Nỗi đau của hai người vợ trong phiên tòa xét xử kẻ dí điện giết người

(PLVN) - Quá trình làm nghề chài lưới Trần Văn Hoa (SN 1984, ngũ xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã dùng kích điện cướp đi mạng sống người khác để giải quyết mâu thuẫn. Vụ án qua đi nhưng nỗi đau về mất trụ cột gia đình, để lại khoảng trống mênh mông trên đôi vai những người vợ.
Bị cáo Trần Văn Hoa tại phiên tòa
Bị cáo Trần Văn Hoa tại phiên tòa

Án mạng từ mâu thuẫn nhỏ

Trần Văn Hoa (SN 1984), là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em, sống bằng nghề chài lưới trên sông Lam. Lớn lên, Hoa thoát li vào miền Nam làm thuê với hy vọng thay đổi vận mệnh nhưng công việc không như mong muốn. Do vậy, thanh niên này đành quay về quê nhà nối nghiệp cha rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái.

Vợ Hoa – chị Hồ Thị Thu Hoài (SN 1997) cũng sinh ra trong gia cảnh khó khăn nên sớm vất vả, lam lũ. Mới ngoài 20 tuổi nhưng người phụ nữ này đã có đến 3 đứa con lít nhít. Do đó, cuộc sống vốn đã vất vả càng khó khăn hơn.

Cũng vì áp lực kinh tế, kiếm tiền nuôi các con nên vợ chồng Hoa cần mẫn làm nghề chài lưới trên sông Lam. Tuy nhiên, trong một lần sang chèo thuyền làm nghề, giữa vợ chồng Hoa đã phát sinh mâu thuẫn với gia đình khác dẫn đến án mạng đau lòng.

Theo đó, sáng 1/10/2018, vợ chồng Trần Văn Hoa cùng vợ chồng người anh trai và vợ chồng người bạn dong thuyền ra sông Lam bắt cáy. 3 chiếc thuyền đi vào khu vực bãi bồi thuộc xóm 5 (xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) thì gặp anh Hồ Đức Trỗi (SN 1994) cùng người thân đang bê cọc để rào khu vực bắt rươi. Cho rằng nhóm của Hoa xâm phạm khu vực bãi bồi do nhà mình quản lý nên Trỗi đuổi theo thuyền của những người này.

Lúc này, ông Trần Văn Sinh là anh trai Hoa, vốn bị tàn tật, nói Trỗi thông cảm và có thừa nhận bắt mấy con cáy và đưa giỏ đựng cáy cho Trỗi xem. Trỗi đập giỏ cáy vào thành thuyền rồi vứt xuống sông. Thấy anh mình bị đập mất giỏ cáy, Hoa nói vợ quay thuyền lại, nhặt 1 khúc gỗ trên sông đánh anh Trỗi và đuổi anh này xuống khỏi thuyền anh trai mình.

Anh Trỗi nói để đợi thuyền của bạn lại nhưng Hoa bắt nhảy xuống sông. Khi thuyền của bạn mình lại gần, anh Trỗi nhảy sang. Lúc này, Trỗi và Hoa đứng đối diện nhau trên 2 chiếc thuyền. Trỗi nhặt một cọc gỗ trên thuyền, giơ lên đánh Hoa nhưng không trúng.

Hoa cầm kích điện dùng để đánh cá dí vào người Trỗi khiến nạn nhân trúng luồng điện mạnh, ngã xuống sông. Thấy thế, Hoa cùng vợ điều khiển thuyền bỏ chạy. Anh Trỗi được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong sau đó do bị suy hô hấp, suy tuần hoàn vì bị điện giật.

Ngày hôm sau, biết anh Trỗi chết, Trần Văn Hoa đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình. Mất đi trụ cột lao động, lại một mình lo cho 3 đứa con nhưng vợ bị cáo cũng cố vay mượn để bồi thường cho gia đình anh Trỗi 40 triệu đồng mong giảm án cho chồng trước ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm.

Nỗi đau quặn thắt của 2 người vợ

Phiên tòa sơ thẩm xét xử Trần Văn Hoa về tội “Giết người” diễn ra vào một ngày cuối tháng 2/2019 đã tuyên phạt bị cáo 19 năm tù. Về phần dân sự, tòa buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 170 triệu đồng, cấp dưỡng nuôi 2 con nạn nhân mỗi tháng 1 triệu đồng/cháu cho đến khi trưởng thành. Không đồng tình với bản án trên, cả bị cáo và bị hại đều làm đơn kháng cáo.

Trong khi bị cáo làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt, thì bị hại làm đơn đề nghị tăng án đối với bị cáo Hoa và đề nghị xử lý hình sự đối với vợ bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào cuối tháng 11, đưa ra lý do kháng cáo. Hoa trình bày chi tiết đầu thú, thành khẩn khai báo và đã bồi thường một phần tổn thất cho gia đình bị hại. Trước sự chứng kiến của HĐXX, vợ bị cáo đã đưa cho vợ bị hại 50 triệu đồng.

Sau khi ký nhận việc đồng ý lấy tiền bồi thường từ gia đình bị cáo nhưng gia đình bị hại vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Bố của bị hại còn đề nghị tòa xem xét việc bỏ lọt tội phạm. Phía bị hại cho rằng trong vụ án này vợ bị cáo là Hồ Thị Thu Hoài cũng có liên quan nên đề nghị tòa xem xét.

Vợ của người bị hại trình bày quan điểm tại phiên tòa
 Vợ của người bị hại trình bày quan điểm tại phiên tòa

Cùng ngồi chung một dãy ghế tại tòa nhưng vợ bị cáo và vợ bị hại luôn tránh mặt nhau. Trong khi gương mặt của vợ bị hại là nỗi đau khổ rười rượi thì ánh mắt của vợ bị cáo cũng buồn rầu không kém. Gia đình bị cáo cho biết, để có thêm khoản tiền bồi thường cho gia đình bị hại, chị Hoài phải vay mượn khắp nơi.

Từ ngày chồng vướng vào lao lý mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình đều do một mình chị gánh vác. Do vậy, mới 22 tuổi nhưng trông người phụ nữ này khắc khổ, làn da sạm đen, già hơn cả chục tuổi.

Còn đối với vợ con bị hại, cái chết của người chồng khiến khó khăn trong gia đình càng chồng chất. Mất đi người đàn ông trụ cột trong nhà nên mọi công việc đều đổ lên vai người vợ trẻ. Chưa hết, việc phải lo cho 2 đứa con nhỏ khiến cuộc sống càng vất vả hơn. Phát biểu tại tòa, chị đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo.   

Cơ quan điều tra xác định Hồ Thị Thu Hoài là người điều khiển thuyền chở Trần Văn Hoa đến chỗ thuyền của ông Sinh để ngăn anh Trỗi đánh ông Sinh. Sau khi Hoa dùng kích điện dí vào người anh Trỗi làm nạn nhân ngã xuống thuyền, Hoài nổ máy thuyền chở Hoa về nhà.

Do Hoài không nhìn thấy, không biết việc Hoa dùng kích điện gí vào người anh Trỗi nên không có căn cứ xử lý hình sự đối với Hồ Thị Thu Hoài. Do vậy, tòa phúc thẩm bác kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo của gia đình bị hại.

Tại phiên tòa việc bị cáo thành khẩn khai báo, gia đình tích cực bồi thường cho bị hại là tình tiết giảm nhẹ. Do vậy, tòa chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm từ 19 năm tù xuống 18 năm tù đối với Trần Văn Hoa về tội “Giết người”.

Nghe mức án, bố của bị hại tỏ ra không đồng tình. Người này cho hay sẽ tiếp tục kháng cáo lên cấp trên. Nói đoạn, bố bị hại cùng con dâu và 2 đứa cháu buồn rầu rời khỏi phòng xử án. Hai tay hai đứa con lít nhít, chị vội dẫn các con về nhà khi trời đã quá trưa. Ở hàng ghế bên kia, vợ bị cáo cũng buồn bã rời tòa cùng 3 đứa con của mình.

Đọc thêm