Ngân hàng cung cấp thông tin người nộp thuế –còn đó những nỗi lo

(PLVN) - Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định cho tiết một số điều của Luật Quản lý thuế đã chính thức có hiệu lực, nhưng vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi và sự lo lắng trong dư luận, nhất là quy định về việc ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho cơ quan thuế mỗi tháng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những ai bị cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế?

Theo đó, khoản 2 Điều 30 về nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán quy định:Theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản. Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Đáng chú ý, việc cung cấp thông tin này được thực hiện định kỳ. Cụ thể, việc cung cấp thông tin được thực hiện lần đầu trong 90 ngày kể từ khi Nghị định 126 có hiệu lực (kể từ ngày 5/12/2020) và cập nhật các thông tin về tài khoản hằng tháng trong 10 ngày đầu mỗi tháng.

Liên quan đến quy định này, theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), đây là một quy định mới đối với nước ta nhưng đã phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Ngân hàng phối hợp với các cơ quan khác, đặc biệt là cơ quan thuế nhằm kiểm soát chặt chẽ dòng tiền lưu thông trên phạm vi cả nước, không chỉ là giá trị lưu thông trong hệ thống tín dụng mà kiểm soát một phần đáng kể lượng tiền mặt hay dòng tiền chuyển ra nước ngoài. 

Nếu thực hiện tốt, việc này có thể mang lại rất nhiều lợi ích như hạn chế bỏ lọt các đối tượng phải chịu thuế, đặc biệt là những cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng Internet hay người có thu nhập từ các phương thức thương mại điện tử khác (thu nhập từ Google, Facebook, Youtube,…). Việc Ngân hàng nắm bắt và cung cấp thông tin người dùng cho cơ quan thuế còn có hiệu quả ngăn chặn một phần tình trạng tham nhũng, hay rửa tiền có thể xảy ra, khi có sự biến động số tiền quá lớn mà không có mục đích rõ ràng.

Trong khi đó, có nhiều ý kiến trái chiều của người dân, có người ủng hộ. nhưng lại có nhiều người phản đối. Một số vấn đề chính mà người dân lo lắng là việc bảo mật thông tin tín dụng của người nộp thuế; bị truy thu thuế các khoản không hợp lý do tài khoản có biến động số dư lớn hoặc bị xác định là đối tượng phải chịu thuế do có sự biến động dòng tiền liên tục hay người dân sẽ chuyển qua giao dịch bằng tiền mặt dẫn đến sự khủng hoảng, mất cân bằng trong nền kinh tế…

Đại diện Tổng cục Thuế thì cho biết, cơ quan thuế sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản đối với vụ việc, đối tượng cụ thể theo trình tự, không yêu cầu ngân hàng cung cấp toàn bộ tài khoản cũng như số dư thanh toán của tất cả khách hàng. Việc yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản, giao dịch chủ yếu là phục vụ cho thanh tra, kiểm tra.

Như vậy, có thể nói, quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế thực chất là nhắm đến những người có thu nhập trên môi trường mạng, đặc biệt là môi trường mạng xuyên quốc gia như Facebook, Youtube, Google, Tiktok, Instagram…

Nghĩa là những người có thu nhập từ bán hàng online, các Youtuber, các Vloger… sẽ là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của quy định mới này.Việc cung cấp thông tin tài khoản chỉ được thực hiện khi cơ quan thuế có nhu cầu kiểm tra, thanh tra nghĩa vụ nộp thuế của một trường hợp cụ thể.

Cần nhiều hướng dẫn chi tiết hơn

Trao đổi với báo chí, Luật sư Đàm Bảo Hoàng – Trưởng Văn phòng luật sư Đàm Bảo Hoàng cho rằng, Nghị định này có sự “vênh” nhất định với những Luật đã ban hành trước đây. Cụ thể, theo Luật Các tổ chức tín dụng, ngân hàng không được cung cấp thông tin cá nhân khách hàng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, trừ phi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc có sự đồng ý của khách hàng. Mà cơ quan có thẩm quyền ở đây thường là các cơ quan hành pháp và tư pháp, cơ quan thuế lại không thuộc cơ quan có thẩm quyền này, vì thế phía ngân hàng có thể từ chối cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế.

Bộ luật Dân sự quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ” và điều này là không có ngoại lệ. Người dân có quyền kiện và khiếu nại với chính quyền nếu thông tin cá nhân bị lộ khi chưa có được sự cho phép của họ. Ở góc độ pháp luật, Luật có giá trị thi hành lớn hơn Nghị định nên nếu giữa Nghị định và Luật có sự “vênh” nhau thì quy định của Luật vẫn được ưu tiên sử dụng hơn và có cơ sở pháp lý cao hơn khi xảy ra tranh chấp.

Luật sư Hùng cũng chia sẻ, những lo ngại của người dân là hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt khi đây là một quy định mới, có tính chất là bước ngoặt và gây ra nhiều ảnh hưởng trong xã hội. Hơn nữa, quy định này mới chỉ là 1 điều khoản trong 1 Nghị định, chưa có sự hướng dẫn rõ ràng trong khâu thực hiện do đó tiềm ẩn nguy cơ gây ra vướng mắc khác trong quá trình thực hiện.

Chẳng hạn như việc người dân lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin, mặc dù tại điểm d khoản 2 Điều 30 đã quy định về việc cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự an toàn của thông tin. Tuy nhiên, thông tin càng nhiều người nắm bắt thì nguy cơ bị rò rỉ càng lớn, trong khi thông tin tín dụng là một thông tin vô cùng nhạy cảm, dễ dàng bị nhiều đối tượng lợi dụng để trục lợi, gây phiền hà, thậm chí là mất mát tài sản cho người dân.

Luật sư Hùng nhận định, việc quản lý dòng tiền cần phải được đẩy mạnh, không chỉ là quy định được đề cập ở đây mà còn phải nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, chống rửa tiền,… khi mà tình trạng trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền, tín dụng đen ở nước ta đang diễn ra rất nhiều, gây tổn thất, thất thoát tài sản, mất cân bằng trong xã hội.

Ngoài ra, như trên đã nói, quy định này có sự mâu thuẫn với một số quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng, khi mà Luật các tổ chức tín dụng quy định nghĩa vụ bảo mật thông tin của khách hàng là một trong những nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức tín dụng. Bởi vậy, cần phải có sự thay đổi để thống nhất quy định mới này với các quy định cũ khác, tránh cho việc các ngân hàng bị lúng túng không biết phải thực hiện theo quy định nào.

“Nên thay đổi quy định cũ và phát triển, hướng dẫn cụ thể cho quy định mới này thì sẽ hạn chế được nhiều vấn đề đã nêu.Đồng thời cũng phải chú ý đến việc thực hiện quy định trên thực tế, ngân hàng, cơ quan thuế cần phải nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng quy định không có giá trị trên thực tế”, Luật sư Hùng kiến nghị.

Đặc biệt, rất nhiều ý kiến đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về bảo mật thông tin khách hàng cũng như trách nhiệm của ngành thuế và ngân hàng trong việc bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 30 của Nghị định 126.

Đọc thêm