"Nhạn trắng Gò Công" xúc động khi nhạc bolero trở lại như một “cơn sóng thần”

(PLVN) - “Tôi như sống lại không khí những năm 1960. Tôi không ngờ dòng nhạc bolero trở lại như một “cơn sóng thần”. Dù đứng sân khấu hay ngồi ghế nóng nghe thí sinh hát, tôi mường tượng hình ảnh bản thân ngày xưa. Tôi xúc động vì qua bao năm họ nhớ những bài hát tôi thể hiện. Đi đâu, khán giả cũng nhắc nhớ những kỷ niệm xưa”, danh ca Phương Dung tâm sự. 
Ở tuổi 74, danh ca Phương Dung vẫn miệt mài làm show từ thiện.
Ở tuổi 74, danh ca Phương Dung vẫn miệt mài làm show từ thiện.

Có một “Nhạn trắng Gò Công”

Nếu kể đến những giọng ca huyền thoại đã đi vào lịch sử tân nhạc Việt Nam, chắc chắn không thể thiếu danh ca Phương Dung (SN 1946). Chất giọng cao và lảnh lót của bà được giới thiệu đến công chúng từ cuối thập niên 50, khi Phương Dung còn là một cô bé 13, 14 tuổi.

Trong một chương trình truyền hình, danh ca Phương Dung cho biết, cố nhạc sĩ Mạnh Phát là ân nhân lớn nhất trong cuộc đời ca hát của bà. Bà rất có phước khi gặp được người thương mến và sáng tác cho mình những ca khúc hay để đi vào trái tim của những người yêu nhạc. “Nếu thật sự có kiếp lai sinh, tôi muốn làm con của nhạc sĩ Mạnh Phát để đáp trả lại ân tình của ông”, nữ danh ca bộc bạch.

Theo danh ca Phương Dung, trong những ca khúc bà thể hiện thì sáng tác của nhạc sĩ Mạnh Phát là phù hợp với chất giọng của bà nhất. Bởi ông đã “đo ni đóng giày”, nương theo chất giọng của bà, từ đó cho ra đời những nhạc phẩm bất hủ như:“Nỗi buồn gác trọ”, “Qua xóm nhỏ”, “Nhớ mùa hoa tím”, “Hoa nở về đêm”, “Sương lạnh chiều đông”, “Phố vắng em rồi”…

Danh ca Phương Dung thời trẻ.
Danh ca Phương Dung thời trẻ. 

Chia sẻ về cơ duyên gặp gỡ nhạc sĩ Mạnh Phát, danh ca Phương Dung cho biết, bà mang ơn nhạc sĩ Huỳnh Anh khi ông là người giới thiệu và gửi gắm cho nhạc sĩ Mạnh Phát khi bà mới 14 tuổi. Bà nhớ như in lời nói của nhạc sĩ Huỳnh Anh: “Có một con bé còn rất nhỏ tuổi nhưng giọng hát và nội lực rất tốt. Anh có bài nào đưa cho nó, giúp nó được hay không?”.

Từ đó, nhạc sĩ Mạnh Phát giao rất nhiều ca khúc và đích thân ông đến nhà tập bà hát sao cho thật hay. Vào năm 1962, khi nhạc phẩm “Nỗi buồn gác trọ” ra đời thì tên tuổi Phương Dung thật sự vụt sáng, nhất là khi nhạc phẩm này được đưa vào cuốn phim “Saigon By Night”. Công chúng đón nhận ca khúc rất nhiệt liệt. Người ta đã bán được rất nhiều tờ in lời bài hát này. 

Sau thành công của “Nỗi buồn gác trọ” và “Sương lạnh chiều đông”, Phương Dung được ký giả, soạn giả Kiên Giang, nghệ danh Hà Huy Hà ưu ái viết bài báo, tặng cho bà biệt danh “Nhạn trắng Gò Công”.

Ý nghĩa của biệt danh này một phần bắt nguồn từ việc bà thường xuyên trình diễn trong tà áo dài trắng tinh khôi. Nữ danh ca cho biết, đó là vinh hạnh lớn của bà, bởi từ trước đến nay không có nghệ sĩ nào được sở hữu biệt danh gắn liền với quê hương, nơi mình sinh ra.

Ở tuổi 74, nữ danh ca vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mà, sang trọng từ ngoại hình đến giọng hát và niềm đam mê.
Ở tuổi 74, nữ danh ca vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mà, sang trọng từ ngoại hình đến giọng hát và niềm đam mê. 

Vào đầu thập niên 60, Phương Dung nhận được bức thư vô cùng quan trọng gửi từ cô Sáu Lê Ngọc Liên - chủ hãng đĩa Việt Nam, mời thu đĩa nhạc qua lời giới thiệu của nhạc sĩ Mạnh Phát và Huỳnh Anh. Cầm bức thư, nữ nghệ sĩ mừng như trúng số độc đắc. Bà rưng rưng nói với mẹ: “Mẹ ơi, con thành công rồi. Thu đĩa là cả một cơ hội vàng mà những người đi hát không phải ai cũng có”.

Danh ca Phương Dung cho biết, từ đầu mẹ bà không hề nghiêm cấm, ngăn cản con gái theo đuổi nghệ thuật. Duy chỉ có một lời răn dạy của mẹ mà bà luôn khắc sâu trong lòng: “Có tài thì rất quý nhưng có đức thì càng quý hơn. Con đừng bao giờ lạm dụng hay phụ lòng những người giúp đỡ mình”.

“Bolero trở lại như một “cơn sóng thần”

Vào cuối thập niên 60, khi đang ở trên đỉnh cao thìdanh ca Phương Dung lập gia đình và sang Úc định cư vào năm 1974. Vợ chồng nữ danh ca sống rất yên ấm, bà luôn tự hào khi nói về mái ấm gia đình. Nữ nghệ sĩ nguyện chỉ yêu một người, sống với người đó đến trọn đời.

Vợ chồng nữ danh ca có với nhau 8 người con và chưa bao giờ xảy ra xung đột, cãi vã đến độ không thể hàn gắn. Dù nhiều sở thích khác nhau nhưng khi lập gia đình cả hai luôn lùi một bước để nhường nhịn nhau. 

Nữ danh ca tiết lộ, lập gia đình hay theo đuổi âm nhạc, đã quyết định thì phải đi đến cùng, sống chết với nó dù khó khăn, gian nan. Bởi hạnh phúc gia đình không như một bài thơ, được trải gấm hoa, có những khó khăn thăng trầm mà người phụ nữ thường đứng phía sau cổ vũ sự thành công của chồng.

“Mỗi khi vợ chồng giận nhau, tôi không nói chuyện. Ông ấy liền gọi bạn đến nhà họp mặt, tôi sẽ vui vẻ tiếp chuyện quên luôn cơn giận. Nhiều khi tôi cảm thấy bị ông ấy “gài” nhưng trên hết ông ấy hiểu tính tôi, dù giận hờn nhưng phải giữ thể diện cho chồng”, nữ danh ca chia sẻ.

Tuy nhiên, tháng 8/2017, chồng danh ca Phương Dung ra đi trong sự tiếc nuối. Bà khẳng định sự ra đi của ông là khoảng trống khó lấp đầy.

“Chồng là tình đầu cũng là tình cuối của tôi. Ban đầu khi ông mới mất, tôi rất buồn, nhưng sau tôi hiểu rằng, cuộc đời không có gì là mãi mãi. Ông đi cũng là bởi duyên số vợ chồng của chúng tôi chỉ đến vậy, đó cũng là cái phước, để ông trở về với cõi vĩnh hằng. Dù giờ không còn gặp nhau nữa nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận được ông ở bên, động viên và giúp đỡ tôi trong cuộc sống. Tôi cũng đã quen với cuộc sống một mình khi về già và vơi đi nỗi buồn mất chồng. Tôi tìm niềm vui bằng việc đi làm từ thiện, đi hát để gặp gỡ khán giả yêu thương của mình”, danh ca Phương Dung tâm sự.

Sau khi người chồng qua đời, danh ca Phương Dung quyết định quay trở về Việt Nam. Sau khi về nước, Phương Dung cùng một số tên tuổi như: Thái Châu, Giao Linh, Thanh Tuyền, Bảo Yến, Đông Đào… lần lượt trở thành giám khảo của nhiều cuộc thi bolero rộ lên trong những năm gần đây như:“Tình bolero”, “Solo cùng bolero”, “Kịch cùng bolero”, “Hãy nghe tôi hát”, “Người kể chuyện tình”…

“Tôi được người bạn thân thập niên 1960 là danh ca Hoàng Oanh khuyên đi hát trở lại. Cô ấy nói khán giả của chúng ta lớn tuổi, mất đi từ từ, không có trẻ hoài đâu. Phương Dung muốn gặp lại những khán giả từng làm nên sự vinh quang cho “Nhạn trắng Gò Công”, danh ca Phương Dung chia sẻ.

Sau nhiều năm sống ở nước ngoài, khi về nước, danh ca Phương Dung không ngờ bolero lại có sự trở lại mạnh mẽ như “sóng thần”. “Tôi như sống lại không khí những năm 1960. Tôi không ngờ dòng nhạc bolero trở lại như một “cơn sóng thần”. Dù đứng sân khấu hay ngồi ghế nóng nghe thí sinh hát, tôi mường tượng hình ảnh bản thân ngày xưa. Tôi xúc động vì qua bao năm họ nhớ những bài hát tôi thể hiện. Đi đâu, khán giả cũng nhắc nhớ những kỷ niệm xưa”, nữ danh ca tâm sự. 

Danh ca Phương Dung cho biết,8 người con của bà ai cũng thành đạt, tốt nghiệp nhiều trường đại học lớn ở nước ngoài. Tuy nhiên, cả 8 người không ai theo nghệ thuật, dù người con gái út là Phương Vy hát rất hay. 

“Con gái út của tôi có giọng hát bolero rất hay, không thua gì mẹ. Trước đây con gái tôi từng hát cho một trung tâm ca nhạc ở hải ngoại, tuy nhiên sau này không theo nghiệp hát. Nó bảo không nỡ bỏ cả gia đình, con nhỏ để chạy show”, danh ca Phương Dung nói.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, danh ca Phương Dung cho biết, bà đang sống trong một căn hộ rộng 120m2 cùng người làm. Các con bà cũng thường xuyên về nước thăm mẹ. Mỗi năm, bà cũng dành 2 tháng sang nước ngoài du lịch và thăm con. Đồng thời, bà cũng tích cực đi diễn, đặc biệt là hát ở các chùa vào những dịp đặc biệt. 

“Ở tuổi này, tôi đi hát để tìm niềm vui chứ không đặt nặng cátsê. Có những ngày rằm tôi chạy 6 show một tối, từ 17hđến 23h30. Đó là tôi còn từ chối 2 show đấy. Mỗi nơi tôi đều hát 3 bài”, danh ca Phương Dung chia sẻ.

Đọc thêm