Những tâm huyết cho bữa cơm gia đình của nước mắm Hạnh Phúc

(PLVN) - Từ xưa đến nay, dù trong hoàn cảnh khó khăn hay no đủ, hầu như gia đình người Việt nào cũng đều có chai nước mắm trên kệ bếp. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thương hiệu nước mắm nhưng Hạnh Phúc vẫn được nhiều người chọn lựa vì những mong muốn mà thương hiệu này mang lại cho gia đình Việt.
Sản phẩm nước mắm Hạnh Phúc.
Sản phẩm nước mắm Hạnh Phúc.

Gia vị không thể thiếu của người Việt

Nếu như rượu vang là sản phẩm đặc trưng của người Pháp, dầu ô liu là của người Ý thì nước mắm chính là sản phẩm đặc trưng cho văn hóa ẩm thực của Việt Nam, xa hơn và thiêng liêng hơn là mang linh hồn của dân tộc Việt. Không phải dĩ nhiên mà chén nước mắm thường được đặt ở vị trí trung tâm của bữa ăn mà đó chính là sự chia sẻ của người dân Việt. 

Nước mắm là gia vị không thể thiếu trong không gian bếp, nước mắm ngon có thể làm gia tăng hương vị món ăn, đồng thời cũng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Với những người con xa xứ, xa nhà, có đôi khi chỉ cần nếm một giọt nước mắm ngon đã nghĩ đến bữa cơm mẹ nấu.

Đến nay vẫn không một ai biết chính xác nước mắm có từ khi nào. Nói đến “ông tổ” của nghề nước mắm truyền thống thì đến nay vẫn chưa ai “giải mã” được. Nhiều người đặt giả thuyết, nước mắm truyền thống có thể được tạo ra từ cộng đồng như một yêu cầu tất yếu của lịch sử biển Việt Nam.  

Đi dọc theo đường bờ biển của đất nước hình chữ S, đặc biệt là vùng duyên hải và vùng biển phía Nam, những doanh nghiệp và cả hộ gia đình kinh doanh, sản xuất nước mắm rất phổ biến. Năm 2010, nhà báo Julie Wan đã có bài dài trên một trang báo điện tử để mô tả về nước mắm với nguyên liệu từ vùng biển Phú Quốc, Việt Nam. Không riêng gì ký giả này, nước mắm từ vùng biển phía nam Tổ quốc đã được biết đến khắp nơi trên thế giới, trong đó có thương hiệu nước mắm Hạnh Phúc. 

Nước mắm Hạnh Phúc là thương hiệu nước mắm do Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hạnh Phúc sản xuất theo quy trình sản xuất nước mắm độ đạm cao. Nước mắm Hạnh Phúc được làm từ cá cơm đánh bắt từ vùng biển Phú Quốc với quy trình sản xuất khép kín, nghiêm ngặt tạo nên sản phẩm nước mắm vô cùng tuyệt hảo mang hương vị đặc trưng, thơm ngon khó cưỡng.

Nước mắm Hạnh Phúc đã không ngừng dồn tâm huyết vào công cuộc hoàn thành mong muốn mang đến một sản phẩm chất lượng. Từ một mô hình nhỏ lẻ những năm đầu thập niên 80, ông chủ của thương hiệu này đã tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, áp dụng công nghệ cao (công nghệ cô đặc chân không trong điều kiện bay hơi) nhưng không xa rời kiến thức và hiểu biết có từ lâu đời về làm nước mắm mà ông cha để lại, giúp nước mắm có độ đạm cao. 

Trên hết, loại cá cơm được đánh bắt từ vùng biển Phú Quốc đã được ủ chượp thời gian dài cùng với muối để cho ra loại nước mắm khác biệt, mang hương vị đậm đà và màu sắc rất đặc trưng. Đó là nước mắm có độ đạm cao (lên đến 60 độ đạm) hương vị đậm đà, quyến rũ rất riêng của cá cơm Phú Quốc. Nước mắm Hạnh Phúc có đặc điểm dễ nhận biết đó là màu nâu cánh gián, trong, nhìn vô cùng bắt mắt. Nước mắm có độ sánh, khi nếm thử một giọt nước mắm Hạnh Phúc, sẽ ngửi được mùi thơm nhè nhẹ lâng lâng, có chút the the nơi đầu lưỡi, mặn ngọt hài hòa và hậu vị ngọt ngào.

Khách hàng có thể hoàn toàn an tâm về chất lượng sản phẩm vì nước mắm Hạnh Phúc kiểm soát chất lượng chặt chẽ với sự hỗ trợ kiểm nghiệm của Viện Pasteur - trung tâm kiểm tra đo lường chất lượng của TP HCM. Đồng thời được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế và đạt được nhiều bằng khen, giải thưởng cao nên an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Nguyên chất, thơm ngon dinh dưỡng cùng bữa ăn ấm cúng ngập tràn tiếng cười cho gia đình Việt luôn là những gì mà nước mắm Hạnh Phúc mong muốn mang lại. Ngày nay, nước mắm Hạnh Phúc đã trở thành một trong những thương hiệu nước mắm được ưa chuộng hàng đầu tại Việt Nam, nhận được sự hài lòng của nhiều khách hàng với độ đạm cao.

Vươn lên từ những “sóng ngầm”

Theo nghiên cứu của Công ty Kantar Worldpanel, 95% gia đình Việt Nam sử dụng nước mắm trong các bữa ăn, trung bình một người dân Việt Nam sử dụng 4 lít nước mắm/năm. Những con số này khiến thị trường nước mắm luôn có những “đợt sóng ngầm” tranh giành thị phần.

Mức tiêu thụ nước mắm luôn tăng trưởng: năm 2005 là 15.434 tấn, năm 2016 là 75.000 tấn, năm 2022 dự kiến sẽ là 98.770 tấn. Thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen thì cho biết, đến năm 2022, ngành hàng gia vị Việt Nam mỗi năm vẫn duy trì tăng trưởng từ 25-32%, trong đó nước mắm sẽ là mặt hàng có mức cạnh tranh cao nhất.

Sức hấp dẫn của thị trường nước mắm từng thu hút nhiều tên tuổi được đầu tư quy mô lớn và bài bản như Knorr Phú Quốc (Unilever), Đệ Nhất (Acecook), Chinsu (Masan), Thuận Phát (ICP), Liên Thành, 584 Nha Trang... bên cạnh hàng trăm cơ sở sản xuất nước mắm khác.

Theo đó, nước mắm Việt Nam bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt nhất là khi hai thương hiệu lớn là Knorr (Unilever Việt Nam) và Chinsu (Masan) xuất hiện. Năm 2001, Unilever hợp tác với Công ty Quốc Dương, thu mua nước mắm nguyên liệu của nhiều nhà thùng khác và xây dựng nhà máy sản xuất, đóng chai nước mắm tại Phú Quốc với thương hiệu Knorr công suất hơn 10 - 12 triệu lít/năm và nhanh chóng dẫn đầu thị trường.

Không để Knorr “một mình một chợ”, Masan bước vào cuộc đua bằng việc xây dựng nhà máy tại Bình Dương, Nghệ An và nhà thùng tại Phú Quốc có sức chứa khoảng 10.000 tấn cá, công suất 8 triệu lít nước mắm cốt/năm, đồng thời thu mua nước mắm cốt của Liên Thành (TP HCM), Khải Hoàn (Phú Quốc)... để sản xuất nước mắm. Nước mắm Masan đã thu mua khoảng 60% tổng sản lượng nước mắm từ các nhà thùng ở các vùng sản xuất nước mắm chính ở Việt Nam. Hai thương hiệu nước mắm Nam Ngư, Chinsu của Masan đã nhanh chóng chiếm 70% thị phần.

Tổng cục Thống kê cho biết, mỗi năm, người Việt tiêu thụ hơn 300 triệu lít nước mắm, hơn 70% trong số đó là nước mắm công nghiệp, số còn lại là nước mắm truyền thống. Mặc dù chỉ còn gần 30% thị phần nhưng các doanh nghiệp sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống vẫn nỗ lực bám thị trường. Chẳng hạn, dù lượng tiêu thụ không lớn, chủ yếu bán cho khách hàng quen lâu năm nhưng bà Cẩm Thủy - Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Nước mắm Cẩm Vân tiết lộ “không lỗ” và sản phẩm đã có mặt ở gần hết các tỉnh, thành.

Còn với thương hiệu Hạnh Phúc, khoảng vài ba năm gần đây, lượng tiêu thụ nước mắm này dần dần tăng ổn định, nhất là tại Hà Nội, TP HCM, vì đây là 2 thị trường có lượng lớn khách hàng ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao, an toàn. Đặc biệt sau sự cố arsen (cho rằng có thạch tín độc trong nước mắm truyền thống), người dùng bắt đầu tìm hiểu mọi ngóc ngách về sản phẩm, lịch sử của doanh nghiệp và tìm đến những giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc để quay lại sử dụng nước mắm truyền thống nhiều hơn. 

Tuy nhiên, do không có nhiều chi phí quảng bá, tiếp thị nên các doanh nghiệp làm nước mắm truyền thống, trong đó có thương hiệu Hạnh Phúc đang đi theo cách “mưa dầm thấm lâu” và tiếp thị theo kiểu truyền miệng. Với cách đi này, căn cơ nhất là phải tập trung vào chất lượng, đầu tư công nghệ, bao bì nhãn mác. Và đích đến của các doanh nghiệp được tiết lộ còn lớn hơn nữa, đó là tham vọng không soán được ngôi Masan thì cũng tạo thế cân bằng thị phần.

Đọc thêm