hành trình ngược từ Lai Châu xuống. Đường xưa chốn cũ nhưng không nhận ra đâu với đâu. Đèo Pha Đin đang được hạ dần độ cao xuống sườn núi. Chưa có dịp hỏi xem có thêm được bao nhiêu cây số đường mới và bao nhiêu tiền đã được đầu tư để giảm nhọc nhằn và hiểm nguy cho những chuyến xe xuôi ngược. 

Ăn xong bát phở ở quán cuối chân đèo, tôi lặng nhìn xuống Mường Ảng năm xưa. Rừng mác ten biến mất như có phép thần. Bây giờ ở đấy là một vùng xanh pha trộn, bởi những đồi chè và những khu nhà mọc lên như chấm lang ben trám vội lên đó. Vẫn là một là thứ phát triển tự nhiên, có cây thì chặt, có đất thì cuốc thì cày thì làm nhà.

Ngẫm nghĩ mà thương đất nước như bà mẹ nghèo ít học, mãi mãi chỉ lấy lam lũ làm đầu. Nghĩ cũng thấy thương cánh lãnh đạo một thời lấy cái nhiệt tình cách mạng thay cho cái hạn hẹp kiến thức để mở những chiến dịch tổn hại sức dân mà lại cứ huyễn hoặc mình đang thắng lợi. Bây giờ cũng chưa hết. Vẫn hết trồng lại chặt, khắp đất nước chứ đâu riêng Mường Ảng. Nào cây cao su, điều, cà phê.

Bây giờ ngoài chiến dịch như xưa lại giàu có các loại dự án. Nhiều dự án lại chỉ nhằm chiếm đọat đầu cơ mà không phải để phát triển. Một con số thống kê nghe mà nản lòng. Cứ 100 triệu nước ngoài đầu tư thì chỉ có non một phần trăm cho nông nghiệp. Còn quá nửa họ đổ vào du lịch ăn chơi và địa ốc bóc lấy tiền nhanh.

Rừng núi nghèo khổ xa xôi lại vẫn thành nơi khai thác và cung cấp nguyên liệu. Dân lại nghèo tiếp đi vì mất rừng và mất dần niềm tin. Biết bao giờ chúng ta mới chịu dừng cái lối vận động phong trào, mở chiến dịch để cho những kế hoạch có tính thực tiễn hơn. Biết đến bao giờ!

3. Nhiều quan niệm quay ngoắt cả trăm phần. Chỉ có rừng núi thì vẫn tiếp tục nghèo đi. Rừng nghèo cũng đồng nghĩa với sự nghèo theo của người dân cả tinh thần và thể chất. 

Người ta ngại nói nhưng quả thật bây giờ câu ca dao “kẻ ăn chẳng hết người lần không ra” không còn chỉ là nỗi ám ảnh mà đang thành hiện thực sống động. Mới thấm câu bãi biển nương dâu là có thật. Chúng ta đang sống trong những đổi thay chóng mặt, cái tốt có nhưng cái xấu cũng vô thiên lủng. Bãi biển nương dâu đâu chỉ cảnh quan. Đó là bãi biển nương dâu ở nơi chính mỗi con người. Nếu mai này, Mường Ảng có trở thành một vùng du lịch sầm uất thì tôi cũng không ngạc nhiên.

Cũng chưa chắc tôi đã cho rằng đó là mục đích dành cho người Mường Ảng vì điều này đã thấy rất rõ ở Sapa. Chủ những khách sạn sang là những người giàu có từ nơi khác đến hoặc người cùng cánh của một số quan chức. Họ hưởng lợi gì từ đó hay từ sự phát triển đó chỉ là để dạt sâu hơn vào núi, rồi hàng ngày quay lại cái không gian do đồng tiền vẽ ra để tìm nhặt những hào lẻ của du khách, để rồi hưởng lại một môi trường ô nhiễm nhiều hơn. 

Tôi không tin rằng những người mẹ người em rạc cẳng chạy theo du khách bán đựợc cái mũ, mảnh thổ cẩm và ít hàng lưu niệm trong ngày với chút tiền lẻ là hạnh phúc hơn khi trước. Môi trường bị tàn phá dù đáng sợ, nhưng lối sống bị băng hoại ngấm ngầm mới là thứ ô nhiễm đáng sợ hơn. Nó sẽ dần làm biến đổi gen về văn hóa và lối sống thì sao lại gọi cái đó là được. Tôi không lạc quan bằng các nhà lãnh đạo khi nhìn lối khai thác này vì cảm thấy nó không thực sự bền vững, tốt đẹp như ta tưởng.

Đọc thêm