Những tín hiệu vui cho phố cổ Bao Vinh

(PLVN) - Phố cổ Bảo Vinh là một phần của di sản văn hóa Huế, tuy nhiên, nhiều năm nay, những ngôi nhà cổ tồn tại trên trăm năm tuổi ở đây đã xuống cấp, mất dần theo thời gian, nhiều giá trị của phố cổ cũng mất dần. Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định đầu tư nhiều tỷ đồng để bảo tồn phố cổ này. 
Phố cổ Bao Vinh là một phần của thương cảng Thanhh Hà- Bao Vinh sầm uất thời chúa Nguyễn
Phố cổ Bao Vinh là một phần của thương cảng Thanhh Hà- Bao Vinh sầm uất thời chúa Nguyễn

10 tỷ đồng khởi động dự án bảo tồn phố cổ

Nằm cách trung tâm thành phố Huế chừng 3km, phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế ) là một phần của thương cảng Thanhh Hà - Bao Vinh sầm uất thời chúa Nguyễn. Ngày trước Bao Vinh cùng với Hội An là cửa ngõ mậu dịch lớn nhất Đàng Trong, mỗi ngày đón các thương thuyền Ma Cao, Trung Quốc hay các nước châu Âu đến giao thương. Nơi đây, tồn tại những ngôi nhà rường với ngói liệt và những căn nhà tư giác mang kiến trúc Pháp. 

Vẻ đẹp tự nhiên kết hợp với những ngôi nhà cổ nằm san sát nhau mang đến một không gian thư thái, bình yên và thôn dã làm mê mẩn lòng người. Nhưng đó là câu chuyện của hàng chục năm trước qua lời kể của những người dân nơi phố cổ Bao Vinh.

Bên trong ngôi nhà cổ đã xuống cấp, ông Phan Văn Tâm cho biết, trước đây, Bao Vinh có rất nhiều ngôi nhà cổ, đông đúc người qua lại. Giờ thì còn được khoảng 10 ngôi nhà kiểu chắp vá, xuống cấp nghiêm trọng. Để sửa chữa lại những căn nhà cổ là rất khó đối với gia đình ông Tâm cũng như nhiều gia đình ở đây. Hàng ngày, họ phải bất lực nhìn những cái kèo, cái cột, cái mà gọi là di sản rơi rụng vì thiếu kinh phí.

Những ngôi nhà bên sông ở phố cổ Bao Vinh đã được sơn mới
Những ngôi nhà bên sông ở phố cổ Bao Vinh đã được sơn mới 

Trước thực trạng đó, để bảo tồn những giá trị vốn có của phố cổ Bao Vinh, trong lần tiếp xúc và làm việc với UBND thị xã Hương Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc đã yêu cầu Sở Xây dựng hỗ trợ, rà soát tổng thể các quy hoạch có liên quan để cung cấp thông tin, hướng dẫn địa phương tổ chức rà soát, báo cáo đánh giá việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị đô thị phố cổ Bao Vinh đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt vào năm 2003.

Mặt khác, tỉnh cũng giao cho UBND thành phố Huế rà soát việc triển khai thực hiện quy hoạch các khu vực phố cổ Chi Lăng, Gia Hội để đảm bảo có đánh giá chung về việc triển khai thực hiện, quản lý các khu vực phố cổ trên địa bàn tỉnh.Trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND thị xã Hương Trà xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng và phát huy giá trị đô thị phố cổ Bao Vinh để theo dõi, thực hiện các dự án.

Trong đó, xác định sự cần thiết, số lượng, phương thức thực hiện các dự án trong giai đoạn hiện nay như: Dự án triển khai thực hiện phân luồng giao thông, hạn chế xe đi vào khu vực, xây dựng và tổ chức thực hiện dự án nắn chỉnh đường Bao Vinh; Nâng cấp hạ tầng đường Bao Vinh, kết hợp nâng cấp hạ tầng đường với việc hình thành các tiện ích đô thị như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh…

Sau buổi làm việc, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất hỗ trợ kinh phí khoảng 10 tỷ đồng để triển khai thực hiện đề án bảo tồn nhà cổ và đồ án thiết kế đô thị khu vực phố cổ này. Quá trình thực hiện đề án, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các ngành có liên quan và người dân khu vực phố cổ Bao Vinh để đảm bảo tính công khai, minh bạch và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện.

Sơn nhà cho phố cổ 

Theo đề án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, phố cổ Bao Vinh sẽ trở thành một trong những không gian đi bộ của Huế, được bảo tồn thông qua việc tái sử dụng những ngôi nhà truyền thống, tạo không gian buôn bán các mặt hàng của các làng nghề truyền thống. Theo đó, với mong muốn xây dựng một không gian du lịch, tạo cảnh quan đẹp cho phố cổ Bao Vinh dọc bờ sông Hương, vừa qua tỉnh Thừa Thiên Huế cũng triển khai phát miễn phí sơn màu cho những hộ dân ở đây. 

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà cho biết: Các nhà ở phố cổ Bao Vinh, phía dọc sông Hương được xây dựng từ lâu, trong đó, có 6 nhà lục giác. Các nhà được xây dựng hướng ra đường Tỉnh lộ 4 nên được người dân nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang... Riêng mặt sau các căn nhà, phía dọc theo bờ sông Hương hiện đã xuống cấp và nhìn rất nhếch nhác.

Nhà cổ, nét đặc trưng của phố cổ Bao Vinh
 Nhà cổ, nét đặc trưng của phố cổ Bao Vinh 

“Để tạo điểm nhánh cho phố cổ, nhóm Huế Du lịch kết nối (Hue Tourism Connect - HTC) đã đưa ra ý tưởng phủ một màu sơn mới cho mặt sau các căn nhà để tạo nên một điểm nhấn khi đi thuyền trên sông Hương nhìn vào sẽ tạo những ấn tượng cho phố cổ Bao Vinh. Ý tưởng được ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng tình, hỗ trợ kêu gọi các mạnh thường quân, các doanh nghiệp hỗ trợ sơn, ngày công để thuê thợ sơn, sơn cho tất cả các hộ dân”- ông Thắng chia sẻ thêm.

Theo thống kê, có 54 hộ sẽ được hỗ trợ 1kg sơn/5m2 (với tổng diện tích cần sơn là khoảng 2.000m2) để sơn lại mặt sau của các căn nhà. Tuy nhiên, khi chuẩn bị sơn đã có 1 hộ dân xin rút lui để xây dựng nhà mới và triển khai sơn sau khi hoàn thành nhà. Các hộ dân sẽ tự đăng ký 1 trong 5 màu sơn theo quy định. Và đến nay, tất cả các căn nhà đã được sơn hoàn thành, nhìn rất ấn tượng.

Việc “thay áo mới” cho các ngôi nhà giáp mặt sông Hương tại phố cổ Bao Vinh góp phần nhằm tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch đến với phố cổ này. Một người dân sống ở phố cổ Bao Vinh chia sẻ: “Từ lâu, mặt sau những căn nhà bên dòng sông Hương rất ít được người dân để ý, việc sơn mặt sau các căn nhà cũng gặp khó khăn vì giáp với mặt nước, có nơi rất sâu, không có điểm tựa để sơn khiến người dân để vậy. Từ khi UBND tỉnh, thị xã có phương án hỗ trợ sơn, ngày công để triển khai việc sơn mặt sau các căn nhà, người dân nơi đây ai cũng mừng. Sau khi sơn xong các căn nhà nhìn như mới, rất đẹp... 

Đọc thêm