Những băng đảng một thời khét tiếng Hà Thành - Kỳ 8: “Siêu trộm” nửa ngày treo trên cây vẫn vượt tường như chớp

(PLVN) - Trong các “nghề” của dân du đãng, có lẽ hình thành sớm nhất là “nghề” trèo tường khoét vách. Thậm chí, cái việc trộm cắp còn có cả ông tổ, đã được lưu truyền trong dân gian: lão Đạo Chích. Bài viết này muốn nhắc đến một đồ tử đồ tôn vào hạng cao thủ của Đạo Chích. Băng nhóm của gã từng một thời làm loạn Hà thành.
Những băng đảng một thời khét tiếng Hà Thành - Kỳ 8: “Siêu trộm” nửa ngày treo trên cây vẫn vượt tường như chớp

Lấy đồ ngay trước mắt khổ chủ

Có một thực tế là nghề trộm cắp thường bị chính giới giang hồ coi thường. Việc rình rập người ta sơ hở rồi ra tay trộm tiền trộm bạc có gì đó hèn hèn, như loài chuột vậy. Vì thế, dân “đạo chích” ít khi có số má cao trong thế giới ngầm.

Riêng trường hợp của Nguyễn Thế Công (tức Công “Ninja”, SN 1974, ngụ phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) lại là cá biệt. Gã đã nâng “nghề” lên hàng “nghệ thuật”, được dân anh chị nhắc đến với sự nể nang. Không chỉ nhanh tay nhanh mắt, gã còn rất lì lợm, thực hiện các phi vụ trộm cắp đầy mưu tính, thậm chí còn nắm bắt cả tâm lý người bị hại. Giang hồ khẳng định khi Công cùng băng nhóm ra tay thì ít khi thất bại.

Như “mẫu số chung” của đa số du đãng, Công lớn lên thiếu sự giáo dục từ người lớn. Sự nghèo khổ, thất học đã đẩy gã ra đường, nhập vào đám kẻ bụi đời kiếm miếng ăn. Từ đầu, Công đã chọn nghề đạo chích. Nhanh, khéo và lì, 15 tuổi, Công trở thành “sao” của băng trộm “nhí” chuyên hoạt động tại các khu chợ trên địa bàn.

Công có gì đó rất ma mãnh, cái “chất” khiến gã dám làm những vụ không ai dám làm. Thời điểm đó, xe máy vẫn còn hiếm, là một tài sản rất giá trị. Vì thế, những phụ tùng trên xe máy như gương, ốp đèn, đồng hồ đo tốc độ hoặc “cốp” xe... bán cũng được khá tiền. Nhiều băng trộm nhằm vào những phụ tùng này. Ngày đó, một số khu vực như phố Huế, chợ Giời (đều thuộc quận Hai Bà Trưng) có những “lô” chuyên tiêu thụ các đồ trộm cắp từ xe máy.

(Hình minh họa).
(Hình minh họa).  

Băng nhóm của Công không ngoại lệ. Hàng ngày, chúng chia thành từng tốp, rình những gia chủ có xe máy sơ hở để trộm đồ. Và một vụ “ăn hàng” của Công đã khiến đồng bọn bái phục. Hôm đó, đang ngồi chè vặt, nhóm Công phát hiện một người đi uống cà phê, dựng xe máy dưới lòng đường. Xe dựng gần như ngay trước mặt, chỉ cách chủ nhân chừng vài mét. Chủ xe thong thả uống nước đọc báo, thỉnh thoảng mới liếc mắt ra trông ra. Chiếc xe thuộc dòng Honda 82-89, loại xe khá đắt, tất nhiên phụ tùng cũng rất có giá.

Dù biết thế, không đứa nào trong nhóm dám làm. Quan sát chủ xe một lúc, Công bật dậy bảo: “Chơi được, để tao”. Gã lấy xe đạp, thả chiếc tô vít 4 cạnh (chuyện dùng vặn ốc phụ tùng) vào bị cói rồi treo lên tay lái. Gã đạp thong thả, mặt ngơ ngáo như đang đi dạo phố vậy. Đến ngang xe máy, gã khéo léo gạt khiến chiếc bị cói rơi xuống đất.

Người chủ xe máy ngước ra, rồi chừng như thấy đó chỉ là đức nhóc vô ý rơi đồ, thì lại cúi xuống đọc báo. Động thái ấy nằm trong dự tính của Công. Gã xuống xe giả vờ nhặt bị cói, tầm nhìn của chủ xe bị che khuất, lập tức ra tay nhanh như chớp. Chỉ trong 30 giây, những phụ tùng xe ở phía khuất tầm nhìn như đèn hậu, xi nhan, cốp đều chui tọt vào bị cói.

“Ăn hàng” xong, Công treo bị vào tay lái, bình thản đạp xe đi. Lúc ấy, người chủ lại ngước lên lần nữa, vẫn chưa biết vừa biến thành người bị hại. Vụ này, đồ bán được cả triệu đồng, và sự liều lĩnh được Công giải thích lúc “khao quân”, lại thành có cơ sở: “Lấy đồ xe máy, quy tắc số một là phải biết chủ xe đang ở đâu. Chúng mày đang tháo ốc mà bất thần người ta xuất hiện thì chết chắc. Ông chủ xe hôm nay lại quá chủ quan, xe chỉ cách vài bước chân, ông ta không dám nghĩ có kẻ to gan như tao. Nên quy tắc số hai, chỗ nguy hiểm nhất là chỗ an toàn nhất”.

Mười mấy tuổi đã có thể đúc kết những mánh khóe như thế trong nghề “đạo chích”, đủ thấy gã trộm này không đơn giản. Không chỉ to gan liều lĩnh, Công còn “đánh hơi” rất giỏi sự sơ hở để ra tay trộm cắp. Khoảng năm 1991, gã gây ra vụ “ăn hàng” chấn động dân trong nghề. Xe máy còn hiếm, xe đạp là phương tiện giao thông chủ yếu. Việc trộm xe đạp thì không quá phức tạp, bởi những chiếc khóa thời ấy cũng không mấy kiên cố. Tiêu thụ thứ đồ gian này lại càng đơn giản bởi không hề có những giấy tờ, biển kiểm soát như xe máy.

Vì thế, dân trộm thường để tâm đến phương tiện này mỗi khi hành nghề. Hôm ấy, Công đi một chiếc xe đạp cũ nát vào một bãi gửi ở khu Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng). Dự định ban đầu chỉ là điều nghiên, ai ngờ, Công phát hiện sơ hở chết người ở bãi gửi này. Thứ nhất, sau khi giao vé cho khách, bảo vệ ghi số vé lên yên. Tiếp đến, nhận vé xong, khách muốn để xe đâu tùy ý, vì bãi gửi quá rộng, lên đến hàng trăm xe.

Cuối cùng, bãi gửi vào một cửa ra một cửa, bảo vệ ở cửa ra rất khó để biết ai thực sự là chủ nhân của xe đi ra. Cơ hội “ăn hàng” mười mươi nhưng Công không vội. Quan sát khắp bãi, gã thấy có rất nhiều xe đắt tiền thời đó như Mifa, Pô-giô (Peugeot), Mini Nhật... Gã quyết tâm “bốc” trọn ổ này. Công vẫn lấy xe đạp cũ ra vì không muốn đánh động. Sau đó, gã phóng như điên về hang ổ. Cả chục đồng bọn được triệu tập khẩn cấp.

Phổ biến xong kế hoạch, chúng liền lao cả xuống Bách Khoa, mỗi đứa đều đi một chiếc xe rách. Mấu chốt của vụ “ăn hàng” này là cái vỏ bọc yên. Xe chúng đều đang bọc vỏ yên, nhìn bề ngoài, cái vỏ với cái yên như một khối vậy. Khi đã nhận vé xe vào bãi gửi, chúng chỉ việc chọn một chiếc xe đẹp, tháo vỏ bọc sang yên xe đó. Vậy là chúng đàng hoàng đến cửa ra, trả vé và biến. Vụ này, băng nhóm Công tiến hành tráo đổi liền mấy lượt, trộm được gần 40 xe.

Phát hiện sơ hở ấy, thừa thắng xông lên, Công và đồng bọn tiến hành liên tiếp phi vụ ở nhiều bãi gửi xe. Cho đến khi các bãi gửi biết rút kinh nghiệm, thay đổi phương thức ghi vé, thì nhóm Công đã trộm hàng trăm xe. Dân trong nghề phục lắm cái sự “chớp cơ hội” của Công. Sau khi “ăn hàng” cả chục vụ, đánh hơi thấy các bãi xe đã cảnh giác, Công liền “nằm im thở khẽ”. Vài “đạo chích” đi sau trộm cắp theo cách tương tự, lập tức bị tóm cổ. Công và băng nhóm “đến sớm ăn cỗ trước”, kiếm khá tiền mà vẫn trót lọt. 

Buộc mình trên cây chờ giờ vàng đạo chích

Nhưng “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, dù “quái” đến đâu cũng phải có lúc sơ hở. Năm 1994, Công trả giá khi gây án ở phố Phù Đổng Thiên Vương. Cũng chính từ vụ này, gã có biệt hiệu là “Ninja”. Thời điểm đó, băng nhóm đang theo dõi một mục tiêu ở con phố trên căn nhà 5 tầng có tường bao vườn tược, gia chủ thuộc dạng “đại gia”.

Tuy nhiên, nhà giàu có nên thuê bảo vệ ngày đêm, cơ hội đột nhập rất khó. Không từ bỏ, Công chỉ đạo đồng bọn theo dõi sát sao. Đúng dịp chủ nhà tổ chức đám cưới cho con, Công quyết định ra tay. Gã tính rằng “ăn hàng” lúc này chính là “đánh chỗ không phòng bị”. Rồi trước sự kinh hoàng của đồng bọn, đêm trước đám cưới, Công mang theo dây thừng, trèo lên cái cây mọc trước nhà mục tiêu. Cây này có tán cao ngang ban công tầng 5, tất nhiên vì quá cao, cành lá không được chắc chắn.

Công dùng dây thừng buộc mình vào chạc cây, âm thầm chờ cơ hội. Hôm sau, khi gia chủ tưng bừng ăn uống, khách khứa, Công mới hành động. Đám chiến hữu bí mật cảnh giới ở dưới choáng váng, thấy gã dùng thừng làm cầu, chớp mắt đã mất hút sau ban công tầng cao nhất. Tính ra, gã đã ẩn nấp gần 10 tiếng đồng hồ mà vẫn leo trèo thoăn thoắt như ninja trong phim vậy.

Vụ này, Công khoắng được mớ lớn gồm cả tiền, vàng, trang sức quý. “Sướng quá hóa rồ”, gã lần đầu tiên sơ hở. Công vung tiền ăn chơi, thậm chí còn mua cho vài chiến hữu thân cận xe máy “xịn”. Sự “bất minh” về tài chính của gã không lọt qua tầm ngắm, công an đã lần ra chân tướng. Băng trộm bị bắt khẩn cấp. Là kẻ cầm đầu, Công lĩnh 7 năm tù. Trả giá nặng nhưng “siêu trộm” đã lộ sáng “trong thế giới ngầm”. Cái tên Công “Ninja” sẽ còn được giới giang hồ nhắc đến.

(Còn tiếp)

Đọc thêm