Người thợ cuối cùng còn đỏ lửa quai búa ở phố Lò Rèn

(PLVN) - Trên con phố Lò Rèn nổi tiếng của đất Hà Thành giờ đây vẫn bày bán hàng trăm loại sản phẩm cơ khí, sắt, thép, inox… tuy nhiên lại thiếu đi những tiếng rộn rã của những lò rèn xưa. Duy chỉ có lò rèn thủ công của ông Hùng vẫn ngày đêm đỏ lửa quai búa, miệt mài giữ lại những tinh túy của nghề đã từng một thời làm rộn rã phố cổ Hà Nội.
Lò rèn của gia đình ông Nguyễn Phương Hùng suốt 3 đời vẫn luôn đỏ lửa (Ảnh: Zing.vn)
Lò rèn của gia đình ông Nguyễn Phương Hùng suốt 3 đời vẫn luôn đỏ lửa (Ảnh: Zing.vn)

Gần 30 năm đỏ lửa quai búa

Trong không gian nhỏ hẹp 3m2 tại ngôi nhà số 26 (phố Lò Rèn, TP Hà Nội) đều đặn hàng ngày ông Nguyễn Phương Hùng (60 tuổi) vẫn giữ cho chiếc lò rèn thủ công của gia đình đỏ lửa. Cả con phố nghề truyền thống nay chỉ còn duy nhất cửa hàng của ông Hùng làm ra những chiếc búa, liềm, dao, kéo bên lò than rực lửa.

Vừa nhanh tay cho than vào lò, ông Hùng vừa kể về thời hoàng kim của phố Lò Rèn. Từ ngày ông Hùng sinh ra, quanh năm suốt tháng ở khắp mọi ngõ ngách của con phố cổ Hà Nội này luôn rộn rã tiếng búa, tiếng đe. Con phố Lò Rèn ngày đó dù chỉ dài khoảng 200 mét, nhà nào cũng sở hữu từ một đến ba bễ lò, hoạt động suốt ngày đêm…Thế rồi, lâu dần, cuộc sống hiện đại giúp cho người thợ lò rèn không phải sớm tối nóng nực, chân tay đầy vết lấm lem vì xuất hiện nhiều máy móc, công nghệ tân tiến. 

Nhiều gia đình trong phố đầu tư mua hẳn máy khoan cắt nhôm kính, máy làm inox… để phục vụ cho nghề rèn. Sự tiện lợi, nhanh chóng và cho ra nhiều sản phẩm trong thời gian ngắn dù chất lượng nhiều đồ vật không bằng thủ công, nhưng chỉ như thế cũng đủ khiến nghề rèn thủ công lép vế. Con phố vơi dần những lò rèn thủ công. 

Cửa hàng chưa đầy 3m2 của ông Nguyễn Phương Hùng trên phố Lò Rèn là nơi duy nhất còn gìn giữ nghề rèn thủ công tại phố cổ (Ảnh: Người đưa tin).
Cửa hàng chưa đầy 3m2 của ông Nguyễn Phương Hùng trên phố Lò Rèn là nơi duy nhất còn gìn giữ nghề rèn thủ công tại phố cổ (Ảnh: Người đưa tin).  

Bản thân ông Hùng sinh ra trong một gia đình có đến 3 đời làm thợ rèn. “Ông nội tôi là người “gánh” nghề nặng nhọc này từ làng rèn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ra lập nghiệp ở phố Lò Rèn. Bởi vậy mà cửa hàng này có từ thời ông nội truyền lại cho bố tôi và giờ là tôi tiếp quản”, ông Hùng cho biết.

Ngay từ năm 10 tuổi, ông Hùng đã được bố hướng cho theo nghề làm rèn “vì lúc ấy ông cụ muốn con cái làm nghề sớm cho cứng”. Gia đình nhà ông Hùng xưa chủ yếu làm các loại máy làm mì, miến, một số bộ phận của máy rang bỏng của Trung Quốc. “Bố tôi nhờ cái bễ rèn này mà nuôi bảy người con ăn học đàng hoàng”, ông Hùng chia sẻ. 

Dù vậy, khi trở thành một thanh niên trai tráng, ông Hùng không có ý định sẽ theo nghề của gia đình bởi những nhọc nhằn của nghề mà ngay từ nhỏ ông đã được chứng kiến. Hết phổ thông, ông học cơ khí rồi làm ở một xưởng sửa chữa ô- tô. Năm ông Hùng 36 tuổi, trước khi ra đi, bố ông bày tỏ nguyện vọng muốn ông giữ gìn nghề truyền thống cho phố Lò Rèn. Từ đó, ông Hùng quyết định tiếp quản lò rèn gia đình, hoàn thành tâm nguyện của bố. 

Nói về cái nghề cầm đe, cầm búa lúc nào cũng lấm lem, mùa hè thì nóng nực, bức bối, mùa đông dù đỡ hơn nhưng lại khô da nứt nẻ. Ông Hùng trải lòng: “Đời tôi còn ngồi đây thì còn tâm huyết với nghề. Không được để nghề mai một, để phố vẫn còn đúng tên tuổi, phố Lò Rèn”. 

Quai búa là một nghệ thuật

Gần 20 năm gắn bó với nghề, không phải ngẫu nhiên hay chỉ với lòng yêu nghề mà ông Hùng có thể gìn giữ cho bếp rèn của gia đình luôn rực lửa. Ông Hùng nổi tiếng khắp phố nhờ những sản phẩm chất lượng. Nhiều người nghĩ nghề rèn chỉ đòi hỏi sức khỏe, tinh thần thép nhưng chưa hẳn bởi theo ông Hùng “cầm búa là một nghệ thuật”.

Muốn trở thành một người thợ rèn thạo nghề cần phải có sự khéo léo, tỉ mỉ để từng động tác phải thật sự thanh thoát và có độ chính xác cao. Đòi hỏi cao hơn là phải biết tùy vào thời tiết, “căn” nhiệt độ nhằm xác định thời gian tôi trong bễ là bao lâu để ra sản phẩm đạt chất lượng nhất. Những điều đó không thể học được trong ngày một, ngày hai mà cần một khoảng thời gian dài nhất định tích lũy. Ở lò rèn của mình ông Hùng vừa là thợ cả, vừa là thợ phụ. 

“Cầm búa là một nghệ thuật”, ông Nguyễn Phương Hùng chia sẻ về nghề rèn truyền thống. (Ảnh: Dân trí).
“Cầm búa là một nghệ thuật”, ông Nguyễn Phương Hùng chia sẻ về nghề rèn truyền thống. (Ảnh: Dân trí).  

Ông Hùng trước đây dù có thuê nhiều thợ học việc nhưng cũng chỉ được mấy ngày sau họ lại xin nghỉ, không theo nổi. “Thuê người thợ rất khó, thuê rồi nhưng cũng không thành công. Lớp trẻ giờ không ai muốn nối cái nghề này nữa rồi, họ chóng chán chóng bỏ”.  

Ông Hùng cho biết, người thợ cả là linh hồn của lò rèn, vừa có tính kiên nhẫn vừa khéo tay. Để có một sản phẩm ra đời, từ miếng phôi thép, phải trải qua nhiều công đoạn, như nung đỏ, đưa lên đe đập, đàn… để dần thành hình dạng của sản phẩm, rồi mài giũa, trui… Các lò rèn thường sử dụng nhiếp xe hoặc mảnh vỏ đạn 105 ly để làm phôi rèn.

Từ miếng sắt thép bất kể kích thước, người thợ cả có thể tính ra rèn được những sản phẩm nào, từ đó chặt ra những miếng phôi vừa với khối lượng mà sản phẩm cần. Sau khi phôi được nung đỏ, thợ cả dùng kềm gắp đưa lên đe để thợ phụ quai búa đập. Những nhát búa mạnh mẽ, đều đặn, dứt khoát và đúng đích liên tục giáng xuống, dịch chuyển và trở qua, trở lại miếng phôi trên đe… Vậy là từ một miếng phôi thép, qua nhiều lần nung đỏ và đập, đàn, đã trở thành một sản phẩm cần thiết phục vụ quá trình lao động của con người. 

Trước khi hoàn chỉnh một sản phẩm, phải qua khâu mài, giũa. Đây là khâu làm đẹp cho sản phẩm dưới bàn tay người thợ. Ngày trước, tất cả các khâu đều làm thủ công, cho nên mài là bằng đá mài và giũa thì bằng giũa bản. Sau cùng là đưa vào lò trui (nung cao tần) trước khi xuất xưởng. Cái tài của người thợ là trui cỡ nào thì vừa, không già hoặc không non lửa. Nếu già lửa thì khi sử dụng lưỡi sẽ giòn, dễ bị mẻ. Còn non lửa thì lưỡi bị mềm, mau hỏng. 

Công đoạn thổi bể lò rèn cũng đòi hỏi kỹ thuật khó và phải trải qua thời gian dài tập luyện thì mới nắm được “trái tim” của bể lò rèn. Ống bể là nguồn cấp không khí cho lò đượm lửa. Khi cần tăng nhiệt độ nung thỏi phôi thép, thì hai tay cầm hai cây thụt ống bể phải làm việc liên tục. Nhưng quan trọng là thụt thế nào để ngọn lửa lò không phập phù mà lên thật đều. 

Bình thường sẽ không có quy tắc nào khi làm ra một sản phẩm cuối cùng, làm rồi quen bàn tay người thợ như người nghệ sĩ vẽ bức họa hoàn chỉnh công phu tự lúc nào. Ở cửa hàng số 26 Lò Rèn, người thợ cả một ngày làm không hết việc, có vật dụng làm hết 5 phút nhưng cũng có những thứ công phu hơn kéo dài tới 3 tiếng. Những hôm trời Hà Nội đổ lửa, hầm hập 400C như muốn cắt da cắt thịt, bác vẫn ngồi đó, bên cái bể lò rèn. 

“Nguyên tắc người thợ không có hai từ khó khăn, không bao giờ được tự nghĩ mình nhem nhuốc, không được mặc cảm mà phải thực sự yêu thích. Có khó mới thành công được, mình yêu nghề thì nghề không phụ mình”.

Hiện lò rèn của ông Hùng chủ yếu chỉ tôi lại các mũi khoan.
Hiện lò rèn của ông Hùng chủ yếu chỉ tôi lại các mũi khoan.  

Dù nổi tiếng khắp phố Lò Rèn về tay nghề được nhiều người khách tìm đến nhưng ông Hùng vẫn nói rằng: “Về nghề, tôi không giỏi bằng ông cụ nhà tôi. Ông cụ nhà tôi khi xưa rèn con dao, cái kéo, hình dáng mộc mạc, không bóng đẹp như bây giờ. Nhưng con dao ấy chặt xương là chặt xương, pha thịt là pha thịt, tốt cực kỳ. Tôi làm dao đẹp hơn, nhưng không sắc được như thế. Đó cũng có thể gọi là lụt nghề đấy. Là vì hồi xưa tôi không chịu học nghề rèn”. 

Thực ra, cái gọi là kỹ năng thợ rèn của ông đã thui chột dần vì sự loại bỏ của thị trường. Những hàng rào, hoa văn, cửa ra vào, cửa sổ sắt uốn, giờ thẳng đuột, hoặc được đúc bằng gang. Người ta thích inox, sáng loáng và kín bưng. Ông Hùng đã cả chục năm nay không còn uốn hoa sắt. Trước ông làm nhiều nhất là móc treo quạt trần, giờ nhà nào cũng điều hòa, thì rèn mũi đục là hàng chủ lực.

Thợ khoan phá bê - tông từ khắp Hà Nội tìm đến ông để rèn và tôi lại những mũi đục mòn vẹt, hoặc cong vênh. Một thợ phá bêtông lặn lội đến, nhận về 10 mũi đục và đặt rèn 10 mũi đục khác, cho rằng ông Hùng có bí quyết trong công nghệ nước tôi. Đó chỉ đơn giản là dầu nhớt xe máy ôtô thải, nhưng được pha một lượng muối nhất định.

Một mũi đục nếu của Nhật thì có giá bán trên thị trường là 300 nghìn đồng, của Tàu thì chỉ 50 nghìn đồng. Những mũi khoan của Tàu không được tôi cho nên chóng cùn. Để rèn được một mũi đục cần trải qua 4 giai đoạn. Bước đầu là nhóm lửa, đổ than vào cho cháy rực lên. Khi than đã đỏ hồng, ông bỏ mũi đục vào nung. Đợi mũi đục đến nhiệt độ vừa đủ, ông dùng chiếc kẹp chuyên dụng lấy ra, đặt lên đe và bắt đầu quai búa. Đập tầm chục nhát rồi cho vào nung tiếp rồi lại đập, đến khi ông thấy đã đủ độ rắn chắc của mũi đục thì đem nhúng vào thùng dầu tôi. 

Người ta mang đến được ông Hùng tôi lại thì cứng cáp hơn, lâu cùn hơn. Bởi vậy, thợ khắp Hà Nội đều thích và tìm đến ông. Các ông thợ truyền tai nhau ông Hùng có bí quyết nước tôi. Ông bảo đó chỉ đơn giản là dầu nhớt xe máy, ô tô thải ra, được pha với một lượng muối nhất định. 

“Cứ 10 nghìn đồng một mũi đục, ngày tôi làm trăm cái, có một triệu về đưa vợ, đều như vắt chanh!”, ông Hùng cười to nói. Vợ ông, một cán bộ ngành y, trước đây không hài lòng vì “tưởng giai phố thế nào, hóa ra suốt ngày quai búa, người ngợm tay chân đen xì bụi than”. Nhưng họ mua nhà cửa, dựng vợ gả chồng cho con cái, đều từ tiền công thợ rèn mà ông Hùng kiếm ra.

Nỗi niềm của người yêu nghề

Ông Hùng có hai người con một trai và một gái. Con trai cả của ông Hùng, một kỹ sư tốt nghiệp ĐH Bách khoa, giờ làm chủ thầu xây dựng. Cô con gái thứ hai làm kế toán cho một công ty Nhật Bản. Nghề rèn ba đời của nhà ông Hùng, vì thế chắc chắn sẽ thất truyền, thời gian còn lại tính bằng năm. 

Trong tâm trí một người thợ chân chính, họ luôn ao ước sau này những đứa con của mình có thể giữ lại phần nào đó vốn tinh hoa phố nội. Tuy nhiên đã là nghề thủ công thì mai một là quy luật tất yếu. Có bữa anh con trai hỏi: “Bố ơi bố làm nghề này làm gì, làm sửa chữa lái xe không phải oai hơn ạ?”, ông Hùng chỉ cười. Không mấy ai hiểu được, dù nghề rèn quanh năm suốt tháng đã giúp ông cảm thấy yêu đời lắm và đầy khỏe khoắn, không phải bon chen quá nhiều mà cuộc sống. 

Dù lắm khi gia đình có phản đối và mong muốn lấy vị trí đắc địa này mở cửa hàng buôn bán, tư cách người thợ cả không chấp nhận điều này. “Ngày nào còn ngồi đây bác vẫn sẽ tâm huyết, đời con bác không theo thì cũng không phản đối được. Đến nay đã hơn chục năm rồi, từ yêu đã lên một cấp độ tình cảm nào đó không nói lên lời nên bỏ nghề lưng chừng thì thấy có lỗi lắm”. 

Ông Hùng buồn vì chưa thể tìm được người nối dõi nghề rèn nhưng bản thân ông cũng nhìn thấy được tương lai nghề rèn có thể sẽ bị khai tử. “Mình không thể kéo được cả đoàn tàu... nên bây giờ còn sống được ngày nào thì vẫn cứ yêu và dành cả tâm lực cho nó đến ngày đó thôi”. 

Lò rèn của ông Hùng giờ đây vẫn tấp nập khách ra vào. Phần lớn trong số họ là những người lớn tuổi. Một khách hàng của ông chia sẻ: “Chẳng có máy móc nào có thể thay thế được bàn tay con người, nhất là với những công việc cần đến sự khéo léo, tỉ mỉ như nghề rèn. Cũng vì thế, hơn mười năm nay, khi cần mua sắm hay sửa đồ sắt gia dụng như mũi khoan, kéo, đinh… tôi luôn tìm đến xưởng rèn của ông Hùng. Bây giờ còn có lò rèn của ông Hùng, nhưng ít năm nữa, khi muốn sửa đồ sắt, tôi chẳng biết tìm đến ai. Ðây là lò rèn cuối cùng rồi, mà chẳng hề thấy ông Hùng truyền nghề cho ai cả, kể cũng thật tiếc”. 

Lịch sử về phố Lò Rèn

Địa chỉ số 1 phố Lò Rèn (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày nay, toạ lạc ngôi đình Lò Rèn. Khu vực này, đầu thế kỷ XIX, là đất thôn Tân Khai, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương. Vào thế kỷ XVI, đây là phần đất mở rộng của khu phố cổ ở Thăng Long thời Lê. Đình Lò Rèn do dân làng làm nghề thợ rèn lập nên để thờ Tổ nghề rèn sắt.

Theo truyền tụng, thời Hùng Vương, ở vùng châu thổ sông Hồng có người họ Lỗ tên Cao Sơn, thông minh tuấn tú, giỏi võ nghệ lại ham thích các việc thủ công. Biết người Thục giỏi nghề rèn sắt, ông tìm đường sang học được các bí truyền của nghề đó, về nước còn cải tiến thêm khiến nghề rèn không thua kém nghề rèn của họ rồi đem dạy cho mọi người. Nước Nam có nghề rèn là do ông, nên sau khi ông qua đời, người người làm nghề rèn tôn ông làm Tổ sư.

Trong lịch sử phát triển của Kinh thành Thăng Long (Thành phố Hà Nội ngày nay) thì sự phát triển của “36 phố phường” có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Như trong sách Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn đã viết: “Thời nhà Lý mới đóng đô ở Thăng Long, người bốn phương đã lũ lượt kéo đến, tụ họp, buôn bán...”. Diễn biến lịch sử cụ thể cho thấy, sau cải cách của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), thế kỷ XVI và XVII, nền kinh tế của đất nước đã có bước phát triển lớn và bền vững, đặc biệt là nền kinh tế hàng hoá.

Trong đó, nghề rèn sắt di chuyển vào Thăng Long gồm hai nhóm chính: một nhóm khá đông đảo đã đến lập nghiệp ở khu vực Tân Khai – Tân Lập, còn nhóm kia thì kéo đến khu vực gần cửa Nam, sau này là phố Sinh Từ. Nhiều năm sau, nghề rèn phát đạt, mở rộng thêm, một số thợ đã đến Kim Mã, Hàng Bột, Ô Cầu Dền... Một lượng thợ rèn từ Hoè Thị đã đến Tân Khai – Tân Lập để định cư, hành nghề, sau có thêm một số thợ các làng khác như Đa Sĩ, Đa Hội cũng đến đây, khiến vùng Tân Khai – Tân Lập có một hình ảnh điển hình là những bễ lò rèn và sản phẩm chính bày rất nhiều trước nhà.

Do vậy mà đầu thế kỷ XIX xuất hiện phố Hàng Bừa. Đến cuối thế kỷ XIX, người Pháp mở mang phố xá, nguyên vật liệu bằng sắt rất thông dụng, suốt dãy phố nhà nào cũng có bễ lò rèn phì phò hoạt động. Từ đấy xuất hiện tên phố Lò Rèn. Lúc phát triển nhất, thợ rèn ở Nam Định, Thanh Hoá cũng đến lập nghiệp ở phố Lò Rèn, có gần trăm bễ lò hoạt động, trong đó quá nửa là lò rèn của người gốc Hoè Thị. 

Đọc thêm