Nhóm lửa bên quả đạn, 9 người trong dòng họ bị thương

(PLVN) - “Mọi người đang quây quần giữa bếp lửa thì một tiếng nổ lớn phát ra khiến tro, bụi phủ mờ cả căn nhà. Vì bị thương nên tôi ôm con và lết được ra ngoài rồi ngất lịm lúc nào không hay. Khi tỉnh lại thì thấy bản thân ở bệnh viện và hay tin con gái đang nguy kịch. Giờ tôi chỉ mong có phép màu cho con được bình an, khỏe mạnh”, chị Y Thước cho biết.
Nhóm lửa bên quả đạn, 9 người trong dòng họ bị thương

9 người bị thương do nổ đạn pháo

Đã gần 1 tuần kể từ khi xảy ra sự việc nhưng gia đình ông A Đang vẫn chưa hết bàng hoàng. Sáng ngày 8/11, gia đình ông A Đang (ngụ làng Đắk Nớ, xã Đắk Nhoong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) nhờ một số người quen, họ hàng đến dọn dẹp nhà cửa, rửa chén đưa sau tiệc thôi nôi của cháu được tổ chức vào ngày hôm trước.

Đến khoảng 8h30 cùng ngày, trong lúc dọn dẹp, một số chị em phụ nữ nhóm bếp lửa bên cạnh một quả đạn pháo để sưởi ấm vì lúc này trời lạnh. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít phút, quả đạn pháo phát nổ khiến 7 phụ nữ và 2 trẻ em bị thương. Nhà ông A Đang bị hư hỏng nặng, đất đá bị cày xới; 3 nhà khác bên cạnh cũng bị đất đá văng làm thủng mái tôn.

Trò chuyện với chúng tôi, anh A Viên (con trai ông A Đang kể), nhiều năm về trước, cha anh lên rừng nhặt được một đầu đạn 105mm đã tháo thuốc nổ. Thấy phần đuôi đạn bằng phẳng nên khi mang về nhà, cha anh chôn phần đầu sâu xuống lòng đất, còn phần đuôi dùng làm đe. Mọi người ai cũng nghĩ đầu đạn không nổ được nữa nên nhiều năm nay gia đình vẫn dùng cái đe này để đập, sửa chữa nông cụ. Không ngờ, tai họa lại ập đến 9 người trong dòng họ.

“Tôi vừa từ chỗ bếp lửa đi ra ngoài xem mọi người tháo rạp thì nghe tiếng nổ lớn, đất đá bay loạn xạ, căn nhà nhiều chỗ bị lật tung. Tôi liền chạy thật nhanh đến chỗ phát nổ thì thấy nhiều người nằm la liệt dưới đất, máu tung tóe khắp nơi. Lúc đó tôi hét lớn lên rồi lần lượt cõng những người nặng hơn ra ngoài, còn một số người nhẹ hơn thì tự gượng dậy rồi đi ra”, anh Viên kể.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Y tế huyện Đắk Glei phối hợp với Đồn Biên phòng Đắk Nhoong, UBND xã Đắk Nhoong huy động lực lượng nhanh chóng triển khai sơ cứu ban đầu cho các nạn nhân và điều động 2 xe ô tô đưa nạn nhân đến Trung tâm Y tế huyện Đắk Glei để chữa trị, thăm khám. Qua phân loại thương tích, có 5 nạn nhân bị thương nặng được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Kon Tum tiếp tục cấp cứu, điều trị.

Trong 5 nạn nhân đang điều trị tại BVĐK tỉnh Kon Tum, cháu Y Thị Trâm (22 tháng tuổi) là nặng nhất. Cháu Trâm bị vết thương sọ não hở và vết thương vùng hàm mặt. Hiện bệnh nhi đang được điều trị tại Khoa Hồi sức - Tích cực chống độc trong tình trạng rất nặng.

4 nạn nhân khác đang điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương - BVĐK tỉnh Kon Tum, gồm: chị Y Thước (40 tuổi) và chị Y Hội (26 tuổi), chị Y Thim (18 tuổi) và cháu Y Thu Hà (12 tháng tuổi).

“Trong số 4 bệnh nhân của vụ nổ đang điều trị tại khoa thì bệnh nhân Y Thim nặng hơn, với đa tổn thương, gãy khung chậu. Ca này hiện tại chúng tôi đã xử lý các vết thương và đang theo dõi một cách chặt chẽ để đánh giá hội chẩn điều trị tiếp theo. Các ca còn lại là những vết thương bình thường và bỏng đã được xử lý. Hiện tại, tất cả bệnh nhân đều ổn định”, bác sỹ Trần Xuân Hậu - Khoa Ngoại chấn thương cho biết.

Tại BVĐK tỉnh Kon Tum, chị Y Thước dù đang điều trị nhưng điều chị lo nhất là sức khỏe của con gái mình - cháu Y Thị Trâm. Bây giờ, chị chỉ cầu mong cho con gái được bình an, tai qua nạn khỏi.

“Mọi người đang quây quần giữa bếp lửa thì một tiếng nổ lớn phát ra khiến tro, bụi phủ mờ cả căn nhà. Tôi lần theo tiếng khóc của con để tìm chứ không nhìn thấy đường. Vì bị thương nên tôi ôm con và lết được ra ngoài rồi ngất lịm lúc nào không hay. Khi tỉnh lại thì thấy bản thân ở bệnh viện và hay tin con gái đang nguy kịch. Giờ tôi chỉ mong có phép màu cho con được bình an, khỏe mạnh”, chị Y Thước cho biết.

Theo ông A Nang - Chủ  tịch UBND xã Đắk Nhoong, sau khi xảy ra vụ việc, ông A Đang đòi tự tử vì cảm thấy có lỗi với bà con, họ hàng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã đến nhà thăm hỏi và làm công tác tư tưởng với gia đình. Hiện tại, tinh thần ông A Đang đã ổn định.

Ông Hoàng Trung Thông - Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei cho biết, quả đạn nổ tại nhà ông A Đang là loại đạn pháo105mm sót lại sau chiến tranh. Sau vụ nổ, ngành chức năng đã kịp thời đến đưa các nạn nhân đi cấp cứu và động viên gia đình có người bị nạn. Bước đầu, UBND huyện hỗ trợ người bị thương nặng 2 triệu đồng, người bị thương nhẹ 1 triệu đồng.

Được biết, sau khi xảy ra vụ việc, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei đã chỉ đạo khẩn các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức rà soát các vật liệu nổ còn sót lại trong các hộ dân và vận động họ giao nộp để các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Lượng diện tích bom mìn rất lớn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tỉnh Kon Tum là khu vực chiến trường ác liệt trước ngày giải phóng đất nước, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều còn tồn, sót lại bom mìn từ thời chiến tranh; tình trạng ô nhiễm bom mìn và vật liệu nổ đã ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong những năm qua, các vụ tai nạn bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã làm chết và bị thương hàng ngàn người với nhiều nguyên nhân khác nhau. Những nạn nhân chủ yếu là lao động chính trong gia đình, nhiều nạn nhân sống sót nhưng không còn lành lặn đã để hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

Lượng diện tích bom mìn ở Kon Tum còn rất lớn (ảnh minh họa).
  Lượng diện tích bom mìn ở Kon Tum còn rất lớn (ảnh minh họa).

Thực hiện chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025, tỉnh Kon Tum đã rà soát, điều chỉnh bổ sung các dự án rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bố trí ngân sách để thực hiện các nội dung của chương trình thuộc nhiệm vụ của địa phương theo quy định.

Cùng với đó, quá trình phát triển của nền kinh tế, việc khai hoang, mở đường diễn ra trên diện rộng, lực lượng công binh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, các lực lượng công binh trong toàn quân đã tổ chức rà phá bom mìn tương đối nhiều. Trên các dự án, lực lượng công binh tỉnh Kon Tum đã rà phá được khoảng gần 500ha và thu gom vật liệu nổ gần 12 tấn.

Đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương cùng với nỗ lực của các ngành, các cấp, tỉnh Kon Tum đã rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng được khoảng 1.500ha, thu gom một số lượng lớn bom đạn, vật liệu nổ còn tồn sót với khoảng 37,5 tấn các loại... Tuy nhiên, lượng diện tích còn lại là rất lớn.

Để đảm bảo giải phóng được bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum, đặc biệt là ở những khu đông dân cư, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Trung ương bổ sung các nguồn ngân sách để giải phóng phần ô nhiễm lớn; kêu gọi các tổ chức phi Chính phủ quan tâm đến ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đầu tư vào để cố gắng giải phóng càng nhanh càng tốt diện tích ô nhiễm bom mìn.

Trong các nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân, ngày 16/9 vừa qua, Chi hội Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Kon Tum đã được thành lập. Cùng với chính quyền địa phương, chi hội sẽ tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành liên quan thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa, khắc phục, từng bước giảm thiểu và triệt tiêu tác hại của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; tăng cường tập hợp các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, tích cực huy động các nguồn lực cùng chung tay thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn, đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Thiết nghĩ, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân khi phát hiện bom mìn còn sót lại sau chiến tranh thì nên tránh tiếp xúc, giữ nguyên hiện trạng, sau đó báo cáo với cơ quan chức năng để cơ quan chức năng cử lực lượng chuyên môn đến xử lý. Người dân không nên tác động vào bom mìn nhằm tránh nguy hiểm đến tính mạng của mình và người khác.

Đọc thêm