Những thông tin bất ngờ về bánh mì Việt Nam- món ăn nổi tiếng thế giới

(PLVN) - Mặc dù không có nguồn gốc từ trong nước, nhưng bánh mì Việt Nam lại được thế giới đón nhận là một trong những món ăn ngon nhất trên đường phố, là loại sandwich có một không hai. Mới đây, bánh mì Việt Nam lại được Google vinh danh, hình ảnh hiện lên trang chủ Google tại hơn 10 quốc gia trên thế giới. Sự kiện càng làm cho thương hiệu bánh mì Việt Nam được nhiều người chú ý hơn. Qua đó, nâng cao hình ảnh Việt Nam đối với bạn bè năm châu. 
Tự hào bánh mì Việt Nam
Tự hào bánh mì Việt Nam

Bánh mì được du nhập vào Việt Nam như thế nào? 

Bánh mì là món ăn được chế biến thông thường từ bột mì. Bột được trộn đều với nước, sau đó với sự khéo léo của con người mà bánh mì có nhiều hình thù khác nhau. Có nơi, để kích thích người mua, bánh mì được nặn theo hình các con vật hay các loại quả. Bên trong bánh mì rỗng ruột và mềm, còn bên ngoài giòn rụm nếu ăn lúc còn nóng.

Đến nay, người ta vẫn chưa rõ nguồn gốc và thời gian bánh mì xuất hiện trên thế giới. Chưa thấy ai khẳng định bánh mì có mặt đầu tiên từ quốc gia nào. Có tài liệu cho rằng, bánh mì đã xuất hiện cách đây 10 nghìn năm, tức vào thời đại đồ đá mới. Thời đại này được coi là lúc nông nghiệp có những bước chuyển biến mới.

Hình ảnh động về Bánh mì Việt Nam xuất hiện trên trang chủ Google tại hơn 10 quốc gia vào ngày 24/3/2020
 Hình ảnh động về Bánh mì Việt Nam xuất hiện trên trang chủ Google tại hơn 10 quốc gia vào ngày 24/3/2020

Con người lúc này vừa sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên vừa tự trồng và thuần hóa nhiều loài động vật, như cừu, lợn, chó và dê. Đặc biệt vào thời đại này, lúa mì và kê đã được con người trồng. Trong quá trình sáng tạo, phát triển, con người đã biết cách sử dụng lúa mì làm bánh. Tuy nhiên vào thời này, bột mì được tiếp xúc với không khí tạo men trong khoảng thời gian nhất định trước khi chế biến thành bánh mì.

Hẳn là thời gian này, công cụ làm bánh mì còn rất thô sơ, chắc là sử dụng đồ đá và củi khô để tạo lò đơn giản nhất cho việc làm bánh mì. Có tài liệu ghi nhận bánh mì thậm chí xuất hiện từ hơn 30 nghìn năm trước, khi ngày nay có người tìm thấy các tinh bột chế biến từ rễ cây ăn được trên các mặt đá. Tuy nhiên, việc phát hiện tinh bột cho đến việc nghĩ rằng con người biết làm bánh mì từ thời này vẫn chưa có căn cứ rõ ràng. Gần hơn, vào thời đại Ai Cập cổ đại, có tài liệu nói, bánh mì xuất hiện từ thời này, và phổ biến khắp thế giới như ngày nay. 

Một hiệu bánh mì Việt Nam trên đất nước Nhật
Một hiệu bánh mì Việt Nam trên đất nước Nhật  

Và người có công truyền bá công thức làm bánh mì của người Ai Cập là Alexandre Đại Đế (356 – 323 TCN). Vào những năm đầu công nguyên, bánh mì đã xuất hiện tại Pháp do người La Mã đem vào. Những lò bánh mì thường đặt gần ở nơi quan chức sinh sống. Bắt đầu từ thế kỷ 11 trở đi, bánh mì được phổ biến hơn ở Pháp và trở thành lương thực chính. Bánh mì cũng là một trong nhưng lương thực giúp giáo hội Công giáo có nguồn thu nhập chính. 

Dù nguồn gốc bánh mì xuất hiện trên thế giới chưa thể xác minh, nhưng lợi ích nó mang lại cho con người thật đáng được ghi nhận. Đó là sự tiện lợi và dinh dưỡng từ một chiếc bánh mì có kẹp nhiều gia vị và thực phẩm đi kèm.

Một nhà hàng bánh mì Việt Nam tại Mỹ
Một nhà hàng bánh mì Việt Nam tại Mỹ  

Tại Việt Nam, bánh mì có tuổi đời chưa lâu. Nó xuất hiện khi người Pháp xâm chiếm nước ta. Được biết, bánh mì du nhập vào nước ta đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1859, với tên gọi bánh mì Baguette. Ban đầu, bánh mì chưa thịnh hành nhiều, do điều kiện kinh tế bấy giờ ở nước ta, một phần cũng do văn hóa bản địa, khi người dân chỉ coi bánh mì là món ăn chơi, chứ không phải loại dùng để ăn no, thay cho bữa chính. Sau đó, do tiện ích của bánh mì và giá cả phải chăng, mà loại bánh này bắt đầu được người Việt bắt chước làm và bán, nhưng cũng chỉ có ở một vài địa điểm nhỏ, như bánh mì Hòa Mã là nổi tiếng nhất. Bánh mì cũng được cải biên theo sáng tạo của người Việt Nam, khi nó có khổ và độ dài như ngày nay.

Tuy nhiên, chủ cửa hàng Hòa Mã cũng phải học làm bánh một thời gian ở một tiệm bánh tại Hà Nội. Về việc bánh mì xuất hiện ở miền Bắc và Hà Nội vào thời gian nào thì chưa thấy khẳng định chắc chắn, nhưng có lẽ cũng phải xuất hiện trước hoặc sát sau thời gian có ở Sài Gòn. Ở Hà Nội, bánh mì và thịt nguội được bán riêng, sau khi vào Sài Gòn, để cho tiện lợi và không mất thời gian chế biến thêm của khách, chủ cửa hàng Hòa Mã đã làm thành chiếc bánh mì kẹp.

Từ đó, bánh mì kẹp mang thương hiệu Việt Nam xuất hiện, nhiều cửa hàng bắt chước bánh mì Hòa Mã ra đời. Người dân cũng cảm thấy loại bánh mì này ăn tiện lợi và cũng đầy đủ dưỡng chất, nên dần dà, bánh mì được bán ở nhiều nơi.

Nổi danh khắp thế giới

Bánh mì Việt Nam có nhiều loại, bánh mì xíu mại, bánh mì que, bánh mì thịt, bánh mì đậu, bánh mì trứng ốp la, bánh mì pa tê, bánh mì bơ, bánh mì chả cá, bánh mì chả giò... Mỗi loại bánh mì có một đặc điểm riêng và hương vị riêng đậm chất Việt Nam. Trong các thực phẩm cho kèm vào bánh mì không thể thiếu rau mùi, rau thơm, dưa chuột tươi, dưa chuột ngâm chua hoặc cải chua và nhiều loại rau khác tùy thuộc loại bánh.

Bánh mì Việt Nam bán ở đường phố khiến người nước ngoài thích thú, đó là kiểu bánh mì được nướng trên than, hoặc áp chảo, có các thực phẩm đi kèm. Ai ăn tương ớt, ớt tươi có thể được cho vào, còn không thì thôi. Bánh mì hiện nay trở nên phổ biến, được bán ở hầu hết các con phố ở các thành phố lớn, và ở thôn quê cũng có bánh mì. Bánh mì giờ cũng trở thành món ăn chính, tức ăn thay cho bữa chính đối với những nhân viên văn phòng, hay học sinh, sinh viên, bởi dưỡng chất ở trong bánh mì giờ cũng đầy đủ do nhiều thực phẩm được cho kèm vào. 

Tờ Guardian của Anh xếp bánh mì Việt Nam ở vị trí thứ hai trong danh sách “10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn nhất thế giới”. Bánh mì Việt Nam cũng được ca ngợi trên tờ CNN. Tạp chí National Geographic từng chọn bánh mì Việt Nam là một trong 11 món ăn ngon nhất đường phố. Nó cũng từng lọt vào Top 20 và top 10 trên các trang báo du lịch nổi tiếng thế giới.

Đặc biệt, năm 2018, bánh mì ở Hội An được CNN gọi là “Vua của các món sandwich trên thế giới”. Mới đây nhất, một vinh dự không kém phần “đình đám” đó là vào ngày 24/3/2020, bánh mì Việt Nam xuất hiện trên giao diện trang chủ Google tại hơn 10 quốc gia: Việt Nam, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Canada, Australia, New Zealand, Singapore, Áo... hình ảnh bánh mì kẹp động, với việc bánh mì được mở ra, rồi các thực phẩm, rau, gia vị bay vào trông rất hấp dẫn và rất Việt Nam.

Có lẽ do tính giản đơn, tiện lợi và đi kèm các thực phẩm truyền thống mà bánh mì Việt Nam nổi danh thế giới. Một số loại bánh mì Việt Nam có mặt trên thế giới và vang danh, như Bánh Mì Saigon ở New York, Bun Mee ở San Francisco, Bánh Mì Boys ở Toronto, Bánh Mì Thi-Thi ở Calgary, Mr. Bánh Mì ở Prague... và nhiều tiệm bánh mì khác ở Đài Loan. 

Bánh mì Việt Nam được coi là những món ăn nổi danh thế giới. Cùng với “Phở” (pho) và “Áo dài” - (ao dai), “Bánh mì” - (banh mi) của Việt Nam đã có tên trong từ điển Oxford vào tháng 24/3/2011. Từ điển Oxford là từ điển tiếng Anh uy tín và bán chạy trên thế giới, nên từ bánh mì được vinh danh trong từ điển này là điều đáng tự hào của người Việt Nam.

Dù bánh mì là “đứa con lai”, nhưng giờ nó đã chính thức được mang “quốc tịch” Việt Nam với cách làm và cách chế biến, cách cho gia vị đều là của người Việt Nam. Và thực tế là bánh mì ở mỗi địa phương của Việt Nam lại mang phong vị riêng khác nhau và đều rất ngon như bánh mì Sài Gòn, bánh mì Hà Nội, bánh mì Quảng Nam, bánh mì Nha Trang, bánh mì Hải Phòng... 

Cũng như, thế giới khẳng định, bánh mì Việt Nam chẳng có gì giống là một phiên bản của bánh mì Pháp. Trên BBC từng nhận định bánh mì Việt Nam là loại bánh mì ngon nhất thế giới. Nhiều người nước ngoài coi bánh mì Việt Nam là loại sandwich tuyệt vời nhất mà họ từng được ăn.

Bánh mì Việt Nam lâu nay được thế giới công nhận có sự kết hợp hòa giữa tinh hoa ẩm thực dân tộc với ẩm thực thế giới. Thông qua việc bánh mì được vinh danh, đất nước và con người Việt Nam càng được thế giới biết đến.

Và từ bánh mì, chúng ta có thể nâng tầm nhiều món ăn truyền thống khác thành món ăn phổ biến toàn cầu, cũng như áp dụng cách thức làm bánh mì nổi danh để thúc đẩy nhiều mặt khác của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đọc thêm