Ngẫm ngợi nơi gác nhỏ - (Kỳ 1): Cánh én và mùa xuân

(PLVN) - Một cánh én chẳng thể làm nên mùa xuân , nhưng bạn có biết mùa xuân lại khởi đầu từ những cánh én nhỏ...
Ngẫm ngợi nơi gác nhỏ - (Kỳ 1): Cánh én và mùa xuân
LTS:  Từng theo học Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Việt Bắc rồi công tác tại Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc thuộc Bộ Văn hóa, không chỉ nổi tiếng qua các tranh vẽ về miền núi, dân tộc, vùng cao, họa sĩ Đỗ Đức còn viết báo, làm văn. Những cảm nhận, suy tư của ông là sự chắt lọc từ vốn sống, của chiều sâu văn hóa, thể hiện những góc nhìn riêng của ông về cuộc sống...  

1- Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân, ai đã nói thế và sau suy tư ấy người ta ngồi im. Nhưng mùa xuân nào chẳng bắt đầu từ những cánh én, bạn có biết thế không.

Ai cũng bảo que diêm chỉ là đốm lửa vớ vẩn. Nhưng đám cháy lớn bao giờ chẳng bắt đầu từ những đốm lửa?.

Giọt nước yếu đuối không ai đẻ ý nhưng, nước lại đúng đầu về sức công phá khi nó hợp lực với nhau. Nếu không có muôn giọt nước góp vào thì sao có thác nước, dòng sông và biển cả?

Những suy nghĩ này cứ lớn vởn trong đầu khi nghe bạn bè tranh luận về việc góp cuốn sách, tập vở , quần áo cũ đem đến cho trẻ em nghèo vùng cao. Mười ngàn đồng bây giờ mua được gì, vậy mà khi ông thày giáo Viedbi, một người bạn tôi ngửa ta với bạn bè thày cô trong trường , đã đưa được hơn ba ngàn cuốn sách từ Hà Nội vào trường Xạ Hiếu ở Kon tum. Nếu không có giọt nước nhỏ liệu có thành cơn lũ lớn, nếu không có những cánh én thì sao có đàn én. Mọi sự khởi đầu đều từ nhỏ nhặt, tưởng như vớ vẩn, nhưng kết quả khôn lường.

2- Tôi cứ nghĩ việc nhỏ không làm thì làm sao có việc lớn. Một lần đi rẻo cao cùng mâý người bạn. Thấy một người có cảnh nghèo, tôi rút túi biếu vài chục ngàn. Ban xung quanh nhìn thấy cả nhưng không ai nói gì, dù tôi biết không ai thiếu tiền lẻ trong túi. Các bạn quanh tôi đều là người tốt cả, nhiều người còn tốt hơn tôi, nhưng không thấy ai làm theo.

Mà trong đó tôi biết có cả người giàu có và cũng từng xuất thân nghèo khổ. Có một nỗi đau vô hình cồn lên trong người. Chẳng nhẽ những bạn của tôi đã đánh mât lòng trắc ẩn và thói quen chia sẻ. Tôi làm sao biết được, Nhưng tôi biết nếu tôi có xin ai đó dăm chục một trăm chắc không ai từ chôi. Nhưng tự động cho người nghèo khó thì không.

Chân dung họa sĩ Đỗ Đức.
 Chân dung họa sĩ Đỗ Đức.

3- Từ tấm bé tôi đọc nhiều cổ tích về chuyên tiên phật bất chợt hiện ra giúp đỡ kẻ bần cùng. Và tôi nhận ra nguồn gốc cổ tích hình thành từ những chia sẻ nhỏ mọn. Chắc rằng khi xuống một bản hẻo lánh , chẳng quen ai nhưng những gói kẹo tấm áo manh quần san sẻ sẽ để lại dư vị ngọt ngào trong những đứa trẻ thơ. Cái kẹo manh quần sẽ được ghi nhớ và từ đó đi vào cổ tích cho những thế hệ mai sau.

Tôi chắc thế, vì cho đến hôm nay tôi còn nhớ như in khi thắng trận Điện Biên, một sư đoàn quân về đóng trong xã tôi, ở nhờ trong các nhà dân. Có một ngày thôi mà xóm làng khác hẳn sân vườn gọn gàng, bụi cây được phát quang, trẻ con nhất loạt được lôi ra tắm gội sạch sẽ, được cắt tóc. Tôi là một trong những đứa trẻ đó. Đến nay tôi còn nhớ người tắm và cắt tóc cho tôi là anh Biểu, một chiến sĩ Điện Biên người quê Phúc Yên. Năm mươi lăm năm rồi mà cổ tích đời thường ấy còn như mới.

4- Rất đáng thất vọng thói thờ ơ vô cảm đã ngấm vào cả những con người tôt. Nhiều anh cán bộ phong trào nói như con vẹt về tình thương nhưng chỉ tốt cửa miệng hoặc tốt bằng cái tốt của người khác, còn anh thì cái tăm cũng giữ cho riêng mình. Có người lại còn ngang giọng, “tôi khó thì ai giúp tôi!”. Khổ thân người không thấy hạnh phúc khi chia sẻ mà chỉ thấy hạnh phúc khi giữ khư khư cho mình. Người ta không biết như vậy là đã chết đi một phần nhân phẩm. Bi kịch của loài người là chỗ ấy.

Một mùa xuân đang đến, tôi ước mong nhìn thấy cánh én, dù chỉ một. Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân , nhưng mùa xuân lại khởi đầu từ những cánh én đó, bạn ơi!

Đọc thêm