Những băng đảng giang hồ khét tiếng Hà thành một thời (Kỳ 5): Vụ đòi nợ thuê “loạn đao phân thây” đàn chó

(PLVN) - Cùng với đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê là lĩnh vực phi pháp một thời được nhiều băng nhóm du đãng lựa chọn, trong đó băng nhóm của Nghĩa "đại" nổi tiếng khắp Hfa Thành những năm cuối của thế kỷ trước...  
Những băng đảng giang hồ khét tiếng Hà thành một thời (Kỳ 5): Vụ đòi nợ thuê “loạn đao phân thây” đàn chó

Cũng chỉ là sử dụng nắm đấm và dao búa, nhưng “nghề” sau đòi hỏi đầu óc hơn… Để minh chứng, có thể tìm hiểu hoạt động của băng đòi nợ do Nghĩa “đại” (Nguyễn Trung Nghĩa, SN 1972, ngụ phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) cầm đầu. “Thế giới ngầm” Hà thành nhận xét, băng nhóm này ít dùng dao bạo lực mà vẫn đạt mục đích trong nhiều vụ việc.

Vụ đòi nợ khủng khiếp

Những năm 1990, Nghĩa mới chỉ là thành viên trong băng giang hồ đông đến gần 50 “mạng”, hoạt động ở khu vực Ô Cầu Dền (giao cắt Bạch Mai - Phố Huế - Đại Cồ Việt). Toàn dân du đãng với nhau, so về “nghề dao búa”, Nghĩa không có gì nổi trội. Phải đến vụ việc xảy ra năm 1992, các đại ca của băng nhóm mới thấy được cái “hay” của gã.

Trong các lĩnh vực phi pháp băng này tham gia, tất nhiên không thể thiếu đòi nợ thuê. Bấy giờ, họ đụng phải một vụ đòi nợ khó nhằn. Con nợ sống ở ngõ Chùa Liên Phái (phố Bạch Mai) cũng là dân anh chị. Món nợ tuy khá lớn nhưng con nợ lại có máu cờ bạc nên cứ muốn dây dưa. Cũng lõi đời va chạm, con nợ không bảo không trả, chỉ là chậm và nhỏ giọt. Nhận vụ này, băng ô Cầu Dền khá vướng. Thứ nhất, ngõ Chùa Liên gần Ô, con nợ có quan hệ quen biết với người này người nọ. Tiếp đó, dù có muốn dùng bạo lực cũng không đơn giản. 

Con nợ sinh sống ở một ngách nhỏ trong ngõ, ngách đó đa phần toàn người nhà, họ hàng của con nợ. Cứ có chuyện gì, thân nhân từ các hộ xung quanh lại ùa ra, bảo vệ lẫn nhau. Vào đòi nợ, đã mấy lần cãi vã ỏm tỏi, chưa xảy ra xô xát nhưng đều rất căng thẳng. Các đại ca băng Ô Cầu Dền bóp đầu bóp trán mãi chưa tìm ra cách. Không lẽ xô cả đám đàn em vào hành hung. Mà ngách nhỏ, xe máy tránh nhau còn khó, đi đông cũng vô ích, gặp phải đám người nhà con nợ, đánh chắc gì đã thắng. Lúc bàn bạc, đã có ý kiến muốn bỏ vụ này thì Nghĩa đứng lên, gã vỗ ngực tự tin: “Các đại ca cứ để em lo”.

(Hình minh họa.)
 (Hình minh họa.)

Theo đám chiến hữu vào đòi nợ bất thành vài lần, Nghĩa đã để ý tìm hiểu, nghĩ ra một “độc kế”. Gã biết rằng đây là cơ hội để lên số nếu thành công. Nguyên ngách nhà con nợ sinh sống có nhiều hộ nuôi chó, đều là giống chó ta khá dữ dằn. Ban đêm, đám “thú cưng” được thả ra khoảng sân chung có khóa cổng, sủa nhanh nhách mỗi khi thấy bóng người lạ. Mục tiêu của Nghĩa chính là những chú chó giữ nhà này.

Rạng sáng hôm ấy, khi nhà nhà chìm sâu vào giấc ngủ, đám Nghĩa ném vào sân những thứ mồi đã trộn bả. Đàn chó hộc lên, tranh nhau cắn xé. Một lúc sau, không gian yên ắng hoàn toàn. Biết đàn chó đã dính bả, Nghĩa cùng đồng bọn nhẹ nhàng trèo cổng vào. Đây mới là lúc họ ra đòn độc địa nhất, “loạn đao phân thây đàn chó”. 

Sáng hôm sau, những người phụ nữ rú lên kinh hoàng. Cảnh tượng khiến dàn anh chị như con nợ cũng phải rùng mình, sởn gai ốc. Đàn chó chết sạch trong thảm cảnh bị chặt thành từng khúc. Trên tường nhà con nợ nguệch ngoạc dòng chữ chắc là viết bằng máu chó: “Có nợ thì phải trả”. Nhận thông điệp khủng khiếp ấy, dù gan đến mấy, con nợ cũng run cầm cập. Giang hồ thường có câu “giết đến gà, chó cũng không tha”, ra tay với con vật như thế, tàn bạo đến cùng cực. Buổi điều đình diễn ra ngay sau đó, con nợ chấp nhận trả cả gốc lẫn lãi.

Lập công lớn, Nghĩa “đại” lên cấp. Độc chiêu của gã khiến ngay cả đám dao búa cũng ớn lạnh. Nghĩa trở thành một trong những đầu lĩnh, quản riêng lĩnh vực đòi nợ thuê. Cái tên gã, giang hồ Hà Thành rồi đây còn phải nhắc đến nhiều lần.

Vụ đòi nợ khó nhất giang hồ

Là một trong những đàn anh của băng nhóm từ lúc mới 20 tuổi, nhưng không ai dám coi thường Nghĩa “đại”. Phi vụ đòi nợ đầu tiên gã ra tay đã thể hiện đầy đủ con người cực kỳ máu lạnh và vô cùng tinh quái. Sự tàn bạo là không phải bàn cãi, tuy nhiên, hành động tàn bạo đó rất khó để khép tội hình sự, dù có bị bắt cùng lắm cũng chỉ bị phạt hành chính mà thôi. Cái hay là thông điệp từ hành động ấy quá đủ để “khủng bố tinh thần” người nhận thông điệp.

Sau phi vụ này, Nghĩa cứ bám theo đường hướng đó mà làm. Đòi nợ bằng “khủng bố tinh thần” là chính, cực chẳng đã mới phải dùng bạo lực. Nhiều nhân chứng khẳng định những năm hoạt động trong băng Ô Cầu Dền, Nghĩa thực hiện thành công nhiều vụ đòi nợ và tỉ lệ phải dùng đến dao búa cũng ít. Tiếng tăm gã bay xa, “hợp đồng” không chỉ trong địa bàn quận và vùng lân cận nữa. Khoảng năm 1995, Nghĩa “đại” xử lý ổn thỏa một vụ nợ khó đòi ở Cầu Diễn (giờ là quận Nam Từ Liêm) khiến thêm một lần “thế giới ngầm” phải mắt tròn mắt dẹt.

Ngược thời gian một chút, những năm 1990, sau khi “bức tường Berlin” sụp đổ, nước Đức thống nhất, một lượng lớn người Việt lao động ở Đức trở lại cố hương. Chiếc xe gắn máy hiệu DD-90 màu đỏ chót được nhập nguyên chiếc, niềm mơ ước của bao trai thanh gái lịch, xuất hiện chính ở thời điểm này. Giá chiếc xe thậm chí bằng với giá một căn nhà tập thể trong nội đô.

Bấy giờ, trong làn sóng trở về quê hương, một cặp đôi cùng lao động ở Đức cũng bịn rịn chia tay nhau. Chàng tên Tuấn, nàng tên Hương, đều trạc 30 tuổi. Theo ước hẹn, Tuấn về trước cùng với số tiền khá lớn hai người dành dụm được, nhiệm vụ là mua nhà, mua đất, chuẩn bị cơ sở để làm ăn. Hương ở lại cố gắng kiếm thêm, đến bao giờ không thể ở được nữa, sẽ trở về cùng Tuấn.

Khoảng 3 năm trụ lại, chịu thương chịu khó, Hương còn gửi thêm nhiều thùng hàng về nước: vải vóc, quần áo, hàng điện tử và cả những chiếc DD đắt giá kể trên. Điều đó đồng nghĩa với thêm khá nhiều tiền được gửi về. Hương yên tâm với viễn cảnh tương lai hai người hạnh phúc bên nhau cùng một cuộc sống tiện nghi, sung túc.

Nhưng đời ai học hết chữ ngờ, “xa mặt cách lòng”, Tuấn đã đổi thay mà Hương không hề biết. Cùng với thực hiện việc làm ăn, sẵn tiền, Tuấn thỏa sức chơi bời, tiêu pha như đại gia, hút hồn nhiều cô gái trẻ đẹp. Hương không ở bên, vả lại, về nhan sắc và thanh xuân, Hương cũng không thể so sánh với các thiếu nữ luôn quấn lấy Tuấn.

Chỉ một năm sau khi về nước, Tuấn đã đổi thay. Anh ta lấy cô vợ kém mười mấy tuổi, nhanh chóng có với nhau cậu con trai kháu khỉnh. Đương nhiên, những nhà, những đất, những cơ sở làm ăn, vốn dành chờ Hương, giờ lại thuộc về cô chủ mới. Tàn nhẫn hơn, Tuấn giấu nhem sự thật, vẫn ngọt nhạt với Hương để bòn rút thêm những thùng hàng từ người cũ. 

Năm 1995, Hương về nước. “Cái kim trong bọc” không giấu được nữa, Tuấn chơi bài ngửa nói chia tay. Khỏi phải nói Hương đau khổ đến thế nào. Tuy nhiên, từng lăn lộn nhiều năm bên trời tây, Hương đã tôi luyện được sự cứng cỏi phi thường.

Không giữ được Tuấn nhưng cô không thể mất trắng. Tính toán tiền hai người cùng dành dụm trước đó cộng với các hàng hóa sau này, vào khoảng 500.000 ngàn Mac (tương đương khoảng 3 tỷ đồng), cô muốn Tuấn trả lại 200 ngàn Mác rồi chia tay thanh thản. Đòi hỏi ấy không hề quá đáng. Nào ngờ, con người phụ bạc kia thêm một lần “cạn tàu ráo máng”. Tuấn sổ toẹt, nói Hương không có bằng chứng gì chứng minh nguồn gốc số tiền ấy, không muốn trả cô đồng nào hết.

Đến lúc này thì Hương gục ngã thực sự, đúng là không có cách gì chứng minh đó là của chung. Không còn lựa chọn nào khác, Hương đành nhờ cậy “thế giới ngầm” và cái tên Nghĩa “đại” được giới thiệu. Thực sự, vụ đòi nợ này quá khó. Số tiền rất lớn, không giấy tờ nhận nợ, hoàn toàn chỉ là lời kể một phía.

Tuy nhiên, nhìn vẻ đau khổ cùng cực của người đàn bà, bằng trực giác, Nghĩa biết đó là sự thật. Sau khi hỏi han mọi thông tin về kẻ sở khanh, Nghĩa nhẹ nhàng: “Tiền công thì chị biết rồi, 50% hợp đồng. Chị đòi 200 ngàn Mác, nhưng tôi sẽ đòi được nhiều hơn. Bắt đầu từ phần dôi dư đó, tôi lấy 70%, chị đồng ý không?”. Đối với Hương đòi được từ kẻ phụ bạc đồng nào đỡ tủi phần ấy, cô có mất gì đâu mà không đồng ý.

Vậy là hợp đồng đòi nợ thuê đã “chốt”? Biết tin, nhiều du đãng cộm cán lắc đầu khó hiểu. Vụ này khó quá. Họ đều cho rằng Nghĩa “ngựa non háu đá”, mờ mắt vì thấy nhiều tiền. Tuy nhiên sau đó không lâu, Nghĩa đã có màn “trình diễn” đẳng cấp, khiến giang hồ Hà Nội ngỡ ngàng…

(Còn tiếp)

Đọc thêm