Nổi nênh 200 năm nghề đan đó của người Thủ Sỹ

(PLVN) - Nghề đan đó từ lâu đã trở thành niềm tự hào, truyền thống của người dân xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Hơn 2 thế kỷ trôi qua, nghề đan đó đã nuôi sống và làm giàu cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, ngày nay cách đánh bắt cá, tôm thay đổi nên ngư cụ này không còn được sử dụng rộng rãi và đang dần bị quên lãng, kéo theo nỗi lo của nhiều người…
Nổi nênh 200 năm nghề đan đó của người Thủ Sỹ

Sản phẩm độc đáo

“Cá vào đó thì khó mà ra” - câu ca dao xưa nhắc đến một vận dụng quen thuộc của nhà nông làm bằng tre nứa dùng để bắt tôm, cua, cá của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Nằm cách Hà Nội khoảng 60km dọc theo quốc lộ 5 và tỉnh lộ 200, chỉ mất hơn một giờ lái xe là tới Thủ Sỹ - cái nôi của những chiếc đó. Thủ Sỹ có khoảng hơn 500 người làm nghề đan đó, tập trung nhiều ở hai thôn Tất Viên và Nội Lăng.

Các bậc cao niên trong làng cho biết người Thủ Sỹ biết đến nghề đan đó từ cách đây khoảng hơn 2 thế kỷ. Bà Đào Thị Mát (63 tuổi, người thôn Tất Niên) với hơn 50 năm gắn bó với nghề đan đó kể: “Đình làng thờ Thành hoàng Nguyễn Thị Huệ, được nghe các cụ truyền lại thành hoàng làng là người mang nghề đan đó truyền lại cho tất cả nhân dân ở làng này, từ đó chúng tôi cứ truyền nhau nghề đan đó, đan cả rọ tôm. Hàng năm, các thôn vẫn tổ chức lễ hội tưởng nhớ Thành hoàng làng và tổ chức các cuộc thi đan đó giữa các thôn”.

Đan đó trở thành truyền thống, niềm tự hào suốt 2 hơn 2 thế kỷ
 Đan đó trở thành truyền thống, niềm tự hào suốt 2 hơn 2 thế kỷ

Gặp các cụ, các bà đang cùng nhau đan đó ngay một con ngõ nhỏ đầu làng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với những đôi bàn tay vừa thoăn thoắt đan đó, vừa vui vẻ kể cho nhau nghe chuyện gia đình, làng xóm. Các cụ kể rằng, cách đây khoảng 20 năm, khi sản phẩm đó còn được ưa chuộng, ở làng Thủ Sỹ, nhà nào cũng đan đó mà số lượng hàng còn không đủ cung cấp cho người mua.

Hồi đó, dù đêm hay ngày cả làng lúc nào cũng rộn ràng tiếng chẻ tre, chẻ nứa. Khoảng sân rộng nhà nào cũng đầy những thân đó, nan tre, người già, trẻ nhỏ mỗi người một việc, ai cũng bận rộn... Nếu vào thời điểm thu hoạch mùa màng, người dân sẽ tranh thủ đan vào buổi chiều tối. Một người trung bình hàng ngày có thể đan được 10 chiếc đó, nếu ai nhanh có thể đan tới 20 chiếc.

Nghề đan đặc biệt cần sự khéo tay và tỉ mỉ, thế nhưng ở Thủ Sỹ, ai cũng có thể tạo nên sản phẩm. Bởi vậy, người dân ở đây thường đùa rằng họ biết nghề từ khi còn nằm trong bụng mẹ, biết đan khi mới ẵm ngửa. Bà Đào Thị Hoàn (60 tuổi, người thôn Nội Lăng) cho biết: “Làng này ai ai cũng biết đan từ già trẻ lớn bé, đàn ông cũng đều đan được. Lên 5, lên 6 tôi đã được tập học đan đó rồi. Lúc bé chưa đan được hoàn thành một chiếc thì đan những chiếc hom miệng đó. Rồi học dần những bước khó hơn như cạp, vành miệng và đan kết thúc”.

Bà Hoàn tâm sự, nghề đan đó này tiếng là nghề phụ lúc nông nhàn, nhưng đối với vợ chồng bà Hoàn thì cũng như nghề chính để làm khi tuổi đã cao, sức đã yếu. Những người con của bà ai cũng biết đan đó, thế nhưng cả 3 người con không còn ai xác định theo nghề. Bởi nghề đan đó có thu nhập rất thấp trong khi con cháu đi học có cơ hội tìm được một công việc tốt hơn. Nếu không đi học thì lớp thanh niên trong làng cũng đi làm công nhân tại các khu công nghiệp.

Những em bé từ lúc lên 5 – 6 tuổi đã học đan đó
 Những em bé từ lúc lên 5 – 6 tuổi đã học đan đó

Nguyên liệu để làm những chiếc đó phải là tre hoặc nứa già. Đầu tiên, người thợ phải rất khéo léo, chẻ những loại nan khác nhau phục vụ cho từng bộ phận của chiếc đó. Mỗi loại nan có kích cỡ khác nhau, phải được vót thật đều và mỏng, nếu mềm hay cứng quá cũng sẽ hỏng ngay. Cách chẻ nan phổ biến của người dân nơi đây là dùng tay và cằm. Phần lớn công đoạn này do đàn ông thực hiện, nan sau khi được chẻ gọn gẽ và chia ra từng loại, có độ dài vừa phải và kích cỡ tiêu chuẩn cho từng loại sản phẩm.

Hầu như chiếc đó nào cũng phải qua các khâu như vậy, nhưng loại hai đầu làm đáy khó hơn, nếu sai kỹ thuật sẽ bị dẹo đó ngay. Còn các loại đó nằm, nơm, đăng, đáy thì làm đơn giản hơn. Những chiếc đó khi hoàn thiện sẽ được đem hong trên gác bếp, làm tăng độ bền cho sản phẩm.

“Một sản phẩm đẹp phải được đan một cách cân đối, đường đan và các lớp đan phải đều nhau. Khi đan xong, sản phẩm được đặt lên gác bếp hun khô để tăng độ bền. Đó hun bằng rơm, lửa phải đều, không được cho lửa bùng. Phải hun 3 lửa mới đẹp được. Nghệ thuật hun rất khó, các cụ bà hun là đẹp nhất”, bà Hoàn chia sẻ bí kíp. 

Đó ở Thủ Sỹ có nhiều loại, tùy theo khách đặt sản phẩm nào. Mặc dù giá bán một sản phẩm rất rẻ, chỉ từ 3 nghìn rưỡi đến 4 nghìn đồng một chiếc rọ, 5 đến 7 nghìn đồng một chiếc đó nhưng đến nay nghề này vẫn phát triển khá ổn định. Đó tuy chỉ là nghề phụ ở Thủ Sỹ mỗi khi nông nhàn, nhưng lại mang đến 50% thu nhập cho người dân trong xã, giúp người dân có một đời sống kinh tế ổn định để trang trải cuộc sống.

Hàng năm, làng Thủ Sỹ cung cấp khoảng 600.000 sản phẩm cho các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định ... nơi có những cánh đồng chiêm trũng và nhiều kênh mương, sông ngòi. Một tháng trung bình người dân ở đây chở đi 10-15 chuyến đó. Người dân cho biết, cả thời chưa có xe đạp, họ đã gánh bộ đi khắp nơi bán hàng.

Nỗi lòng người Thủ Sỹ

Xã hội ngày càng phát triển, người dân cũng dần thay đổi cách đánh bắt cá, các ngư cụ như đó không còn được sử dụng rộng rãi. Trước đây nhờ nghề đan đó mà Thủ Sỹ phát triển mạnh, nhưng khoảng chục năm trở lại, nghề này không ăn thua nữa. Người mua đó không còn, các gia đình cũng ngậm ngùi đành bỏ nghề đã từng nuôi sống cả gia đình mình, chỉ còn các cụ cao tuổi say nghề lắm nên vẫn túc tắc bám nghề.

Nghề đan đó Phú Sỹ đang đứng trước nguy cơ mai một
 Nghề đan đó Phú Sỹ đang đứng trước nguy cơ mai một

Nói về nguyên nhân mai một nghề truyền thống, những người dân nơi đây cho biết, đồng ruộng ngày một thu hẹp để xây dựng các công trình, nhà ở, nguồn cá tôm khan hiếm, đồng thời cá tôm không sinh sản kịp khi bị các loại kích điện, lưới bát quái đánh bắt và tác động của sự ô nhiễm môi trường như thuốc trừ sâu, rác thải công nghiệp. Tiếp đến nguyên liệu làm đó ngày càng thiếu, tre nứa hầu hết đều bị chặt đi để thay vào đó những loại cây trồng mới. Người dân nơi đây muốn đan đó phải đặt mua nguyên liệu từ các tỉnh miền núi.

Các cụ trong làng thở dài: “Cá tôm là nguồn sống của nghề đan đó, nhưng cá tôm bây giờ cũng cạn kiệt nên nghề đó lắt lay. Cuộc sống người dân trong làng ngày càng bấp bênh bởi chủ yếu xưa nay sống nhờ nghề nông. Nhiều thanh niên nam nữ lớn lên đi làm các khu công nghiệp kiếm sống. Còn thế hệ già chúng tôi đang tìm cách giữ lửa nghề của cha ông để lại”.

  

Từ một ngư cụ bình dân, đời thường, giờ đây, những chiếc đó, chiếc rọ trở thành một sản phẩm được ưa chuộng trong lĩnh vực mỹ thuật, nội thất, tạo nên một không gian độc đáo đậm chất thôn quê.

Đặc biệt, hiện nay, sản phẩm đó để trang trí nội thất không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... Chiếc đó được đưa bóng đèn trang trí vào bên trong, có gió thổi đung đưa mang bao nét hồn quê xưa cũ. Khách nước ngoài rất thích, họ thường tìm về tận Thủ Sỹ để du lịch trải nghiệm và tìm mua các sản phẩm độc đáo vùng đất Hưng Yên.

Đọc thêm