Người phụ nữ tật nguyền 40 năm mưu sinh bằng nghề bánh đa

(PLVN) - Hai chân bị bại liệt nên bà Trần Thị Hoa phải di chuyển bằng đôi tay. Không muốn trở thành gánh nặng cho người thân, bà học nghề làm bánh đa để mưu sinh. Ngót 40 năm trôi qua, hàng nghìn chiếc bánh đa đã ra lò từ đôi tay khéo léo của người phụ nữ tật nguyền.  
Người phụ nữ tật nguyền 40 năm mưu sinh bằng nghề bánh đa

Nỗ lực không ngừng nghỉ

40 năm nay người dân xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) không ai là không biết đến “thương hiệu” bánh đa truyền thống của bà Trần Thị Hoa (57 tuổi). Những chiếc bánh không những có vị ngon riêng mà còn bởi khâm phục nghị lực, sự lao động không mệt mỏi của người phụ nữ tật nguyền.

Từ lúc sinh ra, bà Hoa đã chịu nhiều thiệt thòi khi hai chân bị bại liệt. Đôi chân không đi lại được nên bà phải dùng hai tay để di chuyển và làm mọi việc. Cũng vì tật nguyền nên từ nhỏ bà không được đến trường như chúng bạn mà chỉ quanh quẩn trong nhà.

Tất cả các công đoạn làm bánh đều được người phụ nữ này làm cẩn trọng

Tất cả các công đoạn làm bánh đều được người phụ nữ này làm cẩn trọng

Xã Xuân Đan vốn có truyền thống làm nghề bánh đa. Không được đến trường nên từ nhỏ bà Hoa đã ở nhà phụ giúp bố mẹ các công đoạn làm bánh. Cần cù bù thông minh, chỉ sau thời gian ngắn cô gái tật nguyền đã thành thạo nghề làm bánh.

Dần dần, không muốn trở thành gánh nặng cho người thân, người phụ nữ này quyết định mưu sinh bằng nghề làm bánh đa. Vậy là từ năm này qua năm khác, bà vẫn cần mẫn với công việc của mình.

Trong khoảng sân nhỏ, bà Hoa vừa tranh thủ làm việc, vừa trò chuyện. Bà cho hay, làm bánh đa có nhiều công đoạn từ xay bột, đun nước dáo bột rồi tráng bánh, phơi khô và công đoạn cuối cùng là quạt bánh trên bếp than củi. Mỗi công đoạn đều có cái khó và vất vả riêng. Tuy nhiên vì đã quen nghề nên những công việc đó với bà không còn quá khó khăn. Điều bà mong muốn nhất là đủ sức khỏe để theo nghề, tích góp chút tiền đề phòng lúc trái gió trở trời.

Hàng ngày, để kịp làm xong mẻ bánh đưa giao cho các nhà hàng, quán bán lẻ thì người làm bánh phải dậy từ 2-3h sáng. Công việc vốn vất vả đến mức nhiều người còn bỏ không làm nữa thì với người không lành lặn như bà Hoa, sự khó khăn càng tăng thêm bội phần. Mỗi khi cần di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác, bà lại dùng tay thay chân, trên khuôn mặt có chút nhăn nhó vì hơi gượng sức. Những giọt mồ hôi lăn dài trên má khi bà Hoa thoăn thoắt đôi tay quạt bánh trên chảo than hồng.

Niềm tự hào nho nhỏ của người phụ nữ tàn tật

Chỉ tay về chiếc xe ba bánh nằm gần đó, bà Hoa cho biết, trước đây khi chưa có xe để đi lại, bánh làm ra chỉ bán cho những người trong thôn, xã lân cận vì họ tìm đến tận nhà lấy hàng. Tuy nhiên, chừng ba năm trở lại đây, nhờ chiếc xe lăn được các mạnh thường quân giúp đỡ, bà đã có thể “ship” bánh ở các xã xa hơn như: Xuân An, Xuân Giang… Nhờ đó, người phụ nữ này có thêm đồng ra, đồng vào, cũng là đáp ứng nhu cầu hiện nay của người tiêu dùng.

Tuy vậy, để có được những chiếc bánh đa chất lượng giao cho khác, ngoài việc bỏ công sức, người làm nghề như bà còn phải phụ thuộc vào thời tiết. Vào mùa thu đông, thời tiết không thuận lợi cho việc phơi bánh nên để đảm bảo nguồn bánh đa cung cấp cho khách hàng vào mùa hè, bà Hoa thường cố làm thật nhiều rồi bọc gói cẩn thận. Khi trời không có nắng, bà lấy bánh khô ra, bán đến đâu thì quạt bánh đến đó.

Nhưng cực nhất vẫn là những hôm thời tiết thất thường, “sáng nắng chiều mưa”, đang phơi bánh thì trời mưa, bánh không khô, bà  đành phải đổ bột cho lợn ăn. “Lúc đó thì mất cả vốn luôn chứ làm gì có lãi. Mưa đã mệt mà nắng cũng nhọc lắm. Nghề này mệt nhất là khâu quạt bánh. Mùa hè nóng như đổ lửa, mồ hôi ròng ròng vẫn phải ngồi trước bếp than quạt cả trăm cái bánh”, bà Hoa tâm sự với nghề của mình.

Tất cả các công đoạn làm bánh đều được người phụ nữ này làm cẩn trọng
 Tất cả các công đoạn làm bánh đều được người phụ nữ này làm cẩn trọng

Thấm thoắt, đến nay đã hơn 40 năm, nghề làm bánh đa không chỉ giúp bà nuôi sống bản thân mà còn để bà khẳng định mình, vượt lên số phận. Bà kể, ngày xưa gần như cả làng làm bánh, nhà nào cũng phơi bánh khắp sân nhưng vì làm bánh cực nhọc, thu nhập không cao nên người ta nghỉ dần. Hiện giờ, cả xã chỉ còn chục hộ làm nghề nữa thôi.

Khi được hỏi về thu nhập, bà Hoa cười trừ cho hay, mỗi ngày làm bánh rồi đem đi bán lãi chừng 100 - 150 nghìn đồng. Số tiền đó chỉ đủ cho bà sống tằn tiện qua ngày. Nhưng, những đồng tiền ấy phải đổi bằng những giọt mồ hôi nóng hổi đó chính là lòng tự trọng và cả niềm tự hào nho nhỏ của bà.

Hơn 40 năm qua, không quản nắng mưa, nóng lạnh hàng ngày bà Hoa vẫn cặm cụi ngồi quạt than và rong ruổi trên chiếc xe lăn, đi giao bánh khắp các vùng. Không chỉ góp phần giữ nghề truyền thống của quê hương Xuân Đan, những chiếc bánh đa còn giúp bà Hoa tự nuôi sống bản thân, tự khẳng định mình.

Sản phẩm làm ra được bà đi giao cho khách bằng chiếc xe ba bánh dành cho người khuyết tật
  Sản phẩm làm ra được bà đi giao cho khách bằng chiếc xe ba bánh dành cho người khuyết tật

Nghị lực của bà được bà con nơi đây cảm phục. Một người hàng xóm chia sẻ: Dù đôi chân bị tàn tật, phải di chuyển bằng hai tay nhưng chị Hoa luôn tự nuôi sống bản thân, chứ không chờ đợi sự thương hại của người khác. Sự nỗ lực, vượt lên nghịch cảnh của chị khiến mọi người yêu quý và cảm phục!

Ngồi cần mẫn xếp những gói bánh lên xe để chuẩn bị đi giao cho khách, bà Hoa nói, bây giờ tuổi càng ngày càng nhiều, sức khỏe ngày càng yếu đi. Không biết còn làm được bao lâu nữa, nhưng nếu vẫn còn ngồi quạt bánh được thì tôi vẫn sẽ làm những chiếc bánh đa thơm ngon đưa đến với khách hàng.

Trưa muộn, khi những cơn gió se lạnh bắt đầu đổ về mảnh đất Nghệ Tĩnh thì bà Trần Thị Hoa vẫn đều đặn với công việc của mình. Tinh thần vượt khó và lòng tự trọng của bà là tấm gương cho những người đồng cảnh ngộ, sống cuộc đời “tàn nhưng không phế”...

Đọc thêm