Nhìn từ thị trấn “không rác thải” tại Nhật Bản: Báo động về ý thức vứt rác của người Việt

(PLVN) - Thị trấn Kamikatsu, tỉnh Tokushima (Nhật Bản) là nơi đầu tiên ở Nhật Bản ban hành chính sách “Không rác thải”. Cư dân thị trấn phân loại rác thành 45 loại, xếp vào 13 nhóm rác, để dễ quản lý và tái chế. Từ năm 2016, 81% rác thải trong thị trấn được tái chế. Nhờ lối sống xanh, địa phương này đã trở thành cộng đồng không rác đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 2020. 
Một khu để rác công cộng rạch bóng tinh tươm tại Nhật
Một khu để rác công cộng rạch bóng tinh tươm tại Nhật

Nhật Bản tổn thương … vì rác thải, đốt rác

Không có những toà nhà lớn, thị trấn Kamikatsu có khoảng 85% diện tích là núi rừng, với khoảng 800 hộ gia đình và 1580 cư dân sinh sống (theo thống kê năm 2018 của trang Nippon.com). Với đặc điểm địa hình như vậy, có khoảng 55 ấp dân cư rải rác ở các vị trí địa lý khác nhau dọc theo đường núi, độ cao từ 100 đến 800 mét. Có thể thấy, việc xe chở rác di chuyển hàng ngày đến từng nhà trong phạm vi thị trấn này là một điều khó khăn, tốn kém.

Năm 2003, Kamikatsu đưa ra Chính sách Không rác thải và đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn rác thải trong thị trấn này vào năm 2020 mà không cần dùng đến các lò đốt rác hay các bãi rác.  Đây không phải là một chính sách không tưởng – đó là ý kiến của bà Sakano Akira – chủ tịch Học viện Xử lý chất thải tại Kamikatsu (một tổ chức phi lợi nhuận ở Kamikatsu). Tổ chức này đã chủ động đẩy mạnh phổ biến và phối hợp với người dân thực hiện tốt các quy trình tự phân loại, xử lý và tái chế rác thải nhằm hướng tới một thị trấn xanh thực sự.

Trên thực tế, lối sống này đã xuất hiện ở Nhật Bản từ những năm 1950 khi đất nước này định hướng tái chế rác thải trên phạm vi toàn quốc. Theo thống kê, lượng rác thải được tái chế trong thời điểm này nhiều hơn so với lượng rác thải được người dân nước này tái chế hiện nay. 

Hộp phân loại rác tại các Trạm rác thải ở Kamikatsu
 Hộp phân loại rác tại các Trạm rác thải ở Kamikatsu

Có nhiều nguyên nhân khiến xuất hiện nhiều nhà máy cùng một lượng lớn rác thải công nghiệp; quá trình đô thị hoá khiến rác thải của các hộ gia đình tăng mạnh. Do đó, việc tái chế trở nên mất thời gian và tốn kém hơn so với việc tiêu huỷ phần lớn số rác thải hàng ngày ở các đô thị, trung tâm lớn. Báo cáo hàng năm của Bộ Môi trường Nhật Bản Xử lý chất thải tại Nhật Bản: Năm 1960 tổng lượng chất thải ở Nhật rơi vào khoảng 8,9 triệu tấn nhưng đến năm 2016 là 43,2 triệu tấn. 

Để xử lý tất cả các chất thải này, các đô thị lớn nhỏ trên khắp Nhật Bản đã đầu tư một số tiền lớn từ thuế vào việc xây dựng lò đốt rác – một quyết định kịp thời với nhu cầu xử lý rác thải ngày càng gia tăng tại đất nước này. Tuy nhiên, nhiều địa phương ít kinh tế hơn đã lựa chọn cách đốt chất thải ngoài trờ để xử lý rác. Rõ ràng, ô nhiễm môi trường là hậu quả nhãn tiền. 

Nhận thấy đất nước Nhật Bản đang “tổn thương” vì rác thải mà giải pháp đốt rác chỉ giải quyết được vấn đề bề mặt, từ năm 1990, chính quyền thị trấn Kamikatsu đã ban hành những chính sách nghiêm ngặt trong việc quản lý và tái chế rác thải. Đến nay, trạm xử lý chất thải Hibigaya ở Kamikatsu đã trở thành biểu tượng của chiến dịch “Kamikatsu không rác thải”. Trạm Hibigaya đã từng là một lò đốt rác ngoài trời được “cải biên lại” thành một trạm trung chuyển xử lý và tái chế rác. Tất cả biển báo và đồ đạc ở đây đều được làm từ vật liệu tái chế. 

Bước đầu tiên: tự xử lý rác sinh hoạt

Năm 1995, chính quyền địa phương ở Kamikatsu đã hỗ trợ tài chính cho cư dân của mình mua các bộ xử lý rác cơ bản tại nhà – một chính sách rất mới mẻ tại thời điểm này. Với chi phí đã hỗ trợ rơi vào khoảng 10.000 yên nhật  (khoảng 200.000 VND), 97% hộ dân cư ở thị trấn đã được trang bị bộ xử lý rác thải cơ bản, nâng cao khả năng tự xử lý rác thải ở mỗi hộ gia đình. Như vậy, sẽ không có các xe chở rác ở Kamikatsu. Người dân cũng được hướng dẫn cách ủ một số loại rác thay vì đốt rác. Năm 1997, khi Chính phủ ban hành Đạo luật tái chế thùng, hộp, lon, bao bì đóng gói thì thị trấn này đã bắt đầu thu gom các loại rác thải quy định trong luật này từ trực tiếp các nhà cung cấp để dễ quản lý quá trình tái chế. 

Trạm xử lý rác thải Hibigaya trông như một khu sinh thái xanh
Trạm xử lý rác thải Hibigaya trông như một khu sinh thái xanh 

Đến nay, Kamikatsu đã áp dụng phương pháp động viên người dân tự giao rác thải đến các trạm xử lý và tái chế trong khoảng thời gian từ 7:30 sáng đến 2:00 chiều mỗi ngày, trừ một sốt ngày nghỉ. Đáng nói, nhân viên tại các trạm nhiệt tình hỗ trợ người dân nếu gặp khó khăn trong việc phân loại rác thải. Nhiều người dân, thậm chí là người già, mong muốn được đến đây để nói chuyện và chia sẻ với cộng đồng về đủ mọi câu chuyện đời sống, chứ không chỉ xoay quanh vấn đề xử lý rác thải. 

Một số loại chất thải được tái chế và bán lại trên thị trường còn đem lại nguồn thu đáng kể với thị trấn này. Theo một thống kê năm 2018, việc bán chất thải tái chế như giấy tờ, kim loại… mang lại khoảng 2,5 – 3 triệu yên (khoảng 548 - 658 triệu đồng) hàng năm, giúp phần nào bù đắp chi phí xử lý chất thải ở Kamikatsu.

Năm 2016, Khảo sát của Bộ Môi trường Nhật Bản về tình trạng chất thải đã công bố tỷ lệ tái chế rác thải ở thị trấn Kamikatsu đạt 81%. Mặc dù đạt được con số cao như vậy, các lãnh đạo thị trấn và các tổ chức về môi trường vẫn trăn trở việc tái sử dụng nhiều hơn và giảm rác thải ít đi, loại bỏ hoàn toàn các lò đốt rác, bãi rác.

Đơn cử, năm 2017, Kamikatsu khởi động một dự án cung cấp tã vải và khăn ăn tới các hộ gia đình có trẻ sơ sinh trên địa bàn vào ngày đầy tháng của cháu bé. Nếu tã giấy chỉ dùng được một lần, phải đốt khi phân huỷ, tã vải có thể được giặt và tái sử dụng. Với những nỗ lực nghiêm túc không ngừng nghỉ của toàn thể cộng đồng nơi đây, thị trấn Kamikatsu đã được vinh danh là thị trấn không rác thải đầu tiên của Nhật Bản. 

Điều Việt Nam còn thiếu…

Tại Việt Nam, không lạ khi thấy hình ảnh người dân cãi nhau, thậm chí suýt đánh nhau chỉ vì mỗi việc để rác trước cửa nhà nhau. Hiện tượng này dù ở đô thị lớn hay ở vùng nông thôn hẻo lánh đều thấy được. Tuy nhiên, nếu ở các đô thị, có nhiều xe chở rác có thể hoạt động hàng ngày để thu gom rác thải thì ở các vùng nông thôn, số lượng xe chở rác thưa thớt hơn hẳn. Do vậy, khái niệm “đống rác tự phát” lại có phần phổ biến hơn. Rác được tập kết ở khắp nơi: trước cửa nhà, trên cầu, ven sông, ven đường, trong cống, trên mặt sông, trên đường… Nói chung là nơi nào mặt phẳng trống trải đều có tiềm năng trở thành “bãi rác công cộng”. 

Trong nhiều năm nay, do sự động viên, tuyên truyền và kiểm soát của một số chính quyền địa phương, người dân đã hình thành thói quen thu gom rác của gia đình và khu vực xung quanh, có khi còn nhắc nhở lẫn nhau phân loại và hạn chế rác thải nhựa. Chúng ta cũng thấy nhiều tổ chức phi lợi nhuận, tình nguyện viên sẵn sàng đi gom rác thải tại các khu vực công cộng để bảo vệ môi trường. 

Còn đây là những "bãi rác lộ thiên" gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam
 Còn đây là những "bãi rác lộ thiên" gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam

Nhưng chúng ta cũng thấy, khi các “bãi rác lộ thiên” ùn ứ, bốc mùi, gây ô nhiễm, người dân buộc phải trả tiền cho các dịch vụ thu gom rác. Để rồi một bất cập khác lại xảy ra. Nhận thấy tầm quan trọng của mình, nhiều dịch vụ thu gom rác biểu hiện chây ỳ, tăng giá tăng phí, đòi hỏi phụ thu vào các ngày lễ tết, nếu không sẽ cắt dịch vụ. Mà cách xử lý của các dịch vụ thu gom rác lại là đưa rác thải từ đống rác này sang một bãi rác khác. Hiện trạng này đã gây ra không ít bức xúc, căng thẳng giữa người dân và các dịch vụ thu gom, xử lý rác. 

Trong khi Việt Nam ngày càng nhận thức sâu và nỗ lực nghiêm túc hơn trong việc xử lý rác thải, thì phải chăng ý thức cộng đồng vẫn là điều rất nhiều người Việt còn thiếu, trong công tác dài hơi của cả cộng đồng về bảo vệ môi trường?

Đọc thêm